15/07/2021 -

Các cộng đoàn

465
Cộng đoàn Đa Minh là  cộng đoàn của lòng thương xót

Trước khi bước vào đời tu, tôi đã được một thầy dòng chia sẻ rằng: “Trong đời tu, đời sống cộng đoàn là thánh giá nặng nề nhất; nhưng thánh giá càng nặng, vinh quang càng lớn, vì cứ nhìn vào lịch sử của Giáo hội, trong số các thánh được tôn phong, đâu có mấy vị là giáo dân, và đa số các thánh đều là thành viên của các dòng tu… Trong cuộc sống cộng đoàn, khi mình làm xong việc bổn phận mà chị em chưa làm xong, thì mình phụ giúp chị em để mọi người cùng kết thúc công việc và vui vẻ cùng nghỉ ngơi với nhau.” Không biết có phải vì thích ‘vinh quang lớn’ hay không, mà tôi đã quyết liệt bước theo Chúa trong ơn gọi thánh hiến, với ước mong nghe được Chúa nói với mình điều gì đó trong nếp sống này. Trong sự hiểu biết hạn hẹp của tôi lúc bấy giờ, định nghĩa đời tu của tôi chỉ dừng lại ở việc sống chung với nhau và chia sẻ công việc, còn lại bao nhiêu thời gian thì cầu nguyện. Bạn bè tiễn tôi đi tu sụt sùi, tôi lại can đảm khuyên họ “các bạn cứ nghĩ là mình đi lập gia đình xa, như thế sẽ không còn buồn nữa.” Có lẽ tôi và các bạn tôi đều cho rằng “đi tu là một đi không trở lại”, sẽ không bao giờ bước chân trở lại gia đình nữa, cho dù là tích tắc chứ đừng hòng nghĩ tới về nghỉ tết, nghỉ hè hay những dịp đặc biệt. Khái niệm đời tu trong chúng tôi có lẽ giống cuộc sống đan viện hơn.

Ngày hôm nay, trải qua một thời gian tu luyện không dài quá nhưng cũng chẳng ngắn vì gần 30 năm cuộc đời, ngoài thời gian về thăm gia đình vào những dịp nghỉ, tôi đã được ở trong nhà Chúa, được học những điều quý giá  từ những vị hữu trách trong Dòng, quý giáo sư, được ngày ngày sống và cảm nghiệm sâu sắc về ơn gọi đời mình, tôi càng thấm thía giá trị của đời sống chung theo linh đạo Đa Minh, nơi tôi được nuôi dưỡng và lớn lên mọi mặt, đặc biệt là trong tương quan với Chúa và tha nhân, và tôi trải nghiệm điều mà một cha giáo Đa Minh đã dạy: Cộng đoàn Đa Minh phải là cộng đoàn, là một gia đình của lòng thương xót, phỏng theo lối sống hiệp nhất và yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Từ việc học hỏi Thánh Kinh và Luật dòng giúp tôi nhận ra:


1. Chúa Ba Ngôi là kiểu mẫu của đời sống cộng đoàn về sự hiệp thông và yêu thương
 
Đời sống cộng đoàn theo đoàn sủng Đa Minh cũng giống như bao Dòng tu khác, nhận được khuôn mẫu cho việc sống cùng và chung chia sứ vụ, nhất là trong việc trao ban tình yêu, từ nơi chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Nơi Ngài mọi sự đều phát xuất từ tình yêu thế nào, thì nơi đời sống cộng đoàn Đa Minh (hay dòng tu thánh hiến khác) cũng phải mô phỏng như vậy. Điều kiện mỗi thành viên trong cộng đoàn được mời gọi trước tiên không phải là sức khỏe hay khả năng phục vụ, mà là lòng yêu mến những thành viên khác trong cộng đoàn một cách vô vị lợi, đón nhận họ “như họ là” với tất cả sự yêu mến và tin tưởng. Chẳng ai ghét các phần chi thể của mình, cho dù có các phần chi thể không đẹp và tốt như mình muốn, cũng vậy, không ai được ghét chị em mình, vì họ là “những chi thể gần nhất”, cần được quan tâm nhất đối với mỗi cá nhân trong cộng đoàn (x. Rm 12,5). Sự bổ túc cho nhau trong đời sống cộng đoàn Đa Minh khởi đi từ lòng mến theo gương mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa, sẽ làm phong phú các sinh hoạt của cộng đoàn, và làm tròn đầy các sứ vụ mà mỗi cộng đoàn đảm trách, bởi vì nơi đâu có Thiên Chúa hiện diện, nơi đó sẽ đạt tới sự hoàn mỹ tuyệt đối, vì Thiên Chúa chính là Tình Yêu (1Ga 4,8), Ngài là Alpha và Ômêga, Đấng là Khởi Đầu và Cùng Tận cho mọi loài (x. Kh 1,8).

2. Cộng đoàn Đa Minh là cộng đoàn của lòng thương xót

Đời sống chung theo linh đạo Đa Minh được thể hiện qua việc cầu nguyện, đặc biệt qua việc cử hành Thánh Thể và Phụng vụ Giờ Kinh; qua việc học hỏi chân lý và chia sẻ niềm tin; qua việc hoạch định và thi hành sứ vụ tông đồ, cộng đoàn Đa Minh còn là nơi mỗi thành viên tìm kiếm ý Chúa qua việc đối thoại, cổ võ tiến đức và sửa lỗi huynh đệ, để mỗi người có thể ra đi rao giảng Tin Mừng và làm chứng tá cho Chúa (x. HP 36). Sống trong một đoàn sủng như thế, mỗi thành viên trong một cộng đoàn Đa Minh không chỉ chịu trách nhiệm chu toàn bổn phận của mình, mà còn có trách nhiệm giúp nhau sống thánh thiện hơn mỗi ngày, qua những chia sẻ và trao ban lòng thương xót cho nhau.

Trong hành trình đời tu, tôi đã được chị em trong Dòng trao ban tình thương mến, sự trợ giúp, và cả “tặng” cho những trái đắng tôi không ngờ. Chúa đã yêu thương an bài, để khi tôi tập tễnh bước chân vào Dòng, chị em cho tôi một vài những “trái” hơi chan chát khó nuốt so với thật nhiều những trái ngọt yêu thương mà mọi người dành cho tôi, đúng theo kiểu huấn luyện mà Thánh Phaolô dành cho cộng đoàn Côrintô, ngài nói: “Thưa anh em, về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như với những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những đứa trẻ nhỏ trong Đức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi vì anh em còn là những người sống theo tính xác thịt” (1Cr 3,1-3).

Sự yếu đuối của tôi từ sức khỏe cho đến tính cách, và cả trong lượng kiến thức hạn hẹp, cũng như kinh nghiệm ít ỏi trong những năm đầu sống trong cộng đoàn được bù đắp bằng tình thương của chị em, giúp tôi mỗi ngày không chỉ “lên ký” bên ngoài mà thêm lòng yêu mến đời tu. Những công việc tôi không có sức làm như tưới vườn, đào móng xây nhà, hay không thể làm tốt như nấu cơm bằng rơm và củi ướt, thì các chị lớn giúp cho tôi bằng việc làm hết phần nặng nhọc, nhường nhịn, và cả làm dùm nếu thấy tôi không thể làm tốt vào lúc đó. Một kỷ niệm không bao giờ quên trong đời sống cộng đoàn của tôi là: vì sợ tôi nấu cơm không chín kịp cho mọi người ăn sáng, nên các chị em thường nấu giúp tôi. Tôi chỉ loanh quanh dọn dẹp, và mức độ trưởng thành của tôi là: lần đầu tiên nấu cơm sáng một mình sau gần sáu tháng vào tu, nồi cơm của tôi chỉ khô hơn nồi cháo một chút xíu. Tôi vừa xấu hổ vừa sợ nên chỉ ăn vội vài miếng rồi trốn vào nhà tắm, nhưng trốn mãi rồi cũng phải ra ngoài, tôi ngạc nhiên là mọi người đều ăn cơm và vui vẻ với tôi như mọi ngày, từ các bề trên, dì giáo, các dì và chị em Thỉnh sinh của tôi lúc bấy giờ, chẳng có người nào la mắng hay chọc ghẹo làm tôi quê mặt như tôi tưởng tượng. Lúc ấy tôi chưa định hình được đó chính là lòng thương xót mà cộng đoàn Đa Minh phải thể hiện theo gương cha thánh Đa Minh, tôi chỉ biết rằng mọi người cảm thông với sự yếu đuối của tôi, giúp tôi có nghị lực tiếp tục tu cùng mọi người.

Từ khi bước vào Tập viện, tôi lại càng cảm nghiệm sâu xa hơn trách nhiệm và sự đỡ nâng của mỗi thành viên cần phải có. Dù lớp Tập chỉ có 4 người, chúng tôi vẫn phải chu toàn các công việc như lớp Tập trước có 6 người, do đó có những công việc chúng tôi làm không xong nếu để mỗi người tự làm. Thế nên, sau khi làm việc bổn phận xong, chúng tôi thường giúp nhau những công việc của chị em. Những hành vi yêu thương bé nhỏ đó giữa chúng tôi, làm cho tôi cảm nghiệm được tình gia đình ngay trong chính cộng đoàn của mình.

Khi khấn lần đầu và đã 26 tuổi, tôi mới học được phần nào bài học “cho đi” mà chị em dạy cho.  Chính chị em trong cộng đoàn đã làm gương và dạy tôi “xởi lởi Trời ban cho, bo bo Trời giữ lại”. Tôi học cho đi từ những viên kẹo bé nhỏ chia cho chị em, đến việc hy sinh thời gian của bản thân để lắng nghe chị em chia sẻ, nhất là trong quãng thời gian sứ vụ nhiều biến cố, chúng tôi mỗi khi có dịp đều lắng nghe, chia sẻ, giúp nhau xả “streess” bằng những lời động viên khích lệ và “mắng mỏ” với tất cả lòng yêu mến và quan tâm. Trong một thời gian rất dài và cho tới bây giờ tôi vẫn luôn tự nhủ: nếu ngày nào tôi muốn rời khỏi đời sống cộng đoàn trở về “tu tại gia”, thì những người tôi báo tin đầu tiên sẽ là các chị em cùng lớp. Các chị đã cho tôi niềm tin: tôi được yêu thương và đón nhận với tất cả những gì tôi ‘là’ và tôi ‘có’.

Đời sống cộng đoàn của tôi ngày nay khởi sắc hơn, khi tôi trong trách nhiệm của mình, thường phải đi trước trong tương quan với chị em. Tôi hiểu rằng bản thân mình có nhiều giới hạn, cộng thêm vào đó là vai trò phụ trách cộng đoàn, chị em ít nhiều sẽ ngại ngần khi đến với tôi, nhất là các em bé. Thế nên, tôi cảm nghiệm rằng: khi tôi càng xóa mình đi càng nhiều, khi tôi chịu khó và kiên nhẫn đứng trên vai trò của mỗi chị em nhận định một vấn đề gì, thì tôi sẽ càng dễ cảm thông và yêu thương họ hơn. Khởi đi từ lòng kính trọng tuổi già và với lòng biết ơn, tôi nhận thấy mình dễ dàmg yêu thương các chị cao niên, hiểu và đón nhận những suy nghĩ và có khi cả những hành động của họ mà nhiều khi rất khác biệt và trái ngược hẳn với những gì tôi mong đợi.

Tôi ghi nhận và trân trọng bề dày lịch sử đời tu của các chị với những câu chuyện quá đẹp. Những trang sử của Hội dòng đã được các chị dệt nên trong âm thầm mỗi ngày tận hiến để trở thành di sản quý báu để lại cho chúng tôi. Có thể các chị không có những kiến thức về nhiều lãnh vực như thế hệ chúng tôi, nhưng qua bao thăng trầm trong việc mưu sinh, xây dựng Hội dòng, và cả những khác biệt trong tính cách của mỗi người, các chị vẫn đón nhận nhau và mở lòng đón nhận những thành viên mới, nên Hội dòng mới được như ngày hôm nay.

Lòng cảm thương của tôi dành cho các chị em cùng lứa tuổi hay các em nhỏ được bắt nguồn từ việc tôi nhận ra những hồng ân và yếu đuối của bản thân. Với những ơn riêng Chúa ban, Chúa mời gọi tôi sống với Ngài trong ơn gọi thánh hiến, nhưng với sức người hạn hẹp, tôi nhận thấy mình không ít lần bị cám dỗ từ bỏ cộng đoàn để trở về sống với gia đình, có những lúc vì cảm thấy bất lực trước thiếu sót của bản thân hay từ những sai lỗi của chị em gây ra cho mình. Các chị em của tôi cũng thế, họ cũng đang mỗi ngày phải đấu tranh với những mời mọc hấp dẫn từ cuộc sống bên ngoài để có thể trung thành với Chúa, chu toàn bổn phận mỗi ngày và trung thành với kỷ luật tu trì.

Ngày nay, việc từ bỏ của chúng tôi xem ra còn nặng nề hơn trước, vì chủ nghĩa cá nhân ảnh hưởng trong suy nghĩ và nếp sống tiện nghi đã và vẫn luôn là rào cản đẩy chúng tôi mỗi ngày xa nhau hơn. Chúng tôi thích được nghỉ ngơi một mình, muốn có giờ riêng giải trí theo ý muốn của mình, muốn làm việc một mình để tránh đụng chạm… và còn có những cuộc điện thoại được kết nối từ 2 phòng sát cạnh chứ không phải đâu xa… Những chị em trong cộng đoàn thánh hiến của tôi dù chưa đến nỗi bị coi là “có vấn đề” như quan điểm của một số nước phương Tây, nhưng những giá trị của đời thánh hiến đã dần mai một trong nhận thức của từng người.

Công tác mục vụ và lối sống chứng tá đòi hỏi gắt gao hơn trong thời hiện tại. Người tu sĩ trẻ chúng tôi cần giỏi các kỹ năng hơn người ta, sống giản dị và sống hiền lành, khiêm nhường hơn người ta. Thế nên, để trung thành với Chúa và hoàn tất công việc bổn phận mỗi ngày, chúng tôi càng phải học và thực hành nhiều hơn bài học của lòng thương xót, bởi vì chỉ với tình yêu từ chính cộng đoàn, mỗi người mới có động lực và sức mạnh để ra đi tới các biên cương để phục vụ.

Lòng thương xót tôi trải ra với chị em và nhận lại từ nơi họ sẽ là kinh nghiệm để tôi bước chân ra khỏi cánh cổng tu việc phục vụ tha nhân cũng với lòng cảm thương đó, là thứ của cải từ xưa đến nay cả người giàu có lẫn người nghèo khó đều cần và ước mong được lãnh nhận nơi Thiên Chúa qua chúng tôi.

Tôi nhận ra lòng thương xót của mỗi thành viên trong cộng đoàn Đa Minh, chỉ “sâu” và “đậm” khi mỗi cá nhân nhận ra sự giới hạn và những sai phạm của bản thân, nhận ra chính Thiên Chúa đang từng giờ từng ngày cúi xuống ban cho mình lòng thương xót bao la của Ngài cùng với biết bao hồng ân; đồng thời qua đó cảm thương và tha thứ cho những thiếu sót của chị em trong cộng đoàn một cách quảng đại và nhưng không như chính Thiên Chúa đã yêu thương đón nhận mình.

Tôi tin rằng, nếu mỗi ngày tôi ghi nhớ và thực hiện điều Chúa dạy trong ít câu ngắn ngủi nơi thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ dưới đây, thì mỗi ngày tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn niềm hạnh phúc trong Chúa và bên chị em tôi: “Anh (chị) em thân mến, ta hãy yêu mến nhau, vì lòng mến phát tự Thiên Chúa và phàm ai yêu mến thì đã sinh ra bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa.  Ai không yêu mến thì đã không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là lòng mến...  Anh (chị) em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu mến chúng ta như thế, thì ta cũng phải yêu mến nhau… Ta hãy yêu mến, vì Người đã yêu mến ta trước hết. Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh (chị) em mình, thì nó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh (chị) em nó thấy đó, tất không thể yêu mến Thiên Chúa, Ðấng nó không thấy. Và đó là lịnh truyền ta lĩnh lấy nơi Người: Ai yêu mến Thiên Chúa thì hãy yêu mến anh (chị) em mình!” (x. 1 Ga 4,7-21)./.

 
Song Thị
114.864864865135.135135135250