15/10/2021 -

Các cộng đoàn

415
Hoán cải - một cuộc trở về

Khi nói về hoán cải, chúng ta nói về một kinh nghiệm tôn giáo chứ không phải một kinh nghiệm luân lý, mặc dù rất có thể các dữ kiện luân lý là nguyên do đưa chúng ta đến với kinh nghiệm tôn giáo. Và trong kinh nghiệm tôn giáo của Israel, hoán cải không gì khác hơn là quay trở về với Thiên Chúa. Sách Thánh không ngừng thuật lại cho chúng ta điều đó không chỉ trong cuộc xuất hành trở về đất hứa (Xh 15-19) nhưng còn trong suốt dòng lịch sử của ơn cứu độ mà tiến trình của nó được tóm gọn trong chủ đề của sách Thủ lãnh: tội - phạt - hối - cứu.

Chúa Kitô khi vào trần thế cũng mời gọi chúng ta cùng một điều ấy. Và Người làm cho điều ấy trở nên rõ ràng hơn khi nói cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai, Người quan tâm chúng ta như thế nào, Người muốn chúng ta sống làm sao, và chúng ta phải làm gì để có thể sống trong tình thân với Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong thân phận con người yếu hèn, chúng ta không chỉ cần một sự chỉ dẫn, nhưng còn là một mẫu gương; không chỉ bằng những cố gắng của bản thân, vốn là điều không thể thiếu, nhưng còn nhờ vào sự trợ giúp của ơn Chúa, được ban tặng trong chính Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô đã cho thấy điều đó khi Người bảo chúng ta hãy đi theo Người. Và hiển nhiên để đi theo Người thì điều trước tiên cần làm chính là phải trở về với Người.


1. Hoán cải là trở về với Đức Kitô

Có một sự khác biệt trong kinh nghiệm của các tông đồ trong việc đi theo Đức Kitô trước và sau biến cố Phục sinh. Có thể thấy trước biến cố Phục sinh họ đã đi theo Đức Kitô với những toan tính riêng của mình; còn sau đó họ đã được biến đổi để thấy rõ con đường mà họ phải đi qua. Nhưng điều đó không có nghĩa là giai đoạn trước đó trở nên vô ích trong tiến trình đi theo Chúa Kitô.

Cuộc hành trình trở về Galilê làm cho các tông đồ nhớ về Đức Giêsu và suy niệm về những thực tại mà các ông đã từng trải nghiệm cùng với Người trong suốt cuộc hành trình trước đây.
[1] Thầy Giêsu đã dạy cho các ông biết đâu là điều cốt yếu đối với các ông trong cuộc đi theo Người.[2] Khi tất cả những điều được báo trước đã xảy đến, các tông đồ đi lại cuộc hành trình đó và sống lại các kinh nghiệm của cuộc hành trình trước đây trong ánh sáng mới của mầu nhiệm Phục Sinh.

Chính tự nơi người họ từ bỏ gia đình và quê hương theo người cách vô điều kiện, chuẩn bị sẵn sàng để loan báo Tin Mừng.
[3] Chính Đức Kitô hiện diện giữa cộng đoàn những người tụ họp nhân danh Người, Người dạy dỗ họ về chính mình, về Thánh Thần và về Chúa Cha. Phải xuất phát lại từ Đức Kitô vì chính Người đã đi bước trước, kêu gọi và đồng hành trên mọi biến cố.[4] Nơi Đức Kitô khai sinh cộng đoàn thánh thiện, đời sống cộng đoàn là lý tưởng khi nhìn vào nếp sống của các tín hữu thời sơ khai. Họ đồng tâm nhất trí ngày ngày chuyên cần đến đền thờ cầu nguyện.

Đời sống cộng đoàn được dưỡng nuôi bằng giáo lý Phúc Âm, bằng phụng vụ thánh và nhất là bằng bí tích Thánh Thể, phải được duy trì trong tinh thần hiệp thông,
[5] để được sự đồng tâm nhất trí đó chính mỗi người phải tự nguyện. Nhất trí không phải là ai sao tôi vậy nhưng là cả một sự tự bỏ ý riêng.

Khi tiễn một linh mục ra cổng sau thánh lễ, cha bỗng hỏi: Ở đây con có vui không? Tôi hơi bối rối với câu hỏi bất ngờ. Một suy nghĩ vụt qua: Nếu bảo không thì là nói dối nếu bảo có thì là nói xạo. Tôi cười và nói: Nếu nước Trời ngự trị trong tâm hồn chắc chắn lúc nào cũng sẽ vui, và trừ những lúc buồn ra lúc nào cũng vui. ..Cả ngày hôm đó và những ngày sau tâm trí tôi vang đi vang lại câu: Ở đây con có vui không? Cha Timothy Radcliffe nói về nguyên Bề trên Tổng quyền Aniceto Fernandez mỗi khi kinh lý anh em thường hỏi câu: Anh có hạnh phúc khi ở trong dòng không?
[6] Quả thực nếu bỏ tất cả để chọn cho mình một lối sống không hạnh phúc thì quả là bất hạnh. Lạy Chúa ở đây thật là tốt con xin dựng ba lều, thánh Phêrô đã nói trong khi ông không biết phải nói gì (Mc 9,5).

Chính tình yêu ban đầu như  một tia sáng lôi cuốn làm ta đứng lên đi theo Người. Thiên Chúa đã đi bước trước còn bước tiếp theo là sự đáp trả bằng sự yêu mến đối với tình yêu Thiên Chúa. Chỉ khi ý thức mình được yêu mới có thể giúp chúng ta vượt thắng mọi khó khăn. Tình yêu làm cho ta trở nên mạnh mẽ, sống cho tha nhân và với tha nhân.
[7]

2. Trở về nguồn cội của Đấng Tổ Phụ

Trở về nguồn cội của đấng sáng lập - nhìn Đức Kitô theo cách nhìn của đấng sáng lập. Lời mời gọi quay trở về với những nguồn cội và chọn lựa riêng của mình trong linh đạo mở ra những con đường hướng về tương lai. Ta được mời gọi tìm kiếm khuôn mặt của Người trong những khuôn mặt của những người mà ta được sai đến để chia sẻ với họ về kinh nghiệm của Đức Kitô.[8]

Ký ức sống động về lối sống và hành động của Đức Giêsu đã trở nên trung tâm và nguồn mạch của đấng sáng lập. Muốn trở nên một với Người, mang cùng một tâm tình, cùng một lối sống và đó là một cuộc sống bị Đức Kitô chiếm hữu, được bàn tay Người chạm đến, được tiếng nói của Người nhắn nhủ, được ân sủng của Người đỡ nâng.[9] Chúng ta cần một kinh nghiệm của ai đó để có thể hiểu biết Thiên Chúa của mình. Đó là lý do cần đến đấng sáng lập nhưng làm sao có thể hiểu về Thiên Chúa như ngài đã hiểu? Vì không phải là ngàiinên cần hoán cải để hiểu điều ngài đã hiểu và nhất là để thích ứng vào trong sự hiểu biết mà chúng ta cóinói khác đi thời đại khácisự hiểu biết phải gia tăng chứ không giảm bớt.

Thánh phụ Đa Minh, đấng sáng lập đã chọn một đường hướng đúng đắn, thành lập cộng đoàn sau đó mới sai đi rao giảng. Chúng ta không rao giảng rồi mới thành lập cộng đoàn. Vì thế cộng đoàn là nơi chúng ta về sau khi thi hành sứ vụ và như thế cộng đoàn đích thực là gia đình, là ngôi nhà thân ái đầy ắp tiếng cười và những sẻ chia. Không thiếu những niềm vui, vui khi làm việc cùng nhau, chơi chung, nấu ăn chung. Những lúc đó tiếng cười vỡ òa như thiên đàng, như khi các môn đệ hớn hở trở về khoe chiến công với Chúa Giêsu
[10].

Cộng đoàn không chỉ là nơi chúng ta sinh tồn nhưng còn là nơi chúng ta tìm thấy lương thực cho cuộc hành trình. Chúng ta cùng nhau sống trong một cộng đoàn, hội dòng, với một linh đạo riêng. Mỗi người đến với nhau cũng là tự nguyện, không bị ép buộc không vì lý do sợ hãi. Sống gần nhau và sống vì nhau chấp nhận nhau, giúp nhau qua khổ đau.[11]

Nhưng cũng không thiếu những khi cộng đoàn trở nên nặng nề làm chúng ta không muốn trở về đó. Buồn vì những hiểu lầm những lúc cơm không lành, buồn như khi Phêrô bị mắng satan (Mc 8,33), buồn khi bị người khác cho là “tảng đá” cản lối họ.

3. 
Dấu chỉ thời đại

Đó là sự hiểu biết mở rộng đến từ thách đố của những con người thời đại nên ta cần thích ứng với nền văn hóa, cách sống con người hôm nay, nơi đó ta được nhận chìm vào và nổi lên từ đó để hít thở bầu khí của Tin Mừng.

Giữa một nền văn hóa sự chết một xã hội toàn cầu hóa cả về kỹ thuật và kinh tế, bất an, lo sợ, tội ác, bạo lực bất công chiến tranh... trở về nguồn không có nghĩa là trở nên xa lạ với thế giới hôm nay. Trong bối cảnh đó, người tu sĩ được mời gọi hoán cải và canh tân không ngừng để đời sống của họ mang một nguồn sinh lực mới. Thế giới hôm nay đang chờ mong những người thánh hiến phản ánh cụ thể cách thức hành động của Đức Kitô.
[12] Đó là gương  mặt của Lòng Thương Xót, Người Nâng Đỡ, Đấng Chữa Lành. Từ chính cộng đoàn nhỏ bé của Người, Người đã làm dậy men cho đến ngày tận thế “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Đời sống cộng đoàn không phải là xa lánh biệt lập với thế gian nhưng là làm cho điều đã xảy ra trở nên điều đang xảy ra, là làm cho điều người khác đã sống thành điều thấy được và hiểu được trong thế giới hôm nay. Và dĩ nhiên tất cả đều phải được diễn tả qua các dấu chỉ của đời sống tu trì tu phục, tu luật, nội vi, đời sống huynh đệ, phụng vụ. Và phải phù hợp với phong tục tập quán địa phương nhưng không làm mất đi tính chất nguyên thủy của đời sống tu trì khi noi gương Chúa Kitô, Đấng thanh khiết và khó nghèo đã cứu chuộc và thánh hóa nhân loại với thái độ vâng phục cho đến chết trên thập giá. Khi đã khấn giữ khiết tịnh vì nước trời, phải được quí trọng như một hồng ân cao cả. Đức khiết tịnh mang lại tự do cho trái tim, để mến Chúa và yêu thương mọi người cách nồng nàn hơn, đồng thời trở thành dấu chỉ thiên đàng và cùng là một phương cách thích hợp nhất để các tu sĩ hân hoan hiến thân phụng sự Thiên Chúa và hoạt động tông đồ. Chính tình huynh đệ đích thực giữa các tu sĩ trong đời sống cộng đoàn sẽ bảo vệ đức khiết tịnh an toàn hơn cả.
[13]

Khi tự nguyện sống khó nghèo chính ta bước theo Đức Kitô, vì thế tu sĩ phải chú tâm thực hành và biểu lộ đức khó nghèo bằng những hình thức mới hợp theo hoàn cảnh sống. Đôi khi ta tự hỏi làm sao sống khó nghèo trong khi quá đầy đủ tiện nghi? Bước chân vào tu viện, có nhà cao cửa rộng, đồ dùng vật chất đầy đủ và tiện nghi, vậy thì nghèo ở đâu? Phải chăng là “khó mà nghèo!” Quả thực nếp sống khó nghèo trong đời tu không chỉ hạn hẹp trong việc lệ thuộc bề trên khi sử dụng của cải, nhưng phải nghèo khó cả trong thực tế cũng như trong tinh thần để chỉ lo thu tích của cải trên trời[14].

Khi đến một nhiệm sở mới ta có xu hướng yên thân, thu tích của cải và khi được sai đi, ta thấy thật khó khăn. Một giáo dân hỏi: Nhà của sơ phải không? Nhà nào cũng lớn thật. -Vâng tất cả là nhà của con hết đấy ạ. -Thế thì còn lo thiếu gì nữa? -Vâng không thiếu gì cả, ngày mai bề trên sai đi nhiệm sở mới, không biết phải để mấy cái nhà to vào vali nào cho vừa!

Khó nghèo là gì nếu không phải là trút mọi lo lắng áy náy để luôn phó thác vào sự quan phòng của Cha trên trời? (x.Mt 6, 25-34) Và như thế mỗi tu sĩ tự ý thức mình phải gắn bó với luật lao động chung trong cộng đoàn khi tự cung cấp những gì để nuôi sống và hoạt động (x.Ga 5,17).

Ở đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thầy thì có Thầy ở đó giữa họ (Mt18,20). Ai tách khỏi cộng đoàn thì tự cô lập chính mình, chơi một mình với chiếc gương thần cổ tích: Gương kia ngự ở trên tường thế gian ai tuyệt được dường như ta? Gương thần sẽ trả lời: Thưa không! thế gian không ai tuyệt được dường như sơ! Đừng vội mừng vì không ai đạo đức thánh thiện như mình, mà thực ra gương không thể so sánh vì sơ chỉ có một mình.

Trong một tu viện nọ, khi hát ca vịnh theo cung nguyện cứ bị xuống “tone” thấp hơn so với đàn. Một sơ trẻ cố kéo lên cao chót vót nên bị nhắc nhở: “Xấu đều hơn tốt lỏi.” Sơ không hiểu nổi, đi than trách Chúa: “Con đã cố hết sức Chúa ơi con phải làm sao? Con muốn kéo mọi người lên, sao mọi người lại bắt con xuống cùng họ?”... Chúa cười: “Con lên một mình thì chơi với ai? Xuống hết đi rồi Ta thương xót lại kéo hết cả lên!” Chúng ta cần có cộng đoàn nâng đỡ trong cuộc hành trình này. Thiên Chúa đã hứa: “Ta sẽ lấy khỏi các ngươi quả tim bằng đá và ban tặng các ngươi quả tim bằng thịt” (Ed 36,26). Chúng ta cần có anh em, chị em đồng hành khi trái tim chúng ta tan vỡ và mềm yếu.
[15]

Tạm kết

Từ Galilê các môn đệ tìm lại nơi xuất phát ơn gọi của mình. Đức Giêsu mời gọi các ông trở về với kinh nghiệm gặp gỡ ban đầu. Chính ta cũng phải trở về “Galilê” của chính mình. Trở về Galilê nghĩa là là lưu giữ trong trái tim tôi ký ức sống động về lời mời gọi, khi Chúa Giêsu đi ngang qua tôi, nhìn tôi chăm chú với lòng thương xót và gọi tôi theo Ngài. Nó có nghĩa là làm sống lại ký ức về thời điểm khi mắt Ngài gặp gỡ mắt tôi, thời điểm khi Ngài làm tôi nhận ra rằng Ngài yêu thương tôi.”[16]

Trở về giây phút ban đầu để tìm lại nguồn sinh lực mới, chính giây phút thần thiêng đó sẽ hâm nóng tình yêu của ta đối với Chúa. Chúng ta được mời gọi sống lại kinh nghiệm cũ với ánh sáng Phục Sinh. Đó là  một cuộc hoán cải và canh tân chính  mình. Nhìn mọi sự với một cái nhìn khác và như thế ta có thể biến đổi và trở nên phù hợp hơn với Tin Mừng. Bởi khi ý thức được yêu mới có thể mở ra, đón nhận và yêu tha nhân.

Khi bước chân vào tu viện, vào một cộng đoàn mới, cảm nhận giây phút được yêu thương đó sẽ theo ta suốt cuộc hành trình, được thuộc về và được dấn thân. Dietrich Bonhoeffer có một châm ngôn tiêu biểu rằng: Ai yêu mến cộng đoàn thì tiêu diệt cộng đoàn, còn ai yêu mến anh em thì xây dựng cộng đoàn. Nếu nói: Tôi yêu cộng đoàn thì đó là một tình yêu tập thể, tập thể là ai? Là không ai cả; chỉ cần một người làm khác ý ta hay ai đó làm ngược lại “ngày xưa” thì sẽ có nguy cơ bị lên án, bị loại trừ. Chỉ khi ta yêu mến anh chị em và coi đó là anh chị em của mình, thì ta mới thực sự xây dựng cộng đoàn trong tinh thần hiệp thông. Chỉ có sự hiệp thông mới có thể liên kết mọi người với nhau trong cùng một thân thể Đức Kitô.
[17]

Trần Hòa
 
 
[1] Mt 16,21–21,34.
[2] Mt 16,24-28; 18,1-35; 20,24-28.
[3] Cv 10,38
[4] Huấn thị XPLTĐKT, số 21.
[5] Cv 2,42.
[6] Timothy Radcliffe, Hát lên bài ca mới.
[7] Huấn thị XPLTĐKT, số 22.
[8] Ibid, 21.
[9] Tông huấn ĐSTH, 25.
[10] Lc 10,17-24.
[11] Vũ Phong Vũ, Con đường Giêsu.
[12]Huấn thị XPLTĐKT ô, số 1.
[13] Công đồng Vaticano II, Perfecte Caritatis. 28/10/1965, số 12.
[14] Ibid, 13. Mt 6,20
[15]  Timothy Radcliffe O.P. Hát lên bài ca mới.
[16] ĐTC Phanxicô, lễ vọng Phục sinh 2014.
[17] Lá thư mùa chay 2018, Bề trên Tổng quyền Anê Mai Thị Châu.
114.864864865135.135135135250