26/04/2022 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1629
Ngày 28/4 Thánh GB. Ðinh Văn Thanh
Ngày 28/4
Thánh GIOAN BAOTIXITA ĐINH VĂN THANH[1]


Thầy giảng (1796 - 1840)
 
I. Tiểu sử
 
Quan lớn thương thì tôi sống,
bằng quan lớn muốn bắt tôi bỏ đạo thì tôi bằng lòng chịu chết.
Còn đạo thì tôi chẳng bỏ.

 
Thánh Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh sinh năm 1796 tại làng Nộn Khê, xứ Hảo Nho, tỉnh Ninh Bình. Làng ấy khi trước thuộc về xứ Hảo Nho, nay thuộc về xứ Quảng Phúc, Giáo phận Phát Diệm. Cha mẹ cậu không có đạo. Năm mười tám tuổi, cậu theo đạo và lãnh nhận Bí tích Rửa tội ở làng Phúc Nhạc.

Khi Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh đã lên bậc thầy giảng, thì bề trên sai thầy đi giúp cha Khoan ở xứ Phúc Nhạc.

Thầy Thanh có đức vâng lời, không làm sai ý bề trên bao giờ. Cha Khoan giao thầy giữ việc trại Đông Biên. Cha Khoan khen thầy là người chăm chút, siêng năng các việc và có tài riêng nữa.

Ngày 24-8-1837, thầy Thanh bị bắt tại Đông Biên cùng lúc với cha Khoan và thầy Hiếu. Cả ba vị bị giải lên tỉnh Ninh Bình.

Thầy Thanh hằng giữ lòng khiêm nhường, khi các quan tra hỏi thì thầy vẫn để cha Khoan thưa trước, rồi thầy thưa y như cha đã nói. Lần đầu tiên quan tra, thì thầy thưa rằng: “Tôi là đầy tớ đạo trưởng đây, người đã định làm sao, tôi cũng định như làm vậy. Bẩm quan lớn, quan lớn thương thì tôi sống, bằng quan lớn muốn bắt tôi bỏ đạo thì tôi bằng lòng chịu chết. Còn đạo thì tôi chẳng bỏ”.

Bấy giờ quan truyền đánh đòn, thì thầy chịu bằng lòng, chẳng mở miệng mà kêu một lời gì. Quan truyền đóng gông, đóng cùm mà giam thầy vào tù và lập án trảm quyết. Đêm trước ngày xử, thầy Thanh đọc kinh cả đêm.

Ngày 28-4-1840, quan cho xử cha Khoan và hai thầy giảng Hiếu và Thanh. Trên đường ra pháp trường ở chân núi Cánh Diều, ba vị vừa đi vừa hát kinh cảm ơn. Đến nơi xử, thầy Thanh đã lãnh án xử trảm. Đêm sau, giáo hữu đem xác thầy Thanh về Yên Mối, và sau đem về Phúc Nhạc.

Thầy giảng Gioan Baotixita Ðinh Văn Thanh được nâng lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam

 
[1]. Có một số tài liệu ghi là Đinh Văn Thành, theo chữ Hán, nhưng tên thầy phải ghi là Đinh Văn Thanh 丁文清 . Chữ thanh 清  ở đây có nghĩa là trong sáng.
 
II. Cầu nguyện

Cầu nguyện cho các gia đình gặp khó khăn.
 
 

Hôm nay Giáo hội mừng lễ thánh Monica, một người mẹ trong một gia đình gặp khó khăn từ con của mình. Ngày nay, không thiếu những gia đình cũng đang gặp khó khăn dưới mọi hình thức, trên mọi cấp độ.

Vì thế, đồng hành cùng các gia đình gặp khó khăn là chủ đề mà Hội đồng Giám mục Việt Nam nhấn mạnh trong đường hướng mục vụ năm 2019. Một trong những trường hợp được nêu ra trong thư chung là những cặp hôn nhân khác đạo. Chắc chắn, các vị mục tử đã nhìn thấy nhiều vấn đề nan giải, và việc đồng hành cùng những gia đình này cần nhiều thời gian cũng như năng lực; vì những gia đình này, có những khó khăn riêng do việc vợ chồng không cùng niềm tin tôn giáo, ảnh hưởng đến việc giữ đạo của người Công giáo cũng như việc giáo dục con cái trong gia đình.”
[1] Hưởng ứng đường hướng mục vụ của các vị mục tử, chúng ta chiêm ngắm thánh tử đạo Gioan Baotixita Đinh Văn Thành để thấy sức sống và ơn Chúa không bị đóng khung trong bất kì hoàn cảnh nào.

Gioan Baotixita Đinh Văn Thành chào đời năm 1796 trong một gia đình ngoại đạo. Gia đình là môi trường quyết định sự hình thành nhân cách và tương lai của một đứa trẻ. Đinh Văn Thành lớn lên trong môi trường không đức tin, vì vậy em ít thực hành việc đạo đức là điều dễ hiểu. Tuy thế, Chúa lại có cách để Ngài âm thầm gieo hạt giống đức tin lớn lên trong cậu Thành mỗi ngày. Cậu bé chăm ngoan, tháo vác việc nhà, và siêng năng việc nhà Chúa. Nhờ đó, ơn Chúa mỗi ngày thêm triển nở nơi cậu.

 Năm 18 tuổi, cũng đến lúc cậu Thành tự quyết định cuộc sống cho mình. Cậu xin vào tu trong nhà Chúa và được Rửa Tội. Cậu có khối óc thông minh, tính tình hiền lành, có tài giảng dạy và khuyên nhủ ngay từ thuở thiếu thời. Ngôi làng quê An No nhỏ bé vui mừng có được một tu sĩ chuyên chăm việc nhà thờ và phần rỗi các linh hồn. Thầy đã nên thánh trong những công việc bổn phận. Thầy giảng Gioan Baotixita Đinh Văn Thành bị xử trảm ngày 28/4/1840 tại Ninh Bình dưới đời vua Minh Mạng cùng với thánh Phêrô Hiếu và thánh Phaolô Khoan vì trực thuộc Hội Thừa Sai Pari.

Thầy để lại ấn tượng mạnh mẽ nhờ những bài diễn thuyết thời danh, cũng như những ghi nhận về tài giảng dạy đại phúc. Vượt trên tất cả, phải nhắc đến tinh thần vươn lên từ những khó khăn trong gia đình để trở nên muốn mặn men nồng. Đó là điểm sáng mãi mà người muôn thời noi gương bắt chước.

Giáo hội đứng trước thách đố chăm sóc và đồng hành cùng các gia đình có nhiều phức tạp về niềm tin và ý thức hệ. Xã hội Việt Nam cũng vậy, còn đó nhiều gia đình không những khó khăn về cái ăn cái mặc nhưng còn nghèo nàn trong mối tương quan với Đấng là Thiên Chúa muôn loài. Chắc chắn, khi con người không đặt tương quan nhân sinh trên nền tảng mối giao hảo với thần linh thì khó tìm được hạnh phúc tròn đầy. Không thiếu những người con bị thui chột đời sống tâm linh nên cách hiểu và sống mối tương giao giữa người với người cũng rạng nứt vỡ vụn. Ước mong sẽ có nhiều người như thánh Gioan Baotixita Đinh Văn Thành, luôn là người con ngoan trong gia đình để liên kết và dẫn dắt các thành viên khác về với Chúa.

Chắc hẳn, trong chúng ta cũng có những gia đình như gia đình của thánh Gioan Baotixita Đinh Văn Thành. Phần chúng ta, ngưỡng mộ đời sống của thánh nhân, nhưng cũng có lúc chúng ta không vượt qua được những rào cản gia đình. Nhiều lần chúng ta trở thành phản chứng cho người thân trong gia đình. Việc sống chứng nhân trở thành bài học khó áp dụng biết bao. Vì thế, đây cũng là cơ hội để thêm một lần chúng ta tin tưởng vào sức mạnh ân sủng của Thiên Chúa. Thêm một bước chúng ta vượt qua chính mình để tạo sự thiện cảm cho các thành viên trong gia đình với Thiên Chúa. Thêm hy vọng cho những người con sẽ thành muối men Tin Mừng trong chính gia đình mình.

Lạy Chúa, hôm nay chúng con cầu nguyện với Thánh Gioan Baotixita Đinh Văn Thành, chúng con xác tín vào sức biến đổi mà Chúa đặt để nơi mỗi người. Nguyện xin Chúa ban cho các gia đình Việt Nam sống an lành, nhất là các gia đình mà các thành viên không cùng tôn giáo, xin Chúa ban ơn đức tin cho mỗi gia đình. Nguyện xin Chúa tác động mạnh mẽ nơi từng thành viên để bất cứ môi trường nào, những người con của Chúa cũng đủ mạnh mẽ và kiên định sống niềm tin của mình. Nhờ đó sức hoán cải có thể lan tỏa cho những người khác.
 
[1] Thư chung của HĐGM Việt Nam, 27/8/2018.
114.864864865135.135135135250