27/11/2022 -

Các khối huấn luyện

358
Chọn gì đây?

Cuộc sống con người là một chuỗi những chọn lựa lớn nhỏ khác nhau. Chọn lựa nào cũng làm chúng thấy mất mát, nuối tiếc, đau khổ giằng xé nhất là đối với những chọn lựa quan trọng quyết định vận mạng đời mình. Khi chọn lựa điều gì, chúng ta đều nhắm đến một điều cao hơn, tốt hơn cho mình hoặc cho người khác. Chúng ta thường liệt kê ra những cái được, cái mất để biết chọn lựa cho đúng để không thất vọng. Mỗi việc, mỗi vấn đề đều có tiêu chuẩn giúp ta biết chọn điều gì cho phù hợp. Vậy là người tu sĩ, chúng ta có những chọn lựa nào cho cuộc đời, cho ơn gọi của mình?

Mừng lễ các thánh Tử đạo Việt Nam - bổn mạng của chị em Học viện, chúng tôi được Cha Giuse Vũ Trọng Tài, SDB chia sẻ đoạn Tin Mừng theo thánh Mc 8,27–33 về việc thánh Phêrô tuyên xưng Đức Tin, rồi Đức Giêsu mạc khải liền về số phận của Người thì ngay lập tức Phêrô lôi Người ra mà trách mắng Người. Cha mời gọi chị em chúng tôi nhìn lại chọn lựa của mình để có thể sống sung mãn, triển nở đặc sủng của Dòng hơn trong bối cảnh xã hội hôm nay và biết đưa ra những quyết định đúng đắn khi thi hành sứ mạng.

Khởi đi từ vùng đất Xêdarê Philipphê, nơi Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?” Cha giúp chúng tôi biết rằng đây là vùng đất giàu có, trù phú đến nỗi Alexandria Đại Đế khi chiếm được Palestina đã thốt lên: Đây là Êen chứ đâu. Nơi đó có đỉnh núi Khemon “Như sương từ đỉnh Khemon, tỏa trên đồi núi Sion lan tràn. Nơi đây ân huệ Chúa ban, chính là sự sống chứa chan muôn đời” (Tv 133,3), nơi bắt nguồn dòng sông Giođan, cây cối xanh tươi. Đây là vùng đất kính rất nhiều vị thần: thần Pan, thần sông núi, cây cỏ, thần Jupiter, thần Dớt… với những đền thờ, cung điện, tòa lâu đài và biết bao con người thành công rực rỡ. Khi người ta đến Xêdarê, họ sẽ bị hấp dẫn, thu hút bởi sự giàu có, sự nguy nga tráng lệ, bởi sự thành công và họ sẽ mang một ao được trở nên những con người đó. Chính trong bối cảnh ấy, Đức Giêsu hỏi môn đệ một câu hỏi cách chính xác là: Anh em chọn ai là thần tượng? Hoàng thân Philip, các vị thần, Alexandria, những con người kia hay Thầy?

Cũng như Phêrô tuyên xưng chính xác “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” nhưng lại can ngăn Chúa lên Jêrusalem chịu chết, vì ông hiểu sai căn tính của Đấng Mêsia; chúng ta theo Chúa đó, tuyên xưng Chúa là Tình Yêu, Đấng Cứu Độ, là cùng đích đời mình, theo Chúa để nên giống Chúa, để phục vụ tha nhân… Biết bao những động lực tốt lành thánh thiện, cao đẹp, cao thượng, biết bao sức nóng của ngọn lửa tình thuở ban đầu dành cho Chúa và anh chị em ấy nay đã biến chất hoặc bị chúng ta lái sang một mục đích khác vì chúng ta vỡ mộng về ơn gọi thánh hiến, chúng ta cho rằng mình đã chọn lựa sai.

Nhìn lại gương sống Đức Tin của các thánh Tử đạo, chúng ta thấy cuộc sống của các ngài diễn tả niềm vui sướng được Chúa yêu, được chính Chúa ôm lấy mình và các ngài xác tín cách chắc chắn rằng quê hương đích thực, căn nhà kiên cố của con người là ở trên trời vì đích điểm của mỗi người là trở về sống hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, do đó các thánh tử đạo đã hân hoan đón lấy cơ hội làm sáng danh Chúa. Các ngài cho thấy tình yêu chỉ sống khi nó hy sinh và cho đi chính nó. Điều này khiến tôi nhớ đến bài hát “Con không xin” của Nhạc sĩ Ngọc Linh với những lời: Con không xin bạc vàng làm hoen ố đôi tay, con không cầu danh vọng làm hư mất lương tri. Xin gian nan khốn cùng gửi đến trong thường ngày, con xin lấy máu hồng dâng hiến tế hôm nay.   ÐK: Có Chúa dẫn trong đời, con còn có lo gì. Bao nhiêu cơn giông tố, vững niềm tin ra khơi. Trên đôi môi rạng ngời, tim con mãi rung động. Tin yêu trong tay Chúa, có Ngài đâu lẻ loi.

Thật vậy, chính Chúa cũng nói gian nan khốn khó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy, để anh em trở nên con cái Cha trên trời; chúng ta xin thì Chúa cho vì Ngài quảng đại ban phát ơn để chúng ta nên hoàn thiện hơn, nhưng liệu chúng ta có can đảm đón lấy những “bài sai” hàng ngày trong bổn phận không? Chúng ta - những người trẻ đang sống trong nền văn hóa của kỹ thuật số, một nền văn hóa “Zapping, lướt”, chúng ta bị cuốn hút vào những vẻ đẹp giả tạo, những niềm vui vụt qua, những hạnh phúc bất định… khiến chúng ta không phân định được đâu là giá trị thật, không thấy vẻ đẹp nơi chính mình và tha nhân nữa, chúng ta than phiền thân phận đi vào nhà dòng bị héo úa với lợi danh. Bị dội bom bởi khối lượng thông tin khổng lồ khiến tâm trí chúng ta bị phân tán, vì thế chúng ta cũng dần đánh mất sự tập trung vào những câu hỏi thiết yếu nhất trong hành trình làm người, những câu hỏi về cội nguồn, ý nghĩa và cùng đích đời sống. Bởi đó, để biết phải chọn gì, làm gì, chúng ta phải trả lời được hai câu hỏi sau:

- Tôi là ai?
- Tôi đang thuộc về đâu?

Tôi là ai: một nữ tu hay một người con gái bình thường như bao người khác đang tìm kiếm những ước mơ cho tương lai.

Tôi đang thuộc về đâu: Chúa, Giáo hội, Hội dòng hay một đối tượng khác (danh vọng, sắc đẹp, học vị, sự công nhận của người đời…)

Khi biết rõ mình là ai và đang thuộc về đâu, chúng ta sẽ biết phải chọn cách ăn mặc, nói năng, đi đứng, cách hành xử, cách sử dụng các phương tiện, chọn công việc và cách làm việc, cách dấn thân như thế nào để không đánh mất căn tính của mình. Ta không trở nên bản sao của bất kỳ đối tượng nào nhưng là mình như Chúa muốn. Tôi cũng nhớ đến câu nói của một Sơ giáo: Không phải tôi đồng trinh nên tôi thuộc về Đức Kitô nhưng vì tôi thuộc về Đức Kitô nên tôi giữ mình đồng trinh. Như thế, tình yêu của ta với Chúa, với Hội dòng sẽ thủy chung trước sau như một nhờ đã ý thức Chúa và ta có chung dòng máu, Hội dòng và ta có chung lý tưởng, chung hướng nhìn, chung con thuyền.

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên các người trẻ: “Các con cần ý thức điều căn bản này: sống tuổi trẻ, không chỉ là đi tìm những thú vui thoáng qua và những thành công hời hợt. Để cho tuổi trẻ đạt được mục đích của nó trong cuộc đời của con, thì đó phải là một thời gian của quảng đại cho đi, chân thành cống hiến, của những hy sinh gian khổ nhưng sinh hoa trái thật phong phú” (Tông huấn Christus Vivit, 108). Và “Đời sống của bạn trẻ là thời gian của những chọn lựa mạnh mẽ, quyết định, liên lỉ. Những chọn lựa tầm thường dẫn đến một cuộc sống tầm thường, những chọn lựa cao cả làm cho cuộc sống nên cao cả” (ĐTC Phanxicô, bài giảng lễ Chúa Kitô Vua).

Ước mong sao nhờ Ân Sủng Chúa và mẫu gương các thánh Tử đạo giúp chị em Học viện chúng ta biết ước muốn và lựa chọn những gì dẫn chúng ta đến mục đích cuộc đời mình hơn. (Thánh I- nhã, LT 23).


Tạ Hoa - TVK
114.864864865135.135135135250