04/10/2016 -

Các cộng đoàn

1069
Lòng Thương Xót trong đời sống cộng đoàn

 
Ngày 7/11 năm2015, tất cả anh chị em thuộc đại gia đình Đa Minh trên toàn thế giới đã chính thức bước vào Năm Thánh mừng kỷ niệm 800 năm thành lập dòng. Thời gian năm thánh không chỉ dừng lại ở việc mừng một biến cố đã qua, nhưng là cột mốc ghi dấu về muôn vàn hồng ân Thiên Chúa đã trao ban cho Hội dòng, cho từng Cộng đoàn và từng thành viên trong đại gia đình sống theo linh đạo thánh Đa Minh. Đây một sự trùng hợp nhưng mang đầy ý nghĩa khi thời điểm Năm Thánh của toàn dòng trùng với việc ĐTC Phanxicô thiết lập năm thánh ngoại thường về lòng thương xót, khai mạc ngày 8/12/2015. Chính vì thế mỗi con cái của thánh Đa Minh càng được mời gọi để cảm nghiệm sâu xa hơn về lòng thương xót của Chúa đã ban xuống trên Hội dòng cũng như trên từng người trong năm thánh hồng phúc.

Đời sống cộng đoàn là 1 trong 5 yếu tố quan trọng nhất của dòng. Vì thế, người tu sĩ Đa Minh càng xác tín hơn về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mình qua đời sống cộng đoàn và qua tình huynh đệ của từng anh chị em. Nhờ cộng đoàn mà chúng ta được "sinh ra", trưởng thành lên trong đời sống tâm linh cũng như thể lý, đón nhận sức sống và tin tưởng hơn để đáp lại ơn thiên triệu, cũng như lời mời gọi của Hội Dòng trong Năm Thánh: “Được sai đi loan báo Tin Mừng”, và cũng là năm Giáo Hội mời gọi: “Sống và loan báo Lòng Thương Xót của Chúa”. Khởi đi từ xác tín của bản thân về Lòng Thương Xót của Chúa trên chính cuộc đời mình, để rồi chính chúng ta "đi ra" khỏi mình, trao ban Lòng Thương Xót của Chúa cho anh chị em trong Cộng đoàn, và rộng lớn hơn cho anh chị em đồng loại. Lời khẳng định của ĐTC Phanxicô khi còn làm Tổng Giám mục giáo phận Buenos Aires xác minh cho chúng ta điều đó: “Chỉ những ai đã gặp gỡ được Lòng Thương Xót của Chúa thì người ấy mới cảm thấy hạnh phúc và an ủi trong Chúa và cảm nghiệm được sự ôm ấp của lòng thương xót của Đức Giêsu trên tội lỗi của chính mình. Từ chính những cảm nhận đó giúp cho chúng ta một niềm vui sâu sắc và hy vọng được nảy nở trong trái tim chúng ta, sẽ giúp cho chúng ta can đảm ra khỏi mình để chia sẻ với những người xung quanh niềm vui trong cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu nơi những vùng sâu vùng xa của cuộc sống con người[1]".
Với chủ đề "Sống lòng thương xót trong đời sống cộng đoàn Đa Minh", bài viết sẽ khai triển 4 khía cạnh sau:
  •  Mỗi thành viên trong cộng đoàn là quà tặng của Chúa
  •  Sống chan hòa với nhau trong tình thương yêu của Thiên Chúa.
  •  Cảm nghiệm cá nhân về lòng thương xót trong đời sống cộng đoàn.
  •  Nên ngôn sứ của lòng thương xót
 
1. Mỗi thành viên trong cộng đoàn là quà tặng của Chúa
Cộng đoàn tu trì là nơi Thiên Chúa qui tụ tất cả những ai muốn bước theo Ngài trong đời sống dâng hiến, họ cùng nhau sống dưới một mái nhà, để sống với nhau, sống cho nhau, sống vì nhau, và để cùng nhau chia sẻ một lý tưởng cao thượng mà Thiên Chúa đã mời gọi. Đức Giêsu đã mời gọi chúng ta bước theo con đường Người đã đi, và mời gọi chúng ta sống như Người đã sống. Để sống được lời mời gọi đó một cách hạnh phúc trong đời dâng hiến, trước hết chúng ta phải cảm nhận được Lòng Thương Xót của Chúa trong cộng đoàn qua mối tương quan huynh đệ thánh thiêng giữa các thành viên trong cộng đoàn với nhau. Ơn gọi thánh hiến là món quà Chúa ban cho chúng ta và mỗi anh chị em trong cộng đoàn lại là món quà của nhau: món quà vô cùng quí giá đó được Thiên Chúa cho mỗi chị em và cho Hội Dòng. Những anh chị em được tình yêu Chúa qui tụ, họ là hình ảnh của Chúa, và Chúa muốn cá nhân tôi cùng với họ nên trọn lành trong ơn gọi và sứ mạng của người tu sĩ Đa Minh. Vì đã trở nên anh chị em của nhau trong Đức Kitô nên chúng ta được mời gọi đón nhận, cảm thông và chia sẻ tất cả với nhau, ngay cả những yếu đuối, lỗi lầm của người anh chị em sống với.

Đời sống cộng đoàn thật phong phú: anh chị em khác có cái mình không thể có, hoặc nơi họ không thể có cái mình đang có, nhờ vậy mỗi người trong nhiệm vụ của mình cùng nhau xây dựng cộng đoàn tiến lên. Cộng đoàn được ví như là một thân thể được kết nối từ nhiều bộ phận đó là từng thành viên chung sống trong một tập thể, để tất cả cảm thấy sự thuộc về nhau. Cảm thức thuộc về này không phải là do máu huyết, nhưng là phát xuất từ lời mời gọi của Thiên Chúa. Chúng ta đã trở thành quà tặng của nhau và cần đến nhau, vì chúng ta cùng thuộc về một Hội Dòng, chúng ta được mời gọi xây dựng cộng đoàn hợp nhất mà vẫn tôn trọng nét riêng, rất riêng của từng anh chị em và coi đó như đặc sủng riêng Chúa ưu ái gửi đến làm cho cộng đoàn được phong phú.

Tuy nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận với nhau rằng: trong thực tế không phải lúc nào trong cộng đoàn cũng tràn đầy niềm vui và hạnh phúc như chúng ta mong đợi. Dù đã sống trong nhà Chúa nhưng chúng ta vẫn là những người trần mắt thịt, mà đã là con người thì “nhân vô thập toàn”. Bất kỳ cộng đoàn nào cũng đều được hình thành bởi những con người có cả hai mặt tốt và xấu, nhưng chúng ta có dám đón nhận ngay cả những cái giới hạn đó của người anh chị em mình hay không? Đôi khi ta phải vất vả và khiêm tốn lắm mới có thể đón nhận những điều trái ý của cuộc sống hằng ngày, nhất là nhiều khi phải đau đớn lắm mới dễ dàng tha thứ cho người anh chị em làm tổn thương mình.

Sự khiêm tốn và tin tưởng là nền tảng của đời sống cộng đoàn hơn là sự hoàn thiện và dâng hiến. Chính vì thế để có một cộng đoàn lý tưởng, làm thành một huyền nhiệm được hiện hữu từ chính nơi Thiên Chúa. Và nơi cộng đoàn đó, mỗi anh chị em cần có được một con tim của lòng xót thương, một con tim đủ lớn để chứa đựng tất cả chị em của mình. Lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là những điều cao siêu, trừu tượng nhưng là những điều thật bình dị tầm thường qua những công việc bổn phận trong từng ngày sống nơi cộng đoàn và nơi những người anh chị em đang sống bên cạnh chúng ta. Chính mỗi người chúng ta phải cảm nhận, thực hiện cho nhau như một lời đáp trả với Thiên Chúa. 

2. Sống chan hòa với nhau trong tình thương yêu của Thiên Chúa
Sứ điệp chủ chốt của ĐTC Phanxicô trong Năm Thánh về lòng thương xót là để mời gọi các Kitô hữu “Sống lòng thương xót của Thiên Chúa phải trở nên sống động và hiện hữu nơi Đức Giêsu Kitô là nguồn ơn cứu độ. Lời nói, hành động và toàn bộ con người của Người đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa giữa lòng trần gian”. Qua lời mời gọi đó mỗi chúng ta nhận ra rằng sau khi chúng ta chạm được tới Lòng thương xót của Thiên Chúa thì chính Chúa cũng mời gọi và sai chúng ta ra đi để trở nên những người tông đồ thực thi sứ mạng rao truyền và thực thi lòng thương xót Chúa, mà những người cần được đón nhận lòng thương xót trước hết là anh chị em trong Cộng đoàn của mình.

Nhưng để thi thố tình yêu và lòng thương xót Chúa cho anh chị em trong cộng đoàn mình, thiết tưởng đời sống huynh đệ chan hòa giữa các thành viên trong cộng đoàn là điều không thể thiếu. Jean Vanier đã viết: “Mỗi anh em trong cộng đoàn, ai cũng có quyền được yêu thương và yêu thương anh em mình, đó là một đặc quyền của tình yêu huynh đệ, như một gia đình được sinh ra trong mái ấm của người cha người mẹ của mình”[2].
Có Chúa ở giữa cộng đoàn thì môi trường ấy trở thành không gian tình yêu. Vâng, một cộng đoàn chỉ sinh động và mọi người hết lòng sống cho nhau và vì nhau, là một Cộng đoàn có Chúa ở giữa, Ngài "thủ thỉ" với từng thành viên như hình ảnh Thiên Chúa quyến rũ người Ngài yêu, được mô tả trong sách Hôsê. Nếu Chúa là Đấng đã quyến rũ mọi người lại với nhau thì cũng chính Ngài là Đấng nối kết chặt chẽ mỗi thành viên trong cộng đoàn thành một. Cho nên, cộng đoàn dù “đông đảo mà chỉ có một lòng một ý, mọi sự là của chung” (Cv 4,32). Cộng đoàn là nơi các thành viên được “hiệp thông với nhau” qua việc “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 4,32). Các thành viên trong cộng đoàn “đồng tâm nhất trí”… để rồi đi đến “hợp nhất với nhau” (Cv 2,42-46).

Trong cộng đoàn tu trì, tất cả các yếu tố như yêu thương, phục vụ hay hiệp nhất... đều phải được thực hiện, xây dựng và nhắm tới một mục đích duy nhất là Chúa. Yêu thương nhau trong Chúa, như Chúa và lấy Chúa làm chuẩn mực của tình thương. Phục vụ anh chị em và mọi người trong Chúa, như Chúa, cho Chúa và vì Chúa. Cộng đoàn nào cũng có đầy đủ mặt phải, mặt trái. Nhưng trên hết có Chúa là lý tưởng, có lòng yêu mến Chúa làm nhựa sống thì tình yêu thương nhau sẽ được tôn trọng. Chuẩn mực của một gia đình thiêng liêng trong cộng đoàn tu trì phải khởi đi từ lời quả quyết của Đức Giêsu: “Ai lắng nghe và thi hành lời Chúa là anh em, là mẹ tôi”.

Chúng ta có nhiệm vụ xây dựng cộng đoàn hợp nhất mà vẫn tôn trọng nét riêng, rất riêng của từng anh chị em và coi đó như đặc sủng riêng Chúa ưu ái gửi đến làm cho cộng đoàn được phong phú. Sở dĩ chúng ta làm được điều đó vì chúng ta yêu Chúa. Mỗi thành viên lấy từ kho tàng riêng tư của mình góp vào kho tàng chung để xây dựng cộng đoàn. Như vậy tình yêu Chúa làm nền tảng, nhờ đó chúng ta sống chan hòa tình huynh đệ với nhau. Chúa chính là điểm tựa, là trục, là nền tảng để xây dựng tình bác ái huynh đệ giữa cộng đoàn cũng như đi xa hơn xây dựng sự hiệp nhất trọn vẹn. Vấn đề còn lại của chúng ta là “Tôi đã làm gì cho cộng đoàn?" và "Tôi đã xây dựng tình huynh đệ trong cộng đoàn như thế nào?".

Đời sống cộng đoàn chỉ vận hành tốt qua cách sống chan hòa yêu thương và các mối tương quan chân thành giữa các thành viên với nhau, ở đó chúng ta được mời gọi để nhận ra mỗi chúng người cần phải có mối tương quan yêu thương chân thành với chính mình, với Thiên Chúa và với tha nhân. Từ đó giúp cho chúng ta cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta ngang qua đời sống cộng đoàn.

3. Cảm nghiệm cá nhân về lòng thương xót trong đời sống cộng đoàn
Giáo hội mở ra Năm Thánh về lòng thương xót Chúa là mong muốn các kitô hữu trở về để đón nhận lòng thương xót. Trước hết và trên hết là để hoán cải, vì trong mỗi cộng đoàn hay nơi mỗi thành viên đôi khi chưa sống đúng với những gì Thiên Chúa đã trao ban. Đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại Hội Dòng của mình với những biến cố thăng trầm trải dài trong suốt những năm tháng qua và định hướng cho tương lai với nhiều điều tốt đẹp theo Thánh Ý Chúa. Việc mừng năm thánh như một biến cố quan trọng giúp chúng ta nhận ra rằng Cộng đoàn là một yếu tố nền tảng cấu thành nên sự thánh hiến của mỗi chúng ta, và những sinh họat trong cộng đoàn là những phương thế căn bản, để làm nổi bật lên những giá trị của đời tu như: cầu nguyện, học hành, sứ vụ, đặc sủng và tông đồ. Qua cộng đoàn, chúng ta cũng được mời gọi để sống và chia sẻ các giá trị của Tin Mừng, nhờ đó chúng ta có thể sống lòng thương xót trong tâm tình cảm tạ và hoán cải không ngừng. Mỗi cá nhân trong cộng đoàn vừa là mắt xích liên kết với nhau vừa là cầu nối để "kéo" ơn Chúa cho cộng đoàn mình: một cảm nghiệm sâu sắc về lòng Chúa thương xót không chỉ nơi bản thân mà cho cả gia đình cộng đoàn mình đang sống.

Tình yêu và lòng thương xót Chúa được mỗi người khám phá ra qua việc chuyên chăm lắng nghe lời Chúa, có nghĩa là tái khám phá ra giá trị của sự thinh lặng, để có thể suy niệm về chính Lời Chúa nói với mỗi người và nói với tất cả chúng ta. Đó là cách thức giúp chúng ta chiêm ngắm được lòng thương xót của Chúa, và biết chuyển tải lòng thương xót vào chính đời sống yêu thương phục vụ anh chị em trong cộng đoàn.

Sống Năm Thánh của Dòng trong tâm tình chung của năm thánh lòng thương xót, chúng ta lại càng cảm nghiệm được rõ hơn về sự quan phòng của Thiên Chúa đối với Hội Dòng từ quá khứ tới hiện tại và niềm hy vọng cho tương lai. Khởi đi từ đó như điểm qui chiếu để chúng ta thực hiện lời mời gọi của Đức Thánh Cha: “Hãy có lòng thương xót như Thiên Chúa Cha”. Chúng ta không chỉ có lòng thương xót với những anh chị em mình mà thôi, nhưng là thực thi lệnh truyền xót thương ấy với tất cả mọi người, toàn thể cộng đồng nhân loại không phân biệt họ là ai. Đó cũng là cách thức chúng ta thực hiện lời mời gọi của dòng “Được sai đi rao giảng Tin Mừng”. Sống Tin Mừng của lòng thương xót Chúa đúng nghĩa là chúng ta biết mang lời của Chúa vào chính cuộc sống để nhờ đó mọi người nhận ra được tình thương của Chúa vẫn yêu thương, tha thứ và che chở họ. Một khi chúng ta cảm nhận được Chúa đang ở trong mình thì chúng ta cũng cảm nhận được lòng thương xót của Chúa dành cho các anh  chị em trong cộng đoàn.

4. Nên ngôn sứ của lòng thương xót
Trong sứ điệp ngày Thế giới Loan báo Tin Mừng năm 2008, Đức Giáo Hoàng Beneđictô XVI kêu gọi: "Cả các con nữa, các tu sĩ nam nữ thân yêu, ơn gọi của chúng con được đánh dấu bằng một ý nghĩa truyền giáo mạnh mẽ, lấy việc rao giảng Tin Mừng cho mọi người, nhất là những người ở vùng sâu vùng xa, bằng việc làm chứng cho Đức Kitô và sống theo Tin Mừng của Ngài một cách triệt để qua con người và cuộc sống của mình". Vì thế, việc loan báo Tin Mừng là sứ vụ căn bản của Đức Kitô, cũng là sứ vụ và ơn gọi của người tu sĩ Đa Minh, khi chúng ta được mời gọi để đến với tha nhân. Nhưng nếu một cách nào đó chúng ta từ chối sứ vụ này, là chính chúng ta đã tự phản bội lý tưởng Kitô giáo và đánh mất căn tính của mình. Động cơ thâm sâu của sứ vụ loan báo Tin Mừng này nằm ở mầu nhiệm tình yêu. Chính tình yêu Thiên Chúa và tha nhân thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng cho đồng loại với tất cả sự chân thành, trân trọng và yêu thương. Thực vậy, nếu chúng ta “thực sự yêu mến Chúa Kitô thì không thể không chia sẻ tình yêu đó cho người khác”.

Mỗi người tu sĩ Đa Minh được mời gọi để làm tông đồ cho Đức Giêsu qua việc loan báo Tin Mừng, chính vì thế khi trở thành một tu sĩ của dòng Đa Minh, chúng ta cũng đảm nhiệm trọn vẹn sứ mạng là người được sai đi để: "Nói với Chúa và nói về Chúa". Nghĩa là người tu sĩ chúng ta phải nói với Chúa trong cầu nguyện qua việc chuyên cần kín múc ơn thánh trong kinh nguyện và trong thánh lễ, và khi đã cảm nghiệm được về Chúa thì mang lời Chúa đến chia sẻ cho anh chị em và cho những người mình gặp gỡ.

Những gì chúng ta trao cho họ là lời Chúa và cung cách sống của mình, chúng sẽ có giá trị hơn những quà tặng khác. Muốn sống được điều đó trước hết và trên hết người tu sĩ phải trở về với Chúa để tìm lại ý nghĩa cuộc sống, hưởng ơn bình an đích thực, đó là được sống trong đại dương bao la Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Một khi chúng ta biết đặt Đức Kitô làm trung tâm điểm của đời sống mình, thì chúng ta không còn là tâm điểm của đời mình nữa mà là trở nên trung tâm điểm của anh chị em và của đồng loại, vì ở nơi đâu có sự sống đích thực nơi Đức Kitô, thì nơi đó có sự mở lòng ra với tha nhân, và sẵn sàng bước ra khỏi mình để gặp gỡ người khác.

Mọi hành vi cử chỉ cũng như lời nói của chúng ta đều được tháp nhập trong lòng yêu mến và nhân danh Đức Kitô, đây chính là sứ mạng của mỗi người tu sĩ Đa Minh khi cất bước "ra đi" đến với người khác: Tất cả vì yêu mến, để làm nhân chứng cho Đức Giêsu và để nói với Chúa và nói về Chúa. Tuy nhiên, chính thánh Phaolô đã diễn tả một cách thật rõ ràng và sắc nét sứ vụ căn bản này: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa trao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi” (1 Cor 9,16-18). Như vậy, việc loan báo Tin Mừng đã trở thành sứ vụ ưu tiên và vì Tin Mừng đã trở nên mọi sự cho mọi người. Chính vì thế, đối với dòng của chúng ta được thiết lập, là để tiếp tục sứ vụ cao cả này một cách đặc biệt, nhất là công việc đó cần cụ thể và nhiệt thành hơn nữa trong năm thánh mừng kỷ niệm 800 của dòng với chủ đề “được sai đi loan báo Tin Mừng”.

Để kết thúc bài viết, xin mượn lời của cha Jean Vanier, ngài viết: "Cộng đoàn là một sự mạo hiểm phi thường, nhưng hy vọng có nhiều người dám sống mạo hiểm, để được đạt tới tự do nội tâm và tự do để yêu và được yêu”. Chính vì thế nơi Cộng đoàn chỉ là gia đình khi tất cả mọi thành viên đều cảm nhận được họ được Thiên Chúa mời gọi để sống theo những gì Chúa đã sống và thi hành sứ vụ của Người qua công việc bổn phận hằng ngày nhưng bằng một lòng yêu mến thẳm sâu, một trái tim nhạy cảm và đầy yêu thương. Từ đó chúng ta dễ dàng trao cho nhau những nụ cười chân thành, một ánh mắt cảm thông tha thứ, nhất là mỗi chúng ta cần tạo cho nhau sự an hòa nơi bản thân và nơi người khác sự ấm áp yêu thương để cùng nhau xây dựng một Hội Dòng, một cộng đoàn bền vững để đạt tới sự thăng tiến như lòng Chúa mong ước. Có như thế thì việc chúng ta cử hành Năm Thánh mừng 800 năm thành lập và sống năm thánh lòng thương xót Chúa mới mang lại giá trị đích thực cho đời sống dâng hiến của chúng ta cũng như của toàn dòng.

Khi chúng ta hoàn thành những sứ vụ tốt đẹp đó ngay trong chính cộng đoàn mình sống, chắc chắn mọi người sẽ nhận ra hình ảnh của Đức Kitô đang hiện diện trong cộng đoàn cũng như nơi mỗi anh chị em Tu sĩ Đa Minh chúng ta.

 
Mai Ti Gôn

[1] ĐTC Phanxico, Giáo hội giàu lòng thương xót, Augustine Nguyễn Minh Triệu. S.J, tr 8.
[2] Jean Vanier, Đời sống cộng đoàn, (dịch) Nguyễn Ngọc Mỹ, Fleurus, Paris 2002, 241.
114.864864865135.135135135250