26/05/2022 -

Bác ái xã hội

548
Ngôn ngữ của trái tim

Em!

Tôi muốn viết về em bằng tất cả lòng thương cảm của tôi dành cho em. Có lẽ cuộc gặp gỡ với em là cả một kí ức khó quên trong cuộc đời tôi.

Ngày hôm ấy, tôi có cơ hội đến thăm mái ấm Phan Sinh, chính nơi này tôi đã gặp em. Căn phòng đầu tiên mà tôi bước vào là căn phòng dành cho những trẻ em mồ côi, khuyết tật. Tôi thăm hỏi tất cả các bé trong căn phòng ấy, và rồi tôi bước tới giường em đang nằm. Khuôn mặt em ngây ngô, đôi mắt em nhìn tôi mà không nói được gì, tôi chỉ nghe tiếng “ư, ứ” phát ra từ cổ họng em. Cũng như bao đứa trẻ trong căn phòng ấy, lúc đến chỗ em, tôi chỉ biết vỗ về khuôn mặt ngây ngô của em. Vì dù tôi có nói gì, em cũng chẳng hiểu. Bởi thế tôi chỉ biết cười với em, vỗ về em. Tôi nhớ rõ lắm: lúc tôi đưa tay áp vào má em, em cười sung sướng lắm. Em còn đưa vai mình áp vào tay tôi. Tôi bối rối vì không biết em đang cười hay đang khóc, vì lẽ có những giọt nước mắt rơi ra từ khoé mắt em. Mọi người nói với tôi rằng em đang cười đó. Nghe thế, lòng tôi bỗng se thắt lại. Em cười vì em hiểu rằng tôi đang quan tâm em, em cười vì em cảm nhận được có người đang yêu thương em. Nhìn em cười, tôi lại oà lên khóc. Tôi khóc vô tư như một đứa trẻ. Tôi khóc cho số phận em, bởi lẽ em cũng đáng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc như bao thiếu nữ khác. Tôi khóc vì tay chân em bị trói lại nơi bốn góc giường. Và lúc ấy tôi hiểu rằng, chỉ có những hành động phát xuất từ trái tim mới làm cho em hiểu được, bởi lẽ trái tim cũng có thứ ngôn ngữ riêng của nó. Và rồi tôi nán lại chỗ em và bắt đầu hỏi chuyện về em.

Sở dĩ phải trói tay chân em lại như thế vì lẽ em không ý thức được hành vi của mình. Nếu cứ để tay chân em tự do, em sẽ tự làm hại đến thân thể mình. Em ơi! Nghe chua xót quá! Đến lúc tôi phải vẫy tay chào em để đi thăm các bệnh nhân ở các phòng khác, em hét lên, em lật người qua lật người lại. Có lẽ em muốn đi và có lẽ em mong người khác cũng đừng rời bỏ em. Tôi hứa với lòng mình tôi sẽ quay lại với em trong giờ cơm trưa.

Và rồi giờ cơm trưa đã tới, tôi đã đến bên giường em. Mắt em sáng lên khi thấy tôi bước tới, và tôi cũng vui khi được cho em ăn. Bây giờ em được mở xích ở chân để ngồi dậy ăn cơm. Tôi cho em ngồi tựa vào thành giường để em được thoải mái. Tôi bắt đầu đút cho em ăn. Em là đứa trẻ có thể ăn được cơm, không phải ăn cháo như một vài bạn khác. Em ăn cũng khá giỏi và tôi lấy làm vui vì điều ấy. Thời gian cho em ăn là cả một dòng suy tư đang bắt đầu dâng trào trong đầu tôi.

Tôi thương em vì tôi nghĩ: Em không biết khóc cho thân phận mình đâu em nhỉ? Em cũng chẳng bao giờ oán trách cuộc đời, oán trách người khác đúng không em? Kiếp sống của em giờ đây chỉ gắn bó với chiếc giường, cứ tới giờ là ăn và thay quần áo. Cuộc sống của em hoàn toàn lệ thuộc vào người khác. Em không có quyền quyết định hay chọn lựa bất cứ điều gì. Có lời bài hát cứ trào dâng trong lòng tôi: “Xin dùng con đi khắp mọi miền, làm tay chân cho người què cụt, cùng làm tai cho người bị điếc”. Tôi được mời gọi làm gì đấy cho em. Nhưng tôi chẳng biết phải làm gì, tôi thấy mình bất lực, tôi chỉ biết dùng  tình thương để tặng em, chỉ vậy thôi.

Em ơi! Cám ơn em thật nhiều. Bởi lẽ khi nhìn thấy em, tôi thấy mình thật may mắn và tôi  nhớ tới câu nói của nữ nhà văn Mỹ Helen Keller : “Tôi đã khóc vì không có giày cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”. Những thứ tôi cho là đau khổ, buồn phiền đến với tôi có đáng là gì so với những gì em đang phải gánh chịu. Nhìn em, tôi lại có thêm động lực và quyết tâm đổi mới con người mình vì cái phúc mà tôi đang được lãnh nhận. Mỗi khi có suy nghĩ muốn so đo, tính toán, tôi xin nhớ về em để trái tim tôi được rộng mở với mọi người. Tôi muốn mang hình ảnh của em để bước đi trên hành trình dâng hiến của tôi, để mỗi khi gặp thử thách, chông gai, chính hình ảnh về em sẽ vực tôi dậy.

Em ơi! Nhìn em, tôi mới thấy mình là người hạnh phúc và may mắn vì tôi được sinh ra trong một thân thể lành lặn. Tôi tạ ơn Chúa vì ơn lành ấy. Nhưng em ơi, tôi vẫn tin rằng Chúa yêu thương em và quan phòng em theo cách của Ngài, chắc chắn cách Ngài yêu thương em không theo cái chuẩn mực và thước đo của con người. Nhưng tôi đâu thể nói điều ấy với em, tôi chỉ biết dâng em cho Chúa. Ước mong có nhiều tấm lòng quảng đại để giúp đỡ những người như em.

Thương em!

Hoa Dại

 
114.864864865135.135135135250