22/09/2021 -

Các cộng đoàn

283
Ở với Chúa trong KINH NGUYỆN
 
VUI XUM VẦY BÊN CHÚA VÀ BÊN NHAU
(Chủ đề học hỏi quý 1 năm 2021 )

Trong bầu khí vui xum vầy, gia đình sứ vụ chúng con xin chia sẻ một vài những tâm tư trong quý I của chủ đề Tổng hội XI hôm nay. Quý Bề trên, quý Dì và quý Chị cùng đến với đề tài của quý này là “Ở với Chúa trong giờ kinh nguyện và cùng nhau tạo niềm vui, bình an. Đề tài đã gợi hứng cho chúng con 3 phần:

I. Ở với Chúa trong kinh nguyện

Trước hết, Phần I được khởi đi với từ khóa “kinh nguyện. Hai từ này gợi nhắc hình ảnh của cha Thánh Tổ phụ Đa Minh của chúng ta. Ngài tham gia trong nhóm kinh sĩ đoàn Osma thuở xưa và cùng với việc cầu nguyện để hoa trái Lời Chúa được đánh động nhiều tâm hồn lạc hướng trở về đường lành. Chắc hẳn một điều cha thánh học bài học cầu nguyện này từ Thầy Giêsu. Nên là môn đệ Thầy Giêsu và cũng là con cháu của Cha Thánh thì chúng ta không thể để thiếu kinh nguyện trong nếp sống ơn gọi Đa Minh của mình. Mặt khác cha ông ta có câu: Một giờ kinh chung hơn một thùng kinh riêng.Chúng con không phủ nhận kinh nguyện cá nhân vì vẫn có những giá trị riêng, nhưng chúng con xin nhấn mạnh nhiều hơn ở kinh nguyện chung với những ý nghĩa và những hữu ích mang 3 điểm như sau:

1. 
 Thăng tiến đời sống thiêng liêng nhờ kinh nguyện chung, biểu lộ qua những nét như là:

- Gia tăng đức tin với việc cảm nếm sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi. Cộng đoàn trong kinh nguyện không chỉ là ngợi khen, là chúc tụng, tạ ơn nhưng còn như được đi vào trong một cuộc trò chuyện thân thưa, cuộc gặp gỡ thân thiện với cộng đoàn Ba Ngôi.

- Nét thứ hai là nhờ kinh nguyện chung chúng con cảm nhận mình được gia tăng sức mạnh, lòng kiên nhẫn nguyện cầu cùng Chúa trước những khó khăn của thời cuộc. Điển hình như trong đại dịch hiện nay, cộng đoàn chúng ta vẫn kiên trì với niềm hy vọng và gia tăng lời cầu nguyện cho gia đình nhân loại chúng ta.

- Một nét đặc biệt của điểm thăng tiến trong đời sống thiêng liêng chính là cảm nhận được niềm vui trong kinh nguyện. Chắc hẳn khi đến với Chúa mỗi người có những tâm tư và những tâm thế khác nhau, nhưng có một niềm vui chung trong kinh nguyện là niềm vui của người con khi có Chúa là Cha, vì Ngài luôn sẵn sàng lắng nghe, đón tiếp chúng ta bất cứ lúc nào và ban ơn cho chúng ta trong bất kì cảnh huống nào. Nên niềm vui trong kinh nguyện không chỉ một cá nhân nào nhưng là toàn thể cộng đoàn. Niềm vui đó cũng không gượng ép nhưng là sự tham dự tự nguyện của lòng khao khát và đầy hoan lạc.

2. 
 Sự hiệp thông trong Hội dòng.

Mẹ Hội dòng của chúng ta đã trải nếm bao biến cố thăng trầm. Qua bao triều sóng, Hội dòng vẫn hiện diện nơi đây như một lời chúc lành, lời tình yêu và ân sủng của Chúa dành cho Hội dòng.


Chúng con thiết nghĩ vượt qua được những triều sóng đó thì không thể thiếu những giờ mà tất cả mọi thành viên cùng nhau dâng lời khẩn cầu tha thiết lên Chúa. Điều này vừa đẹp lại mang ý nghĩa hiệp thông sâu sắc. Vì “ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân Danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ” (Mt 18,20).

3. 
 Triển nở hơn trong đời sống cá nhân.

- Một điều cần chân nhận là bản thân con người rất yếu đuối, mỏng giòn, do đó cần sự nâng đỡ và hiệp thông trong lời cầu nguyện của chị em trong cộng đoàn. Sự hỗ trợ này là thiết yếu giúp sống đời thánh hiến nên hoàn thiện hơn. Nói cách khác, mỗi người chỉ có thể nên thánh khi với, khi nhờ và khi cho tha nhân.

- Nét thứ hai là nhờ đọc kinh nguyện chung mà thời gian gặp Chúa được đều đặn. Có thể lúc đầu việc này như một thơi quen nhưng dần dần triển nở sự yêu mến và sự thấm thía trong lời kinh gắn liền với những biến cố.

Đó là những ý nghĩa mà giây phút ở bên Chúa trong kinh nguyện mà chúng con đã cảm nhận. Nhưng việc ở lại với Chúa đó sẽ chỉ là lý thuyết suông nếu như không được diễn tả gần gũi trong mối tương quan với tha nhân. Vì “Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4,21).  

II. Ở với Chúa trong niềm vui tương liên với chị em

Ở với Chúa trong niềm vui tương liên với chị em, được thể hiện qua những mảng như:

1. 
 Trong công việc

Khi chị em chia sẻ những công việc bổn phận với nhau đã tạo nên một sự liên đới vững vàng từ bậc lão niên đến trung niên và cả thanh niên, mỗi người cùng nhau đóng góp sức của mình cho việc chung.

Chính lúc đó cũng là lúc chúng con cảm nhận được mình nhận nhiều hơn là cho đi. Nhận được sự khôn ngoan, sáng tạo của chị em; nhận được những cơ hội của sự sẻ chia, hỗ tương với nhau.

Biên cương liên đới còn được mở rộng với những anh chị em ngoài cộng đoàn, nhất là các Hội dòng, những người nghèo, những người cách ly, những người bị nhiễm bệnh trong mùa dịch này. Sự liên đới này được nối kết với ý thức là anh chị em của nhau vì là con cùng một Cha trên trời.

2. 
 Tình chị em

Đời sống chung sẽ không miễn trừ những va chạm nhưng chúng ta vượt qua những chướng ngại đó bằng sự tha thứ, hòa giải và cả phương thế cầu nguyện cùng những lời góp ý. Người góp ý thì góp trong chân thành, bác ái. Người được góp ý thì khiêm nhường nhìn nhận thiếu sót của bản thân và có sự tích cực canh tân.

Mỗi thành viên không ngừng kiến tạo bầu khí vui tươi, chan hòa thay vì trĩu nặng những căng thẳng, buồn sầu. Bằng cách nào xin được chia sẻ ở phần III sau.

3. 
khám phá và kiến tạo

Thứ nhất: niềm vui trong việc khám phá những mẫu gương khiêm nhường, phục vụ, dấn thân của quý dì cao niên, quý dì, quý chị mà hậu thế chúng con thấy cần nỗ lực nhiều hơn cho những điều thiện lành, tránh lãng phí thời gian vô ích.

Thứ hai: niềm vui trong việc khám phá những năng lực tiềm tàng có trong từng người để tôn trọng, trân quý và phát huy cũng như để hoa trái tốt được triển nở bằng những sáng kiến cho Hội Dòng, cho Giáo Hội và cho thế giới.

III. Gẫm thông và sống đẹp

Chúng con thiết nghĩ rằng những nét đẹp của việc ở lại với Chúa trong kinh nguyện và trong niềm vui tương liên với anh chị em mà chúng con chia sẻ trên đây sẽ được gẫm thông trong đời sống nhờ sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, song cũng là lực đẩy cho những lối sống đẹp mà chúng con xin chia sẻ một số điểm sau:

Thứ nhất: Sống niềm vui với Chúa

- thể hiện qua việc sống tâm tình biết ơn nhiều hơn mỗi ngày.
- thêm vào đó, mỗi chị em góp thêm sự sốt sắng trong những giờ kinh nguyện từ tư thế đến giọng đọc, giọng hát sao cho hòa cùng với chị em.
- Hơn nữa, cuộc gặp gỡ Chúa không dừng lại trong nhà nguyện nhưng tiếp tục gặp trong nhịp sinh hoạt cuộc sống.

Thứ hai: Sống niềm bình an với anh chị em.

- Cụ thể qua việc trao gởi nụ cười cho nhau mỗi ngày. Đó là nụ cười xuất phát từ sự chân thành.  Nụ cười chân thành đó không chỉ giới hạn trong một số người mà mình yêu quý, nhưng được rộng mở đến tất cả chị em trong cộng đoàn.

- Sống niềm vui tương liên với chị em còn tìm thấy trong việc tìm điểm tích cực nơi chị em và khích lệ, động viên, nâng đỡ giúp chị em vượt qua những khó khăn hay những kỹ năng chưa thuần thục.

Thứ ba: Sống bác ái, nhiệt tình với công việc bổn phận trong cộng đoàn.

Sự nhiệt thành này còn cần thiết cho cả những công việc không tên xuất hiện trong nhịp sinh hoạt của cộng đoàn.

Chúng con ước mong sao một vài cách thức này được thể hiện tích cực trong nhịp sống thường nhật của mỗi chị em để thực sự có được niềm vui ngọt ngào khi sống vui vầy bên Chúa và bên nhau (x. Tv 133,1).

 
Nhóm HVSV Xuân Hiệp
114.864864865135.135135135250