20/12/2021 -

Các khối huấn luyện

304
Chọn Chúa đi, đừng sợ!

Đã bao giờ bạn tự hỏi bản thân mình “chọn ý Chúa trong cuộc sống là gì?” Nghe có vẻ xa vời và không thực tế cho lắm. Vậy mà biết bao người phải đấu tranh để chọn cho được. Phải chăng ý Chúa chính con đường dẫn đến bình an và hạnh phúc đích thực cho con người với sự sống đời đời. Giờ đây bạn và tôi hãy dành chút thời gian để suy ngẫm, nhìn lại bản thân đã và đang thực hiện ý Chúa như thế nào?
 
Theo tôi, để chọn được ý Chúa là cuộc đấu tranh liên lỉ và không dễ dàng để chọn lựa. Sau đây là những trải nghiệm, ý kiến, suy tư của riêng tôi trong việc “chọn ý Chúa” trong đời sống hằng ngày.


Chọn đi tu đó như một bước ngoặt lớn trong việc “chọn ý Chúa” của tôi rồi. Bạn đã từng biết đến câu nói được trích từ cuốn sách “Đường hy vọng” của Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận .... “Người ngoài không hiểu được tại sao người ta theo tiếng gọi của Chúa, họ cho là điên. Chính Chúa Giêsu cũng bị  Hêrôđê gọi là điên, và chúng ta hãnh diện được ở trong nhà thương Biên Hòa của Chúa”. Tôi thực sự tự hào và hãnh diện khi chính tôi can đảm đáp lại tiếng Chúa mời gọi, khi lựa chọn vào đời sống tu trì tại Hội dòng Đa Minh Rosa Lima.
 
Chọn ý Chúa thường được hiểu là chọn những gì trái ngược với con mắt của người đời, trái với ý riêng hay sở trường của bản thân. Dù lúc đó chưa biết tốt hay xấu, kết quả ra sao nhưng qua thời gian sẽ nói lên tất cả. Quan trọng của sự chọn lựa là con người nhận được điều gì đó cao quý, sâu xa hơn, không chỉ cho bản thân mà còn mang lại bình an, hạnh phúc cho người khác.
 
Tôi theo ơn gọi Đa Minh đồng thời tự nguyện chọn sống đời sống cộng đoàn, đời sống kỷ luật, đời sống vâng phục. Khi chọn những giá trị này, nghĩa là tôi chấp nhận bị bó hẹp trong bốn bức tường nhà dòng, hạn chế các mối quan hệ... Nhưng bạn hãy thử nghĩ mà xem, đó lại là những giúp bạn chiến thắng được chính mình, huấn luyện bạn trở nên một con người thực tại với các mối quan hệ thật với chị em, trao cho nhau những nụ cười và hành động quan tâm hiện hữu, gặp gỡ - trao đổi – nói chuyện với nhau hằng ngày thông qua đời sống cộng đoàn, chia sẻ niềm vui nỗi buồn; không bị ảo tưởng qua tấm màn hình.

Hiện nay, con người bị tình trạng cô lập giữa đời thực, họ không còn cảm thấy hạnh phúc với mối quan hệ đời thường nên chạy trốn trong màn hình công cụ. Bạn đã thấy cái sâu xa, thâm thúy của việc chọn ý Chúa ngang qua đời sống cộng đoàn chưa? Chọn theo Chúa tôi sẽ hạnh phúc là vậy đấy.
 
Khi tôi bước vào đời sống Thỉnh Sinh, công việc chính là chăm sóc trẻ. Với tư cách là người đi tu phục vụ tha nhân qua việc dạy trẻ ở trường học của các bà sơ…sẽ rất khác ở những ngôi trường khác. Một lần nọ khi vô tình đọc tờ báo có viết tựa đề “Đừng cho Giáo dục trở thành cỗ máy in tiền,” tôi bị tác động và tự chất vấn bản thân rất nhiều; hình ảnh Chúa ở đâu trong vấn đề này? Ý Chúa muốn tôi khác với thực trạng này như thế nào qua việc dạy trẻ ở lớp? Theo tôi đầu tiên là phải xuất phát từ chính cái tâm, cái nhìn của tôi về các trẻ, phụ huynh và người cùng làm việc. Chính bản thân phải tập đo lường  thái độ, ứng xử của bản thân với trẻ và phụ huynh. Trước các vấn đề đó phải hết sức nhẹ nhàng, bình tĩnh. Thực sự, trong các tương quan khi ở với trẻ không được đối xử như “làm công ăn lương” mà phải đặt sự phục vụ, cho đi ở trong đó. Nói cách sâu xa hơn là yêu thương vô điều kiện như con đường giáo dục của thầy Giêsu đã dạy. Không có gì bằng liệu pháp “yêu vô điều kiện” của Giêsu để giải quyết được vấn nạn về giáo dục đang đặt ra. Những chiêu bài trong con đường sư phạm của Thầy Giêsu dạy tôi cách giáo dục như một chuyên gia coi sóc tâm hồn, chưa có một giáo sư nào mà khôn khéo như Thầy Giêsu về con đường sư phạm. Giáo dục không phải là tôi cho đi kiến thức, bỏ công sức chăm sóc trẻ... nên tôi phải nhận với mức tiền lương đã ấn định. Dạy cho trẻ không chỉ dừng lại ở dạy học theo trình tự rập khuôn, học vẹt, bắt chước mà phải bao trùm cả các kỹ năng làm người, khả năng đọc được những vấn đề ở trẻ và phụ huynh về mặt tinh thần, tình người giữa cô và trẻ ra sao... Nền tảng cho lối giáo dục này xuất phát từ lời của Chúa, sự cho đi dấn thân phục vụ, nhìn trẻ với những giá trị gì đó sâu xa hơn, chứ đừng vì tư tưởng hay lối sống lợi ích đồng tiền trước mắt, thủ tục nhanh gọn lẹ cho xong giờ trên lớp để cuối ngày trả trẻ lại cho phụ huynh với con số không.

Lối giáo dục của thầy Giêsu còn dạy tôi khi chăm sóc trẻ cũng không phải là trực tiếp trao tặng những món quà trẻ thích, chiều chuộng theo ý trẻ. Không phải lúc nào cũng bênh vực, khen trẻ với những điều không có, bỏ qua những sai lỗi hạn chế, làm thay cho trẻ tất cả mọi việc. Đây là những ý nghĩ và hành động làm hại trẻ chứ không phải giúp hay sự cho đi thật. Ý Chúa ở đây là muốn cô giáo phải kiên nhẫn, tỉ mỉ dạy bảo cháu, chờ đợi cháu tập luyện, tiến bộ từng ít một; dù có thể tốn thời gian, mất sức, tưởng như cháu không làm được hay cả những lúc làm cô phải bực mình. Liệu mấy cố giáo nào nhận ra được ý Chúa như vậy?

Những lúc tôi lựa chọn sự bao dung tha thứ cho bất kỳ ai chính lúc đó tôi đang thực hiện ý Chúa, nhất là với những chị em đang chung sống với tôi. Khi người chị em nào đó ghét, có nói xấu, hiểu lầm, so sánh… hãy nhìn lại bản thân lúc đó để điều chỉnh thái độ, cảm xúc, tập suy nghĩ thoáng nơi bản thân trước những điều đó; đừng sợ thiệt thòi, sợ bị ghét. Để làm được điều này tôi thường tự nhủ và xác tín rằng: “Chị nào khi được sinh ra đều muốn được yêu thương, được an toàn, được quan tâm, có vẻ đẹp, có khả năng, được tôn trọng… đó là tâm lý nguyên thủy, là bản chất thật của con người. Hơn nữa, được nuôi dưỡng trong môi trường khác nhau hình thành nên con người với nhiều cái khác biệt, những con người đó cùng vào đây chung sống, nên những thứ đụng chạm là chuyện khó tránh khỏi, thế nên tôi phài luôn suy xét “tại sao?” để thấy được cái yếu đuối của thân và dễ chấp nhận, bao dung cho người khác. Nếu nghĩ và hành động như vậy đó là lúc ý Chúa được thực hiện ở bạn và tôi.

Mỗi chúng ta luôn khao khát sống cho đẹp lòng Chúa nhưng sẽ không dễ chút nào khi ta phải đối diện với khó khăn, công việc, quyền lợi, như ông Phêrô là một người một môn đệ cương quyết sống chết vì Thầy cũng đã chối Chúa đến ba lần khi gặp thử thách, hay Giuđa vì quyền lợi của bản thân mà bán Chúa với số tiền ba mươi đồng bạc…

Phút hồi tâm của tôi mỗi ngày càng cho tôi nhận ra được câu hỏi: “Tại sao tôi bỏ lỡ Chúa nhiều lần trong ngày vậy? tại sao lúc đó tôi không cười với chị em một cái, tôi không cầm cái bịch rác đi vứt chị em đi, tại sao lúc đó tôi lại khó chịu phớt lờ sự hiện diện của chị đó... Tất cả xuất phát từ những nỗi sợ, sợ mệt, sợ dấn thân, sợ phải cho đi những thứ tôi có và cần, sợ làm mất lòng chị em mình thích, sợ bị người khác xét đoán bản thân không mấy tốt đẹp, mất hình ảnh, không được tôn trọng, bị xem ra vô dụng… Biết bao nỗi sợ hoành hành suốt ngày trong suy nghĩ làm tôi có những hành động không như ý Chúa muốn tôi làm.
 
Nếu không chọn Chúa mà cứ để cho những nỗi sợ đó chiếm ngự tâm hồn mãi sẽ khiến tôi mất bình an, chai lỳ trong cám dỗ. Nếu không chọn Chúa tôi sẽ chọn lọc cho mình những suy nghĩ tiêu cực, nhìn chị em mình với cái nhìn phiến diện, hạn chế, kéo theo đó tôi sẽ dễ dàng phán xét bất cứ điều gì dù chưa hiểu về họ.  Điều đáng nói là; càng suy nghĩ tiêu cực tôi càng cảm thấy mất bình an trong nội tâm, sớm nhận ra những ý nghĩ mang tính xấu về người khác chỉ làm tôi thấy mệt. Tôi không có quyền và cũng không thể thay đổi được mọi thứ xung quanh theo ý tôi, nhưng tôi có thể thay đổi cách suy nghĩ của mình.

Để chọn ý Chúa thì trước hết cần xây dựng cho bản thân một đời sống nội tâm lành mạnh bên trong, dành thời gian suy ngẫm về những gì đã và đang đến với mình, nhất là trong giây phút hiện tại. Thứ hai, là tôi cần phải rèn luyện để nhận ra ý Chúa chính trong quá trình làm việc, cần nhìn vấn đề sâu sắc hơn, tích cực hơn không bó hẹp trong quan điểm, niềm tin cốt lõi của bản thân.

Hằng ngày tôi và bạn luôn ước mơ chọn sống theo ý Chúa như Mẹ Maria, các Thánh,... phải không? Ý Chúa chẳng ở đâu xa, chỉ cần tôi dành thời gian để rèn luyện lối sống từ trong tâm mình cho ngay thẳng, trung thực khi sống và làm việc với sự “Dấn thân – Hy sinh – Yêu thương”
 
Khi tôi sống hạnh phúc ở môi trường Thỉnh sinh cũng là lúc tôi đang thực hiện ý Chúa đó. Vai trò của tôi trước mặt Chúa là luôn tập cho mình sống hạnh phúc theo ý Ngài. Nhìn thấy những điều tích cực, tốt đẹp trong cuộc sống, đó chính là lúc Chúa hiện diện trong tôi và trong bạn.  
                                                                                            
Rosa Hảo Tâm



 
114.864864865135.135135135250