01/03/2021 -

Các khối huấn luyện

463
Mùa Chay - cùng nhau tạo dựng nền

Bác ái là một trong 3 thực hành đạo đức truyền thống được Giáo hội khuyến khích mỗi người tín hữu thực hành trong Mùa Chay. Nếu cầu nguyện để làm tưới mới niềm tin, ăn chay để làm tươi mới niềm hy vọng, thì bác ái sẽ làm tươi mới tình yêu. Tất cả đều dẫn chúng ta đến sự hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân, nên Mùa Chay, một cách nào đó cũng được gọi là mùa tình yêu, mùa bác ái.

Bác ái không chỉ dừng lại ở việc bố thí, chia sẻ vật chất, mà bác ái được Đức Thánh Cha Phanxicô gọi bằng một tên mới: “Văn hóa chăm sóc,” trong đó, Ngài đã diễn giải rất chi tiết, đó là sự  “hỗ trợ, quan tâm, nâng đỡ, hàn gắn, sẻ chia…với nhau và cho nhau”

Giáo hội đang sống những tuần đầu của Mùa Chay. Cũng giống như những Mùa Chay khác, hành trình 40 ngày Chay Thánh sẽ là thời gian ân sủng để mỗi người có những trải nghiệm, kinh nghiệm về Thiên Chúa và tiến tới một đời sống mà người với người biết quan tâm chăm sóc lẫn nhau…

Hiếm có năm nào mà người tín hữu cùng trải qua những "điều đầu tiên" như năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 bất ngờ ập đến, người người, nhà nhà phải học cách chung sống và làm quen với nó. Cuộc sống của con người bị đảo lộn, nhiều nơi ngày càng lún sâu vào sự bần cùng và thiếu thốn ngay cả những nhu yếu phẩm để có thể sống qua ngày. Đời sống đức tin cũng ít nhiều bị chao đảo khi ở một số nơi cánh cửa nhà thờ vẫn khép kín và thánh lễ không có giáo dân tham dự.
 
Đứng trước thảm cảnh ấy, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người nỗ lực để “cùng nhau kiến tạo nền văn hóa chăm sóc” vì đấy là “con đường dẫn đế hòa bình, xóa bỏ văn hóa thờ ơ, vất bỏ và đối đầu, vốn thường phổ biến ngày nay
[1]

“Văn hóa chăm sóc” được thể hiện bằng nỗ lực của cá nhân

Mùa Chay năm nay, sẽ là cơ hội để mỗi cá nhân đọc lại lịch sử đời mình, lịch sử nhân loại, để biết mình đã trải qua tất cả như thế nào, và rồi “sẵn sàng thể hiện sự quan tâm, lòng trắc ẩn, để hòa giải và hàn gắn, đồng thời nâng cao sự tôn trọng và chấp nhận nhau”
[2] 

Sự quan tâm, lòng trắc ẩn chỉ được nối dài và lan tỏa khi mỗi người là một người tử tế “sẵn sàng bỏ qua những bận tâm và việc cần làm ngay của mình để lưu tâm đến người khác, để trao tặng một nụ cười, để nói một lời động viên, để lắng nghe giữa một nơi chốn đầy vẻ dửng dưng”[3]

Muốn vậy, hãy đứng dưới chân thập giá trong Mùa Chay này, để chiêm ngắm Đức Giêsu, để học với Ngài về một tình yêu luôn trao ban và sống vì người khác.

“Văn hóa chăm sóc” được thể hiện bằng sức mạnh của tập thể

Trong khó khăn, thử thách ta nhận ra rằng: “tình huynh đệ là liều thuốc mà thế giới đang cần, như cần vắc xin vậy
[4] . Theo dõi trên truyền thông suốt một năm qua, chúng ta được thấy một Việt Nam tử tế trong trái tim mỗi người. Những suất ăn miễn phí, những siêu thị 0 đồng, những tủ quần áo người cần để lại người thiếu tự lấy, và cả những cây ATM gạo nghĩa tình xuất hiện, như một “nỗ lực cụ thể và thiết thực, để hình thành một cộng đồng bao gồm các anh chị em biết đón nhận và chăm sóc lẫn nhau”.

Xã hội hiện đại đem đến cho con người cuộc sống đủ đầy về mọi phương diện, tuy nhiên, ẩn khuất trong bức tranh lung linh ấy là những gam màu tối của chững cảnh đời éo le, vẫn ngày đêm phải vật lộn với miếng cơm manh áo, vật lộn với những bi kịch cá nhân để vươn lên.

Trước những bóng tối u ám, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta “việc chăm sóc người nghèo là một yếu tố nòng cốt của cuộc sống và chứng tá Kitô.” Giữa một xã hội quay lưng lại với những nỗi đau, dửng dưng trước những mất mát khó gọi thành tên, chúng ta được mời gọi thực hành “văn hóa quan tâm” và sống tình liên đới với anh chị em quanh mình. Theo Đức Thánh Cha: “tình yêu, sự quan tâm, chăm sóc là biểu hiện cao nhất của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta. Người có tình yêu thì vui mừng khi thấy người khác lớn lên, đau khổ khi người khác đau khổ, cô đơn, bệnh tật, vô gia cư, bị khinh thường hoặc thiếu thốn. Tình yêu mang lại ý nghĩa cho cuộc đời. Nó làm cho chúng ta nhìn những người thiếu thốn như những thành viên trong gia đình mình, như bạn hữu, như anh chị em.
[5]

Và hơn lúc nào hết, Mùa Chay là thời điểm thích hợp để chúng ta “xuất hành” đến với tha nhân, tích cực tham gia và cổ võ nền “văn hóa chăm sóc,” đó cũng là cách chúng ta làm mới “Niềm Tin, Hy Vọng và Tình Yêu” mà Giáo hôi đang tha thiết kêu gọi con cái mình thực thi trong mùa hồng phúc này.
 
Tham Nguyen
 
[2] Sứ điệp ngày Hòa Bình Thế giới 2021 – ĐTC Phanxico
[3] Thông điệp “Tất cả là anh em – Fratelli Tutti”, số 224
[4] Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô trước Phái đoàn Ngoại giao 9/2/2021).
[5]x. Sứ điệp Mùa Chay 2021 của Đức Thánh Cha Phanxiccô
114.864864865135.135135135250