12/06/2021 -

Các cộng đoàn

756
Buồn vui hai chữ: KHẤN DÒNG

Mỗi khi “Mùa khấn” tới, tâm hồn những người sống ơn gọi thánh hiến lại chộn rộn nhiều cảm xúc khác nhau. Có niềm vui của quý chị mừng kỷ niệm 60, 50, 25 năm khấn dòng. Sự hồi hộp, mong ngóng, chờ đợi xem mình có tên trong danh sách được tuyên năm nay hay không của quý chị em chuẩn bị khấn trọn và khấn lần đầu. Sự lo toan tất bật của những người làm công tác tổ chức… Tất cả những cảm xúc đó làm nên một “mùa khấn” thật nhiều kỷ niệm.

Và rồi ngày khấn cũng đến. Xen lẫn trong niềm vui hân hoan của quý chị trước sự kiện trọng đại của đời mình, là nỗi niềm rầu buồn, chán nản của những chị em không có tên trong danh sách được tuyên khấn “năm nay"- (lùi khấn)

Tôi có ích kỷ, có vô tâm, có nhạt nhẽo chăng, khi không mấy quan tâm đến niềm vui của những người đang đội trên đầu những vòng hoa, đang ôm trên tay những món quà được người thân trao tặng trong ngày hồng phúc của họ? Hay có tò mò, có thiếu tế nhị chăng, khi tôi quan tâm hơn đến tâm trạng của những chị em “chưa khấn năm nay” hay gọi là “lùi khấn?”

Đã từng là “người trong cuộc,” hẳn cũng có lý do để tôi suy nghĩ thấu đáo hơn về hai chữ “Khấn Dòng.”


Tại sao tôi chưa được khấn?

Lần nào cũng vậy, thánh lễ kết thúc, khi những “tân khấn sinh” đang tràn ngập niềm vui bên gia đình và bạn bè, thì những chị em “lùi khấn” lại kiên trì, lặng lẽ một mình trong nỗi buồn sâu thẳm. Mọi ánh mắt, mọi tiếng cười, mọi lời chúc mừng đều dành cho các tân khân sinh, ít ai quan tâm đến tâm trạng của những chị em này. Có lần, tôi đứng một góc ngắm nhìn lòng quyết tâm đầy “thánh giá” của họ. Và tôi cảm nhận được rằng: động lực để họ nhẫn nại bước tiếp không phải là danh dự của gia đình hay của bản thân, họ trung kiên, bền lòng với Chúa chỉ vì bỏ cuộc không phải là lựa chọn của họ.

Câu hỏi đặt ra là, phải chăng những người “chưa được khấn” hay “lùi khấn” là những người chưa xứng đáng, chưa đạo đức thánh thiện, chưa trưởng thành, chưa đủ tiêu chuẩn, thiếu khả năng, không thích hợp với đời tu, hay họ phạm lỗi gì đó…?

Thiết nghĩ, đó chỉ là những suy đoán từ phía con người. Không thể đo đếm được sự trưởng thành của đời tu bằng năm khấn. Cũng không có tiêu chuẩn nào để xác nhận ai xứng đáng hay không? Cũng chẳng ai là người hoàn thiện trước mặt Thiên Chúa…Tất cả chúng ta đều là những “tội nhân” được “ăn mày” nơi lòng thương xót của Ngài. Đối với Chúa chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất, đó là “tình yêu,” vì thế, không phải ngẫu nhiên hay tình cờ mà Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô 3 lần: “Con có yêu mến Thầy không” (Ga 21,15).  Là câu hỏi nhưng cũng là câu trả lời cho những ai còn “mơ hồ” về ý nghĩa đích thực của đời tu, đó là 2 chữ “TÌNH YÊU.”

Thế nên, những thụ huấn sinh phải “lùi khấn” hay khấn ít thời gian hơn với các chị em khác, không phải vì họ “rất gì và này nọ.” Đơn giản vì Chúa muốn họ có thêm thời gian để làm mới tình yêu, canh tân lòng mến, để họ thuộc về Chúa với một tình yêu thực sự tròn đầy. Vì khi tình yêu đủ lớn, thì những giới hạn của con người ít có cơ hội lớn lên. 


“Khấn dòng” phải chăng là bến đỗ cuối cùng của đời tu?

Đành rằng đi tu, ai cũng khao khát được khấn, và khấn đúng năm đúng tháng theo tiến trình đào tạo của Hội dòng, cũng như kế hoạch định liệu của bản thân. Nhưng cũng cần xác định lại, điều cốt yếu của đời tu không hệ tại ở việc khấn dòng, nhưng là việc tuyên xưng và sống ở giữa thế gian với một chọn lựa duy nhất là Đức Kitô.  Hơn nữa “việc tuyên khấn được coi như một hành vi pháp lý bao gồm những yếu tố thiết yếu là nội dung lời khấn và những kết quả pháp lý đi kèm theo việc khấn dòng và được thực hiện bởi khấn sinh có tư cách” (Giáo luật 1983  đ. 124)

Như vậy, “khấn dòng” chỉ là khía cạnh pháp lý để người tu sĩ công khai nói lời cam kết với Chúa trước mặt Đấng bản quyền và cộng đoàn về quyết tâm dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa trong Hội dòng mà mình chọn lựa.

Tu là nỗ lực rèn giũa bản thân mỗi ngày hầu trở nên “đồng hình đồng dạng” với Thiên Chúa. Thế nên, đời tu không hơn thua nhau ở năm khấn, không hơn thua nhau ở khả năng, bằng cấp, học vị,  đời tu chỉ hơn thua nhau ở lòng trung thành và tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa cần nơi chúng ta, những người theo Chúa là “lòng nhân” chứ không phải là “lễ tế”. Chính lòng mến chân thành mới làm nên giá trị con người trước mặt Thiên Chúa .

Xét về khía cạnh con người, chúng ta có lý để buồn, để chán, để băn khoăn tại sao tôi chưa được khấn, tại sao tôi khấn ít thời gian hơn các chị em khác…? Nhưng cũng thật vô lý khi một người muốn dâng hiến đời mình cho Chúa mà lại nản lòng thối chí khi không được như chị em. 

Nếu chúng ta khao khát được dâng hiến đời mình cho Chúa, thì đừng băn khoăn vì sao năm nay tôi chưa được khấn. Không khấn trước thì khấn sau, không khấn năm nay thì năm sau khấn. Việc dâng hiến của chúng ta là việc của tình yêu, mà tình yêu thì luôn có dấu ấn của thập giá, có dấu ấn của việc tự hiến, nghĩa là của lễ chúng ta dâng phải chứa đựng chính mình qua chiều kích hy sinh, mất mát, và từ bỏ.

Đức Giêsu Kitô là duy nhất của đời tu, của lời khấn, của cuộc đời dấn thân, của mọi hoạt động… tất cả chỉ có giá trị cứu độ trong Đức Kitô. Vì thế, việc “khấn dòng” không phải là bến đỗ cuối cùng của đời tu, nó chỉ là kết điểm của một hành trình nhiều năm cầu nguyện, suy nghĩ, bàn hỏi, và là khởi điểm cho một hành trình mới trong việctheo sát Đức Ki-tô hơn, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, để tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa” (Giáo luật 1983  đ. 573).

 
Mỗi chặng đường là một dịp dừng chân nhìn lại, mỗi dấu lặng trong cuộc đời là một một nhịp nghỉ để ngạc nhiên bỡ ngỡ: Tại sao Chúa lại gọi tôi? Tại sao Chúa lại thương tôi, khi tôi cũng chỉ là những con người yếu đuối, tội lỗi và bất xứng. Ý thức như thế, ta mới nhận ra cuộc đời mình là một chuỗi dài những lãnh nhận, để ta không tự hào mà chỉ biết tạ ơn, để ta không ngã lòng mà chỉ biết cậy trông và phó thác.

 Tham Nguyen
114.864864865135.135135135250