24/08/2021 -

Các cộng đoàn

352
Mùa Covid - mùa Sabat và là mùa toàn xá

Đại dịch Covid19 bùng phát gần hai năm nay làm đảo lộn tất cả mọi chương trình, kế hoạch; đảo lộn mọi nhịp sống, tương quan của con người; gây ra biết bao đau thương cho nhân loại. Đặc biệt năm 2021, suốt từ đầu năm đến nay, dịch Covid liên tục bùng phát khắp nơi, vi rút Corona liên tục biến thể khó lường khiến cả thế giới phải ngưng mọi hoạt động, chìm sâu trong một giấc ngủ dài bởi các chỉ thị phong tỏa, dãn cách không thời hạn được ban ra. Có thể nói, dưới góc nhìn của rất nhiều người, đại dịch Covid 19 là một thảm họa kinh hoàng ập xuống cách bất ngờ cho nhân loại. Tuy nhiên cơn đại dịch cũng gây tiếng vang làm thức tỉnh bao tâm hồn, dạy chúng ta rất nhiều bài học. Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ đôi điều tản mạn suy tư về mùa Covit – mùa của năm thánh dưới lăng kính của sách Xh 23, 10-11; Lv 25, 2-17; Đnl 15, 1-11.

Lv 25,2 viết Đức Chúa phán cùng Mô-sê: Hãy nói với con cái It-ra-el rằng: khi các ngươi đã vào đất Ta sắp ban cho các ngươi thì đất phải nghỉ một năm sabat kính Đức Chúa. Trong sáu năm các ngươi sẽ gieo vãi nhưng năm thứ bảy sẽ là một năm sabat, một thời kỳ đất nghỉ. Như thế luật cho thấy Thiên Chúa là Đấng nắm chủ quyền tuyệt đối trên trái đất nhất là Đất Thánh. Người muốn cho đất đai cũng được nghỉ ngơi như con người bởi chính Chúa đã nghỉ vào ngày thứ bảy sau khi hoàn tất công trình tạo dựng (St 2, 2-3).

Nhờ việc nghỉ ngơi định kỳ như thế: nghỉ ngày thứ bảy của một tuần, năm thứ bảy, con người tin tưởng thần phục Thiên Chúa – Đấng chúc phúc cho cả con người và đất đai, đồng thời giúp con người ý thức mình không phải là những bộ máy sản xuất có thể làm việc mãi, nó mang tính nhân văn: để bò lừa cũng được nghỉ ngơi, để đứa con của nữ tỳ ngươi và người ngoại kiều lấy lại sức (Xh 23, 12; Đnl 5, 14).

Do tội nguyên tổ, đất đai đã bị nguyền rủa, trổ sinh gai góc cằn cỗi (St 3, 17-18) khiến con người phải vất vả cực nhọc mới có bánh ăn, nhưng có lẽ như thế đất đai còn có thời gian nghỉ. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã thay thế sức người rất nhiều, đã tạo ra rất nhiều loại giống cây ngắn ngày... khiến cho đất dai không còn thời gian hồi phục. Đồng thời người nông dân có một quan điểm lệch lạc trong việc tiết kiệm tiền bằng cách sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa chất nhằm sản xuất bội thu, tăng thời vụ, kiếm nhiều lợi nhuận thỏa mãn lòng tham. Thế nhưng thuốc trừ sâu đã giết chết nhiều sinh vật tối cần thiết cho sự phì nhiêu của đất, sự phát triển của cây cối, động vật mà chính động thực vật lại là sản phẩm từ đất. Phân hóa học đã axit hóa và làm giảm độ phì nhiêu của đất. Khi quá chú trọng đến sản lượng cao để có lợi lớn, con người đã phá vỡ các khuôn mẫu của cuộc sống tự nhiên, làm đất đai bạc màu và rồi sớm muôn lợi nhuận cũng mất dần. Vì thế, con người đang trên đà tự hủy diệt chính mình, hủy diệt thiên nhiên.

Có lẽ dịch Covid là một sự can thiệp của Thiên Chúa để điều chỉnh lại lối sống, lối nghĩ sai lạc của con người. Thiên Chúa đang cứu con người và cứu trái đất này. Thiên Chúa muốn cho con người nghỉ ngơi để suy xét lại lối sống vội, sống nhanh, sống ảo của con người mà nhận biết điểu gì là giá trị thật cần tìm kiếm. Nhờ đó thiên nhiên, đất đai cũng được nghỉ ngơi để hồi phục lại sức sống. Quả vậy nhiều nơi, người nông dân không còn trồng trọt nữa vì không có nguồn thu mua, giá cả hạ thấp, họ cũng không còn muốn bón phân và sử dụng chất kích thích nữa. Con người không còn lao vào tìm kiếm lợi nhuận.

Nhìn như thế, ta thấy mùa dịch Covid là một mùa sabat cho con người và đất đai, vì lợi ích của con người và vạn vật. Một Dì trong Hội dòng tôi năm nay kỷ niệm 25 năm khấn dòng đã nói: đây là mùa hồng phúc cho con người, nhất là với người thánh hiến vì rất lâu rồi chúng ta cứ phải chạy đua với công việc, với thời gian, với trăm ngàn nỗi lo toan. Nay Chúa cho thời gian vừa để nghỉ ngơi vừa để hâm nóng lại tình yêu với Ngài thuở ban đầu, để ở lại trong Chúa và trong nhau.

Điều thứ hai cho thấy mùa Covit là mùa sabat nữa là con người biết sống bác ái, tương thuộc với nhau. Mọi người biết nhường cơm sẻ áo cho nhau, quan tâm đến nhau nhiều hơn chứ không có giành giựt, vơ vén lương thực cho mình. Biết bao nghĩa cử yêu thương nay có dịp được thể hện ra: khi mà Sài Gòn trở thành tâm dịch phải sống trong tình trạng phong tỏa, dãn cách thì có rất nhiều các chuyến xe từ khắp nơi chuyên chở lương thực, thuốc men, thiết bị y tế... đến cho mọi người. Tất cả mọi người hết lòng vì sự sống của anh chị em mình, rất nhiều con tim quảng đại chia sẻ.

Số lượng thực phẩm của thế giới bị bỏ quên trong kho, trong các nhà hàng, các gia đình nay có cơ hội được chia sẻ cho tha nhân. Rất nhiều người lo sợ vì Covid mà kéo theo nạn đói. Đây cũng chính là câu hỏi mà dân It-ra-el đặt ra khi lo về năm sabat, năm toàn xá không thu hoạch mùa màng đặc biệt là khi năm toàn xá đi liền sau năm thứ bảy (tức 2 năm liền không thu hoạch), nhưng Thiên Chúa đảm bảo rằng phúc lành của Người sẽ xuống trên họ vào năm thứ sáu và trên đất đai khiến họ vẫn được no nê và được sống yên hàn (Đnl 25, 20-22).

Trên một bình diện cao hơn, mùa Covid là mùa sabat, mùa toàn xá vì đây là cơ hội để chúng ta vừa sống chiều kích thanh toán những món nợ đối với Thiên Chúa và tha nhân vừa sống chiều kích của lòng biết ơn. Chúng ta trả cho Thiên Chúa quyền chủ tể tối thượng của Người trên muôn vật muôn loài, con người chỉ là thụ tạo có giới hạn, dù đã phát mình ra nhiều điều vượt trội nhưng cũng có những thứ con người không thể kiểm soát, khống chế chúng. Chúng ta trả lại cho Thiên Chúa sự thờ phượng mà Người đáng được tôn kính qua việc dành thời gian cầu nguyện nhiều hơn. Mùa Covid toàn xá mời gọi chúng ta trả những món nợ vật chất, món nợ ân tình cho nhau. Hãy sống lệnh truyền ân xá cho nhau, quan tâm đùm bọc nhau, dành thời gian cho nhau, nhất là với những người già cả, bệnh tật, với con cái, vợ chồng. Chúng ta cũng trả lại quyền làm người, quyền được sống, nhân phẩm cho những con người vốn bị coi là đồ phế thải của xã hội: người khuyết tật, người nghèo, người bệnh tật, già cả... Tôi thấy trong mùa dịch Covit những con người này được nhìn đến nhiều hơn lúc trước và chúng ta phần nào có được trải nghiệm về nỗi thống khổ, khát khao bấy lâu nay của họ. Chúng ta càng thấy chạnh lòng thương xót họ hơn. Tuy nhiên điều sâu xa hơn không phải là chúng ta trả nợ cho Thiên Chúa mà chính Thiên Chúa xóa nợ cho chúng ta. Từ khi dịch Covit xuất hiện, Mẹ Giáo Hội đã cho chúng ta biết bao dịp lãnh ơn toàn xá. Tất cả vì ơn cứu rỗi của con người.

Chúng ta sống chiều kích của lòng biết ơn: lòng biết ơn là nguyên nhân của sự tự do và hạnh phúc. Rất nhiều người cảm thấy bất hạnh, tự sát mặc dù có nhiều của cải bởi họ không biết ơn sự giàu có đang được hưởng. Con người thường có xu hướng nhớ những gì ta cho và quên những gì ta nhận lãnh. Chúng ta quên mất từ khi sinh ra, chúng ta đã được cho một cách thoải mái mọi thứ chúng ta cần như không khí, ánh sáng, nước, thực phẩm. Chúng ta quên sự hào phóng vô tận, lòng khoan dung của cha mẹ, tổ tiên. Chỉ đến khi chúng ta phải sống bằng ống thở, phải trả tiền cho từng lít khí thở ta mới nghiệm thấy ta đã phung phí những điều xem ra rất bình thường, rất tự nhiên quá đỗi. Chỉ đến khi lâm vào cảnh có tiền cũng phải chết đói, ta mới thấy trân quý từng hạt gạo, bát cháo, mẩu bánh mì, ngọn rau... chúng ta không còn chê ỏng chê eo đồ ngon đồ dở nữa. Khi ta biết tri ân những điều trên, chúng ta thể hiện sự tôn vinh cao nhất đối với Thiên Chúa và mục tiêu của vũ trụ mà Thiên Chúa ban cho ta sử dụng. Chúng ta phải tri ân mọi thứ nhất là những điều xem ra bình thường, đơn giản mà thiếu nó chúng ta sẽ chết.

 Từ mấy điều suy tư trên giúp chúng ta có một lối nghĩ khác về Covid, không còn than trách, bất mãn, đổ lỗi và tuyệt vọng nữa nhưng trong đó là sự sống của muôn loài muôn vật đang được hồi sinh. Đôi khi một cơn bão táp trong cuộc sống lại đưa chúng tanđến một nơi mà chúng ta thuộc về, vậy đừng bao giờ nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh (1Tx 5,18) và những bài học quý báu mà Covit đã dạy ta. Chúng ta không thể làm chủ được bóng tối nhưng chúng ta có thể làm cho ánh sáng bừng lên mạnh mẽ nơi chúng ta qua lối sống thấm đẫm tình Chúa, tình người.

 
Sứ vụ Tutra
 
114.864864865135.135135135250