24/11/2016 -

Các cộng đoàn

877
Vườn nho hồng ân

VƯỜN NHO  HỒNG ÂN

Kim Phượng
 
Đức Giêsu nhập thể xuống thế gian để chia sẻ kiếp người, và Ngài đem đến thế gian một Tin mừng cứu độ cho toàn thể nhân loại chúng ta. Chính vì lý do đó mà Ngài kêu gọi chúng ta đến vườn nho Giáo Hội. Để đáp lại lời kêu gọi đó, ta thấy có nhiều người làm vườn nho với những thời điểm khác nhau. Vậy giữa giờ thứ nhất và giờ thứ mười một nói lên điều gì qua cách giải quyết của ông chủ? Phải chăng  dụ ngôn thợ làm vườn nho nói lên ông  chủ chính là Thiên Chúa nhân hậu và giàu lòng thương xót, hay nói khác hơn là lòng quảng đại của ông chủ vượt lên trên lẽ công bình. Tất cả từ người làm lúc sáng sớm cho đến người làm chỉ một giờ đều lãnh tiền công  là một quan tiền như nhau.
 
 Trong cuộc sống thường nhật, còn đó biết bao những con người không hài lòng hay thỏa mãn về bất cứ một điều gì xảy ra trái những gì họ muốn? Nếu chúng ta nghe cách thoáng qua thì  dụ ngôn thợ làm vườn nho, ông chủ dường như thiếu công bằng đối với người làm giờ thứ nhất chăng? Thực ra, nếu xét theo nghĩa như nhân, thì ông chủ quả là bất công, nhưng xét theo thiên tính  thì lòng quảng đại của ông chủ được trào tràn trên hết thảy mọi người chứ không dừng lại sự vất vả hay khó nhọc... Tuy nhiên, sự vất vả hay khó nhọc đó chỉ là sự tính toán của một con người dựa  theo công sức: bỏ ra bao nhiêu phải lấy lại bấy nhiêu, sao cho tiền công nhật cũng phải tương xứng và hợp với lẽ công bằng. Qua thái độ và phản ứng của mỗi  người: từ những người làm việc vào giờ đầu thể hiện rất rõ. Họ trở nên một con người ghen tỵ, không chấp nhận  và không hạnh phúc với những gì họ đang có. Còn ông chủ thể hiện vai trò của mình như một Thiên Chúa từ bi nhân hậu. Ngài có quyền tự do  sử dụng  của cải theo lẽ bác ái mà không làm tổn hại ai. Vì giữa chủ và thợ có sự thỏa thuận và mặc cả giá cả một cách rõ ràng.
 
Qủa thật, cách hành xử của Thiên Chúa được coi như là một thách đố đi ngược lại suy nghĩ của con người. Ngài đã cân bằng quyền lợi “kẻ đứng chót”“người đứng đầu” để tránh sự bất công. Dụ ngôn như là một giáo huấn mà Thiên Chúa muốn cho con người nhận ra lòng nhân hậu của Ngài. Đồng thời,Thiên Chúa dùng tình thương thể hiện tình yêu trọn vẹn để ban phát. Do đó, con người phải loại bỏ tiêu chuẩn nhân loại để học biết suy nghĩ, chia sẻ và cảm thông. Tiêu chuẩn này  phải đặt trên nền tảng là Tình yêu.
 
Vậy quan tiền có khác gì hơn là tình thương được đề cập đến trong Tin mừng - tình thương Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ, cứu thóat con người khỏi tội lỗi.  Bởi vì,  nước trời dành cho những ai đáp lại lời mời gọi của Ngài mà không có sự cân, đo, đong, đếm người đến trước người đến sau. Nhưng tất cả do lòng nhân lành, khoan dung  của Thiên Chúa. Tuy nhiên, qua sự ghen tỵ, ích kỷ… của người từ giờ đầu cũng cho thấy được kiểu lý luận của người làm giờ đầu giống người con cả trong dụ ngôn người cha nhân hậu. Anh ta ghen tỵ với người con  thứ là vì anh ta không nhận ra tình thương của người Cha dành cho anh và anh cho đó là một sự bất công.
 
Đây cũng là bài học cho mỗi người chúng ta sống trong năm thánh Lòng thương xót. Chúng ta có đủ lòng quảng đại, cảm thông và nâng đỡ cho người chị em trong cộng đoàn hay không? Hành trình đi theo Chúa đối với tôi là một hồng ân mà Chúa ban cho tôi cách rất đặc biệt để tôi cộng tác với Ngài. Ngài gọi tôi đến làm vườn nho vào giờ cuối ngày, nói khác hơn bạn và tôi được Chúa gọi vào giai đoạn khác nhau. Bạn hạnh phúc hơn tôi nhiều, bởi bạn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình với nền giáo dục của người Kitô giáo. Bạn là người được làm con Chúa và con Hội Thánh ngay từ giờ đầu trong ngày, là người được chia sẻ tình thường của Chúa nhiều hơn và bạn cũng là người hưởng nhiều đặc ân ngay từ ban đầu. Còn tôi được Chúa chọn khi tôi sống trong gia đình ngoại giáo nên tôi biết Chúa quá muộn màng… Nói đến đây tôi chợt nhớ đến ngày tôi còn là Thỉnh Sinh, trước khi chuyển sang giai đoạn Tiền Tập, điều kiện của Cộng đoàn là mỗi Thỉnh Sinh phải trải qua một năm đi sở. Nhưng với tình thương của Chúa và Cộng đoàn đã ưu tiên cho tôi đi sở với thời gian ba tháng. Khi chuẩn bị đến nhiệm sở mới tôi bắt đầu lại nghe những lời nói không thiện cảm mấy của người  chị em. Một nơi vùng cao nguyên làm gì có công việc chuyên môn để tôi làm… Và đó là sự giới hạn về tâm sinh lý của một con người, một thái độ đố kỵ... Ngày qua ngày, nơi nhiệm sở mới tôi cũng sinh hoạt và làm việc bình thường như các chị em khác. Tôi xác tín Chúa luôn đồng  hành và thêm sức cho tôi rất nhiều qua công việc được giao. Nơi đây tôi nhận được tình thương  và sự nâng đỡ của cộng đoàn. Ngày tôi hoàn tất nhiệm sở để trở về Cộng đoàn huấn luyện. Dì trưởng trao cho tôi và một người chị em cũng đi sở một năm về cùng với tôi một số tiền là năm trăm ngàn. Bấy giờ tôi cảm thấy ái ngại và không xứng đáng để nhận số tiền đó như là quà cộng đoàn gửi cho tôi. Vì tôi nghĩ việc đi sở là bổn phận và trách nhiệm để chia sẻ công việc với Cộng đoàn. Hơn thế nữa, đó cũng là sứ vụ được sai đi của người môn đệ theo chân Thầy Giêsu. Khi tôi từ chối, Dì trưởng lại cho tôi một bài, đừng dừng lại ở số tiền này mà hãy xem đây là tình thương mà cộng đoàn muốn phụ giúp cùng bố mẹ…
 
Nhìn chung, một quan tiền hay quà tôi chia sẻ ở trên cho thấy công xá không thể được tính bằng  thời gian hay công lao vất vả, mà còn tùy vào ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta đừng lấy làm tự hào vì mình hơn người khác. Thiết nghĩ đây cũng là vinh dự, là phần thưởng của Thiên Chúa dành cho những ai đi làm vườn nho không phải là sự đổi chác để lấy tiền, nhưng là sự chia sẻ và hiệp thông với mọi người kể cả người đến giờ cuối trong ngày. Vì thế, vườn nho của Giáo Hội trồng rất nhiều cây, cây đó chính là thập giá. Sống trong một xã hội tục hóa, người Kitô hữu cần phải chân nhận giá trị thập giá như là một tình yêu mà Đức Kitô thúc bách tôi để tôi đem tin mừng đến với những con người nghèo khổ và người tội lỗi. Để nội tâm hóa được điều này thì người Kitô hữu phải đi ra khỏi con người ích kỷ để Tin Mừng của Chúa được bén rễ hơn bằng sự hiện diện, chia sẻ và cảm thông, ngõ hầu thập giá của Chúa phát sinh nguồn ân sủng và ơn cứu độ.
 
Với người tu sĩ sống đời thánh hiến, chúng ta sẽ trồng cây thập giá như thế nào trong Năm Thánh Lòng thương xót. Đó là cách thức và thái độ sống tương quan của mỗi người trong Cộng đoàn. Bởi vì, Chúa kêu gọi mỗi người vào những giờ khác nhau, tùy theo khả năng và nén bạc mà Ngài trao để ta hoàn thành bản thân. Hơn nữa, mỗi nhân vị không là bản sao. Hướng về Năm Thánh Lòng thương xót, tôi cần nỗ lực sống và sống dồi dào Ơn Chúa ban cho tôi mỗi ngày, để tôi đóng góp một chút hy sinh qua sứ vụ, trách nhiệm của mình để cộng tác với Cộng đoàn và Giáo hội điểm tô vườn nho được xinh đẹp  hơn chứ không phải là vườn nho hoang tàn: bằng cách chung tay góp sức để cộng đoàn được thăng tiến. Muốn thế tôi phải sống dấn thân hơn trong mọi trách vụ, đồng thời tôi phải biết cắt tỉa những yếu đuối giới hạn trong tôi. Tôi phải biết lắng nghe, chia sẻ, cảm thông và thấu hiểu nhiều hơn trong các mối tương quan của chị em… Để khám phá tình thân thương của chị em, sống chan hòa hầu tránh đi sự phân biệt kỳ thị về quan điểm, văn hóa vùng miền, trình độ  kiến thức và tuổi tác… người đến trước và người đến sau, người mới và người cũ. Bởi vì, con người có khuynh hướng “tôi là cái rốn của vũ trụ” để bám lấy một công việc mà không muốn chia sẻ cho người khác. Do đó, một cộng đoàn thăng tiến là một cộng đoàn mà trong đó không có sự cào bằng trong mọi tình huống cuộc sống, giữa các thành viên trong Cộng đoàn phải biết mạnh dạn và can đảm nói lên tiếng nói của mình cả những lúc vui - buồn, thành công - thất bại. Để mỗi người trong cộng đoàn biết lắng nghe, đối thoại, đồng cảm và nâng đỡ nhau mỗi khi chị em vấp ngã, cũng cảm nhận được tình thương tha thứ và sự hiệp thông. Chỉ có tình thương và lòng khoan dung làm cho tình người được triển nở trong mối dây liên kết với mỗi chị em trong Cộng đoàn, hầu xây dựng một Cộng đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi.
 
Để kết thúc tôi xin chia sẻ một câu chuyện về lòng khoan dung của một vị Thiền sư, ông đã giải quyết vấn đề như thế nào khi biết được một Đệ tử  phạm luật, vượt tường đi chơi. Đây cũng là suy nghĩ của mỗi người chúng ta sống trong Năm Thánh Lòng thương xót, chúng ta có đủ lòng khoan dung và tình yêu để tha thứ không? Hay chúng ta lên án người chị em trong Cộng đoàn đã vì lý do nào đó mà đã phạm lỗi ?
 
 [1]Vào một buổi tối nọ, vị Thiền sư đi bách bộ trong sân Chùa, bỗng nhiên ông thấy một cái ghế để ở một góc tường. Vị Thiền sư này không lấy làm khó chịu và bực mình, ông bèn xê dịch cái ghế đi chỗ khác để ông ngồi lại chỗ chiếc ghế. Trong một đêm tối, đệ tử trở về Chùa và dẫm lên vai của sư phụ mà leo tường vào nên khi hai chân chạm đất người đệ tử mới phát hiện không phải là cái ghế mình chuẩn bị ngay từ đầu. Người đệ tử lấy làm sợ hãi, miệng lắp bắp mà không nói nên lời, chờ sư phụ trừng phạt nhưng ông không quở trách mà chỉ nhẹ nhàng nói:“Đêm khuya trời lạnh, ra ngoài dễ bị cảm lắm đấy”.
 
Qua câu chuyện này cho ta thấy một vị thiền sư khoan dung với đệ tử của mình. Chắc hẳn ông biết rằng khoan dung là bài học không lời. Nếu ông trách phạt đệ tử của mình thì trước tiên ông đã không vui và người đệ tử của ông cũng không vui. Nếu đệ tử của ông có tâm trạng làm điều ngược lại thì lời trách phạt của ông chẳng có tác dụng gì. Cho nên khoan dung cho người khác bằng tấm lòng khoan dung thì niềm vui trong lòng mình và người được khoan dung càng được thăng hoa. 
 
  Tóm lại, Lòng Thương Xót và lòng nhân hậu luôn là đích điểm niềm an vui, sự an bình và hạnh phúc cho con người. Dẫu cho họ có sa ngã phạm tội nhưng trong họ vẫn nhận ra tình yêu thương trong cộng đoàn và tình yêu Thiên Chúa đang chìa  tay ra để nâng họ đứng dậy. Bởi vì, có tha thứ, có khoan dung thì thế giới nội tâm của họ mới được mở ra và dòng suối ân sủng được tuôn chảy và tắm mát cuộc đời họ. 
 

 
 

[1] Tytan Dayton, Phép màu của lòng khoan dung trang 137- 139
114.864864865135.135135135250