10/11/2021 -

Các cộng đoàn

379
Sự tha thứ đích thực

Liền sau thế chiến II chấm dứt, Coritanbun với những vết sẹo trên thân thể, tàn tích của những khổ hình bà phải chịu trong trại tập trung Đức quốc xã, đã đi khắp Âu Châu rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình. Thế nhưng vào một Chúa Nhật nọ, sau khi kêu gọi mọi người hãy tha thứ cho nhau trong một nhà thờ của thành phố Munich, bước ra ngoài Bà bất ngờ đối diện với một khuôn mặt quen thuộc. Đó là dung mạo của người lính đã hành hạ bà và hàng ngàn nữ tù nhân khác trong trại tập trung. Những tiếng than khóc, những cảnh tra tấn, rồi những tiếng kêu trả thù nổi dậy mạnh mẽ trong tâm trí Bà. Lúc đó người đàn ông tiến lại khiêm tốn đưa tay ra vừa muốn bắt tay bà vừa nói: “Thưa Bà, tôi rất cảm ơn những lời tốt đẹp của Bà kêu gọi sự tha thứ. Xin Bà tha thứ cho tôi.” Bà Coritanbun như chết điếng người, vì trước đây bà đã cầu nguyện và quyết tha thứ thật sự, nhưng giờ đây đối diện với con người cụ thể đã tra tấn mình, bà đứng lặng im, tay không thể nào bắt tay người đến xin bà tha thứ. Sau này vào năm 1971 khi kể lại biến cố ấy trong tập sách “Nơi ẩn trốn” bà đã cho biết: “Trong giây phút thinh lặng đó, tôi đã cố gắng dâng lên Chúa lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho người đã hành khổ con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa.” Và chính trong lúc đó Bà đã hiểu rằng con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi nhìn nhận tình yêu thương và sự tha thứ của Thiên Chúa.[1]

Trong kinh nghiệm của đời sống chung, có lẽ ai trong chúng ta cũng hiểu được tha thứ là một bài học có lẽ khó nhất và cũng có lẽ là bài học thể hiện lòng yêu thương trọn vẹn nhất trong cuộc đời mỗi con người. Có đôi lúc ta tưởng chừng như sự tha thứ rất đơn giản, thế nhưng cũng có những lúc ta phải chấp nhận sự tha thứ trong đau khổ tột cùng. Và những ai đã làm được một việc lớn lao như thế, chắc hẳn người đó phải có một động lực to lớn, một ai đó, một cái gì đó to lớn và quan trọng hơn cả những lỗi lầm của kẻ thù, họ chấp nhận đánh đổi để có được sự bình an, có được sự cùng đích mà họ mong đợi.

Đời sống tu trì là một lối sống luôn luôn cần đến sự tha thứ, bởi lẽ chị em chọn một lối sống chung mà đã chung thì sẽ đụng. Chẳng mấy ai không phải trải qua cái kinh nghiệm bị người khác làm cho tổn thương, dù là vô tình hay hữu ý. Nhưng những kinh nghiệm ấy lại trở nên quý giá và ý nghĩa biết bao, khi chúng ta trải nghiệm cách trọn vẹn cảm xúc của sự tha thứ và được thứ tha.

Chính Thiên Chúa cũng đã luôn luôn chứng tỏ cho chúng ta thấy lòng thương xót của Ngài. Ngài chưa bao giờ kết án ai nhưng điều nhắn nhủ cuối cùng Ngài dành cho tội nhân đó là “… hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa.” (Ga 8,1-11). Vì thế thầy Giêsu Chí Thánh cũng đòi hỏi nơi các môn đệ của Ngài phải tha thứ cho kẻ lỗi lầm cách vô điều kiện “Thầy không bảo hãy tha bảy lần nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,21- 22).

Ước gì trong đời sống cộng đoàn, chị em chúng ta luôn có được cảm nghiệm sâu sắc về lòng thương xót Thiên Chúa dành riêng cho mỗi người, để rồi từ đó chúng ta cũng biết sẵn sàng bao dung tha thứ cho những lỗi phạm của chị em mình. Dẫu biết rằng nhiều lúc tha thứ là một hành vi thật khó khăn, và để có thể thứ tha thực sự đòi hỏi nơi chúng ta một sự hi sinh, một tấm lòng cao thượng và hướng về trời cao. Bởi vì, có bao người trong cuộc đời ta đang mất dần đi hạnh phúc vì thiếu sự tha thứ ? Và có bao nhiêu người đang mất dần khỏi cuộc đời ta những khi ta không thể thứ tha?

Vậy chúng ta hãy tha thứ để trở nên tấm gương phản ánh hình ảnh và lời mời gọi của Thầy Giêsu Chí Thánh, Đấng đã đến thế gian và đã chết để mang lại ơn tha thứ cho chúng ta.

Anna Nguyễn Tuyết

[1] [1] Nguồn câu chuyện từ Internet.
114.864864865135.135135135250