22/05/2022 -

Các cộng đoàn

418
Tông đồ Đa Minh

 “Nói với Chúa và nói về Chúa”- câu châm ngôn này đã được ghi nhận vào Hiến Pháp của Dòng Đa Minh. Câu nói tuy cô đọng nhưng diễn tả rõ ràng mục đích và tu trì Đa Minh - “Nói với Chúa” chính là chiêm niệm, “Nói về Chúa” chính là giảng Lời Chúa. Chiêm niệm và giảng thuyết là hai nét đặc trưng diễn tả đời tu Đa Minh. Để căn tính ấy được triển nở trong đời tu thì chúng ta cần rèn luyện các yếu tố như: sống chung hòa hợp, chuyên chăm học hỏi, tuân giữ kỷ luật tu trì, cầu nguyện, lời khấn hứa... Hơn hết, điều cần thiết căn bản tạo nên Tinh Thần Dòng chính là ý thức tông đồ. Từ đó, lời cầu nguyện, học hỏi và đời sống chung trở nên tính cách hoạt động tông đồ Đa Minh.

1. Lời cầu nguyện tông đồ Đa Minh

“Một tu sĩ hỏi cha Giordano rằng: dành thì giờ vào việc cầu nguyện hay việc học hành thì việc nào có ích hơn ?

Cha Bề trên trả lời: ăn hay uống cái gì tốt hơn ? Cả hai cùng tốt cho nên không được bỏ cái này và lấy cái kia nhưng hãy làm mỗi việc theo giờ giấc của nó.” (Vitae fratrum, III, part, c 45).

 Thật vậy, cầu nguyện và học hành với người tu sĩ Đa Minh là hết sức cần thiết, vì cả hai đều hỗ trợ cho chúng ta trong sứ vụ tông đồ sau này. Bản thân tôi, khi quyết định bước theo Chúa Giêsu với hy vọng bước đường này sẽ giúp tôi gặp nhiều niềm vui, bình an, hạnh phúc. Nhất là qua đời sống tu trì, tôi biết sống sao cho có ý nghĩa, phục vụ tối đa lời Chúa, đề cao lý tưởng tình Chúa xót thương, đem yêu thương đến cho mọi người, đặt biệt là những người nghèo khó, khổ đau. Nhưng khi bước vào quãng đường này thật không dễ chút nào, đã có nhiều điều xảy ra ngoài ý muốn, nhiều khó khăn làm phai nhạt ước mơ thuở ban đầu và cũng nhiều lần tôi muốn buông xuôi vì không đủ sức để bước tiếp. Thế nhưng, nhờ kiên trì cầu nguyện mà từng bước tôi vượt qua những thách đố đó, hơn nữa chính những khó khăn thử thách Chúa gửi đến cho tôi đã phần nào giúp tôi mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn.

 Khi cầu nguyện mọi nơi, trong mọi công việc và cầu nguyện liên lỉ, tôi càng thấy ứng nghiệm trong đời sống tôi những lời Chúa Giêsu đã phán xưa “sao anh em lại ngủ, hãy thức dậy mà cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”. Đúng như vậy, trong cuộc sống nhiều lần tôi đã phải đối đầu với biết bao cơn cám dỗ. Nhiều lúc quá mệt mỏi, tôi muốn buông theo nó nhưng chính Chúa đã đánh thức trái tim tôi, tôi chỗi dậy cầu nguyện và biến cơn cám dỗ trở thành dịp đưa tôi tiến lại gần Chúa hơn. 

2.  Học hỏi với tính cách tông đồ Đa Minh

Cũng như nhiều phương diện khác, học hành là một yếu tố thiết yếu hỗ trợ cho việc tông đồ sau này. Bởi phải học thì ta mới có chất để mà rao giảng. Học hành còn là phương tiện khổ chế để nên thánh qua việc học hỏi nghiền ngẫm Lời Chúa và yêu mến Thiên Chúa. Học hành cũng là phương tiện thích hợp phục vụ cho sứ vụ giảng thuyết Đa Minh.

Mặt khác, học hành đối với Dòng Đa Minh không chỉ là trau dồi kiến thức dù là kiến thức chuyên môn rất hữu ích trong một lĩnh vực nào đó, nhưng việc học hành chỉ thực sự thể hiện đúng bản chất khi trở thành một thái độ chiêm niệm hướng tới Thiên Chúa và con người; qua học tập giúp ta nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa nơi cuộc sống mình. Ngoài ra, trong xã hội hiện nay, tôi nghĩ dù ở tuổi nào trình độ nào đi nữa mọi người cũng đều phải coi việc học là hữu ích, nếu không nói là cần thiết. Ham tìm tòi, chịu khó tìm hiểu cũng là một cách tỉnh thức, một cách đào luyện bản thân.

3.  Đời sống chung hỗ trợ cho công việc tông đồ với tính cách Đa Minh

“Đời sống huynh đệ là cái hồn biểu lộ tình yêu thương; đời sống chung là cái xác nhằm bảo vệ và phát triển cái hồn” (Văn kiện của Bộ Tu sĩ năm 1994, số 3).

 Thật vậy, đời sống chung là yếu tố quan trọng trong nếp sống tu sĩ Đa Minh. Qua đó chúng ta hiểu rằng: Sống chung không phải chỉ có nghĩa là sống trong cùng một mái nhà, ăn cùng bàn, cùng nhau dâng thánh lễ, nguyện kinh hay tuân giữ một thời khóa biểu mà đời sống chung là một sự thông hiệp. Chúng ta có thể thấy một cách cụ thể sự thông hiệp qua dấu chứng của tình huynh đệ. Khi mỗi người có một khả năng riêng và cùng chia sẻ công việc cho nhau, trong khả năng hiểu biết và chấp nhận những khác biệt của nhau về sức khỏe, tính tình, hoàn cảnh gia đình, sự phán đoán,... Vì thế, chúng ta có thể học hỏi, bổ túc thêm những khác biệt của chị em và làm phong phú thêm nơi đời sống cộng đoàn. Ngoài việc chấp nhận lẫn nhau, chúng ta cần phải biết can đảm nhận trách nhiệm cũng như biết chia sẻ những niềm vui với nhau và giúp đỡ những gánh nặng cho nhau (x. Hiến Pháp Chị Em Đa Minh, số 14).

Tạm kết

Ba yếu tố căn bản trên có thể giúp cho mỗi người chúng ta hiểu và thông cảm với những người nghèo khó trong sứ vụ tông đồ. Nếu không có những yếu tố này, tôi thiết nghĩ tất cả công việc tông đồ chúng ta làm chỉ là công tác chứ không phải sứ vụ của lòng từ bi thương xót theo gương Chúa Giêsu.

 Một đời sống chung mà không có những trao đổi qua lại với nhau cũng sẽ làm cho tất cả những nỗ lực làm việc tông đồ của bản thân chỉ là những sinh hoạt mà thôi. Hơn thế nữa, chúng ta tạo cho cộng đoàn một bầu khí sợ sệt hoặc không dám sống chân thành... cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng tai hại trên những yếu tố khác mà luật dòng đã đề ra. Bởi vậy, nếu chúng ta sống hiểu và cảm thông cho nhau hơn, biết chia sẻ cho nhau một cách thật lòng thì chắc hẳn mỗi chúng ta sẽ cùng nhau tiến dần trên bước đường ơn gọi. Đồng thời tiếp bước sứ vụ rao giảng Tin Mừng yêu thương của Đức Kitô cách vững chắc.

Nói tóm lại, sự hiệp thông trong sứ vụ Đa Minh, trước tiên và chính yếu là việc tông đồ ấy được gắn liền với đời sống chung, việc học, những lời chia sẻ đức tin, với lời cầu nguyện của cả cộng đoàn tạo nên tính cách của người tu sĩ Đa Minh: “Chiêm niệm và trao cho người khác điều mình chiêm niệm”.

 
Hoàng Anh
 
114.864864865135.135135135250