05/12/2022 -

Các khối huấn luyện

428
Chỉnh sửa gì trong Mùa Vọng

Một trong những thành tố quan trọng trên con đường nên thánh của các Kitô hữu là những nhân đức. Nhân đức là khuynh hướng bên trong, một thói quen tích cực, một đam mê để làm việc lành (Theo YouCat, câu 299). Nhưng con người vốn là thân phận mỏng giòn, luôn phải hứng chịu những tác động nguy hại ở bên trong lẫn bên ngoài mà nếu không ra sức kháng cự, những tập quán xấu sẽ được hình thành và nhanh chóng làm hư hoại linh hồn. Có một tư tưởng rất đánh động và chí lí không chỉ đối với cuộc sống bên ngoài mà còn khiến mỗi người tín hữu chúng ta phải nhìn lại chính mình: Tập quán xấu ban đầu là người khách qua đường sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành một ông chủ nhà khó tính.

Tập quán là thói quen đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, được mọi người công nhận và làm theo. Bên cạnh những tập quán tốt thì cũng không thiếu những tập quán xấu. Đời sống tu trì không hề hoàn hảo và cũng không bao gồm những người hoàn thiện, bởi vì chưa hoàn thiện nên mới cần “tu”, cần “sửa”. Khi phóng chiếu vấn đề này vào khung cảnh của một cộng đoàn tu trì, có lẽ ta sẽ có cơ hội hồi tâm một cách sát sao hơn và từ đó có thể tìm ra hướng đi cho tình trạng của mình trong đàng thiêng liêng. Đối với những người sống đạo, việc siêng năng tham dự thánh lễ, cầu nguyện; chăm chỉ học hỏi và nỗ lực thực thi Lời Chúa có thể gọi là các tập quán tốt, với rất nhiều những hoa quả ngọt lành được thể hiện ngay trong tâm hồn và trong các mối tương quan. Ngược lại, những yếu đuối lầm lỡ do mưu chước ma quỷ gây nên là những tập quán xấu, có thể dễ dàng nhận biết qua những hậu quả đáng tiếc như sự chia rẽ, mất bình an, sự đau khổ và chán chường,…

Vũ khí đắc lực của ma quỷ trong quá trình hành động của chúng chính là cám dỗ. Từ những kinh nghiệm và suy tư của mình, tác giả sách Gương Chúa Giêsu nhận ra rằng cám dỗ khởi điểm bằng một tư tưởng đơn sơ, sau đó dần trở thành những ấn tượng rõ rệt, với lòng vui thích và xúc động, cuối cùng là sự ưng thuận. Tương tự như vậy, sự xâm nhập và tấn công của thói xấu cũng diễn ra theo từng bước: ban đầu chỉ là một sơ hở của ta với những điều chẳng quá to tát, nhưng rồi sau nhiều lần nhượng bộ, ta liên tục tái phạm khiến cho chúng chiếm một vị trí quan trọng và trở thành một nhu cầu trong đời sống, cuối cùng thì chúng hoàn toàn thắng thế và dễ dàng điểu khiển cuộc sống của ta khiến ta mất đi sự tự do của chính mình.

Tập quán xấu thường đến một cách rất tự nhiên mà đôi khi ta chưa đủ tỉnh táo để nhận ra. Một lần thả hồn theo những suy tư của riêng mình trong các giờ kinh, một lần mơ màng vì đôi mắt đang trĩu nặng, một lần gác tay gác chân một cách thiếu trang trọng khi đang ở trong Nhà nguyện và ở trước Thánh Thể, một lần nghĩ xấu cho chị em, một lời nói hai ý nhằm thỏa mãn cơn giận, một lần chiều theo sở thích của riêng mình mà chẳng màng đến kỉ luật hay những người xung quanh, một lần thoải mái buông theo những đòi hỏi của giác quan, của khẩu vị… Như một người khách qua đường, những cảnh huống tình cờ ập đến khiến ta phản ứng ngay tức khắc một cách rất “người”, lúc ấy ta đâu hay rằng ta đã mở cửa cho ma quỷ bước vào mảnh đất tâm hồn ta. Ta thường vấp ngã trước những điều này chẳng phải vì không hiểu rõ sự sai trái và tai hại của chúng, mà là trong tình thế ấy, ta đã thiếu đi sự cảnh giác và không cưỡng lại được những ngọt ngào tạm thời mà chúng mang lại cho ta. Khi ta càng lười kháng cự, ta sẽ càng chóng yếu nhược và quân thù càng thêm mạnh. Ma quỷ rồi sẽ hí hửng tiếp tục tác oai tai quái với những phương cách ngày càng tinh vi…

Sau khi đã một lần dung túng cho bản thân mình, ta bắt đầu khám phá được những cảm giác dễ chịu và những ích lợi mà các thói xấu ấy mang lại. Dần dà, khi gặp trường hợp ấy lần thứ hai, lần kế tiếp và nhiều lần khác nữa, ta bắt đầu cư xử và phản ứng như một “phản xạ có điều kiện”. Từng lời kinh sẽ trôi qua một cách hờ hững vì ta đang “tranh thủ” chạy theo những kỉ ức, những lo toan mà ta cho là cần thiết ngay lúc ấy của riêng mình; giờ cầu nguyện sẽ dài đằng đẵng vì ta đã mặc định “giờ buồn ngủ” của mình mà chẳng chịu cố gắng để giúp tâm trí tỉnh táo hơn; vì đã quen với sự thoải mái của thân xác khi dựa dẫm bàn ghế, ta cảm thấy thật khó khăn để có thể chỉnh tề hơn khi đang ở trong một không gian thánh thiêng; ta sẽ bắt đầu đưa chị em vào “tầm ngắm” của mình và xét nét nhiều hơn để tìm ra thêm những khuyết điểm, hầu ngấm ngầm bảo vệ cho những kết án của riêng mình về chị ấy; thấy chị em có vẻ rụt rè hơn sau một lần ta “lên tiếng”, ta lại bắt đầu tự đắc về “bản lĩnh” của mình và tiếp tục lấn lướt trong những lần va chạm sau này; cảm thấy tận dụng được nhiều thời gian khi làm việc riêng trong giờ chung, ta lại dùng đến cách ấy để “xoay xở” khi thời gian đang eo hẹp; một lần gắp cho đầy những gì mình thích vào đĩa cơm sẽ sinh ra cảm giác thèm thuồng và khó lòng tiết độ trong việc ăn uống của mình…

Đến thời điểm ấy, ma quỷ có lẽ sẽ rất đắc ý vì ta đã sa sâu vào cái bẫy của chúng. Để rồi khi muốn quay đầu trờ lại, ta khó lòng mà đoạn tuyệt với những thói xấu này. Những điều ấy đã trở thành một phần của cuộc sống… Những gì mà các thói xấu mang lại đã chiếm lĩnh toàn bộ trí năng và tình cảm của ta… Rồi ta sẽ thật khó để mà tập trung, để mà hướng lòng về Chúa trong các giờ thiêng liêng; sẽ thật ngột ngạt khi phải hợp tác với các chị em mà ta thường nghĩ xấu hay vẫn nặng lời, làm sao mà yêu thương theo tinh thần của Tin Mừng đây? Rồi cuộc sống của ta sẽ lộn xộn và bề bộn biết chừng nào; và những hy sinh nhỏ bé sao lại thành ra nhiệm nhặt quá sức… Rồi ta sẽ phải thốt lên những lời tâm sự mà thánh Phaolô đã giải bày: “Vì chưng ước muốn thì tôi vẫn có, nhưng làm cho sự lành nên hoàn hảo thì không sao được. Bởi vì sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm”.

Những hậu quả này quả là đáng tiếc, nhưng Thiên Chúa chẳng bao giờ ngừng dủ lòng xót thương, vẫn còn rất nhiều con đường cứu rỗi đang mở ra, và những người chị em sẽ đồng hành cùng ta trong hành trình làm lại. Cùng với ơn Chúa, ý chí và sự nỗ lực của bản thân sẽ giúp ta chiến thắng trong cuộc chiến đấu thiêng liêng này. Hãy hướng lòng về Chúa và hãy khát khao điều thiện hảo, đừng để mình bị nô lệ cho tính xác thịt, bởi lẽ “những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí (Rm 8,5).” Hãy trối dậy và đứng lên với binh giáp của Thiên Chúa.

“Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm 13,12). Lời thánh Phaolô đang thiết tha mời gọi, ta lại càng cảm nhận sâu xa hơn khi đang sống trong một mùa tràn đầy niềm hy vọng. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện!

 
 
Trúc Giang 
114.864864865135.135135135250