13/08/2022 -

Các khối huấn luyện

229
Không có Thầy...

Trong bối cảnh xã hội thực dụng như hiện nay, Xã hội cũng như Giáo Hội đang phải đối diện với những thực trạng khó khăn, những cơn khủng hoảng về các giá trị đạo đức, nhân văn và chân lý… nhất là trong lãnh vực giáo dục. Không những thế, chủ nghĩa khoa bảng, bệnh thành tích, chủ nghĩa giáo điều đang là những bất cập về cách thức giáo dục tại Việt Nam. Vấn đề đạo đức luân lý và nhân bản dường như bị coi nhẹ. Chính vì vậy, Giáo Hội mời gọi con cái tích cực dấn thân trong lĩnh vực giáo dục và canh tân việc dấn thân trong lãnh vực cao quý này.

Bởi lẽ, “Giáo Hội vẫn luôn xác tín rằng giáo dục là một yếu tố chính yếu trong sứ mạng của Giáo Hội.”[1] Theo Công Đồng Vaticano II: “Tất cả mọi người đều có quyền hưởng một nền giáo dục toàn diện, bao gồm các mặt: tinh thần và thể xác, đức tin và văn hóa theo chiều kích cá nhân và xã hội.”[2]

Tiếp nối sứ mạng của Giáo Hội, Hội dòng chúng ta cũng được mời gọi dấn thân trong sứ mạng giáo dục, với việc mở các lưu xá cho học sinh - sinh viên. Đứng trước những thách đố của thời đại và ý thức được sứ mạng quan trọng đối với tương lai của Giáo Hội và xã hội, tôi thiết nghĩ mỗi thành viên trong Hội dòng cần chuẩn bị cho mình một hành trang mới, để trở thành chứng nhân và khí cụ đem Tin Mừng Chúa đến cho mọi người một cách hiệu quả và thiết thực hơn[3].

Tất nhiên, chúng ta cần trang bị cho mình những kiến thức “khoa học đạo đời, được chứng thực bằng các văn bằng tương xứng, và có được nhiều kiến thức sư phạm phù hợp với những khám phá tiến bộ của thời đại.”[4] Đặc biệt, người thánh hiến cần minh chứng rằng“niềm tin vào Đức Kitô soi sáng lãnh vực giáo dục, không những không coi nhẹ những giá trị nhân bản mà còn củng cố và thăng tiến chúng nữa.”[5] Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI nhắn nhủ:“Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân.” Như thế, trong công tác mục vụ, lời nói và hành động của ta phải đi đôi và thống nhất với nhau:“lời loan báo phải khớp với cách sống.”[6]  Thánh Gioan Bosco khuyên nhủ những ai làm công tác giáo dục:“Làm sao cho những người trẻ không những được yêu thương mà còn cảm nghiệm là họ được yêu thương.”[7]

Bên cạnh việc chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết, mỗi người tu sĩ phải thường xuyên hút lấy“nhựa sống Lời Chúa từ thân cây là Chúa Giêsu”[8], như là nguồn sức mạnh cho sứ mạng tông đồ. Chính điều này sẽ giúp ta trung thành với sứ mạng đã nhận lãnh. Hơn nữa, mỗi người tu sĩ cần nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mình,  bằng việc kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể và gắn chặt với Chúa Kitô, như cành nho luôn gắn liền với thân nho.

Mặt khác, Giáo Hội cũng nhắn nhủ với con cái mình, đừng để bị ru ngủ với những thành quả đã đạt được. Bởi lẽ, chúng ta chẳng thể làm được gì nếu Chúa không ban ơn và không có sự cộng tác cách trực tiếp hay gián tiếp của tha nhân.

Bản thân tôi đang sống trong cộng đoàn tu trì, tôi ý thức rằng tôi không bao giờ phải thi hành sứ vụ một mình. Vì Hội dòng luôn đồng hành với tôi qua lời cầu nguyện của tất cả các chị em, nhất là để tôi an tâm trên con đường sứ vụ, các chị em đã hy sinh làm những công việc của cộng đoàn giúp tôi. Bên cạnh những nỗ lực và cố gắng của bản thân, tôi còn nhận được sự đồng hành của các chị cao niên, các chị đau yếu nhờ lời cầu nguyện. Những chị khác lại rất âm thầm và chu đáo, lo chuẩn bị những bữa ăn thật bổ dưỡng… Do đó, tất cả những thành công tôi đạt được không phải là nỗ lực của riêng tôi, nhưng là ơn Chúa ban cho tôi cùng với sự cộng tác và nâng đỡ của mọi thành viên trong Hội dòng. Vì vậy, thánh tông đồ Phaolô đã lên tiếng:“Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa”(1Cr 10,17). Vì ta chẳng thể làm được gì nếu Chúa không trợ giúp:“không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Do đó, tất cả những gì chúng ta có được đều do bởi ân ban của Thiên Chúa,  bởi lẽ “một con én chẳng làm nên nổi mùa xuân.” Cho nên, chúng ta hãy sử dụng những khả năng Chúa ban một cách xứng hợp để xây dựng xã hội, Giáo Hội và trao ban cho tha nhân những gì ta có.

Hơn nữa, nếu chúng ta thành công thì Hội dòng cùng chung chia niềm vui với ta. Tuy nhiên khi ta gặp khó khăn thử thách hay thất bại, thì Hội dòng cũng bị ảnh hưởng và cũng phải gánh chịu những hậu quả do ta gây ra. Đồng thời, mọi thành viên trong nhà dòng luôn đồng hành nâng đỡ giúp ta vượt qua khó khăn thử thách. Như lời thánh Phaolô tông đồ dạy: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cùng vui chung” (1Cr 12, 26). Đặc biệt, Thiên Chúa luôn đi bước trước và đồng hành với ta trong từng biến cố của cuộc sống. Vì lẽ đó, ta phải có trách nhiệm và ý thức về những lời nói cũng như hành động của bản thân.

Như vậy, khi thực thi sứ mệnh giáo dục, mẹ Giáo Hội muốn con cái mình chu toàn sứ mạng đã lãnh nhận từ Chúa Kitô, là truyền rao ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại và “chăm lo cho đời sống toàn diện của con người, kể cả cuộc sống trần thế,”[9] để “góp phần vào việc phát triển và mở rộng nền giáo dục.”[10] Đồng thời, Giáo Hội muốn con cái mình“thẫm đẫm tinh thần của Chúa Kitô, phục vụ lợi ích của xã hội trần thế và xây dựng một thế giới nhân bản hơn.”[11] Vì thế, tôi hãy ý thức tự đào luyện chính mình trong việc giáo dục, đừng gây nên những ảnh hưởng không tốt nơi các thế hệ trẻ, đang hấp thụ những phương cách giáo dục nơi cộng đoàn tôi đang sống, để cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn và Nước Chúa ngày càng được hiển trị nơi trần gian này.    
 
Sương Đêm 
    
 
[1] VĂN KIỆN ĐỜI TU THEO CHÚA KITÔ, Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến Vita Consecrata, 25-03-1996, số 96.
[2] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Từ Điển Công GiáoMục từ Giáo Dục, Nxb. Tôn Giáo, 2016, trang 336.
[3] Thư chung 2007 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Giáo dục Kitô giáo: Giáo Dục Hôm Nay, Xã Hội Và Giáo Hội Ngày Mai, số 16.  04/04/2020.
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-chung-2007-cua-hoi-ong-giam-muc-viet-nam-ve-giao-duc-kito-giao-giao-duc-hom-nay-xa-hoi-va-giao-hoi-ngay-mai-17878
[4] CĐ Vaticano II, Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo Gravissimum Educationis, số 8. (ngày  28/10/1965)
[5] VĂN KIỆN ĐỜI TU THEO CHÚA KITÔ, Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến Vita Consecrata, 25-03-1996, số 97.
[6] Ibid, số 85.
[7] VĂN KIỆN ĐỜI TU THEO CHÚA KITÔ, Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến Vita Consecrata, 25-03-1996, số 96.
[8] Thư chung 2007 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Giáo dục Kitô giáo: Giáo Dục Hôm Nay, Xã Hội Và Giáo Hội Ngày Mai, số 20. 04/04/2020.
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-chung-2007-cua-hoi-ong-giam-muc-viet-nam-ve-giao-duc-kito-giao-giao-duc-hom-nay-xa-hoi-va-giao-hoi-ngay-mai-17878
[9] CĐ Vaticano II, Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo Gravissimum Educationis, số 1.
[10] Ibid.
[11] Ibid.
114.864864865135.135135135250