22/11/2021 -

Các khối huấn luyện

929
Gặp Chúa trong thiên nhiên
Đời sống của ki-tô hữu nói chung và của người tu sĩ nói riêng là một cuộc hành trình tìm kiếm Thiên Chúa.Có rất nhiều cách thức, nhiều con đường khác nhau để tìm kiếm Chúa. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: Làm sao để biết chúng ta đang thực sự tìm kiếm Chúa cách đúng đắn? Là một sinh viên đang học tại Viện Đời sống Thánh hiến Vùng châu Á (ICLA) - Philippines, tôi càng hiểu biết và sống kết hiệp mật thiết với Chúa hơn nhờ các môn học ở đây. Đặc biệt, môn “Linh Đạo và Môi trường” (Spirituality and the Environment) là một môn học rất ấn tượng đối với tôi. Nó không chỉ giúp chúng tôi học hiểu về linh đạo môi trường mà các thánh tổ phụ cũng như các nhà thần học đã để lại mà còn mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa trong chuyến đi thực tế vào ngày 05-6/11 vừa qua.

HÃY ĐẾN….

Cũng vẫn là một buổi chiều ngày thứ Sáu như thường lệ, nhưng sao bầu khí của ngày hôm ấy laị đặc biệt đến thế. Tuy ai cũng cảm thấy mệt mỏi sau một ngày học tập miệt mài, nhưng niềm vui vẫn toát lên trên từng khuôn mặt của các bạn trong lớp tôi. Niềm vui của một hành trình khám phá mới; niềm vui của sự hội ngộ; niềm vui của tình bạn khi được cùng nhau học hỏi và sẻ chia.

Chúng tôi đã đến miền đất mang tên là “HOGAR”. Ngồi trên xe hơn 2 tiếng đồng hồ với đường đồi khúc khuỷu, tôi có thể nhìn thấy rõ sự mệt mỏi trên gương mặt của các bạn. Nhưng sự mệt mỏi ấy đã biến mất khi chúng tôi đặt chân trên một miền đất mới đầy tình yêu và sức sống.
           

HÃY XEM VÀ CẢM NGHIỆM…

HOGAR là một trung tâm sinh thái tâm linh và nông nghiệp hữu cơ của ICLA. Viếng thăm nơi đây, chúng ta có thể cảm nghiệm được việc chăm sóc trái đất -ngôi nhà chung của chúng ta - qua việc trồng trọt hữu cơ. Bên cạnh đó, với bầu khí yên tĩnh, thánh thiêng, một môi trường xanh - sạch - đẹp - thoáng mát, HOGAR còn là một nơi thật lý tưởng cho mọi người đến thăm quan và tĩnh tâm.

Sau bữa tối thân mật tại miền đất mới, chúng tôi bắt đầu đốt lửa và ngồi quây quần bên nhau quanh ánh lửa hồng để cầu nguyện, chia sẻ, và lưu lại những khoảng khắc thật đáng nhớ trong cuộc đời. Trong gần 03 năm trôi học qua, đây là lần đầu tiên chúng tôi có dịp ngồi lại bên nhau trong một bầu khí linh thiêng và ấm cúng như vậy. Ánh lửa bùng lên đã xóa tan trong chúng tôi những ngại ngần, những lắng lo, và những ngăn cách để trải lòng mình ra trong lời chia sẻ nghẹn ngào.  

Nhìn ánh lửa bập bùng trong màn đêm đen và cảm nhận những làn gió xe lạnh thổi tới, tôi thấy lòng mình lắng xuống và bắt đầu nhớ lại những bài học trên lớp, những cảm nghiệm từ cuộc sống, và cả những cảm xúc thực của tôi lúc này. Câu nói của thánh An Tôn: “Thiên nhiên là một cuốn sách mà trong đó chúng ta có thể đọc những lời của Thiên Chúa” đã gợi cho tôi nguồn cảm hứng, và tôi tự hỏi: Chúa đang nói gì với tôi qua ngọn lửa và làn gió này. Quan sát kỹ hơn, chiêm ngắm nhiều hơn, cảm nhận sâu hơn về tất cả những gì đang diễn ra xung quanh mình, tâm hồn tôi như được ấm dần lên một cách lạ thường và được lấp đầy bằng một tâm tình tạ ơn. Tạ ơn Chúa đã gọi, đã chọ, và đã trao cho tôi sứ vụ học tập tại đất nước Philippines thân yêu này. Đặc biệt, Chúa đã cho tôi được lớn lên trong tình gia đình của ngôi trường ICLA. Thật vây, đây không chỉ là nơi cho tôi kiến thức mà còn cho tôi được sống trong một bầu khí gia đình khi phải xa nhà, xa quê hương (a home away from home).

Cũng giống như những cành củi khô kia với nhiều kích cỡ khác nhau, nhiều loại cây khác nhau, giữa chúng tôi cũng có nhiều sự khác biệt, chẳng hạn như khác biệt về đất nước, văn hóa, tuổi tác, tính cách, giới tính, và quan điểm, nhưng chúng tôi được mời mọi để sống chung trong một cộng đoàn, một gia đình, để trở nên “một” ngọn lửa của “tình yêu thương” và “tương trợ lẫn nhau”. Cũng giống như hơi ấm và ánh sáng của ngon lửa có thể xóa tan đêm đen và giá lạnh, thì tình yêu giúp chúng tôi xóa tan những ngăn cách, những khác biệt, và những hiểu lầm để xích lại gần nhau hơn. Cũng giống như khi ngọn lửa kia càng cháy lên thì sự tiêu hao của đống củi càng nhiều, sống tình yêu thương trong cộng đoàn cũng đòi hỏi nơi mỗi người phải “tiêu hao”, “hy sinh” chính mình như vậy.
Chính Chúa Giêsu, mẫu gương của niềm tin, tình yêu, và cuộc sống, cũng đã phải tự hủy và tự hiến chính mình VÌ YÊU và ĐỂ YÊU nhân loại. Trong cuộc tử nạn, khi bị những quân lính Do Thái thách thức: “Nếu ông là con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thật giá đi để chúng tôi tin” (Mt 27, 40), Lúc đó, Chúa Giêsu đã làm gì? Phải chăng Ngài không thể xuống khỏi thập giá? Phải chăng Ngài không phải là con Thiên Chúa? Phải chăng Ngài khinh thường không để ý những lời họ đang nói đó. Không. Chúa Giêsu biết rõ những gì đang xảy đến với Ngài. Ngài biết Ngài đang phải đối diện với một cám dỗ rất lớn, hay có thể nói là cám dỗ lớn nhất trong cuộc đời dương thế của Ngài vì nó đụng đến khát vọng lớn nhất của bản tính con người là muốn được sống, và đồng thời đụng đến căn tính (Identity) của Chúa Giê-su với tư cách là Con Thiên Chúa. Thế nhưng, Ngài vẫn ở đó, vẫn nhìn họ bằng ánh mắt cảm thương, và dâng lời cầu nguyện cho họ: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Tình yêu Chúa đến trong sự hoàn toàn tự do để trao ban, để vâng phục, để tha thứ, và để cứu chuộc. Cũng vậy, tình yêu trong đời sống cộng đoàn được diễn tả qua sự tự do để vâng phục, để dấn thân, để hy sinh và xây dựng cho nhau.

Sau những tâm tình chia sẻ của mỗi người, chúng tôi kết nối thành một vòng tròn và ra đi để trao gửi lời yêu thương cho nhau. Những khoảnh khắc ấy thật ý nghĩa và sẽ lưu mãi trong cuộc đời chúng tôi!

Sau một đêm ngủ bình an, mọi người đã lấy lại được nguồn năng lượng để bắt đầu một ngày khám phá vùng đất mới. Trước khi dẫn chúng tôi đi thăm quan nơi này, Cha Samuel Canilang, CMF - một giáo sư lỗi lạc và cũng là người là quản lý trung tâm này - đã thuyết trình cho chúng tôi hiểu về nguồn gốc, mục tiêu, và sứ vụ của trung tâm HOGAR.

 

Maria Nguyễn Thị Dự











Sau đó, Cha dẫn chúng tôi đi thăm quan những công trình mà Cha cùng với những công nhân tại đây đã hằng ngày miệt mài chăm sóc và gầy dựng.
















Thăm quan xong, vào lúc 11 giờ, ngày mùng 06/11, chúng tôi bước vào thánh lễ để dâng lời cảm tạ và chúc tụng Chúa. Trong thánh lễ, Cha Noel, một sinh viên trong lớp tôi, đã chủ tế và giảng một bài rất sâu sắc về tình yêu của Chúa trong thiên nhiên và trong trong tình hiệp nhất của nhân loại.

Sau thánh lễ là bữa cơm thân mật và mừng lễ kỷ niệm thu phong linh mục của Cha Noel. Kết thúc bữa tiệc, chúng tôi dâng lời cảm ơn Cha Samuel và cộng đoàn nơi đây đã đón tiếp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chúng tôi có một chuyến đi thật tốt đẹp và ý nghĩa.  
Trước khi lên đường trở về, chúng tôi đã trải nghiệm trò chơi “Kết nối trong yêu thương”. Qua trò chơi này, chúng tôi đã rút ra được rất nhiều bài học, đặc biệt bài học về sự hiệp nhất trong sự khác biệt. Vì chúng ta có những khác biệt nên chúng ta cần nhau. Tuy những khác biệt đó có thể tạo nên những thách đố trong đời sống cộng đoàn nhưng đó cũng là yếu tố để cộng đoàn trở nên sống động, phát triển, và gắn kết với nhau hơn nếu chúng ta có TÌNH YÊU THƯƠNG.


Maria Nguyễn Thị Dự

 
114.864864865135.135135135250