06/08/2022 -

Các khối huấn luyện

245
Nữ tu với đại dịch -
 
ngày…tháng…năm…

TẠ ƠN CHÚA

Tạ ơn Chúa mỗi sớm mai thức dậy, chúng con có thêm ngày mới để yêu thương….

Tạ ơn Chúa về hồng ân sự sống, chúng con tồn tại để minh chứng cho tình yêu Thiên Chúa….

Tạ ơn Chúa về hồng ân dâng hiến, cho chúng con biết hiến dâng theo gương thầy Giêsu…. 60, 50, 25, 10 năm hay chỉ mới vài ngày, vài tháng, vài năm sống đời dâng hiến, cũng đủ cho chúng con cảm nếm hồng ân cao vời của Chúa. Hồng ân ấy phủ tràn, bao trùm trên Hội Dòng và trên mỗi chúng con suốt bao năm tháng qua.

Tạ ơn Chúa về 6 tháng qua chúng con sống ở trung tâm đại dịch Covid 19 với bao bình an vì có Chúa luôn đồng hành. Chúa luôn kề bên chúng con qua các Thánh Lễ, qua các Bí tích. Chúa còn luôn nối dài cánh tay yêu thương ôm ấp chúng con qua sự tận tình chăm sóc linh hồn cho chúng con qua cầu nguyện, qua từng đồ ăn-thức uống, những nhu yếu phẩm cần thiết từ quý thân nhân-ân nhân, và còn giúp chúng con biết chia sẻ yêu thương với những anh chị em khó khăn khác.

Hôm nay, chúng con cũng dâng lời tạ ơn Chúa dù chúng con có trải qua những thuận lợi hay khó khăn. Bên ngoài kia, chị Covi vẫn vi hành, bao sự khó khăn mà người dân vẫn đang gồng mình gánh vác. Hôm nay, chị Covi cũng đến gõ cửa viếng tham gia đình Hội Dòng chúng con. Khi hay tin người chị em dương tính, làm sao vui được vì đây là sự viếng tham không ai mong muốn. Nhưng khi ngồi nhớ lại chặng đường đã qua, thì đây có lẽ là hồng ân riêng Chúa dành cho chúng con cách đặc biệt. Bởi bao khó khăn vì sự viếng thăm không mong muốn này đã đến với nhiều Hội Dòng khác, kinh nghiệm về sự đón tiếp chị Covi đã có ở nhiều nơi, nên chúng con cũng nhận được sự chia sẻ ấy từ nhiều anh chị em trong đại gia đình tu sĩ cũng như những vị có hiểu biết về y khoa. Đó là một hồng ân cao cả, chúng con xin tạ ơn Chúa.

Hiện tại và tương lai, chúng con cũng xin tạ ơn Chúa luôn mãi vì chúng con biết rằng, chúng con không cô đơn, chúng con luôn tin vào sự quan phòng của Chúa, luôn tin vào lời cầu nguyện, sự hiệp thông của đại gia đình Đa Minh, và của toàn thể thân nhân-ân nhân-bạn hữu xa gần. Với vaccin mang tên Giêsu, thuộc tổng công ty Nước Trời, nhà sản xuất Chúa Ba Ngôi, thuộc nhà phân phối Chúa Thánh Thần; cùng sự chăm sóc tận tình của vị bác sĩ từ tâm là Mẹ Giáo Hội, với sự tương trợ của đội ngũ y tá, điều dưỡng là Mẹ Maria, cha thánh Đa Minh, thánh Rosa Lima và các thánh, chúng con sẽ vượt qua đại dịch cách an nhiên với nụ cười luôn tươi nở trên môi trong hành trình dâng hiến hay trên bước đường tiến về nhà Cha.

Lạy Chúa Cha giàu lòng thương xót, xin củng cố đức tin của chúng con
Lạy Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất, xin nâng đỡ chúng con
Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh tình yêu, xin ban sức mạnh cho chúng con. Amen


 ngày…tháng…năm…

MỖI NGÀY MỘT NIỀM VUI

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười…

Chúng con chọn niềm vui cho ngày sống hôm nay là những bông hoa. Đó không phải là hoa đồng cỏ nội hay những loài hoa sang trọng quý phái nhưng đó là những bông Hoa thiêng liêng. Hoa thiêng liêng ấy đang nở rộ khắp khu cách ly-nơi chúng con đang sống, nơi chị em trong cộng đoàn, nơi các cộng đoàn trong Hội Dòng ở khắp mọi nơi, nơi người thân, ân nhân và tất cả những ai đang hướng lòng cầu nguyện cho đại dịch Covid mau qua.

Hoa thiêng liêng ấy là những câu kinh lời cầu mà mọi người đang âm thầm diễn tả theo cách thức riêng với điều kiện cho phép. Vì là khu cách ly, tuyệt đối tuân thủ 5K, nhưng thấp thoáng đâu đó một góc riêng tư, các chị em nguyện kinh Thần vụ, có chị suy gẫm Tin Mừng, có chị bộ hành với tràng chuỗi mân côi… Thật là một vườn hoa thiêng liêng nhỏ với muôn sắc muôn hương, và chúng con nhận ra niềm vui bé nhỏ đang nhen nhóm từ đó.

Ngoài ra, chúng con còn nhận ra một vườn hoa lớn hơn đang chuyển mình khoe sắc. Mặc dù không còn quy tụ để cùng nhau tham dự thánh lễ, nguyện kinh, suy gẫm, nhưng chúng con cảm nhận được nơi cõi riêng tư: quý dì, quý chị, quý em luôn dâng những câu kinh cầu nguyện cho chị em chúng con trong khu cách ly. Trong tình hiệp thông tỷ-muội, chúng con cũng cảm nhận được các hoa thiêng đang nở rộ nơi các cộng đoàn của Hội Dòng và gia đình tu sĩ với lời cầu nguyện cho chúng con sớm vượt qua đại dịch. Hoa thiêng ấy không chỉ là những lời kinh nguyện mà còn là những hy sinh âm thầm gánh vác thay cho chúng con những công việc bổn phận thường ngày, chăm chút cho chúng con từng món ăn-viên thuốc….nói sao hết, diễn tả sao cho trọn những tâm tình tràn ngập dấu yêu, những cử chỉ chan chứa ân tình và những lời động viên “cố lên” đầy năng lực mà gia đình Hội Dòng dành cho chúng con. Thật là một niềm vui lớn khi có thật nhiều hoa thiêng.

Niềm vui luôn đi đôi với nụ cười. Có nụ cười niềm vui sẽ nên trọn vẹn. Bởi thế, chúng con không cảm thấy cô đơn, dẫu có ít nói ít chuyện trò nhưng niềm vui không thiếu. Niềm vui ấy là sự tận tâm phục vụ nhau, quan tâm nhau; niềm vui ấy là nụ cười không ra tiếng nhưng chan chứa ân tình…

Đến cuối ngày, chúng con vẫn chọn hoa thiêng nụ cười là niềm vui của chúng con. Ước chi niềm vui này cũng hiện hữu trong tâm hồn của tất cả mọi người trong ngày sống hôm nay. Nguyện xin tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa luôn hiện hữu trong tâm hồn của mỗi chúng ta, đó là niềm vui vĩnh cửu không bao giờ tàn úa…

Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Để yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi….


 ngày…tháng…năm…


ĐỔI HỌ

Sáng ngày thứ ba trong khu cách ly, chị em có thêm sáng kiến mới khi có tình huống mới xuất hiện. Sau khi 5 chị em được test lại sau 3 ngày thì có 3 trường hợp dương tính. Một trong nhóm liền reo vang… a có ba chị được đổi họ dương (dương tính). Một tinh thần hết sức lạc quan, thật đáng khâm phục. Bao nhiêu cử chỉ: thả tim, múa nhảy,… hay những lời nói đầy năng lượng: bệnh này sợ ý chí chị em à, lạc quan là covid sẽ lại xa ta ra thôi…. được biểu lộ như dấu chỉ của sự tương thân tương ái, cổ động nhau cố lên để vượt qua. Có chị nhắc nhớ về 2 mũi vaccin đã tim để chị em thêm an lòng, và có loại vaccin cấp cao là vaccin Giêsu nữa nên các chị em thêm vững tin.

Dù cho họ âm hay dương chị em vẫn tươi như hoa không cần tưới nước. Bởi đâu các chị lại an nhiên đến thế?! Nếu không phải vì có “vaccin Giêsu” thì có được tinh thần lạc quan đến thế không?! Quả thật, dù trong nếp sống tu viện hay khi vào khu cách ly, các chị em vẫn trung thành với giờ thiêng liêng trên cả những điều được quy định. Tạ ơn Chúa thật nhiều vì đã đồng hành với các chị em trong mọi hoàn cảnh, giúp chị em hân hoan đến nỗi vi rút phải lo toan. Chắc hẳn nổi lo sẽ có ít nhiều trong lòng mỗi người, nhưng hơn hết là tinh thần vững tin, luôn trông cậy vào tình Chúa quan phòng. Dù là họ âm hay dương thì với niềm tin sắc son, các chị vẫn không hề nao núng. Điều đó được biểu lộ như ngọn lửa đang rực cháy đầy ánh sáng.

Như lời Chúa nói trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong lửa ấy đã bùng lên”, ngọn lửa ấy đã đến và đã đang cháy bùng trong lòng mỗi chị em. Một ngọn lửa của sự nhiệt thành, dấn thân, lửa của tình yêu dâng hiến đầy vui tươi, lửa của tin yêu không ngại gian khó, hiểm nguy của dịch bệnh….. Và lửa ấy cũng đang lan truyền qua từng cử chỉ, nét mặt, lời nói… đầy Lửa của chị em, khiến cho những biểu hiện nguy hiểm của dịch bệnh không dám đến gần (nếu không có vaccin thì thở oxi rồi nhé!), cho chúng con tạm hiểu vaccin này là “vaccin Giêsu”. Quả thật, Chúa Giêsu đã không uổng công ra sức ném lửa, ước mong lửa ấy bùng lên. Xin Chúa cứ tiếp tục ra sức ném thật nhiều lửa cho nhân gian để xóa tan bao lạnh lùng của sự ích kĩ, bảo thủ, vụ lợi… mà chỉ còn lại sự ấm áp của tình yêu không biên giới, sự quan tâm-giúp đỡ không ngại khó, sự hy sinh cho nhau đến hơi thở cuối cùng.

Lạy Chúa Giêsu, xin thêm lửa yêu mến của Chúa cho chúng con, xin Mẹ Maria giúp chúng con biết giữ ngọn lửa Giêsu trong tâm hồn, để chúng con biết thiêu rụi những khó khăn và cùng với nhân loại mạnh bước vượt qua những gian nan khốn khó. Amen.

 
 ngày…tháng…năm…

NGƯỜI TÙ HẠNH PHÚC

Tù và tội luôn đi đôi với nhau. Có tội mới bị tù và ở tù khi có tội. Tù-tội là nói đến không gian bị giới hạn, tự do bị tước đoạt và thực tại cuộc sống không tốt đẹp, đượm màu u buồn, phản phất sự tiêu cực. Nhưng với cảm nhận của con hôm nay, trong khu cách ly này, con muốn chia sẻ một cảm nhận về hình ảnh của người tù hạnh phúc. Khi suy nghĩ về niềm hạnh phúc của người tù làm con nhớ lại hình ảnh người trộm lành trong Tin Mừng. Trộm lành, có mâu thuẫn không? Hôm nay, có thêm khái niệm hạnh phúc, có mâu thuẫn không? Bởi đâu trộm lại cho là lành? Bởi đâu đi tù lại thấy hạnh phúc?

Trộm là quá khứ xấu của anh thanh niên, nhưng ngay ngày Chúa Giêsu chịu khổ nạn Chúa hứa với anh: “Tôi bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Anh trộm, anh không tốt, nhưng anh được phong thánh đầu tiên ngay sau khi Chúa Giêsu vừa trao thần khí, bởi vì anh đã tin vào Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, khi vào Nước của Ngài, xin Ngài nhớ đến tôi”. Đức tin đã đưa anh thoát khỏi tình trạng xấu, tình trạng tội lỗi trước đây và đưa anh vào nơi ngập đầy ánh sáng vinh quang.

Hôm nay, trong khu cách ly, con cũng bị hạn chế về không gian ở, hạn chế giao tiếp vì sợ lây nhiễm chéo cho chị em, mọi tự do của ngày sống thường ngày không còn nữa, mọi sinh hoạt bây giờ chỉ thu gọn trong một diện tích giới hạn cho phép… nói chung không khác việc đi tù. Khi suy nghĩ điều này con nhớ đến tội, bởi trước mặt Chúa, con là một tội nhân. Dịch bệnh nó cũng biểu thị ít nhiều của tội. Tội tâm hồn, tội thân xác con đều có, thế nên con ở tù cũng đâu có gì lạ. Nhưng khác với người tù của thế gian, con không thấy buồn-đau-xấu hổ… nhưng con thấy thật hạnh phúc vì được làm người tù, bởi hơn bao giờ hết con cảm nhận được Hội Dòng và mọi người trên toàn quốc đang hướng về cầu nguyện cho con. Quan trọng hơn cả, dù đang “ở tù” con vẫn có Chúa ngay bên. Bây giờ, ở đây, trong không gian tù-tội của con, con có các bạn tù thánh thiện, con có những khoảng lặng linh thánh, con được chìm ngập trong sự thinh lặng cách thẳm sâu, con được ở lại trong Thánh Tâm Chúa Giêsu cách nhiệm mầu….nói sao hết niềm hạnh phúc của con bây giờ. Dẫu con đang ở đây, nhưng tâm hồn con không bị ràng buộc nơi đây, khi con tin Chúa Giêsu đang đi vào tận ngõ ngách cuộc đời con và mang con vào thế giới huyền nhiệm đầy ánh sáng ngập tràng hạnh phúc, cho con cảm nếm hồng ân tuyệt vời như những ngày tĩnh tâm. Có lẽ những ngày ở nơi đây vì cách ly do dịch bệnh, nó không có sắc màu buồn bã nhưng nó được nâng cấp lên thành những ngày tĩnh tâm ngoại thường. Ôi hồng ân tuyệt vời, hồng ân tuyệt vời, trong Đức Kitô con được hiện hữu….con được hạnh phúc. Ôi! Tội hồng phúc, ôi! tù hạnh phúc….

Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến con là kẻ tội lỗi, xin cho con biết tín thác vào Chúa. Xin Chúa thêm đức tin cho con, để con cảm nhận được Chúa luôn đồng hành cùng con trong mọi hoàn cảnh, giúp con không sợ hãi trước những gian nguy, luôn bình an để nghe lời Chúa nói “đừng sợ, Thầy đây”. Amen.

 

 ngày…tháng…năm…

MẸ ĐẸP TƯƠI

Thứ bảy máu chảy về tim… làm con tìm về bên Mẹ dấu yêu….

Mẹ Maria đẹp tươi như bình minh chiếu rạng ngời….. Nhưng riêng con, con lại thấy Mẹ đẹp tươi vì được bình minh chiếu làm cho rạng ngời. Ánh bình minh được tỏa ra từ Mặt Trời Công Chính, và Mẹ được rạng ngời từ đó. Thật là diễm phúc cho con khi được chiêm ngắm sự rạng ngời của Mẹ từ Mặt Trời Công Chính là chính Chúa Giêsu con Mẹ, Người là Chúa của con, của nhân loại.

Có người ví von: áo Mẹ xanh, xanh thẳm bầu trời… Nhìn bầu trời sáng nay cũng xanh một màu trải dài từ đông sang tây, từ nam chí bắc, còn nhân loại thì đang ở dưới tà áo xanh ấy, có ai hay chăng mình luôn được núp dưới bóng cánh của Mẹ?! Ôi! Mẹ tuyệt mỹ! con đâu phải bôn ba vất vã chạy ngược chạy xui tìm Mẹ nơi đâu xa xôi, Mẹ luôn bao phủ đoàn con đây rồi. Bây giờ, chúng con chỉ ngồi trang điểm cho Mẹ thêm rạng ngời lộng lẫy, để mọi người dễ nhận ra Mẹ, chạy đến bên Mẹ, để được Mẹ ấp ủ chở che mà thôi. Tháng Mân Côi là cơ hội cho chúng con làm nghệ thuật, mỗi hạt kinh mân côi như hoa hồng, hoa huệ, như kim sa lấp lánh, như hồng ngọc-bạch ngọc…. chúng con xin được kết lên áo Mẹ hầu làm gia tăng sự rạng rỡ nơi Mẹ. Khi làm nghệ thuật, chúng con có cơ hội ở bên Mẹ nhiều hơn. Ước chi việc kết chuỗi ngọc này không giới hạn bởi tháng Mân Côi, mà nó được thực hiện xuyên suốt trong cuộc đời chúng con, để chúng con không lìa xa Mẹ bao giờ, để bình an luôn ngự trị vì Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình.

Cha Thánh Đa Minh cũng đã gửi gắm đoàn con của ngài dưới tà áo Mẹ, chúng con là con cha Thánh, nên chúng con luôn ý thức mình được “yêu riêng”, không có sự gì tách chúng con ra khỏi sự an toàn dưới tà áo Mẹ. Nơi bình yên ấy, chúng con nhận ra Mẹ thật vĩ đại. Mẹ luôn vì người khác mà phải chịu thiệt thân. Có phải chăng khi nói lời xin vâng là Mẹ đặt lợi ích nhân loại lên trên lợi ích cá nhân? Mẹ chấp nhận mọi lời ra tiếng vào, mọi tiếng đời thị phi…. Đón nhận Chúa Giêsu vào lòng để nhân loại được ơn cứu rỗi; có phải chăng khi Mẹ theo Chúa Giêsu lên đỉnh đồi Canvê là Mẹ đón lấy bao tủi nhục để thông phần đau khổ cùng con Mẹ? Mẹ không sợ hãi, không sợ quân lính đuổi xô…. Giờ đây, khi chấp nhận che chở nhân loại dưới tà áo Mẹ, Mẹ đã nghĩ đến sự an nguy cho nhân loại, Mẹ không sợ boom đạn chiến tranh, Mẹ không sợ dịch bệnh hoành hành…. Ôi! Mẹ đẹp tươi, Mẹ không những đẹp về diện mạo mà còn đẹp về tâm hồn, vì Mẹ quảng đại hiến dâng chính Mẹ mà che chở đoàn con, hiến dâng chính Mẹ cho nhân loại được an toàn, được cứu độ. Giờ đây, chúng con mới thấm thía lời Mẹ dặn “hãy siêng năng lần hạt mân côi”. Vâng! Thưa Mẹ! Vâng lời Mẹ chúng con sẽ siêng năng làm nghệ thuật để luôn được kề bên Mẹ, để luôn được Mẹ chở che, vì Mẹ là lá chắn che chở đời chúng con.

Lạy Chúa giàu lòng nhân ái, xin tri ân Chúa đã ban cho chúng con có Mẹ-Mẹ Maria. Mẹ là trung gian, là nhịp cầu đưa con đến bên Chúa, Mẹ là khiên che thuẫn đỡ bảo vệ đời chúng con. Xin tri ân Mẹ-Mẹ Maria, xin Mẹ thôi thúc chúng con đến bên Mẹ, thôi thúc nhân loại nhận ra và chạy đến cùng Mẹ để được thoát khỏi cơn đại dịch đang bao phủ địa cầu. Xin cho chúng con cũng biết noi gương Mẹ, luôn nghĩ về người khác, nghĩ về lợi ích của người khác hơn là tìm lợi ích cá nhân, để giúp chúng con biết quảng đại hiến dâng như Mẹ. Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc lạ … xin cứu giúp chúng con.Amen.
 

ngày…tháng…năm…
 
NGHỈ NGƠI

Từ “nghỉ ngơi” xuất hiện rất sớm trong Kinh Thánh. Những trang đầu của sách Sáng Thế đã có hạn từ này “Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St 2,1-2). Chúa nghỉ ngơi và Chúa muốn cho con người và muôn vật Chúa dựng nên cũng được như thế. Thế nên, từ “nghỉ ngơi” bắt đầu xuất hiện trong các lề luật, để việc nghỉ ngơi này được thực hiện như luật buộc. Từ đó, “ngày sa bát, năm sa bát” được lập ra để con người, súc vật, đất đai được nghỉ ngơi. Nhưng hơn hết việc nghỉ ngơi này là để con người thờ phượng Chúa, và con người-súc vật-đất đai có thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức. Nhưng trên thực tế, con người có nghỉ ngơi để thờ phượng Chúa?! Con người-súc vật-đất đai có nghỉ ngơi để lấy lại sức?!

Vào những ngày nghỉ theo luật Hội Thánh buộc “Thứ nhất: Xem lễ ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc/ Thứ hai: Chớ làm việc xác ngày Chúa nhật cùng các ngày lễ buộc”. Lễ cũng có dự, nghỉ việc xác cũng có nghỉ nhưng dự lễ với tâm tình thế nào, và có hẳn là thân xác được nghỉ ngơi hoàn toàn để dành cho việc thờ phượng Chúa?  hay là thay vào đó là những việc vô bổ khác làm cho thân xác rã rời và chỉ dành cho Chúa ít phút cuối ngày với thân xác mệt nhoài?! Nghỉ ngơi cũng là giờ để dành cho nhau, dành cho những hành động bác ái, những hành vi vì người khác hơn là vì bản thân. Như Chúa Giêsu đã nêu gương, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân vào ngày nghỉ “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?”. Nhưng trên thực tế, các khu vui chơi, các tụ điểm giải trí, các khu du lịch đông người vào các ngày nghỉ và những mảnh đời khốn khổ, lang thang, đói rách thì gia tăng. Ngoài ra, việc đất đai hay súc vật được nghỉ ngơi thì cũng “xưa như trái đất có râu dài”, bởi vì, súc vật yếu thì có thuốc kích thích, đất đai bạc màu thì có phân bón bổ sung các loại chất….

Hôm nay, được “nghỉ ngơi” trong khu cách ly, ngồi suy ngẫm lại những điều Chúa làm, những lời Chúa dạy mà thấy lòng quặng đau, vì bao điều tuyệt đẹp ban đầu Chúa dựng nên đã bị con người đang dần tàn phá. Chúa là bậc Thầy vĩ đại, Người đã sáng tạo và biết được quy trình xuống cấp của những “tác phẩm” đó, nên Người đã đề ra quy luật bảo trì để nó được vận hành tốt. Khi Người thấy nó không được bảo trì nên vận hành không còn tốt và có thể hư hoại nên Người đã ra tay.

Đại dịch Covid xuất hiện như một lời cảnh báo, như một cách thức bảo trì mà con người buộc phải thực hiện. Nghỉ ngơi là một trong những phương thức bảo trì mà bấy lâu nay con người đã không nghỉ ngơi cho đúng nghĩa. Sáu tháng dần trôi qua, mọi hoạt động gần như được ngưng nghỉ hoàn toàn. Mọi hoạt động tôn giáo tạm dừng, không tụ họp, nhưng bên trong lòng con người có chỗ dành cho Chúa nhiều hơn vì lòng khao khát; mọi người có thời gian nghỉ về nhau hơn khi bao loại hình bác ái được triển khai, bởi trước mắt có quá nhiều mảnh đời bất hạnh vì đại dịch nhất là trẻ em; cha mẹ cũng có nhiều giờ cho con cái; các tụ điểm sinh hoạt “hành xác” như caraoke, vũ trường, bar…. hoàn toàn đóng cửa; đất đai-ruộng nương thì cũng được nghỉ và không bị sự tàn phá của hóa chất; trái đất cũng bớt nóng hơn vì ô nhiễm khói xe hay các chất thải độc hại từ các công ty…. Có phải đây là “thời kì sa bát” Chúa muốn?! Nếu mỗi tuần dành cho Chúa một ngày cho đúng nghĩa thì có lẽ ngày nghỉ-ngày sa bát sẽ diễn ra đều đặn. Nhưng bao tuần, bao tháng, bao năm đã không thực hiện ngày nghỉ ấy, tính chung quy lại thì phải “nghỉ bù” cho đúng luật. Nếu không nghỉ bù thì những tác phẩm Chúa dựng nên trên trái đất này có còn đủ sức vận hành không?!

Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên trái đất và muôn loài trong đó cách nhiệm mầu. Trong đó có chúng con. Mỗi chúng con là quà tặng, là ân sủng, là tình yêu Chúa thương ban, vì chúng con được dựng nên giống hình ảnh Chúa. Xin Chúa giữ chúng con đừng bao giờ lìa xa Chúa, vì sự sống chúng con đang có là do bởi Chúa mà ra; xin dạy chúng con biết yêu thương nhau vì mỗi anh chị em của chúng con là hình ảnh Thiên Chúa. Xin giúp chúng con biết phụng sự cho phải đạo và biết bảo tồn mọi loài Chúa dựng nên, để công trình mà chính Chúa tạo tác được trường tồn mãi mãi qua muôn thế hệ, hầu minh chứng cho thế hệ mai sau biết bàn tay Chúa vĩ đại dường bao. Amen.

Chúa làm chủ trái đất cùng muôn loài muôn vật
Làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư
Nền trái đất Người dựng trên biển cả
Đặt vững vàng trên làn nước mênh mông (Tv 23, 1-2)


 ngày…tháng…năm…

CYTOKINE

Trên mạng truyền thông đưa tin về “cơn bảo Cytokine”, nó làm cho nhiều người thiệt mạng. Tìm hiểu mới biết nó không phát xuất từ Corona virut mà nó lại là tài sản có trong cơ thể của con người từ thuở tạo thiên lập địa. Nó có vai trò như lính canh nhà, là người bảo hộ, là nhân viên truyền thông. Quá tốt phải không ạ?! Vì nó báo động nên toàn bộ hệ miễn dịch đến để tiêu diệt những virut nguy hại đang xâm nhập cơ thể con người. Nhưng đồng thời, nó cũng là nguy cơ gây hại khi nó không nắm rõ tình hình dịch bệnh mà huy động quá nhiều binh lính, vượt mức cho phép, nó như một  đoàn binh hùng hậu ra trận chiến, tấn công có một vài virut bé li ti. Thử hỏi xem, sau cuộc chiến ai bị tiêu diệt: virut chết là đương nhiên nhưng “mảnh đất chiến sự”-cơ thể cũng tan hoang vì sự giầy xéo của đoàn binh hùng hậu ấy.

Khi đang trong tình trạng F1, và có nhiều “chiến hữu” là F0, thì việc tìm hiểu về Cytokine là không thừa. Nó cho ta một bài học về sự tiết độ. Ông bà ta có câu “thái quá bất cập” quả không sai, cái gì cũng đúng-đủ thì sẽ đạt thành công, còn vội-vượt thì sẽ vong thôi. Tiết độ còn là cách nhìn nhận vấn đề cho phù hợp hoàn cảnh, thời điểm và đối tượng. Không thể đùa dai với cụ già vì họ không đủ sức, nhưng trẻ con thì thích tinh nghịch; không thể làm việc quá giờ quy định vì cơ thể cần được nghỉ ngơi cho lại sức, và không thể chơi nhiều, lấn cả giờ nghỉ ngơi và làm việc; cũng như không thể dung nạp quá nhiều chất dinh dưỡng khi cơ thể đã dư thừa vì nó sẽ sản sinh ra nhiều bệnh khác….. “Hãy sống tiết độ” cũng là lời dạy của Thánh Phêrô cho mỗi người chúng ta.

Ngoài ra Cytokine còn cho ta bài học về “chậm mà chắc”. Chậm để nhìn nhận vấn đề chính xác hơn, để truyền thông và xử lý vấn đề đúng mục tiêu hơn. Người xưa quả không sai khi đúc kết cho hậu thế câu thành ngữ này “dục tốc bất đạt”. Nhanh mà thành công thì người đó đã trải qua quá trình chậm, và được thuần thục trong mọi kỹ năng. Thế nên bước đầu cần nên chậm cho chắc. Bên cạnh đó, Cytokine còn nhắc chúng ta về sự cẩn trọng. Làm cận vệ, làm lính canh thì cần cẩn trọng “phòng bệnh hơn trị bệnh”. Để không bị hao binh tổn tướng thì cần đề phòng từ xa. Mà nếu có “kẻ lạ” đến nhà thì cũng cẩn thận xem là bạn hay là thù, nếu là thù thì đông hay yếu để có chiến lược đối phó phù hợp.

Lạy Chúa, mỗi ngày sống trôi qua, với những biến chuyển của thời đại, với tình hình thực tế mà xã hội đang đối diện đã cho con nhiều bài học. Hơn hết là học nơi Chúa “chậm giận và giàu tình thương”. Ngoài ra học biết những kiến thức cơ bản có trong tự nhiên để thấy Chúa là Đấng tác tạo đầy quyền năng. Chúa đã cài đặc cho con người một hệ điều hành tốt, nhưng nay đã không còn chạy tốt nữa vì con người tự ý cài thêm quá nhiều chương trình làm tổn thương hệ điều hành ban đầu. Xin Chúa thương làm mới lại con người chúng con bằng bàn tay quyền năng của Chúa, để những sai lạc được loại bỏ và chúng con tiếp tục được sống lại trong tình yêu Chúa quan phòng. Amen.

 
 
ngày…tháng…năm…

CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI QUA

Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường, mão gai nào hằng lên đau xót…”.  Bài hát gợi nhớ về con đường khổ nạn Chúa đã qua với thánh giá, đinh sắt, lưỡi đồng, mão gai; với đau thương, giấm chua, mật đắng…. Nhưng cuộc đời của Chúa Giêsu còn nhiều lắm những chặng đường mà qua bốn mầu nhiệm trong chuỗi mân côi : Vui-Sáng-Thương-Mừng đã miêu tả cách tóm gọn và đầy đủ nhất. Kinh mâm côi được ví như bản tóm tắt Kinh Thánh. Trong thời gian này, con có dịp được đi lại những chặng đường Chúa đã đi qua khi chiêm ngắm bốn mầu nhiệm trên.

Khi nói đến suy niệm hay chiêm ngắm các mầu nhiệm về cuộc đời Chúa Giêsu bằng kinh mân côi, mọi Kitô hữu đều suy ngắm các mầu nhiệm: Mầu nhiệm vui với thời thơ ấu của Chúa Giêsu Hài Nhi nơi máng cỏ, Chúa Giêsu Thiếu Nhi trong đền thờ; Mầu nhiệm Sáng với hành trình sao giảng Tin Mừng khởi đầu từ khi Chúa Giêsu chịu phép rửa đến khi Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể trong nhà tiệc ly; Mầu nhiệm Thương bắt đầu sau bữa tiệc ly Chúa Giêsu vào vườn Giêtsêmani lo buồn đổ mồ hôi máu đến khi trao thần khí trên cây thập giá; và Mầu nhiệm Mừng bắt đầu từ ngày thứ nhất trong tuần Chúa Giêsu sống lại đến khi Đức Mẹ Maria được Chúa Cha ban thưởng công phúc trên trời. Trong những ngày qua, con cũng được Chúa cho thời gian hồng phúc là mỗi ngày được đi lại những chặng đường ấy qua bốn mầu nhiệm kinh mân côi. Mỗi mầu nhiệm cho con nhiều nghĩ suy. Hôm nay con xin chia sẻ về mầu nhiệm Vui: “Thứ nhất: Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ chịu thai, ta hãy xin cho được ở khiêm nhường”.

Không biết bao nhiêu bút mực, bao chiêu chia sẻ nói về mầu nhiệm cao cả đầu tiên này với hình ảnh Chúa Giêsu Hài Nhi được tô đậm nét. Nhưng riêng cảm nhận của con, con lại nhìn thấy được một Chúa Giêsu “Hợp tử” rất bé nhỏ và lu mờ. Chúa Giêsu đến thế gian, Chúa không phá luật nhưng Chúa đã hoàn toàn tuân thủ luật tự nhiên mà Thiên Chúa Cha đã định từ lúc khởi đầu. Người cũng trải qua các gia đoạn lớn lên trong cung lòng Mẹ Maria từ hợp tử-phôi thai mới có thể chào đời thành Hài Nhi. Một hợp tử siêu bé nhỏ, siêu lệ thuộc, siêu vâng lời, siêu khiêm nhường là chặng đường Chúa Giêsu đã đi qua. Nếu như một Giêsu Hài Nhi phụ thuộc vào Mẹ Maria và Thánh Giuse về những nhu cầu cho cuộc sống thì một Giêsu Hợp Tử hoàn toàn phụ Mẹ Maria từ sự sống, hơi thở, dinh dưỡng, ý nghĩ, ước muốn, cảm xúc… và Mẹ đi đâu Chúa cũng phải đi theo, Mẹ vui Chúa cũng vui, Mẹ buồn Chúa cũng buồn. Có sự phụ thuộc, sự vâng lời nào tuyệt hảo cho bằng sự phụ thuộc và vâng lời của một hợp tử trong cung lòng người mẹ?! Ôi! Chúa Giêsu Hợp Tử bé nhỏ đáng yêu của con. Người cho con bài học về sự phụ thuộc, sự khiêm nhường, sự vâng lời. Khi noi gương Chúa Giêsu Hợp Tử, là giúp con sống chiều kích ba lời khấn sâu xa nhất. Ước chi hình ảnh một Giêsu Hợp Tử luôn đồng hành với con trong hành trình dâng hiến, để con biết sống với ước muốn, niềm vui, nỗi buồn của Mẹ Hội Dòng -Mẹ Hội Thánh; sống với tâm thức để cho Mẹ Hội Dòng hoàn toàn định đoạt mọi sự. Vì con không có gì để sống cho Chúa và cho Hội Dòng nhưng con được vinh dự và diễm phúc sống trong Chúa và trong Hội Dòng mến yêu.

Lạy Chúa Giêsu hiền hậu và khiêm nhường, sống ơn gọi dâng hiến là đi theo Chúa, là chiêm ngắm các chặng đường Chúa đã đi qua mà noi gương. Nay chúng con được nhìn thấy Chúa thật bé nhỏ trong cung lòng Mẹ Maria, xin dạy cho chúng con biết sống với tâm tình là một phần tử bé nhỏ mà Hội Dòng-Hội Thánh đang cưu mang, để sự sống của con mỗi ngày được triển nở trong cung lòng Hội Dòng-Hội Thánh cách nhiệm mầu, hầu có ngày được sinh ra và bước tiếp các chặng đường rao giảng Tin Mừng mà Chúa đã đi qua. Amen.

 

 ngày…tháng…năm…

ĐI RA-ĐI VÀO

Bổng nhiên vi rút đến dòng
Làm cho tu sĩ đi vào đi ra

Nhân vì sự đi vào- đi ra mới ngẫm nghĩ về sự RA-VÀO của thời đại trước và trong đại dịch Covid. Trước khi đại dịch Covid xuất hiện, mọi người có xu hướng đi ra nhiều hơn. Đi ra để tìm kiến thức-công danh-sự nghiệp; đi ra để tìm kiếm xa hoa-lợi lộc-tiền quyền; Trên hành trình đó, con người luôn hối hả vội vã để lao thật nhanh, để dành phần thắng. Trong hành trình đó cũng không ít những thủ đoạn đắng cay để không bị thua thiệt. Những người đã đi trên hành trình đó nghĩ gì?!

Khi đại dịch Covid xuất hiện, nó phong tỏa mọi nơi từ thành thị đến thôn quê, nó trói buộc con người bằng các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt- “nhà nào ở yên nhà nấy”. Lúc này, không thể đi ra mà chỉ có thể ở yên một nơi trong căn phòng, trong ngôi nhà hay trong các khu cách ly được chỉ định. Khi không thể đi ra như thói quen, có không ít người khủng hoảng, hoang mang, nhưng cũng có người tìm giải pháp để đi, nhưng đi vào. Họ đi vào với nội tâm chính con người họ để thấy họ có một tài sản quý giá mà bấy lâu nay họ lãng quên đó là hơi thở-sự sống. Tài sản này nó nắm quyền quyết định tất cả những thứ tài sản mà trước đây con người lo tìm kiếm. Nếu như không có tài sản hơi thở thì mọi thứ khác trở nên vô nghĩa. Có ai mất hơi thở rồi mà còn nắm được tiền của đâu!? Thế là họ nghĩ về tài sản không mất tiền mua ấy? Họ nghĩ về Đấng ban sự sống, ban hơi thở, họ nghĩ về  việc cần nên tri ân người ban cho họ tài sản ấy, và họ biết nghĩ về những người xung quanh đang có cùng thứ tài sản giống như họ. Khi họ thấy đại dịch Covid có thể làm cho con người như hoa sớm nở chiều tàn, sáng còn vui cười chiều đã vội vã ra đi về cõi vĩnh hằng, họ thấy hơi thở thật mong manh và yếu ớt thì họ đâm ra hoảng sợ và tìm mọi cách để giữ lại. Thế là họ tiếp tục đi vào với gia đình họ, ra sức bảo vệ sức khỏe cho gia đình chứ không bỏ mặc như trước đây, họ quan tâm đến cha mẹ già, anh chị em và con cái hơn trước. Cuộc đi vào ấy lại được tiếp tục bởi sự thúc đẩy của lòng trắc ẩn khi họ thấy mọi người từ gần đến xa đang mất dần tài sản hơi thở, họ lại đi vào để gỡ bỏ khẩu trang kì thị, ganh ghét, hơn thua mà đối diện với cõi lòng từ tâm bằng biết bao cách thức từ thiện, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh đang ngày đêm chiến đấu để giành tài sản hơi thở. “Nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng vì các cuộc đi ra trước đây đã làm lu mờ sự thiện nơi con người, thậm chí vì danh-lợi-thú họ đã nghiêng về sự ác.

Từ cuộc đi vào nội tâm, con người mới chợt nhận ra ai cũng như ai, dù già-trẻ-sang-hèn thì cũng có cùng một tài sản cao quý là hơi thở, là sự sống. Thế nên mọi người bình đẳng với nhau và chân thật với nhau hơn mặc dù luôn bị che khuất bởi mặt nạ-khẩu trang. Cũng từ cuộc đi vào này, con người tìm ra được lối đi ra mới. Có lẽ chuyến đi ra này không đẹp không sang như những lần đi ra trước đây, bởi đây là những chuyến lên đường của đội áo xanh thiện nguyện nơi các bệnh việc giã chiến, nơi các chuyến xe không đồng, nơi các sheaper không lương…. Nhưng chan chứa tình thương, thắm đượm tình người.

Lạy Chúa, khi đang là F1 trong khu cách ly, chúng con cũng có cơ hội được đi vào với cõi lòng thâm sâu mà nghĩ suy về tài sản Chúa ban, chúng con có luôn trân trọng và tri ân Chúa với tài sản này không!? khi chúng con được biết rõ tài sản đó được đến từ nơi Chúa “Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống” (St 2,7). Chúng con có trân trọng tài sản này nơi chị em không? Để chúng con biết cách giữ gìn và bảo vệ tài sản này cho chị em?! Chẳng những Chúa đã thương tạo dựng và ban chính sự sống của Ngài cho chúng con mà Ngài còn ban chính Mình và Máu Thánh của Đức Giêsu-Con Một của Ngài để nuôi sống chúng con qua Bí tích Thánh Thể. Xin tạ ơn Chúa, tạ ơn Thiên Chúa cửu trùng. Xin Chúa cho chúng con biết luôn ở lại trong Chúa để tài sản sự sống của chúng con được tồn tại mãi và xin cho chúng con biết trân trọng anh chị em xung quanh vì tất cả đều mang hình bóng và hơi thở của Chúa. Amen.

 

 ngày…tháng…năm…

XIN VÂNG

Mười ngày đã trôi qua trong khu cách ly, mỗi chị em phải cố gắng hết sức có thể để chiến thắng dịch bệnh Coivd đang bủa vây. Fo lẫn F1, làm mọi cách để tăng đề kháng, để nghiền nát “Cô vi”: nào thuốc, nào thức ăn, nào thể thao, nào những lời động viên đầy ý chí… Sau mười ngày đã cho kết quả. Cố gắng vượt cạn như nhau nhưng kết quả thì không ai giống ai. Chị hết trước em hết sau, có chị vẫn chưa tiễn Cô vi ra khỏi “căn nhà” của mình được. Nếu người đời nói “âu cũng là số phận” thì y học lại cho là “do cơ địa”, còn đời sống tâm linh thì nghĩ “Thiên Chúa bắt chịu vậy”, còn người trong cuộc thì nói gì?- Chúa muốn thế nào con xin vâng theo ý Ngài. Một lời xin vâng đầy xác quyết, đáng khâm phục.

Như Mẹ Maria năm xưa, “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Mẹ hoàn toàn không biết được điều gì sau lời xin vâng ấy, nhưng với tất cả sự khiêm nhường và lòng phó thác cậy trông, Mẹ đã để cho Chúa định liệu tất cả mọi sự trên cuộc đời Mẹ.  Như các thánh Tông đồ xưa, “các anh hãy theo tôi…các ông lập tức bỏ mọi sự mà theo Người”. Vinh dự đâu chưa thấy, quyền thế đâu chưa có mà chỉ thấy những ngược đãi bắt bớ, không nhà không nơi trú thân “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có tổ tựa đầu”. Các ngài đã để cho Chúa quyết định mọi sự trên cuộc đời các ngài. Như Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc khổ nạn, “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Người là chính Con Một Thiên Chúa mà Người không xin điều gì khác ngoài xin theo ý Cha.

Lời “xin vâng” đó đòi buộc con người phải hy sinh, quên đi bản thân mà để cho Chúa đinh liệu mọi sự. Hay nói cách khác, đó là sự tin tưởng cũng như phó thác hoàn toàn vào tin yêu Chúa quan phòng. Ngày nay, lời “xin vâng” ấy vẫn đang ẩn nấp kín đáo trong những tâm hồn thánh thiện, nó được biểu hiện cách tế nhị và đầy khiêm cung, mặc dù phải đối diện với sự nguy hiểm của dịch bệnh. Đó là lời “xin vâng” thốt ra nhẹ tựa lông hồng làm toát lên mẫu gương sống an nhiên trước mọi biến cố của một người chị. Thánh Tông đồ Phaolô cũng đã kinh nghiệm được ơn Chúa trào tràn khi người “xin vâng” theo ý Chúa đi làm Tông đồ cho Chúa. Vì thế, người đã khuyên các tín hữu ở Rôma “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện”. Trong Chúa, chỉ có cầu nguyện-kiên nhẫn-vui mừng-hy vọng thì bao gian khó cũng sẽ vượt qua. “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?” (Lc 18,7).

Lạy Chúa, mỗi ngày sống trôi qua, chúng con cảm nhận được bao là hồng ân Chúa ban qua chị em, người thân, bạn hữu. Hôm nay, Chúa lại nhắc nhở chúng con về đời sống phó thác-xin vâng qua gương sống của người chị trong gia đình Tiền Vĩnh Thệ, xin Chúa đoái thương đến sự thánh thiện của chị mà ban cho chị em chúng con ân sủng và bình an, can đảm và lòng nhiệt thành nhưng không theo ý chúng con, một theo ý Cha vẹn toàn. Amen.


 
 ngày…tháng…năm…

11 NGƯỜI VÀO GIỜ THỨ 11 NGÀY THỨ 11

Sau 11 ngày tạm trú trong khu cách lý, test nhanh cho mười một thành viên trong gia đình tiền vĩnh khấn với kết quả là “âm tính”. Niềm vui vở òa sau những ngày cả Hội Dòng giúp gia đình chúng con vượt khó. Tạ ơn Chúa đã thương ban mọi sự lành bình an, cám ơn Mẹ Maria đã đồng hành và cho chúng con núp dưới áo Mẹ.

Hôm nay là ngày thứ 11 trong khu cách ly, làm con nhớ về giờ thứ 11 trong dụ ngôn về ông chủ vườn nho nhân từ. Khi đến khu cách ly, chúng con được đến cùng ngày như nhau nhưng tình trạng thể lý mỗi người khác nhau. Mỗi ngày sống trôi qua, biến chuyển bệnh tình khác nhau, chị khỏe trước, chị khỏe sau. Mới hôm qua thôi còn có chị trong tình trạng dương tính nên nhiều lo lắng. Nhưng hôm nay, ngày thứ 11 Chúa cho 11 người 1 nén âm tính như nhau. Với 1 nén đó Chúa ban, Chúa lại thu xếp cho chị về trước, chị về sau bởi mỗi chị không khỏe như nhau. Ôi! Chúa thật tuyệt vời. Chúa thật quảng đại và công bằng. Chúa không phân biệt chị lớn em nhỏ, chị về trước-về sau, Chúa đã cho chị em chúng con được kết quả như nhau thì đó đã là một niềm vui lớn. Dù ở lại khu cách ly tiếp tục với hành trình chống dịch Covid hay về lại nội vi với những sinh hoạt thường ngày thì chúng con vẫn đang đi cùng nhau trong một khối huấn luyện, vẫn cùng nhau hiệp một câu kinh, dâng cùng một thánh lễ… tắt một lời, chúng con cùng “đồng tâm nhất trí và chuyên cần cầu nguyện”. 

Phải trải qua gian nan mới biết đâu là tình thân hữu cộng đoàn, đâu là đồng tâm nhất trí, đâu là ở lại với Chúa để cùng nhau xây dựng cộng đoàn…. Nhưng chúng con không thấy những ngày qua gian nan cho lắm bởi chúng con đón nhận quá nhiều hồng ân. Chúng con xem như được Chúa yêu riêng, được Hội Dòng ưu ái ban đặc ân “tĩnh tâm ngoại thường”. Chúng con cảm nhận được ân sủng Chúa trải rộng-dài-sâu trên chúng con qua sự quan tâm, chăm sóc tận tình từ đời sống tâm linh đến nhân sinh của Hội Dòng, gia đình, quý thân nhân-ân nhân xa gần. Đó là những lời cầu nguyện chân thành, những dòng tin nhắn ủi an-khích lệ-động viên chan chứa tình nghĩa, cùng những hộp cơm chu đáo đầy dinh dưỡng,…. Rồi nào là cam, chuối, dừa, gừng, sả, chanh,… nào là thuốc tây, thuốc ta, dầu gió, dầu xông…. Bao nhiêu “vũ khí” chống giặc Covid thì hậu phương đã cung cấp kịp thời và đầy đủ đến dư thừa cho tiền tuyến. Nói sao hết những tấm chân tình chúng con được lãnh nhận, tất cả là hồng ân. Chúng con xin tri ân Chúa và ghi ơn Hội Dòng, thân nhân-ân nhân và bạn bè gần xa, đặc biệt là toàn thể quý chị em đang cùng sẻ chia bao vui buồn với chúng con trong cộng đoàn này. Quả thật, tình “tỷ muội” như men nồng rượu mới.

Lạy Chúa rất nhân từ, Xin Chúa tiếp tục đồng hành với quý chị ở lại trong khu cách ly, xin thương ban cho các chị nhiều sức khỏe, nghị lực và niềm tin tưởng phó thác vào lòng thương xót của Chúa. Xin Chúa cũng tiếp tục ở lại với chúng con, để mỗi ngày sống trôi qua, chúng con biết sống với tất cả tâm tình, hầu diễn tả niềm tri ân tình Chúa-tình chị em cách sâu xa nhất. Amen.

Isave Vũ Loan
 
114.864864865135.135135135250