11/08/2021 -

Các cộng đoàn

337
Tâm sự của đôi mắt (5) - ƠN TỬ ĐẠO
 
- Con chào Thánh Phụ Đa Minh! Con hạnh phúc quá! Con không nghĩ là con sẽ được gặp ngài. Ở trên Thiên Đàng ngài có gặp ông bà, cha mẹ của con không, một số các dì trong Dòng của con nữa, họ cũng về với Chúa như ngài hết rồi? Ngài ở Thiên Đàng 800 năm rồi, có phải lâu quá nên ghé thăm trần gian chúng con?


- Hi hi…chào Nước Mắt Nhỏ, con nói 1 tràng như vậy không mệt sao? Con không nhớ Lời Chúa sao: “…Đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” (2P 3,8); còn về ông bà cha mẹ của con, con hỏi Chúa thì đúng hơn, vì ở trần gian hay thiên đàng, sự sống và hạnh phúc là ở nơi Chúa mà.

- Thánh Phụ kính mến, cho con hỏi Ngài một câu được không?

- Con đã hỏi mấy câu rồi mà, giờ hỏi thêm cũng không sao.

- Hi hi…Con xin lỗi, con quên mất. Con muốn hỏi Thánh Phụ rằng: khi chúng con mừng lễ sinh nhật 800 năm trên trời của ngài, ngài có vui lắm lắm lắm… không?

- Con ơi, thiên đàng có lúc nào không vui trọn vẹn? cho nên không có vui hơn, vui nữa, vui nhất…mà luôn luôn vui và hạnh phúc.

- Giá mà Chúa con được hưởng chút xíu xìu xiu niềm vui của thiên đàng, có lẽ con sẽ sống thánh thiện gấp nhiều lần bây giờ.

- Con đừng nghĩ như thế, Chúa buồn đấy, bởi vì khi con buồn, chắc chắn Chúa cũng buồn cùng con, hơn nữa Chúa đã ban cho con biết bao ân sủng và cơ hội rồi, chẳng lẽ con chưa từng có giây phút nào yêu hết mọi người như nhau, không phân biệt gia đình, người thân, cùng Dòng khác Dòng, nam-phụ-lão-ấu vì Chúa? Cha phân biệt như vậy để con dễ hiểu thôi, chứ ở thiên đàng thì không có so sánh, chỉ có “ngập tràn” thôi.

- Dạ, con có kinh nghiệm như vậy mà. Có những lúc tâm hồn con vui lắm, vì dù biết mỗi người dù thân quen hay là người lạ, dù họ hay hay dở, dù họ thương con hay ghét con, con vẫn yêu thương và xin Chúa cho họ điều tốt đẹp nhất, lúc đó con xin Chúa sau này cho tất cả chúng con cùng vào thiên đàng, cùng hạnh phúc như nhau. Con kể nhỏ với Thánh Phụ nha, có những lúc con chưa vượt qua yếu đuối, con xin Chúa cho mọi người vào thiên đàng, nhưng mà những người ghét con, thì con xin Chúa cho họ vào thiên đàng, nhưng ở…một chỗ nào đó đừng gần con.

- Ha ha… con thật là đơn sơ, thiên đàng không phải là nơi chốn, nên làm sao có chỗ này nơi khác được? con quên giáo lý rồi sao?

- Cha Thánh ơi, nếu vậy những lúc con còn e dè người khác mà con được Chúa gọi về, thì con phải làm sao?

- “Một nửa thiên đàng thì chưa phải là thiên đàng”. Nếu ai đang trong tình trạng không thể yêu thương trọn vẹn như con vừa nói, thì phải qua thanh luyện, rồi mới được ở trong Chúa muôn đời hạnh phúc, không phải Chúa phạt đâu, mà họ tự thấy mình xấu hổ chưa xứng đáng thôi.

- Cha Thánh cho con hỏi điều này với: trên thiên đàng các ngài có chuyện trò với nhau không? Chẳng hạn ngài có hỏi thánh Laurenso tại sao thánh nhân lại có khả năng cười được, đang khi thân xác bị nướng trên giường lửa? Con chỉ tưởng tượng thôi đã thấy kinh hoàng rồi.

- Con quên là trên thiên đàng mọi người ca hát chúc tụng Chúa sao, vì hạnh phúc cho nên chẳng cần gì cả. Ở trần gian người ta hay nói: có 2 kiểu người nhìn vào là biết, không thể giấu được ai: một là người say, hai là người đang yêu. Ở thiên quốc thì gộp chung lại, các thánh luôn “say yêu Chúa”, cho nên chẳng còn thiết gì nữa; còn việc mỗi người sống với Chúa thế nào ở trần gian, thì ai cũng biết chắc chắn rằng: tất cả những gì bản thân mình và người khác làm được, đều là nỗ lực của bản thân cộng tác với ơn Chúa, nếu không có ơn Chúa là nguồn lực nền tảng, thì con người dù gắng sức đến đâu cũng chẳng ra gì con à. Lời Chúa đã dạy rõ ràng: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127,1), gương thánh tông đồ Phaolô rất khiêm nhường đã dạy chúng ta đó: “Với Ðấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,13); người không có đức tin Công giáo cũng biết nói: man proposes, God disposes (Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên) đó thôi.

- Nếu vậy, thưa Cha Thánh, có những người sẽ nói: Chúa quyết định hết rồi, mình cố gắng vừa vừa phải phải thôi, còn để Chúa làm.

- Không được, bổn phận của con người là nỗ lực làm hết sức mình, con không nhớ câu chuyện những nén bạc sao? Chúa ban cho bao nhiêu nén, thì mỗi người cần làm lợi bấy nhiêu nén. Con có biết thành quả của những gắng công làm sinh lợi những nén Chúa ban là gì không?

- Dạ, con nghĩ là đem lại nhiều niềm vui và lợi ích cho chính bản thân và tha nhân.

- Con nghĩ như thế đúng nhưng chưa đủ. Người nào yêu thương tha nhân như Chúa dạy, có lòng thương cảm đối với tất cả mọi người, tận tâm phục vụ mọi người với tấm lòng bác ái chân thật, thì ngay khi gắng công sống hết tình với tha nhân, dù phải mệt nhọc hay khổ sở thân xác, họ đã có được niềm vui của thiên đàng rồi. Nhưng vì còn ở trần gian, con người còn rất nhiều yếu đuối, do đó nhiều lúc thiếu sót trong cách thức phục vụ và bày tỏ tình yêu, nhiều khi họ yêu chính mình mà cứ ngỡ đang yêu thương và phục vụ tha nhân.

- Xin Cha Thánh cho con một ví dụ ạ.

- Chẳng hạn, có những cha mẹ muốn tích đức cho con nhưng lại nói dối người khác để có tiền dành dụm cho con sau này, hoặc cứ ép buộc con cái học những chuyên ngành chúng không thích, bởi vì chuyên ngành đó là ước mơ hồi nhỏ của mình; trong cộng đoàn thì nhiều khi chị em tóc dài tóc ngắn một chút cũng xì xèo, anh em được người khác khen giảng hay thì mình lại không vui.v.v., tất cả đổ tại vì “muốn góp ý cho anh chị em nên tốt hơn”. Cha tin là con cũng cảm nghiệm không ít chuyện này.

- Dạ, cũng tàm tạm ạ…Con cũng cảm nghiệm rằng: khi yêu thương đón nhận người khác như “họ là” thì rất rất…rất khó, nhưng nếu đón nhận được, thì tâm hồn sẽ bình an và phơi phới hân hoan. Con có kinh nghiệm là, nếu vì yêu thương thật sự, việc góp ý cho người khác theo như Chúa dạy là vô cùng tốn công hao sức.

- Con có vẻ thuộc bài sửa lỗi huynh đệ trong Tin Mừng Mattheu (Mt 18,15-20). Con chia sẻ cho cha nghe xem nào.

- Ví dụ, khi con thấy một chị em sai ở điểm nào đó, bình thường là con gặp đâu nói đó, nhất là khi con có thêm tí tuổi, cứ sợ sẽ mau quên nên hay nói ngay, do đó kết quả của những lần góp ý hầu hết là thất bại. Còn nếu vì yêu thương tha nhân thật sự, con sẽ áp dụng như Chúa dạy, con phải cầu nguyện, xin Chúa cho con nhận thấy con chia sẻ với chị em điều họ chưa đúng có thật là vì con giúp ích cho họ, hay thỏa mãn tâm lý “thích dạy dỗ” của con? Và khi chắc chắn vì tha nhân, con còn phải suy nghĩ xem con nên nói lúc nào và bằng cách nào, lời lẽ làm sao, người lớn tuổi nói kiểu nào, người có trẻ tuổi thì dùng ngôn từ ra sao, nói tóm lại là “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, để chị em con không tổn thương và cảm nhận con thương họ thật. Khi con làm được như thế, con mất nhiều thời gian cầu nguyện và suy nghĩ, tâm trí mệt lắm ạ, nhưng bù lại, Chúa ban cho con bình an và niềm vui mà “thế gian không ban được”. À, thời của Thánh Phụ có dùng kiểu nói “uốn lưỡi bảy lần” không ạ?

- Thời gian ở trần gian ta không có cơ hội gặp người Việt Nam nào nên không hiểu, nhưng bây giờ ở trong Chúa rồi nên cha mới hiểu và có thể nói chuyện với con được. Con nhớ tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho con có những lúc kiên trì được như thế. Ơn tử đạo Chúa chỉ dành cho một số vị Thánh cách đặc biệt, chẳng hạn như thánh Laurenso hay các Thánh tử đạo tại Việt Nam hoặc tại các quốc gia khác; nhưng khi sống hết tình với tha nhân như Chúa truyền dạy, cũng là một cuộc tử đạo liên lỉ con à. Lời Chúa Giêsu dạy: “…Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời …” (x. Ga 12, 24-26) là dành cho tất cả mọi người chứ không riêng ai.
Ôi Giê su! Con hát về Ngài…

- Ôi! Con không nghĩ là Thánh Phụ hát hay như thế!

- Dậy, dậy đi Nước Mắt Nhỏ, không thì vào Nhà Nguyện trễ bây giờ. Điện thoại báo thức mấy lần rồi mà vẫn không biết đường dậy tắt đi.

- Hả… thì ra là em mơ. Em cảm ơn chị.

Con tạ ơn Chúa, xin Chúa cho con lần sau gặp Cha Thánh của con nữa, bởi vì con rất vui và được khuyến khích nên thánh khi gặp ngài. Con tạ ơn Chúa!
Song Thị

 
114.864864865135.135135135250