15/01/2022 -

Các khối huấn luyện

585
Hãy ra đi

Con người hôm nay thường để ý đến các nhu cầu ăn, ở, phương tiện, trang phục, sắc đẹp,... Thế nhưng những thỏa mãn đó không đủ làm cho người ta hạnh phúc. Con người còn có nhu cầu cao hơn là đời sống tâm linh. Chính vì vậy, Giáo Hội những người nhiệt thành ra đi loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người theo lệnh truyền của Thầy Giêsu: "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Đó cũng là sứ vụ chung của Giáo Hội nhưng cũng là một nét riêng và đặc thù của tu sĩ Đa Minh: “Chỉ nói với Chúa và chỉ nói về Chúa”. Tôi muốn nói về khía cạnh nhỏ về sứ mạng truyền giáo của Hội Dòng Đa Minh Rosa Lima hôm nay với những thuận lợi và khó khăn của Hội Dòng để chúng ta cùng nhận định.

Hoa trái truyền giáo của Hội  Dòng

Theo Công Đồng Vaticanô II : "Trong tình trạng thế giới hiện nay đặt nhân loại trong một hoàn cảnh mới, vì thế Giáo Hội càng được kêu mời khẩn thiết hơn để cứu rỗi và canh tân mọi loài, hầu mọi sự được tái lập trong Chúa Kitô, và nơi Ngài mọi người họp thành một gia đình và một Dân Chúa duy nhất” (Sắc lệnh Truyền giáo số 4).

Khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa đã đặt để nơi con người một bản chất là đưa nhân loại đến cứu cánh. Chính vì vậy, truyền giáo tự thâm sâu là bản chất của mỗi người Kitô hữu. Nhưng đi vào trong thực tế, chúng ta tự hỏi đã có bao nhiêu người nhận biết Thiên Chúa ? Câu trả lời bạn có thể tra cứu, tìm hiểu bằng nhiều cách thức, nhưng điều mà chúng ta quan tâm là Hội Dòng với những nỗ lực truyền giáo đã đem lại kết quả nào ? Linh đạo của Hội Dòng diễn tả sứ vụ truyền giáo ra sao ?

Với những nét đẹp cũng như sự linh hoạt của linh đạo Đa Minh đã thu hút được nhiều bạn trẻ, đưa nhiều người vào trong Giáo Hội, đưa nhiều con người lầm lạc quay về, hoán cải đời sống. Có những tu sĩ của Hội Dòng đang xả thân, sống cùng, sống với những con người khổ đau. Trong những môi trường hết sức khó khăn, các chị em chúng ta vẫn dấn thân, tìm cách để đem Chúa vào trong hoàn cảnh đó chỉ để làm sao nói với con người về Đức Kitô yêu thương. Ngày nay, chúng ta cũng đang theo gót Cha Thánh Đa Minh và đem được nhiều linh hồn về với Chúa. Đa Minh Rosa Lima đang nói với thế giới về Thiên Chúa. Chúng ta tạ ơn vì những hoa trái tốt lành mà Thiên Chúa ban cho Hội Dòng như một đặc ân riêng.

Những khó khăn và hạn chế

Từ những sứ vụ đó, người nữ tu Đa Minh Rosa Lima loan giảng Tin Mừng trong niềm vui và hy vọng. Nhưng trong một xã hội muôn màu muôn vẻ của con người, của nền văn hóa, ý thức hệ và nền kinh tế hiện đại hóa  thì thật là thách đố cho người tu sĩ nói chung cũng như tu sĩ Đa Minh Rosa Lima nói riêng. Chúng ta không dễ dàng gì truyền giáo khi con người đang sống trong cái vỏ bình yên của vật chất của những gì là an toàn thế tục. Họ không quan tâm đến sự cứu độ xa vời, viễn vong, cõi trên nhưng họ tự bảo mình “thực tế đi”. Vậy thì chúng ta cần: “đặt nhân loại trong một hoàn cảnh mới”, nghĩa là hòa mình vào trong nếp sống của họ. Chúng ta đi vào các lãnh vực chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật... bằng chính đời sống cầu nguyện và chứng nhân. Nhưng một xã hội văn minh, nó đẩy xa những con người  nghèo nàn lạc hậu lại phía sau, trong đó có người già, người nghèo và cả tu sĩ nữa. Vậy thì làm sao chúng ta có thể đi vào trong nếp sống của họ ?

Câu hỏi dường như khó trả lời nhưng có một điều chúng ta khẳng định là người tu sĩ đi vào đời với đời sống cầu nguyện và đời sống chứng nhân. Cầu nguyện để kín múc sức mạnh nơi Thiên Chúa. Chúng ta vẫn thường nghe nói: con người ngày nay không cần thầy dạy nhưng họ cần chứng nhân. Cách sống của người tu sĩ sẽ cho con người thấy được Thiên Chúa trước khi họ nghe giảng thuyết. Với một xã hội hóa_hiện đại hóa, chúng ta hòa mình bằng phương tiện thì ta cũng chẳng khác gì họ cả mà trở thành phản chứng. Sự khôn ngoan của tu sĩ không phải là không có phương tiện nhưng là sử dụng phương tiện như thế nào ?

Những khó khăn bên ngoài là một trong những cản trở tu sĩ chúng ta ra đi đến với sứ vụ truyền giáo. Bên cạnh đó, những khó khăn còn đến từ con người, Hội Dòng của chúng ta. Chúng ta cùng đặt vấn đề xem: Hội Dòng chúng ta đang ưu tiên cho vấn đề gì ? Linh đạo Đa Minh với sứ mạng giảng thuyết, vậy khi mọi người nhìn vào có nhận ra đặc thù của Linh đạo mình chưa ? Tại sao ? Hiện nay chúng ta đào tạo huấn sinh theo tiêu chí nào ? Có phù hợp với Linh đạo Đa Minh không ?  Cách thức chúng ta tạo cho các em lòng khát khao và ngọn lửa truyền giáo là gì ? Đây là những câu hỏi không phải để trả lời bằng lời nói nhưng bằng tất cả những gì mà Hội Dòng chúng ta đang làm.

 Những huấn sinh lúc đầu đời ơn gọi có nhiều hoài bão về việc ra đi truyền giáo nhưng khấn xong thì ngọn lửa đó tắt lịm, thậm chí không bao giờ nghĩ đến. Còn nếu tu sĩ nào được sai đi thì xem môi trường đó có đáp ứng được cho mình những nhu cầu cá nhân không đã, rồi mới nghĩ đến chuyện khác. Trong khi đó có biết bao người cần đến tu sĩ, có biết bao chị em mình cần hổ trợ vì công việc truyền giáo làm không xuể. Còn chúng ta học và làm việc có cuốn hút lòng truyền giáo hay không ? Hay chúng ta sống thờ ơ với bản chất truyền giáo của mình, mãi lay hoay với cộng đoàn, với sự an toàn cá nhân.

 Chúng  ta dường như chỉ nghĩ đến sự phát triển của Hội Dòng hơn là sự phát triển của Giáo Hội. Tu sĩ được đào tạo để phát triển chính mình chứ không mở ra cho sứ vụ, điều này làm cho tu sĩ sống cho mình và khó được sai đi. Tiếc thay những khát vọng ban đầu, không còn là động lực cho người tu sĩ nữa. Chúng ta nhìn lại Hội Dòng với bao nhiêu năm truyền giáo nhưng kết quả đi đến đâu ?

Sứ vụ ? Kinh tế ? Thăng tiến ? Chúng ta đang quan tâm điều gì ? Hơn nữa, nếu là truyền giáo qua môi trường giáo dục thì môi trường đó đem lại kết quả gì cho thụ huấn sinh ? Chúng ta nói được điều gì qua giáo dục mầm non ? Chúng ta cho các em biết gì về Hội Dòng ? Có những lúc tôi phải thốt lên: thật đáng tiếc.

Hành trang người truyền giáo

Chính vì vậy, người tu sĩ Đa Minh Rosa Lima được huấn luyện lòng thao thức đem niềm vui ơn cứu độ đến với mọi người như Đức Thánh Cha Phanxicô: “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Chính sự thao thức mới làm cho lòng ta sôi sục ngọn lửa truyền giáo, chúng ta mới tìm kiếm cách thức để nói về Chúa, chúng ta mới sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng trao tặng cách nhưng không “khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô. Thánh Thần tình yêu sẽ soi sáng, thúc đẩy và hướng dẫn chị em chúng ta trên đường sứ vụ yêu thương này (x. SĐTG 2009, số 5). 

Hơn nữa, khi lòng người tu sĩ có tình yêu là khi sức mạnh được thể hiện qua các hoạt động đầy sáng tạo của mình. Tình yêu là động lực truyền giáo mang lại kết quả hơn hết. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói rằng: “Nhắm mắt lại trước người thân cận của mình là trở thành đui mù trước Thiên Chúa” và tình yêu là nguồn của ánh sáng duy nhất luôn “chiếu soi một thế giới đang chìm trong bóng tối; ánh sáng này ban cho chúng ta sự can đảm để sống và hoạt động” (Deus caritas est số 16).  Người tu sĩ Đa Minh là nhà truyền giáo, là người “cảm nghiệm thật sự khi mình đi tìm điều thiện hảo và hạnh phúc cho kẻ khác”. Tình yêu làm cho tu sĩ hiểu rằng: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

Bên cạnh đó, người tu sĩ sống với linh đạo của Đa Minh: lấy Lời Chúa làm nền tảng cho đời sống và hoạt động tự do trong Thần Khí. Linh đạo của chúng ta không cứng nhắc, khuôn khổ nhưng luôn mở ra, đón nhận cái mới bằng cách đặt vấn đề, bằng sự  canh tân. Vậy trong bất cứ  môi trường nào chúng ta cũng phải bước ra: “Hãy đi, Ta sai ngươi” (Xh 3,10). Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lên tiếng: người truyền giáo hãy đi ra khỏi sự yên vững riêng tư của mình, đi ra khỏi con người của mình, đi ra khỏi những cố tật, những giới hạn của mình để gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ những  người Chúa sai ta đến. Lúc đó ta mới hiểu được nỗi đau của nhân loại, sự thao thức của Thánh Tổ Phụ, và  tình yêu của Thiên Chúa.

Người tu sĩ luôn phải vững vàng trong khi bước ra khỏi vỏ bọc của Tu Viện, là nơi ta thấy mình lớn lên nhưng cũng là nơi ta nhận ra yếu đuối của mình, sống ỷ lại, sống với lập trường của người khác. Tuy nhiên, cộng đoàn là động lực, là sức bật của bất cứ ai sống trong ơn gọi thánh hiến, dù trong sứ vụ nào chăng nữa. Hội Dòng và cộng đoàn cần quan tâm, nâng đỡ và đẩy mạnh công cuộc truyền giáo hơn. Và những ai đang hoạt động trong cánh đồng truyền giáo cũng hướng về cộng đoàn như là gia đình không thể thay thế. Có như vậy sự “bước ra” của tu sĩ Đa Minh là dấu chỉ, là thể hiện sự trung thành đối với Giáo Hội và với linh đạo Đa Minh.

Trên đây, không phải là điều tiêu cực để bi quan nhưng là những hạn chế mà chúng ta nhìn nhận và đánh giá để định hướng lại sứ vụ truyền giáo của Hội Dòng và của từng cá nhân. Chúng ta không thể nào chỉ là khắc danh trên tấm bia chết nhưng là phần tử sống thể hiện Linh đạo của Hội Dòng như nó là. Chúng ta thực hiện điều này theo cơ cấu từ trên xuống dưới có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn. Vậy thì chúng ta đào tạo thụ huấn sinh, tạo cho các em lòng khao khát, tình yêu truyền giáo để niềm vui truyền giáo là động lực cho các em sau này xây dựng Giáo Hội, Hội Dòng bằng cách: “chỉ nói với Chúa và chỉ nói về Chúa” trong mọi môi trường.

 

Hà Linh
 
114.864864865135.135135135250