17/07/2021 -

Các cộng đoàn

1020
Sài Gòn tôi sẽ...

Sài Gòn bước vào những thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ đã làm cho bầu khí nhộn nhịp của thành phố trở nên trầm lặng. Những con đường không có ai đi, người ta cũng chẳng nghe thấy tiếng xe cộ ồn ào như mọi khi, tiếng cười nói rôm rả của những phiên chợ thường ngày, tiếng nhạc xập xình của những quán bar hay những bản nhạc du dương với ly cà phê buổi sáng, hàng quán đóng cửa, nhà đóng then cài. Và rồi, ngay cả tiếng chuông của những ngôi Thánh đường cũng không còn vang lên… Tất cả âm thanh náo nhiệt của thành phố “hòn ngọc Viễn Đông” trở lên trầm lắng dường như đang ngủ yên trong sự sợ hãi. Người ta chỉ còn thấy hình ảnh những đoạn dây giăng khắp mọi nơi, những con đường phong tỏa, những chốt kiểm dịch, tiếng xe còi hú làm cho con người bị kìm kẹp trong nỗi lo âu hốt hoảng. Người với người gặp nhau còn e ngại, phải giữ khoảng cách 5K để an toàn. Vậy đó, chưa bao giờ Sài Gòn lại rơi vào cái cảnh dịch bệnh này!

Tôi nhận được cuộc gọi của một chị trong giáo xứ vừa khóc vừa nói: “Sơ ơi cầu nguyện cho gia đình con, nhà có 02 người bị nhiễm bệnh đang trở nên nguy kịch, nhà bị phong tỏa, mỗi người được đem đi một nơi.” Tôi an ủi chị trong lời cầu nguyện mà lòng ghẹn ngào. Nỗi buồn xa cách ấy tôi cũng đang mang. Cha tôi nhập viện và phát hiện khối u phải điều trị, tôi cũng không thể về thăm. Đến chiều lại nhận được tin nhắn Bà cố của một Thầy cùng xứ qua đời. Khoảng cách địa lý không xa, ấy thế mà cũng không thể về chịu tang mẹ được, nước mắt của người con rơi xuống trong nỗi tang thương. Đau lòng quá!

Cái khó khăn chẳng ai muốn ấy lại chen vào cả câu hát mang giai điệu trầm buồn của cô hàng xóm: “Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt.” Tại sao lại là một chân trời tím ngắt? Có đúng thế không em? Có phải vậy không em? Cái “chân trời tím ngắt” trong mắt em ư? Nghe sao có vẻ oán hờn. Ừ! chắc là có lý do, mọi ngày em tất bật với công việc từ sáng sớm nay công ty bị phong tỏa vì nghi có ca nhiễm, công nhân phải nghỉ việc. Cái màu tím đượm buồn trong đôi mắt em là mất việc, là lỗi lo âu không có tiền trả tiền nhà, hàng hóa mua cũng khó khăn… Chia sẻ cho em thùng mì, bó rau làm tôi chạnh lòng, bên ngoài kia vẫn còn bao nhiêu hoàn cảnh đáng thương khác.

Dịch bệnh đã làm cho cuộc sống của con người bị đảo lộn là thế, nhưng người ta cũng thấy được bao nghĩa cử cao đẹp trong mùa dịch này. Các y bác sĩ, nhân viên y tế, những tình nguyện viên mặc những đồ bảo hộ kín mít gồng mình dưới cái nóng mùa hè tham gia chống dịch tại các bệnh viện bất chấp nguy hiểm, hoạt động “lá lành đùm lá rách” của các tổ chức, cá nhân cùng chia sẻ qua công việc từ thiện, những phiên chợ 0 đồng, tủ lạnh cộng đồng, những cây ATM gạo mọc lên, những bếp cơm tình thương trao gửi những suất ăn đến những người khó khăn... Có lẽ chưa lúc nào người ta thấy tình máu mủ đồng bào chảy về Sài gòn ấm áp như lúc này. Đâu đó có những chuyến xe nghĩa tình chở nông sản từ Lâm Đồng đang đến chung chia với Sài gòn, người dân tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị làm ruốc, gửi cá nục, tép khô, thịt heo... Đấy, giữa những lúc tưởng chừng như đen tối ấy thì lại thắp lên ngọn đèn yêu thương lan tỏa tia sáng của sự chia sẻ, hy sinh. Tất cả đang hướng về Sài gòn vì:

 
Sài Gòn đang bị đau, bởi có những con người đang đấu tranh với dịch bệnh
Sài Gòn đang bị thương, thương cho những con người trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn.
Sài Gòn đang “sốt” để thấy được sự quan tâm, chia sẻ của mọi người cho nhau.
Sài Gòn đang mệt mỏi thì nghỉ ngơi rồi sẽ khỏe.
Sài Gòn đang trầm lắng thì sẽ trở lại vui như xưa.
Sài Gòn đau nhưng sẽ không gục ngã.

 
Chúng tôi - những người Tu sĩ cũng sẽ tiếp tục cầu nguyện cho Sài gòn, chia sẻ tinh thần, sẵn sàng chuyển trao những bao gạo thơm tình yêu thương, những thùng mì, những bó rau tình nghĩa… để phục vụ mọi người. Mong mọi người luôn bình an cùng nhau vượt qua cơn đại dịch này.
 
H. Nguyên



 
114.864864865135.135135135250