20/08/2021 -

Bác ái xã hội

1551

Mặc dù đại dịch vẫn đang rất căng thẳng, nhưng những ngày qua hình như mọi người đã tạm quên đi nỗi ám ảnh về những con số (số ca tử vong, số F0,F1, F2…) mà lại đổ dồn hết sự quan tâm đến đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, đặc biệt là các tu sĩ tình nguyện viên đang phục vụ nơi tuyến đầu, vì có lẽ lúc này - những con người này chính là những chiếc “máy trợ thở” giúp hồi sinh sự sống mà con virus SARS-CoV-2 đang hủy hoại.  Ai cũng ghi nhận sự hy sinh, sự dấn thân, sự phục vụ của họ.

Họ hy sinh vì điều gì?
Họ phục vụ vì ai?
Động lực để họ dấn thân là gì?

Chúng ta cùng lắng nghe những chia sẻ của họ - những con người đi tìm niềm vui cho người khác. Chính họ là những tia nắng giúp cho mọi người thêm gần nhau hơn, đưa yêu thương đến với nhiều người hơn và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.


(Rosa Kim Anh)Đêm nay, có hai hình ảnh đặc biệt đánh động tôi. Đầu tiên, là một em bệnh nhân xin được cầm tay tôi. Khi em nói như vậy, tôi cũng thấy hơi sợ vì tay em đã bị buộc vào giường để không thể bứt những ống, dây quanh người. Em nói trong nước mắt: “Chị ơi, chị cho em được cầm tay chị đi.” Lúc đầu tôi chỉ cầm tay em rất nhẹ, nhưng ngược lại, em cầm tay tôi rất chặt. Không hiểu sao, tôi cũng đáp lại cái siết tay này, mặc dù vẫn còn sợ. Tôi để cho em cầm tay một lúc, em khóc và nói với tôi: “Em không muốn chết, vì chỉ có hai chị em thôi. Chị ơi, nắm tay em đi vì em đang nhớ em của em”. Khi nghe đến đây, nước mắt tôi đã rơi, và khi ngồi nhớ lại cũng vậy. Thương em, tôi chỉ biết nói: “Chị xin Chúa chữa lành cho em”. Rồi tôi đặt tay lên em và vỗ em vào giấc ngủ. Tôi cảm nhận được sự an tâm của em.

Hình ảnh thứ hai là một chị khi nhìn thấy tôi, chị lớn tiếng chào: “Chào sơ, tình nguyện viên”. Tôi vui vẻ đáp lại và rất mừng vì hôm nay chị đã khá hơn. Chị khoe với người nhà là được mọi người trong bệnh viện chăm sóc rất tốt và được các nữ tu thương. Tôi đoán chừng chị là người có đạo. Nhân cơ hội, tôi bảo chị đọc theo tôi: “Mẹ ơi! Con yêu Mẹ, xin Mẹ hãy chữa lành con”, đọc mấy lần và chị cũng đọc theo và đáp lại: “Con cũng yêu Mẹ - Halleluia – Halleluia. ”
(Ghi lại theo lời kể của Sơ Maria Nguyễn Hoa): Thấm thoát đã 10 ngày tôi hiện diện nơi bệnh viện dã chiến số 16 với vai trò là một tu sĩ thiện nguyện. Ai cũng nói vào đây là vào chỗ chết, là hy sinh, nhưng tôi thấy mình được nhiều hơn mất; được sự quan tâm, được lời cầu nguyện, được phục vụ, được cho đi… tuy nhiên, cái quý giá nhất tôi nhận được nơi bệnh viện này là đó là sự hồi sinh tâm hồn, sự khao khát sống thiện lương của các bệnh nhân được tôi phục vụ. Có những bệnh nhân nói với tôi bằng hơi thở đứt quãng "chị cám ơn em, chị hứa với bản thân khi được khỏi bệnh, chị sẽ cố gắng sống lương thiện, đi làm kiếm tiền rồi vào giúp các em” Niềm hạnh phúc trong tôi không thể diễn tả được. Ánh mắt tôi và chị nhìn nhau thật ấm áp. Lúc này, tôi thấy khuôn mặt chị ánh lên niềm vui và sự lạc quan hơn.

Không biết tương lai sẽ ra sao nhưng ít ra ngay lúc này họ đã được biến đổi, suy nghĩ tích cực hơn, hướng đến điều thiện, điều tốt đẹp hơn. Cảm được điều này, tôi thấy lòng thật vui, bình an và một sức mạnh tinh thần như đang tuôn chảy rất mạnh nơi tôi. Đó là sức mạnh để tôi phục vụ, đó là động lực để tôi dấn thân. Tạ ơn Chúa.

(Maria Hương Thảo): Ngày nào có cái khổ của ngày ấy(Mt6,34)

Câu này quá chuẩn xác trong hoàn cảnh hôm qua của nơi chúng tôi đang phục vụ.

Thang máy của toà nhà 24 tầng lầu hư.... mọi công việc từ khám bệnh, lấy sinh hiệu, phát thuốc, chích thuốc, vận chuyển cơm - nước uống và các nhu cầu khác đều phải đi bằng xe " căng hải" chỉ cần leo được lên lầu 24 như bình thường đã là một việc hết sức mệt nhọc .... vậy mà tất cả đội ngũ nhân viên y tế, tình nguyện viên, các bạn dân quân phải lên lên xuống xuống từng ấy tầng lầu với không biết bao nhiêu lần.... chỉ cần tưởng tượng thôi cũng đủ để cho đôi chân chùn bước ....
.

Nhưng vượt lên tất cả là tấm lòng yêu thương hết mình vì bệnh nhân và tinh thần hy sinh trách nhiệm, mọi người vắt hết sức lực để hoàn thành công việc cách tốt nhất.....

Nói là vắt hết sức không sai chút nào...

1. Nhân viên y tế tiêm thuốc theo y lệnh bác sĩ, leo dần lên từ tầng 5 đến tầng 21 sau khi cứ đứng lên cúi xuống từ 8giờ đến gần 11 giờ, mồ hôi chảy thành dòng khắp mặt và ứ đọng mồ hôi trong đôi bao tay.... vẫn ráng tiêm thuốc cho bệnh nhân .... nhưng đã đến giới hạn để kiểm soát mũi kim khi tầm nhìn là " ở đây sương khói mờ nhân ảnh" và cơn chóng mặt do tư thế ập đến mũi kim trật vào ngón tay của chính mình .... những tai nạn nghề nghiệp cho dù hết sức cẩn thận, hết sức bình tĩnh vẫn cứ xảy ra ... Việc tiêm thuốc cần đến người khác thay thế ngay lập tức vì thuốc dùng theo giờ, không thể để trễ hơn quy định. Công việc sẽ gánh cho nhau tuỳ hoàn cảnh không có chuyện người làm ít hay người làm nhiều mà ai cũng làm nhiều cả.....

2. 9h30 bệnh nhân trở nặng sp02 70%, NT 38 lần/ phút mệt, khó thở .... 10h00 thêm bệnh nhân khác trở nặng không thể tự đi lại theo kiểu bước xuống cầu thang được..... làm thế nào chuyển bệnh nhân xuống cấp cứu ngoài cách duy nhất là cõng trên đôi vai đã thấm mệt của nhân viên y tế.... Vâng, cõng bệnh nhân từ tầng 16 xuống trệt, rồi lại cõng thêm bệnh nhân từ tầng 8 xuống là cả một quãng đường rất rất gian nan. Bộ đồ bảo hộ thì trơn, bệnh nhân thì nặng cứ tuột xuống rồi lại xốc lên .... cả khoa lâm sàng kể cả tình nguyện viên, nam chỉ có 5 người .... Hai nam thay nhau cõng bệnh nhân được xuống trệt thì cũng nằm lăn trên giường của khoa cấp cứu.... Cái cảnh bước chân liêu xiêu, hai chân muốn quỵ xuống qua từng bậc cầu thang thấy mà ứa nước mắt... Tất cả phải thật nhanh chóng để hơi thở yếu ớt của bệnh nhân được hồi cứu. . .

3. Rồi cả hơn 500 phần ăn, 500 bình nước 5l sẽ phải chuyển lên cho bệnh nhân.... Phải vận chuyển bằng sức người ấy .... Việc này thường ngày do 4-6 em dân quân phụ trách nhưng có thang máy chuyển lên từng lầu, các em chỉ khuân vác đến từng phòng. Hôm nay thì thôi rồi.... Quá cực nhọc và vất vả luôn.... Người không nhiều để tăng cường thêm và ai cũng được phân công việc riêng mà...  chỉ thêm được 4 em dân quân để làm việc này..... Có lẽ việc làm của các em mệt khủng khiếp hơn cả sức tưởng tượng của mọi người.....

....... và bao bước chân mỏi rã rời đi kiểm tra sinh hiệu bệnh nhân bị tức ngực, khó thở, nôn ói, ho máu ...  hết lầu này qua lầu kia, hết lô D lại qua lô F .....
Mọi công việc của mọi người đều kéo dài thêm 1 giờ so với thường ngày mà cũng không xong. Sức tàn, lực kiệt 12h20 phút .... việc gì ko quá cần thiết sẽ để lúc sau làm .... Nhưng bệnh nhân nào có hiểu!!! Bệnh nhân nào có thấy... Thế nên chúng tôi phải nhận khá nhiều lời than trách, chất vấn khi mọi thứ trễ hơn mọi ngày ....

Đôi điều viết về nửa ngày vật vã và vất vả của mọi người. Thương thật thương mọi người đang ở mọi chiến trường chống dịch Covid.

Ước mong mọi người mạnh khoẻ và bình an trong mọi hoàn cảnh. Xin Ơn Trên ban cho chúng ta sức khoẻ, niềm vui và cảm nhận được ý nghĩa của việc dấn thân hy sinh cho bệnh nhân trong thời gian khó khăn này.

Sự dấn thân, sự hy sinh, sự phục vụ ấy chính là sự tử tế xuất phát từ tình yêu được nuôi dưỡng trong trái tim họ. Mong rằng, đại dịch qua đi, cuộc sống mới bắt đầu, những câu chuyện, việc làm nhân văn ấy sẽ tiếp tục nhân lên mỗi ngày để tình người tiếp tục lan tỏa, nâng đỡ và chở che những khó khăn khi ai đó đang ở trong giông bão của cuộc đời.

 
“Nơi bệnh viện xa xôi, chị đang làm gì nhỉ?
Mưa ngoài trời vẫn cứ rơi, thương chị vì mọi người”


 
114.864864865135.135135135250