27/10/2021 -

Các cộng đoàn

483
Những bài học trong đời sống cộng đoàn

Đời sống cộng đoàn là gì? Câu hỏi ấy dường như tôi chưa từng nghĩ tới và biết đến khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hoặc có nghe ở đâu đó cũng chỉ là những khái niệm mơ hồ theo cách hiểu của người đời mà thôi. Nó chỉ được hình thành khi tôi bước vào đời tu – một bước ngoặc mới trong cuộc đời làm người. Giờ đây, tôi đã chính thức trở thành một thành viên của Hội dòng. Với biết bao hồng ân Chúa dành cho tôi mà khi nhìn lại, tôi tạ ơn Chúa đã luôn cùng đồng hành và hướng dẫn tôi trên mọi nẻo đường. Và chính nơi đây – nơi mái nhà Hội dòng – đã dạy cho tôi rất nhiều bài học về đời sống chung để yêu và được yêu, hiểu biết và được hiểu biết. Hiểu để rồi tôi gắn bó hơn với Hội dòng, đem hết khả năng Chúa ban để xây dựng Hội dòng và sống đúng với bậc tu trì mà Chúa mời gọi tôi bước vào.

Thật vậy, điều mà tôi cảm nhận được trong đời sống cộng đoàn đó là bài học về việc lắng nghe và thấu cảm. Bởi lẽ, con người sống với nhau đều cần có những mối tương quan và đặc biệt con người đều có nhu cầu yêu và được yêu, hiểu biết và được hiểu biết. Vì vậy, sống trong cộng đoàn, tôi thiết nghĩ mỗi người tu sĩ cần có một tinh thần biết chia sẻ và cảm thông với nhau, cần mở lòng mình ra với mọi người, cùng nhau lắng nghe và thấu cảm được người bên cạnh để rồi đón nhận cả con người thực của họ. Lắng nghe với một tình yêu chân thành và thái độ ân cần thì khi ấy người đó sẽ chia sẻ với ta cách thoải mái và chân thành hơn, đặc biệt khi họ cảm nhận được sự kính trọng sâu xa trong cách lắng nghe của ta.

Mặc khác, ngoài việc ân cần lắng nghe với cả con tim chân thành, chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh, địa vị, tập quán, văn hóa và sự hiểu biết của họ. Làm được như thế, chúng ta có thể hòa mình vào được trong thế giới của người nói một cách sống động hơn và cũng dễ nghe được tiếng âm thanh trong cõi lòng người ấy. Khi đã lắng nghe được tiếng nói từ con tim của họ, thấu cảm được từng nhịp rung động của tâm hồn họ, ta dễ dàng đón nhận con người thật của họ.

Thứ đến, sống trong cộng đoàn chúng ta còn cần biết đón nhận nhau với tất cả lòng yêu mến và phó thác. Chẳng hạn, khi tôi được đón nhận như là một thành viên của Hội dòng, tôi cũng phải sống làm sao cho xứng với vai trò và trách nhiệm của mình được đón nhận. Cho nên, việc đón nhận không chỉ bao hàm việc sống trong mái nhà đó, nhưng còn phải chấp nhận những chị em sống chung trong cùng một cộng đoàn và dám trao ban số phận mình cho cộng đoàn nữa. Mới nhìn qua, đón nhận xem ra dễ thực hiện nhưng trong thực tế thì không dễ chút nào. Nếu chúng ta để ý một chút thì sẽ thấy trong cộng đoàn có những người này thân thiện với người kia hơn. Đây là điều thường tình của con người vì có nhiều lý do như: hợp tính tình, sở thích, cùng đồng hương… và cũng có tình trạng trong cộng đoàn có một vài người không nói chuyện được với nhau, làm cho cộng đoàn mất tình hiệp thông, gây gương mù gương xấu cho người khác.

Bởi lẽ, cuộc sống con người là một hành trình mà trong đó niềm vui và nỗi khổ luôn đan xen lẫn nhau. Cũng vậy, đời sống tu trì là một hành trình trên trần gian để đi tìm hạnh phúc cho đời này và đời sau. Trên đoạn đường này sẽ có những lúc thật khó khăn để đón nhận: đón nhận ý Chúa, đón nhận ý của Bề trên và đón nhận chị em mình trong một Hội dòng, cộng đoàn. Trong những lúc này, chúng ta cần phải chấp nhận, chấp nhận sự thực, chấp nhận với những gì đã và đang xảy ra trong Hội dòng.

Chấp nhận ở đây xem ra mang nghĩa bị động. Điều này có thể được hiểu rằng trong đời tu tôi tạm không còn khả năng để đón nhận chị em mình trong cùng một cộng đoàn, hoặc những điều xảy ra không có lợi cho Hội dòng, tôi tạm chấp nhận mọi chuyện như vậy. Tuy nhiên, chấp nhận ở đây không có nghĩa tiêu cực là chấp nhận mọi thứ như vậy rồi bỏ mặc phó thác mọi sự muốn làm sao thì làm. Nhưng chấp nhận là dám nhìn nhận thực tế vào chính mình, vào hoàn cảnh thực tế của Hội dòng mà mình đã và đang đón nhận. Do vậy, chấp nhận trước tiên là khởi đi từ chính mình. Dù ở trong cương vị nào thì bản thân vẫn vui vẻ đón nhận, chấp nhận những điểm yếu nơi bản thân, chấp nhận để cho đi nhiều hơn, chấp nhận còn là ý thức vai trò, trách nhiệm của mình với mọi người trong Hội dòng cũng như nhìn nhận thực tế và thực trạng Hội dòng mình đã và đang đón nhận.

Thế nhưng, việc chấp nhận ấy dường như bị phai nhạt theo năm tháng, khi mà vào những giai đoạn đầu huấn luyện, chúng ta rất dễ dàng đón nhận và chấp nhận: dễ đón nhận thuận ý và chấp nhận trái ý. Tuy nhiên, khi thời gian qua đi với những cuộc xung đột do bất đồng quan điểm trong cách làm việc, trong cuộc sống, chúng ta bắt đầu cảm thấy khó chấp nhận nhau. Để rồi khi tới đoạn đường gồ ghề với những đố kỵ, ghen tương, toan tính của con người mà thiếu đi sự tác động của Thần Khí, chúng ta dễ loại bỏ nhau và thật khó chấp nhận nhau, dần dần chúng ta không đủ nghị lực để nhìn nhận và chấp nhận. Trong hoàn cảnh này, người tu sĩ thực sự cần đến sự từ bỏ tận căn để dám chấp nhận những thực tế mà mình đang có.

Mặc khác, trong cuộc sống tu trì không phải lúc nào cũng bằng phẳng lặng im, nhưng không ít đôi lần chúng ta phải chạm chán với những đoạn đường lên đồi Gôn-gô-tha. Tuy nhiên, nếu chỉ là những điều thuận ý ai mà chẳng đón nhận được nhưng cũng cần phải có những điều trái ý để giúp chúng ta có cơ hội xác quyết hơn với những gì mình đã chọn và từ bỏ. Đời tu cần cả hai: đón nhận và chấp nhận. Dám buông rơi để đón nhận và dám chấp nhận để đón nhận những gì mà chúng ta chưa thể buông rơi được.

Nói tóm lại, đời dâng hiến là chuỗi hành trình dài lên đồi Gôn-gô-tha cùng với Chúa để tiến đến đích vinh quang. Nhưng với thân phận yếu đuối, chúng ta cần bám sát vào Chúa để sống sao cho xứng đáng với những gì mà chúng ta đã được đón nhận. Ngoài ra, chúng ta cũng xin Chúa ban cho chúng ta luôn biết lắng nghe nhau và có đủ nghị lực để dám chấp nhận nhau, chấp nhận chính mình và chấp nhận thực tế của Hội dòng nơi chúng ta đang đón nhận, để chúng ta sẵn sàng từ bỏ và vui vẻ dấn thân theo Chúa sống thánh hiến trọn đời.

 
Têrêsa Hoàng Anh
 
114.864864865135.135135135250