12/12/2022 -

Các cộng đoàn

434
Canh tân bản thân để gặt hái hạnh phúc đích thực
 
1. Canh tân bản thân – điều cần thiết của con người

 Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ: “Trong mỗi ngày sống, luôn có một cuộc chiến giữa ‘tinh thần thế gian’ và ‘Thần Khí của Thiên Chúa’ nơi tâm hồn chúng ta.”
[1] Do đó, việc nhìn lại bản thân để sửa đổi và thăng tiến là điều cần thiết phải thực hiện liên lỉ mỗi ngày. Canh tân hay đổi mới là điều vẫn thường được nhắc đến mọi nơi, từ ngoài xã hội cho đến các Giáo xứ, và trong toàn Giáo hội. Đối với mỗi tu sĩ, việc canh tân bản thân là điều không chỉ được nghe nói đến, nhắc nhở, mời gọi, mà còn là việc thực hành trong đời sống thánh hiến mỗi ngày.

Có vẻ khó hiểu nếu chỉ đơn thuần nghĩ rằng: Chúa đã “thánh hiến” tu sĩ rồi, vậy tại sao tu sĩ lại phải canh tân? Thực ra, Chúa là đã gọi, đã chọn, chúc lành và thánh hiến các tu sĩ, nhưng với thân phận mỏng giòn đầy bất toàn và yếu đuối, việc nhìn lại bản thân và làm “mới lại” những nét đẹp mà Chúa đã ban trong ngày ngày lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, khi nhận lãnh ân sủng trong ngày Tiên khấn hay Vĩnh khấn (và trong ngày lãnh nhận chức Thánh đối với các Linh Mục), là điều cần thiết để mỗi tu sĩ làm sáng lên hình ảnh Thiên Chúa tình yêu trong thân phận của mình. Cũng chỉ qua việc thanh luyện mỗi ngày, người tu sĩ mới có thể nhận ra tình yêu của Thiên Chúa hằng trải dài và đổ đầy trên đời mình và tha nhân một cách tròn đầy và viên mãn nhất, cản nhận hạnh phúc đích thực của ơn gọi làm con người, con Chúa, bởi vì không ai hạnh phúc hơn người cảm nghiệm bản thân mình được yêu thương vô điều kiện; và để từ đó chính tu sĩ có năng lực để cũng yêu thương tha nhân vô điều kiện như Thiên Chúa đã yêu thương mình.


2. Những điều giúp canh tân bản thân

Nhưchủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng,[2] mỗi người Kitô hữu, cách riêng mỗi tu sĩ – những người sống đời thánh hiến được mời gọi tìm kiếm và khôn ngoan nhận ra sự hiện diện của Chúa, nhận biết chính mình để cảm tạ Chúa và canh tân bản thân, nhờ biết dùng những phương tiện mà Chúa đã thương ban cho mình trong cuộc sống hiện tại mỗi ngày. Mỗi cá nhân được mời gọi hiểu biết và thực hiện việc canh tân dựa trên các phương tiện sau:

a. Thực hiện hành vi “phản tỉnh”

Để có thể canh tân bản thân, không gì khác hơn chính người đó phải có khả năng “phản tỉnh”, nghĩa là nhận ra và thực hiện việc hồi tưởng, xem xét và phân định những suy nghĩ, lời nói, hành động của chính mình dựa vào những tiêu chuẩn và giá trị mà chính Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng. Người thực hiện hành vi “phản tỉnh” sẽ luôn đặt những câu hỏi:

Những tư tưởng hay hành vi của tôi:

 
 - Có đem lại bình an và ích lợi đích thực cho tha nhân?

- Có tôn vinh Thiên Chúa?

-Trong trường hợp của tôi Chúa Giêsu sẽ hành xử thế nào?

-Tôi rút ra được bài học nào cho bản thân qua những tư tưởng, hành vi trong ngày? Tôi cần có suy nghĩ, lời nói, thái độ thế nào (kiên nhẫn, bình tĩnh, nhẹ nhàng…) để tha nhân nhận ra họ được yêu thương?  

Nếu mỗi ngày ít là một lần thực hiện nghiêm túc việc phản tỉnh như vậy, người tu sĩ sẽ nhận được bình an, sẽ trở nên người môn đệ đích thực của Đức Giêsu: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.”[3] Đích điểm của việc phản tỉnh, phải là trở nên giống Chúa Giêsu, và yêu thương tha nhân như Chúa yêu thương mình: yêu thương vô điều kiện và yêu thương đến tận cùng, đến nỗi dám hy sinh cả mạng sống mình, bởi vì “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.”[4]

b. Học những điều hay từ khoa học nhân văn

Con người mỗi thời mỗi khác do ảnh hưởng từ môi trường sống. Văn hóa gia đình, giáo xứ, cộng đồng… có tác động rất lớn tới suy nghĩ và lối sống của mỗi người.

Khoa học nhân văn giúp cho mỗi người không chỉ có khả năng lắng nghe chính mình và tha nhân, mà còn nhạy bén trước những xúc cảm và nhu cầu của tha nhân, bởi vì trong nhiều trường hợp người ta “bụng nghĩ một đường mà miệng nói một nẻo”; thay vì trình bày ý muốn hay nhu cầu của mình, lại đẩy đưa thành ý kiến người khác vì sợ sai, sợ mất thể diện, uy tín, sợ bị phê phán và thiệt thòi.

Khoa học nhân văn cũng giúp người ta biết sống với nhau tế nhị mà vẫn luôn chân thành, bởi vì cho dù bản thân mỗi người đều mong muốn người khác đỗi đãi với mình nhẹ nhàng, lịch sự, cởi mở, chân thành, quảng đại, yêu mến; nhưng bản thân mình thì nhiều lúc lại sỗ sàng với tha nhân, cho dẫu đã được lắng nghe nhiều lần lời Chúa Giêsu cảnh báo về việc có những lời nói và đối xử thô lỗ với tha nhân.
[5]

Trong những thế hệ cha ông, cách bày tỏ tình thương là “cho roi cho vọt,” ngày nay tại nhiều nước tân tiến, kết quả của cách biểu lộ tình yêu như thế sẽ dẫn đến việc bị phạt tiền hay ở tù của các bậc sinh thành. Trong đời sống tu trì, nếu những thế hệ tiền bối dùng hình phạt như quỳ gối, ngồi đất ăn cơm… để dạy đức khiêm nhường, thì ngày nay những hình thức trên đã không còn phù hợp, đức khiêm nhường được chỉ dẫn thực hiện qua việc bỏ ý riêng, quảng đại hy sinh vì ích chung. Những thay đổi trên đều bắt nguồn từ nhận thức về giá trị nhân phẩm thay đổi, cách hành xử với người khác trước tiên phải thể hiện việc tôn trọng họ, và điều này đúng với khuôn vàng thước ngọc mà chính Chúa Giêsu đã dạy chứ không xa lạ gì: Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.”[6]

Khi biết ứng dụng những thành tựu của khoa học nhân văn vào đời sống, mỗi người sẽ có những suy nghĩ và lối hành xử với tha nhân vào đúng lúc đúng nơi, dựa trên sự tôn trọng và tình yêu mến như Tin Mừng đã dạy.


c. Học nơi thánh khoa

Trong tiến trình canh tân bản thân, người tu sĩ được mời gọi đào sâu hơn những hiểu biết của mình từ khoa học thánh. Khi khoa học nhân văn dạy cho người tu sĩ những cách thức để đối xử với tha nhân trong cuộc sống con người, thì thánh khoa dạy cho họ những nền tảng để các hành vi nhân văn thực sự đi đúng thánh ý Thiên Chúa. Qua thánh khoa, người tu sĩ học hiểu Lời Thiên Chúa nói với chính mình trong Kinh Thánh, nơi những giáo huấn của Giáo hội, nơi mẫu gương sống của Đức Trinh Nữ Maria và chư thánh, để mỗi ngày cảm nghiệm sâu xa hơn thân phận bọt bèo của mình, nhận biết con người mình  có  nhiều lúc việc lành muốn làm lại không làm, còn điều dữ không muốn lại vẫn cứ làm
[7], để từ đó nhận ra lòng thương xót Thiên Chúa dành cho mình, nhận ra được ân ban Chúa ban cho bản thân và tha nhân, và ngày càng trải nghiệm hạnh phúc khi sống cho Thiên Chúa qua việc từ bỏ bản thân, sống khiêm nhường, quảng đại khi phụng sự Chúa qua phục vụ tha nhân. Qua thánh khoa, người tu sĩ sẽ nhận thức những giá trị thiêng liêng cao cả, để từ đó có những quyết định và hoạt động phù hợp với chân lý đức tin và đúng với những điều Chúa chỉ dạy qua chính Lời của Ngài và mẫu gương của Đức Giêsu.  

Tạm kết

Nhu cầu thăng tiến đời sống tâm linh hay đời sống nhân sinh thực sự là điều cần thiết để mỗi người trải nghiệm những cung bậc vui mừng và hạnh phúc thật. Để có thể thăng tiến, mỗi người trước mỗi biến cố, trong mỗi tương tác với tha nhân và sự vật xung quanh mình cần đặt mình trước mặt Chúa với câu hỏi: Trong trường hợp này Thiên Chúa sẽ xử sự cách nào? Và để biết Chúa xử sự thế nào thì chắc chắn phải tìm từ chính kinh nghiệm của Ngài nơi Lời Thiên Chúa nói với con người qua Kinh Thánh và hình ảnh Đức Giêsu Kitô – Ngôi Hai Thiên Chúa trong Tin Mừng.

Khi một người soi mình trong Thiên Chúa, thì chắc chắn “phần thiệt” phải thuộc về bản thân người đó, và làm cho họ thực sự trở nên giống Thiên Chúa, bởi vì chính Thiên Chúa là Tình Yêu,
[8] và mẫu mực tình yêu của Ngài là “thí mạng sống vì bạn hữu.”[9] Chính Ngài đã làm gương cho nhân loại qua hình ảnh“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.”[10] Thế nhưng những ai đã kinh qua và trải nghiệm hạnh phúc đích thực sẽ nhận ra: khi yêu thương hết mình, nhìn bên ngoài có vẻ người nào yêu nhiều thì thiệt nhiều, mà thật ra niềm vui sâu xa của người dám bỏ phần lợi ích của mình vì yêu thương người khác mới chính là món quà tuyệt vời nhất mà không thứ gì có thể so sánh được, đó chính là phúc bình an mà Chúa Giêsu đã ban cho các môn đồ của Ngài, là phúc bình an mà “thế gian không thể ban.”[11]

Sự sống trao ban yêu thương cho tha nhân, người tu sĩ sẽ nhận ra: bản thân mình không chỉ nhận được bình an, hạnh phúc ở đời sau, mà ngay đời này những hoa quả tốt lành của sự trao ban đã ghi dấu trong tâm hồn của những người dám “từ bỏ mạng sống mình.” Gương các Thánh đã chứng minh: chính vì cảm nghiệm được niềm vui khi trao ban, mà cha thánh Đa Minh đã không ngừng truy tìm chân lý và nhiệt thành thi hành đức bác ái cho tha nhân, khắc khoải vì phần rỗi của tha nhân; cũng vì cảm nghiệm được hạnh phúc khi thực hiện đức ái, thánh nữ Rosa thành Lima đã miệt mài hy sinh vì người khác; và còn rất nhiều vị Thánh khác đã dám từ bỏ từ gia đình, của cải, vinh quang, và đặc biệt từ bỏ ý riêng để đem lại ích chung và ơn ích thiêng liêng cho tha nhân. Sự canh tân bản thân phải dẫn đến những lối sống như các ngài.

Người tu sĩ nhận ra chính họ thực sự canh tân bản thân, thăng tiến mỗi ngày, và thực sự hạnh phúc khi nhận ra họ có những suy nghĩ và hành vi hợp với những hoa quả của Thần Khí là: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ,
[12] và nhận biết rằng: trong mỗi biến cố, mỗi ngày sống, cho dù bản thân còn những va vấp và lỗi phạm, cho dù đã nỗ lực mà vẫn sống với nhiều bóng mờ bất xứng trong nhận thức và hoạt động, thì Thiên Chúa – Đấng đầy lòng thương xót vẫn luôn đổ tràn tình yêu và ân sủng của Ngài trong trong mỗi phút giây đời mình và tha nhân.

Song Thị

[2] X. Mt 13,52
[3] Ga 13,35
[4]  Ga 15,13
[5] X. Mt 5,22-23
[6] Mt 5,12
[7] X. Rm 7,19
[8] X. 1Ga 4,16
[9] X. Ga 15,13
[10] Pl 2,6-8
[11] X. Ga 14,27
[12] Gl 5,22
114.864864865135.135135135250