11/08/2019 -

Các cộng đoàn

1833
Tranh thêu tay- nét độc đáo nơi Cộng đoàn Tutra

TRANH THÊU TAY- NÉT ĐỘC ĐÁO NƠI CỘNG ĐOÀN TUTRA

 Ng Thắm

Con đường ngoằn ngoèo sâu hun hút dẫn vào Cộng đoàn Tutra hôm nay được bao phủ một màu vàng rực rỡ của mùa hoa Dã Quỳ. Màu vàng của hoa với màu xanh của núi rừng như xua tan vẻ heo hút, thanh vắng của một vùng quê nghèo với “hai mùa mưa nắng”.
 

Đến với cộng đoàn Tutra, ngắm nhìn những bức tranh thêu tay mang đậm nét đẹp của văn hóa truyền thống ngành nghề Việt Nam, cảm xúc đâu đó tự sâu thẳm lòng mình thăng hoa, như ai đó đã nói: “nhìn thấy được cái đẹp không phải bằng con mắt mà bằng tâm hồn, cảm nhận được sự thánh thiện không phải bằng trí óc mà bằng trái tim”. Đây cũng là điều đặc biệt nơi Cộng đoàn này mà bất cứ ai đặt chân đến đây đều không thể không cảm nhận.
 

Chỉ một căn phòng nhỏ, nhưng khi bước chân vào, chúng ta như được đắm mình trong một thế giới nghệ thuật đa dạng về thể loại, lung linh về màu sắc. Từ những bức tranh mang đậm hồn quê với cây đa, giếng nước, sân đình, những ánh trăng soi mình xuống dòng sông thơ mộng hiền hòa đến những bức tranh theo chủ đề. Tất cả đều rất tinh tế và hài hòa từ mối chỉ, đường kim đến bố cục.  Điều đáng nói là, tất cả nét đẹp đó đều đến từ bàn tay cần mẫn, tinh tế, khéo léo và trí tưởng tượng bay bổng của người Nữ tu đã nhiều năm gắn bó với loại hình nghệ thuật này.  
 

Trên vùng đất nông nghiệp còn nhiều nhọc nhằn thì sự ra đời của một cơ sở hướng nghiệp về thêu tay truyền thống đã tạo nên niềm vui, thắp lên hy vọng về tương lai cho các em gái nơi thôn quê này.  Đối với cộng đoàn nơi đây, công việc thêu tranh không chỉ giúp chị em thỏa sức với niềm đam mê trải lòng trên những đường kim mũi chỉ, mà với những bức tranh được bán ra còn tăng thêm thu nhập cho cuộc sống thường ngày của cộng đoàn. Nhưng trước hết và trên hết, nơi đây là môi trường để chị em thi hành sứ vụ truyền giáo cách hữu hiệu nhất. Bởi nơi đây đã trở thành cơ sở hướng nghiệp, đào tạo nghề và giúp tạo công ăn việc làm cho những em gái người dân tộc và những em ở vùng nông thôn nghèo.
 

Nữ tu Anna Chu Huệ, người phụ trách nhà thêu và cũng là người trực tiếp dạy nghề cho các em chia sẻ: “Hiện tại cơ sở đã tiếp nhận khoảng 20 em theo học miễn phí, trong đó một số em đã thành thạo nghề và đang trực tiếp làm việc tại cơ sở hướng nghiệp này. Trong những tác phẩm do các em làm ra, có những tác phẩm được chọn mang đi triển lãm và được đánh giá cao về kỹ thuật cũng như giá trị nghệ thuật” .
 

Quả thật, ai đã từng một lần đến Tutra, được chiêm ngưỡng những bức tranh với đường nét thêu vô cùng tinh xảo, chắc sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng, những cô gái dân tộc chưa một lần biết đến ánh đèn nơi phố thị đã tạo nên những đường thêu tuyệt vời đó.
 

Khác với những công việc khác, nghề thêu tay mang nét đặc thù rất riêng, nó đòi hỏi người thực hiện phải dành hết tâm huyết, tâm hồn và cả những đức tính cần thiết của người phụ nữ Việt Nam, thì bức tranh làm ra mới sinh động và có hồn. Chính vì thế các học viên theo học nơi đây, ngoài học nghề, các em còn được học về nhân bản, về kỹ năng sống và rèn luyện các nhân đức cần có, để sau này các em có thể tự bước đi trên đôi chân và nghành nghề mà các em đang dành nhiều tâm huyết theo đuổi.
 

Tutra được biết đến là một Cộng đoàn truyền giáo của Dòng Đaminh Rosa Lima. Ý thức được sứ vụ của mình, nên khi đặt chân lên mảnh đất này, quý chị đã miệt mài thực hiện sứ vụ truyền giáo, nhiệt thành phục vụ, vun đắp củng cố đời sống đức tin và nâng đỡ đời sống cho người dân tộc bằng những công việc thiết thực. Hy vọng với lòng quảng đại, yêu mến tha nhân và cung cách dấn thân phục vụ, các chị em nơi cộng đoàn nhỏ bé này sẽ luôn làm lan tỏa Tin Mừng của Chúa trên từng công việc các chị làm và từng vùng đất mà các chị dấn bước.
 
 
Bức tranh đời dâng hiến
Ta thêu dệt từng ngày
Từng đường kim mũi chỉ
Trên mảnh vải yêu thương
Có mũi dài mũi ngắn
Có màu trắng màu đen
Có tình yêu gửi gắm

Bức họa sẽ tươi màu

 
 
 
114.864864865135.135135135250