28/05/2022 -

Bác ái xã hội

654
Hành trình yêu thương

Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm,
Mỗi hành trình là một bài học đầy ý nghĩa và giá trị.

8h ngày 14 tháng 5 năm 2022 vừa qua, các chị em Tiền Tập cùng quý Dì giáo, một số Dì trong cộng đoàn và quý vị ân nhân đã tập trung dưới sân của Tu viện Mẹ Thiên Chúa, tiếng chào hỏi vui vẻ và sắp xếp quà lên xe thật rộn ràng. Sau khi chào Bề trên Tu viện và dâng lời kinh xin Đức Mẹ phù hộ cho chuyến đi được bình an, mọi người lên xe để bắt đầu Hành Trình Yêu Thương đến với mái ấm Phan Sinh và mái ấm Chùa Diệu Pháp. Lòng tôi hân hoan, nao nức chờ đón những trải nghiệm sắp tới. Theo lời giới thiệu của Dì trưởng đoàn, xe chúng tôi sẽ đến với các mái ấm để được gặp gỡ và trao tình yêu thương cho những mảnh đời bất hạnh, bị xã hội loại bỏ.
Sau một giờ lăn bánh, xe đã dừng lại trước một Vila sang trọng, xinh đẹp mang tên: “Mái ấm Phan Sinh”. Màu xanh của thảm cỏ trước khuôn viên làm dịu đôi mắt của những con người còn đang choáng váng sau khi xuống xe. Quả đúng là công trình tay Chúa tạo dựng thật tuyệt vời, nhưng phải tạm ngưng những trầm trồ vẻ đẹp trước mắt để đến  chào thầy quản lý của mái ấm. Sau lời chào hỏi, cả đoàn được một nữ tu dòng Nô Tỳ Thánh Tâm đang phục vụ tại mái ấm dẫn đi một vòng để tham quan các khu trong mái ấm.

Khu đầu tiên mà chúng tôi đến là khu của các trẻ bại não, nơi đây, những đứa trẻ nằm trên giường, tay chân co quắp, cặp mắt vô hồn nhìn bất định, có những em phải chịu cột đôi tay có khi cả đôi chân vào nơi cạnh giường để không tự làm hại mình. Ngôn ngữ của các em nơi căn phòng này chỉ có ú ớ và la hét. Tôi tiến lại gần các em mà lòng hoang mang, vì chẳng biết làm sao để hỏi thăm và trò chuyện với chúng. Tôi chưa từng được học qua thứ ngôn ngữ nào có thể giúp tôi nói chuyện lúc này. Trông thấy có em đang la hét, tay đập mạnh vào giường, tôi bất lực bởi không hiểu được em đang cần và đang muốn giúp gì. Thế tôi mới hiểu được và thêm trân quý những món quà mà tôi đã nhận được cách nhưng không từ nơi Thiên Chúa là cơ thể, sức khỏe, tâm trí bình thường... thế mà có khi tôi đã lãng phí và chẳng biết trân trọng. Tôi đưa tay nắm lấy đôi bàn tay co quắp của một em bé đang nằm trên chiếc giường sắt, khẽ mở từng ngón tay của em, xoa nhẹ, rồi kết chặt lấy tay em trong tay tôi. Đó là điều duy nhất tôi có thể làm để trò chuyện cùng em. Lòng nặng trĩu ưu tư, tôi thấy thương các em thật nhiều.
Mang theo những suy tư về các em còn đang dang dở, tôi cùng cả đoàn đi tới những bệnh nhân tâm thần với hai khu vực rõ ràng cho nam và nữ. Nơi đây có vẻ ồn ào, náo nhiệt hơn khu bại não trước đó. Các bệnh nhân đi lại, cười nói rộn ràng, có những người tỉnh táo hơn biết đến chào hỏi các Sơ, còn những bệnh nhân nặng ở trong các căn phòng khoá cửa cũng giơ tay ra để xin kẹo bánh. Có bệnh nhân ra gặp tôi và nói toàn tiếng Anh, tôi chỉ biết đáp lại “Oh, yes yes” và “thank you”, mà thật sự chưa hiểu người ấy nói gì. Tôi nghĩ có lẽ người ấy đã từng rất thành công, nhưng sau một biến cố nào đó mới ra nông nỗi như thế. Tôi nhận ra nét mặt vui vẻ của họ, khi có đoàn chúng tôi vô thăm và phát quà cho họ. Niềm hạnh phúc của họ dường như đơn giản lắm: chỉ cần có quà và có người quan tâm hỏi thăm đôi chút là đủ. Lúc đi sâu hơn vào khu tâm thần của nam, tôi hơi e ngại khi thấy một nhóm đủ mọi lứa tuổi trung niên, thanh niên, thiếu niên …chỉ mặc mỗi chiếc quần ngắn, có khi chỉ là chiếc tã trên người. Sau vài phút định thần, tôi đã gạt qua những cảm xúc ấy để có thể đến gần họ hơn, để trò chuyện, trao quà bánh và đút cơm, lấy nước cho họ bởi họ là hình ảnh của Chúa Kitô. Tôi chợt ví họ như một nhóm trẻ đặc biệt: Các trẻ đi lại lộn xộn trong lớp, nói linh tinh những điều chúng đang nghĩ và chúng cũng thích được cô giáo như tôi quan tâm đến. Chỉ có điều, các trẻ ấy lớn tuổi quá!

Đang miên man với những suy nghĩ ấy, tôi được một chị em kéo vội đi cho kịp với mọi người lên lầu trên để thăm các cụ già neo đơn. Các cụ vui lắm khi có người đến thăm, chào hỏi, nói cười, có cụ lục lọi, lấy hết trong tủ nào mì gói, cháo gói, bánh mì khô mời các Sơ, nhưng cũng có những cụ vẫn trầm tư suy nghĩ và chẳng nói gì. Tôi chợt thấy  đắng, khi nhìn những con người đã dành trọn cả đời để lo cho con cái, rồi khi về già lại bị chính con mình hất hủi, bỏ rơi. Có những người sau một tai nạn lớn, được đưa đến mái ấm vì không còn ai thân thích, những người quen biết trước kia cũng gần như bỏ mặc… Nhưng tất cả họ được yêu thương đón nhận khi quy tụ về đây, được cùng sống chung và trao cho nhau những niềm vui, những an ủi của tuổi già.

Đi hết một vòng nơi mái ấm cũng đã tới giờ cơm của bệnh nhân, chúng tôi đến khu tâm thần để đút cơm cho họ. Được trở lại lớp học đặc biệt, tôi đến với một em thiếu nhi khoảng 12-13 tuổi và đút cơm cho em. Em bị cột hai tay nơi đầu giường, nhưng vẫn có thể đứng lên và ngồi xuống. Sau một buổi sáng, có lẽ em đang rất đói, em chỉ quan tâm đến tô cơm của em, còn tôi thì em không chút ngó ngàng, mãi cho đến khi tôi vuốt ve đôi bàn tay và đặt vào đó một cái bánh, em mới nhìn đến tôi, tôi nở nụ cười, còn nét mặt em sáng lên tỏ vè hài lòng. Rồi một bạn thiếu niên khác chừng 17 tuổi đến ngồi cạnh tôi trên chiếc giường của em bé kia, bất giác gọi tôi hai tiếng: “Mẹ ơi!” và hỏi: “Ba đâu rồi?”, tôi hoang mang không biết phải trả lời như thế nào cho phải: “Ba đi làm rồi con!”
 
Tôi sợ đụng phải vết thương nào đó của em trong quá khứ, tôi biết em đang rất nhớ những người thân của mình. Tôi lảng qua chủ đề khác: “Con ăn kẹo không?” Em xoè tay và gật đầu, nhận lấy kẹo rồi đi chỗ khác. Tôi để ý em nhiều hơn, em cứ lấy tay làm điện thoại mà gọi cho ba, cho mẹ, nhưng chẳng ai nhấc máy trả lời. Tôi phần nào hiểu được nỗi lòng của em…Giờ cơm của lớp học đã kết thúc từ lâu, nhưng tôi vẫn nán lại để trò chuyện với những học sinh đặc biệt nơi đây, chút gì đó tôi thấy mình được “thu hút” bởi những thiên thần này.

Sau giờ cơm trưa thân mật, cả đoàn vui vẻ xuống bếp để phụ giúp chuẩn bị thực phẩm cho bữa chiều và ngày mai. Công việc đơn giản chỉ là nhặt rau củ và bóc trứng…những thực phẩm ấy cũng là của những tấm lòng hảo tâm nơi chợ Sông Mây gần đó giúp đỡ mái ấm.

14 giờ 15 phút, chúng tôi bắt đầu phụ đút cơm chiều cho các bệnh nhân. Lần này, tôi đổi xuống phòng khuyết tật và đút cơm cho một em bại não, nhưng em mới ăn được 3 muỗng thì cha của em tới thăm và đút cho em. Em mới được gửi vào đây ba tháng, cha mẹ đi làm và nuôi hai đứa con khác, không thể chăm sóc em được nên đã gửi em vô đây để được chăm sóc kỹ hơn. Không làm phiền hai cha con, tôi lại đi lên khu tâm thần nam, lớp học đặc biệt. Mỗi lần lên là một sự kiện khác, mỗi bệnh nhân để lại cho tôi những suy nghĩ khác. Tôi đã ở lại với các “học sinh” này đến giờ lên xe. Một bé bị bệnh đao ôm lấy tôi chào tạm biệt và khó khăn lắm để nói với tôi hai từ “Bai bai”. Tôi đã ra đến ngoài xe, nhưng vẫn còn nghe tiếng em đập cửa bên trong và vẫy tay chào tôi và mọi người. Trái tim tôi như muốn ở lại.

Ôi những số phận đáng thương, những hình ảnh lạ lùng của Thiên Chúa. Thương họ bao nhiêu, tôi cũng thầm trách mình bấy nhiêu vì bao lâu nay tôi không biết quý trọng những gì mình đang có một cách quá đầy đủ. Tôi còn thờ ơ và bỏ qua bao nhiêu cơ hội hi sinh để cầu nguyện cho những con người ấy. Tôi cần thêm thời gian để có thể ngẫm lại những điều được phản tỉnh qua những bệnh nhân nơi mái ấm này.

Khoảng 15 giờ 15 phút, xe bắt đầu khởi hành đến địa điểm thứ hai của Hành Trình Yêu Thương, đó là mái ấm Chùa Diệu Pháp. Chỉ mất 30 phút ngồi trên xe, chúng tôi đã đến trước cổng Chùa. Một khung cảnh bình yên và thanh tịnh với hàng cây xanh. Sau khi chào hỏi sư Thầy, chúng tôi được Thầy đưa đi tham quan khung cảnh phía ngoài của Chùa, cùng giải thích một số nghi thức và ý nghĩa của ngày lễ Phật Đản, có những điều tôi đã nghe nhiều nhưng bây giờ mới hiểu. Thật đúng là mỗi tôn giáo có một nét khác biệt. Đi hết khu vực phía bên ngoài, Thầy đưa chúng tôi vào thăm các em bé trong mái ấm. Nơi đây có khoảng chừng 50 - 60 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Các em bé nơi đây thật đa dạng: có bé mới được mấy tháng, có bé 2,3 tuổi, có các bé đã đi học tiểu học, trung học và cả đại học nữa; có bé bị bại não, bị đao, dị tật, bé thì được người này người kia gửi tới, bé thì được bỏ trong thùng giấy trước cổng Chùa. Khi được đưa đến phòng tiếp khách của Chùa, cả đoàn như ngỡ ngàng vì sự thành công của những các em mồ côi xuất thân từ mái ấm này. Nơi đây, các em được tạo mọi điều kiện để phát triển bình thường như bao trẻ khác, được ăn mặn, được tự do chọn tôn giáo và tự do chọn lựa tương lai của mình (nơi ngôi Chùa này, đã có một linh mục thuộc giáo phận Xuân Lộc). Nhìn các bé nơi mái ấm này vui cười thật hồn nhiên, lòng tôi ấm lại. Tuy các bé vẫn có những thiệt thòi hơn so với các bạn có đầy đủ cha mẹ, nhưng vẫn được xã hội nhìn nhận, vẫn có thể tạo lập tương lai xán lạn. Thế mới thấy khâm phục sư Thầy và sư Cô nơi đây vì sự giáo dục và tấm lòng từ tâm của họ.

Chuyến đi kết thúc, nhưng lòng tôi vẫn còn đọng lại với bao hình ảnh, bao câu nói của các bệnh nhân nơi mái ấm Phan Sinh và mái ấm Chùa Diệu Pháp. Một câu nói chuyện của sư Thầy khi cảm ơn đoàn chúng tôi làm tôi cũng phải suy nghĩ: “khi các bé lớn lên và thành công, lại tiếp tục có những mảnh đời bất hạnh khác được gửi vào, và công việc của mái ấm vẫn cứ như dòng nước chảy mãi”. Còn tôi, trong lòng tôi chưa bao giờ để dòng nước của những việc bác ái chảy mãi, tôi còn bác ái chọn lựa, bác ái phân biệt, bác ái có điều kiện… trong khi Chúa yêu tôi thì vô điều kiện. Quả thật, chuyến đi này, trải nghiệm này thật giá trị và đáng nhớ!

Maria Thanh Xuân
 
114.864864865135.135135135250