02/09/2019 -

Các cộng đoàn

996
Đừng sợ
ĐỪNG SỢ
 
G. Thảo Sương

Trong Sứ Điệp Mùa Chay gởi cho giới trẻ thế giới ngày 22/02/2018. Đức Thánh Cha Phaxicô nhắc lại thông điệp của vị Tiền nhiệm - Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “ĐỪNG SỢ!” Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Ngày nay, người trẻ có những nỗi lo sợ khác nhau, nhiều người có cảm tưởng mình phải sống khác với những gì trong thực tế, vì thế họ thấy cần phải thích ứng với kiểu mẫu giả tạo, sửa sang hình ảnh của mình, nấp sau những mặt nạ và căn tính giả tạo...” Đứng trước thao thức của vị cha chung, chúng ta - những người trẻ sống bậc tu trì - một lần nữa lượng giá về những nỗi sợ hãi trong đời tu mà vô tình khiến đời sống cộng đoàn trở nên căng thẳng hoặc tẻ nhạt, đẩy nhiều người rời xa lý tưởng mình đã chọn.

Dạo một vòng trên mạng xã hội như facebook, twitter, instagram, youtube… ta thấy giới trẻ hôm nay rất sợ người khác không công nhận họ, không yêu thích họ. Họ đau khổ, trầm uất, tự kỉ vì cho rằng họ không có chỗ đứng trong lòng người khác qua lượng like và lượt view... Nhà tu thì hiếm ai “sợ ảo” như thế, nhưng cũng có những nỗi sợ xem ra cần phải gọi tên và suy nghĩ.

Sợ bị chê
 Chúa luôn công bằng với tất cả mọi người, không ai được tất cả và cũng không ai mất tất cả, ai cũng mang trong mình những khiếm khuyết cần đến sự bổ túc của người khác. Đồng thời, Chúa cũng trao cho mỗi người số nén bạc phù hợp với họ để đem sinh lời. Biết như thế, nhưng rất nhiều khi ta lại chạnh lòng trước lời khen chê của những người bạn đồng hành khó tính. Ngại về ngoại hình: lùn quá, xấu quá, đen quá, mập quá, ốm quá… xấu hổ về khả năng: văn dốt, đàn dở, hát kém, ca trưởng tệ… Cái sợ này xem ra chỉ là bên ngoài nhưng cũng đẩy không ít người vào những mặc cảm tự ti, tự cô lập. Nhiều người tự trấn an: “Đã tu rồi thì đẹp - xấu, giỏi - dở, giàu - nghèo gì mà chẳng như nhau, đều là tu sĩ cả!” Nhưng thực tế là dù nhà tu chăng nữa, nhưng những người có ngoại hình, có khả năng, có điều kiện vẫn luôn ở một vị trí khác. Những ai được xuất hiện trước đám đông hoặc trong những dịp lễ long trọng đều đã được tuyển lựa kỹ lưỡng; kể cả ra mục vụ giáo xứ, trước khi xét đến khả năng thì ngoại hình cũng là một ưu thế lấy điểm đầu tiên. Vì biết như thế nên nhiều chị em cảm thấy sợ, hay có cảm tưởng mình bị soi, khiến đương sự lúng túng, mất tự tin, xuống tinh thần. Thêm vào đó, nhiều người vô tình lạm dụng sự hài hước, biến người khác thành trò cười độc ác, khoét sâu thêm mặc cảm của chị em. Chúa tạo nên người nữ rất đặc biệt, họ có cách cảm nhận vô cùng tinh tế, thế nên chỉ cần một chút phân biệt trong cách đối xử, lời nói thiếu tế nhị, ánh mắt thiếu thiện cảm… đủ khiến người chị em chạnh lòng, có khi còn căm ghét người đã làm mình tổn thương.

Nói đến nỗi sợ bị chê cười, tôi lại nhớ đến lời một cha giáo: “Khi ta biết tự cười chính mình thì ta chẳng sợ ai cười ta nữa!” Với vóc dáng quá khổ, Cha hóm hĩnh tự giới thiệu nickname của mình là Eo Chang Hee, thoạt nghe oai như diễn viên Hàn Quốc, hóa ra đọc ngược lại là “Y Chang Heo.” Cha dùng những điều được coi là khiếm khuyết để tạo nên cái duyên riêng, gây những tiếng cười vui vẻ, phấn khởi cho mỗi bài giảng của mình. Một cha giáo khác thì tự hào khoe rằng: Ngày còn làm thầy, mình được cử coi một ca đoàn khó …, mà khổ nỗi khả năng đàn hát rất giới hạn, cứ mỗi lần hát mẫu thì lại ra một giai điệu khác. Ca viên ái ngại hỏi: “Thầy hát mỗi lần khác nhau như thế thì chúng con phải hát theo lần nào?”. Cha hồn nhiên đáp: “Thì coi lần nào được nhất thì hát theo lần đó”! Ấy vậy mà theo thời gian, cha lấy được thiện cảm của những ca viên khó tính và làm việc rất hiệu quả chỉ bằng sự hồn nhiên và chân tình. Xét cho cùng, tất cả nằm ở chính bản thân mình, chỉ khi mình dám đối diện và vượt qua những rào cản của bản thân, mình mới có thể vui sống.

Nghĩ đến bao nhiêu người tàn tật, khiếm khuyết ta thấy mình còn may mắn biết bao nhiêu. So đo, tị nạnh chỉ làm cuộc sống thêm u ám; bằng lòng với những gì Chúa ban là bí quyết sống vui mỗi ngày. Không được cắt cử đảm trách những việc lớn lao, thì còn nhiều những công việc  khác phù hợp mà ta có thể cống hiến công sức của mình.

Sợ dư luận
Theo Bách khoa Toàn Thư: “Dư luận có mặt tích cực và tiêu cực dựa vào các nguồn tin mà từ đó nó hình thành. Nếu nó hình thành dựa vào nguồn tin xác thực thì sẽ trở thành thông tin hữu ích khi nói lên những gì mà mọi người nghĩ về sự việc đó, còn nếu hình thành khi không có căn cứ hoặc dựa vào nguồn thông tin không rõ ràng cho dù là cố ý hay vô ý, nó có thể tạo tin đồn nhảm và có thể bị sử dụng cho một mục đích nào đó. Dư luận đôi khi có thể xâm phạm rất mạnh vào quyền riêng tư của cá nhân cho dù là đúng hay không.” Như vậy, dư luận nếu không được kiểm soát, thường có chiều hướng tiêu cực, dễ làm cho người ta sa vào tội nói xấu nhau - thứ tội hay rơi vào giới nữ, không ngoại trừ nữ tu và gây những hậu quả xấu cho đời sống chung. Đức Giáo Hoàng Phanxicô có lần đã lên án gay gắt thứ tội này: Nói xấu giống như khủng bố, vì người nói xấu giống như một tên khủng bố ném một trái bom rồi chạy mất, để lại đàng sau là một sự hủy hoại: bằng miệng lưỡi, họ đã đem lại sự tàn phá và không kiến tạo được sự bình an.” Cũng như hậu quả của nói xấu, hậu quả của dư luận là không thể lường trước, khiến nhiều người sợ trở thành tâm điểm cho mọi mũi tên nhắm vào. Làm bất cứ điều gì cũng phải để ý đến thái độ của người khác, phải dò xem có ai bàn tán gì không? Họ khen hay chê? Nhiều khi tự suy đoán rồi dằn vặt, đau khổ một mình mà không ai biết nguyên nhân. Có hai cách để đối diện với dư luận: một là đạp lên nó để tiến tới, hai là để nó đè bẹp mình và lại tiếp tục chuỗi ngày gặm nhắm những đau khổ muộn phiền. Chọn theo cách nào là tùy sự phân định của mỗi người. Vì thế, người “chậm giận, mau quên” là người dễ thoát ra khỏi sự tác động của dư luận, vì tâm hồn họ đơn sơ, họ không để tâm đến những lời ác ý bên tai và họ có cách hóa giải những lời châm chọc thành những liều thuốc quí cho riêng mình.

Sợ bị ghét
Tại sao ta sợ bị ghét? Đơn giản vì ai cũng muốn được người khác yêu thương. Mà theo lẽ thường người ta chỉ thích người cùng quan điểm, đồng thuận với mình trong mọi thứ, còn những người có ý kiến trái chiều, hay góp ý lôi thôi thì chẳng được ưa. Vì sợ bị ghét bỏ, sợ người khác phật lòng, sợ người khác có những nhận xét không thuận lợi cho tương lai nên không dám sống thật, không dám nói thật, thậm chí không dám chơi với những người bị nhiều người không ưa, sợ liên lụy. Họ trở thành một người giả tạo, tráo trở: trước mặt thì nịnh nọt, sau lưng thì nói xấu, trước mặt thì đơn sơ dễ thương, sau lưng đầy chua cay bất mãn. Biến mình thành con rối cho người khác vui đùa và giật dây vì không đủ can đảm bày tỏ chính kiến, cảm nhận cá nhân. Môi trường sống không chân thật, khiến người sống thật cũng phải dè dặt. Lắm lúc sự thật phải che giấu bớt, hoặc nói giảm nhẹ, sợ mất hình ảnh của vài cá nhân hoặc tổn hao danh dự của nhóm, của cộng đoàn.

Khi có ai đó nói lên một thực trạng, dù có thật nhưng vẫn bị bao biện: “Chị quá bi quan”, “cái nhìn phiến diện”, “suy nghĩ tiêu cực”… Việc đồng hành huấn luyện cũng gặp khó khăn, vì huấn sinh chẳng bao giờ bộc lộ suy nghĩ thật của mình. Hỏi gì cũng trả lời “em thấy bình thường”, nhưng thực ra chẳng bình thường chút nào. Họ không dám nói vì sợ bị đánh giá không tốt hoặc đưa vào “danh sách cần được quan tâm đặc biệt”. Họ không muốn giãi bày vì cảm thấy những người đồng hành không thể đồng cảm, không có hướng giải quyết thỏa đáng với điều mình thao thức, trăn trở.

 Tư duy tích cực luôn được khuyến khích, nhìn mọi việc với nhãn quan đầy hy vọng. Đúng! nhưng không có nghĩa phải ém luôn những điểm tiêu cực, những góc tối. Những khối ung nhọt mà vì sợ hãi không dám đụng đến thì chỉ gây hại cho thân thể. Thà một lần chịu đau đớn cắt bỏ nó đi còn hy vọng cứu được mạng sống. Những điều tốt đẹp cần được tôn vinh như thế nào, thì những điều tiêu cực cũng cần được mổ xẻ để loại bỏ càng sớm càng tốt. Chính Chúa Giêsu đã sống sự thật và luôn nói sự thật. Người không ngần ngại dùng hình ảnh “mồ mả tô vôi”, “giả hình”… để chỉ trích thói đạo đức giả, nệ luật, thiếu đức ái của những Pharisêu và Kinh Sư dù sự thật đó khiến Người phải trả giá bằng chính mạng sống.

Ngày hôm nay, nếu muốn sống cho sự thật cũng sẽ bị trả giá như thế, ai cũng biết nên ai cũng sợ và có nhiều người lựa chọn cách sống yên phận thủ thế, ù lì, chẳng bao giờ nói lên suy nghĩ của mình dù trong lòng chất chứa nhiều bất mãn. Họ đang âm thầm nuôi những khối ung nhọt trong cơ thể mình, lẫn cộng đoàn mình đang sống. Tuy nhiên, nói thẳng, nói thật để phản tỉnh và xây dựng cộng đoàn, xây dựng cho cá nhân thì khác với những lời nói chua chát, sỗ sàng, những hành động thiếu nhân bản xuất phát từ sự nóng nảy, giận dữ kìm nén trong lòng nay bung ra như một mồi thuốc súng. Ước gì những người có cùng lý tưởng cũng có thể chân thành đóng góp và xây dựng cho nhau trong thiện chí và tình huynh đệ, không phải “đeo mặt nạ” và luôn luôn được là chính mình trong cộng đoàn mình đang sống.

Sợ dấn thân
Người sống dấn thân không có nghĩa là liều lĩnh, bất chấp nguy hiểm. Họ là những người rất thận trọng, dám xả thân không sợ thiệt thòi, dám làm những việc mà người khác e ngại, chần chừ. Dấn thân trong việc nhỏ: không nề hà bất cứ công việc gì trong cộng đoàn, kể cả những việc không được giao… Có người sợ bẩn, sợ mùi hôi thối nên nhường cho người khác làm những việc đó, hoặc có thấy cũng giả mù đi ngang qua. Có người sợ bệnh tật, nên ngại giang nắng dầm mưa, ngại làm việc cực nhọc… đẩy người khác vào vị trí đó. Sợ những thứ cỏn con như thế nên sợ luôn cả việc lớn, nghe thấy chữ dấn thân là thấy nặng nề. Có những người sợ dấn thân vì đã quen sống sung sướng. Họ ngại khó, ngại khổ không dám hy sinh thời gian, sức khỏe, khả năng và không muốn đánh đổi một cuộc sống đang yên bình… nhưng cũng có người sợ dấn thân vì họ đã quá chán ngán mỏi mệt, chùn chân mỏi gối vì không nhận được sự đồng cảm - sẻ chia thậm chí thiện chí của họ bị xuyên tạc, hiểu lầm.

Khẩu hiệu truyền giáo luôn được nhắc đến, được quảng bá rộng rãi vì đó là đặc sủng của Dòng, nhưng có mấy người can đảm dấn thân vào môi trường nhiều khó khăn và thách đố đó khi được sai đi.

Sợ dấn thân thường đi kèm với sợ trách nhiệm: Chẳng dám nhận một công việc gì vì luôn thấy mình non nớt và cảm giác mọi thứ đều bất trắc. Khi sai lỗi cũng lại đùn đẩy quanh co, không dám đứng ra chịu trách nhiệm. Làm việc bổn phận nhưng thiếu cái tâm, làm cho có - cho xong còn kết quả như thế nào không cần biết đến. Thánh Phaolô đã thưa với Chúa lúc Ngài trở lại trên đuờng Damas: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” (Cv 22,10). Có lúc nào, ta dám can đảm thưa với Chúa: “Chúa muốn con làm gì cho Chúa?” và thưa với Hội dòng: “Bề trên muốn con làm gì cho Hội dòng?”

Còn nhiều nỗi sợ khác không liệt kê ra đây, chỉ biết rằng: Chúng ta luôn luôn sợ! Nhưng có những thứ đáng ra phải sợ thì lại coi thường, không để tâm. Đó là sự mất chất, biến chất trong đời tu. Sống đời tu cách vật vờ, không lý tưởng, không mục đích, không định hướng. Chủ trương tương đối trong mọi thứ và lấy điệp khúc “con người mà!” để lý giải cho mọi cách suy nghĩ, cách sống buông thả, lạc xa tinh thần và linh đạo dòng.

Trong văn kiện Đời Sống Huynh Đệ Cộng Đoàn, số 27 chỉ ra rằng:“Để nuôi dưỡng sự hiệp  thông tâm trí giữa những người  được gọi chung sống trong một cộng  đoàn, nhất thiết phải trau dồi những  đức tính cần có trong tất cả  các mối quan hệ nhân bản: sự kính  trọng, lòng tốt, sự chân thành,  tự kiềm chế, lịch thiệp, biết khôi  hài và tinh thần chia sẻ.” Tất cả những điều đó chắc chắn sẽ không tồn tại trong một cộng đoàn đầy sự sợ hãi và độc đoán, một cộng đoàn mà giữa bề trên và bề dưới - chị lớn và em nhỏ phải luôn đề phòng nhau. Bảy đức tính như kim chỉ nam hướng dẫn mỗi ứng sinh trong hành trình ơn gọi tu dòng. Ngắn gọn nhưng thực hiện không dễ. Chúa Giêsu nhiều lần trấn an chúng ta: Đừng sợ! Trong Kinh Thánh, cụm từ “Đừng sợ” lặp lại 365 lần với những thay đổi khác nhau, như thể nói với chúng ta rằng Thiên Chúa muốn chúng ta thoát khỏi sợ hãi mọi ngày trong năm (Tr. Thông Điệp). Lời kêu gọi khẩn thiết trong Công vụ Tổng hội X là Sám hối và Canh tân trong mọi lãnh vực và lấy đời sống cầu nguyện làm nền tảng.

Sợ nền tảng tâm linh không vững chắc
Sâu xa của mọi nỗi sợ là nền tảng tâm linh không vững chắc. Một nền móng yếu ớt thì tòa nhà sẽ xiêu đổ. Tất cả mọi sự nếu không qui về đời sống cầu nguyện hẳn sẽ rất mong manh, trống rỗng. Đời sống cộng đoàn nếu thiếu bóng dáng của đời sống nội tâm thì nó chỉ hời hợt với những niềm vui chóng qua bên ngoài chẳng khác gì những buổi hội họp liên hoan, rầm rộ đó nhưng chẳng đọng lại chút gì. Nhìn lại những gì chưa làm hoặc đã làm nhưng làm sai, nhìn thẳng vào những góc khuất để sửa đổi không chỉ là khiêm tốn mà còn là sự khôn ngoan và can đảm xuất phát từ Thiên Chúa. Niềm vui trong đời sống cộng đoàn không chỉ toàn những tiếng cười, nhiều khi đó là cả những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt của sự cảm thông, tha thứ, những giọt nước mắt hạnh phúc vì mình được xót thương.

Trong Sứ điệp, Đức Thánh Cha mời gọi: “Cha mời tất cả chúng con nhìn vào lòng mình để “đặt tên” cho những nỗi sợ của chúng con. Hãy tự hỏi rằng điều gì làm tôi phiền muộn, lúc này trong những điều cụ thể của cuộc đời hôm nay, điều tôi sợ nhất là gì? Điều gì cản trở và ngăn cản tôi tiến lên phía trước? Tại sao tôi thiếu can đảm để đưa ra những lựa chọn quan trọng mà tôi cần làm? Đừng sợ phải đối diện với nỗi sợ của chúng con một cách trung thực, để nhận ra chúng là gì và đối diện với chúng!” Chỉ những gì còn ẩn giấu mới đáng sợ, còn một khi đã để ánh sáng Chân Lý soi rọi thì không còn đáng sợ nữa. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, chúng ta sẽ can đảm xét mình và sám hối, nhận diện và thay đổi. Để biến những nỗi sợ hãi thành niềm vui tâm linh - niềm vui bền vững của những con người có chung thiện chí tìm gặp Chúa và tha nhân mỗi ngày, là niềm vui của những con người luôn bám chặt vào Chúa để chiến thắng những yếu đuối của bản thân.

Lạy Chúa, khi soi xét lại bản thân. Con thấy mình là nạn nhân để cho những nỗi sợ hãi chi phối và lắm khi con cũng là tác nhân khiến chị em quanh con phải khiếp sợ. Con xin ơn Chúa thứ tha và thêm ơn can đảm để con đối mặt với những điều khiến con trì trệ trong ơn gọi của mình. Xin thêm lòng yêu mến Chúa, yêu mến chị em cho con, để mỗi ngày với con là một niềm vui của sự đồng cảm và sẻ chia. Xin Chúa cho mỗi thành viên trong Hội dòng biết bỏ qua mọi rào cản của sự phân biệt, nỗ lực xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất - yêu thương, biến mỗi cộng đoàn thành một gia đình mà mọi người con đều mong ước được cư ngụ và trở về tìm sự nghỉ ngơi, bồi dưỡng.
114.864864865135.135135135250