04/07/2021 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1450
Ngày 04/7 Thánh Giuse Nguyễn Đình Uyển

Ngày 04/7

Thánh Giuse Nguyễn Đình Uyển

 Thầy giảng (1775-1838)

I. Tiểu sử
 

Anh em không thuộc về thế gian
và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em
(Ga 15,18)

 

Thánh Giuse Nguyễn Đình Uyển sinh năm 1775 tại làng Ninh Cường, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Ninh Cường, Giáo phận Bùi Chu). Thầy sống đạo đức nhiệm nhặt, gia nhập Nhà Đức Chúa Trời, được cha Nhân chăm sóc, được khấn và mặc áo dòng Ba thánh Đa Minh.

Thầy Uyển được bổ nhiệm làm trợ tá đắc lực cho Đức cha Henares - Minh, thuộc Giáo phận Đông Đàng Ngoài, và được ủy nhiệm chính thức làm mục vụ nhiều năm ở xứ Tiên Chu.

Ngày 29-5-1838, quan tỉnh Hưng Yên đưa quân lính về vây làng Tiên Chu, lục soát tìm bắt đạo trưởng tây dương nhưng không tìm bắt được Đức cha Henares - Minh. Một tên lính thấy thầy Uyển mặc áo dòng Ba thì trình báo quan. Thế là thầy bị bắt.

Quan truyền thầy bước qua thập giá rồi tha về nhưng thầy dứt khoát từ chối. Quan quát mắng: “Nếu mày không xuất giáo, ta sẽ chém đầu!”. Thầy Uyển ung dung trả lời: “Thưa quan lớn, tôi phải được chém chết mới mong được sống lại”. Quan truyền lệnh đóng gông và tống ngục.

Tại công đường, quan ra lệnh cho 4 tên lính cầm gông khiêng thầy bước qua Thánh Giá nhưng thầy cố co chân lên để khỏi chạm vào ảnh. Thấy thế, lính dùng gậy đánh vào hai chân thầy. Trong giây phút đau đớn, thầy tha thiết kêu xin Chúa và Đức Mẹ giúp sức để mình chịu khổ nhục vững vàng.

Các quan lập án gửi vào kinh như sau: “Nguyễn Đình Uyển, người bản quốc, theo Giatô tả đạo, xưng mình là thầy đạo, đã bị quở trách, tra tấn sửa phạt rất nặng nhiều lần. Song nó bướng bỉnh không chịu quá khoá, nên đáng phải chết. Vì thế, chúng tôi luận cho tên Nguyễn Đình Uyển này phải trảm quyết”.

Khi biết tin, thầy mừng rỡ, ca ngợi Thiên Chúa và chấp nhận uống thuốc chữa bệnh để đón chờ ngày hồng phúc. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, ngày 04-7-1838 thầy đã chết trong tù vì bệnh, tuổi già và đói khổ để làm chứng nhân đức tin, dưới triều vua Minh Mạng.

Thầy Giuse Nguyễn Ðình Uyển được phong chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Quyết không thỏa hiệp

 

Thánh Giuse Nguyễn Đình Uyển sinh năm 1775 tại làng Ninh Cường, tỉnh Nam Định[1]. Lớn lên, cậu Giuse Uyển xin được gia nhập vào chủng viện Tiên Chu. Cậu được huấn luyện trở thành thầy giảng và theo lời khuyên của Đức Cha Henares Minh[2] thầy gia nhập Dòng Ba Đa Minh.

Thầy sống đạo đức, gương mẫu, trung thành giữ kỷ luật Dòng Ba Đa Minh và tinh thần nhiệt thành tông đồ, với tấm lòng luôn vững tin vào Chúa.

Ngày 29 tháng 5 năm 1838, quan quân đến vây Giáo xứ Tiên Chu và tìm cách bắt Đức Cha. Thầy Giuse Nguyễn Đình Uyển cũng bị bắt trong dịp này.

Trong nhiều cuộc điều tra hành hình, quan luôn bắt thầy bước qua Thánh Giá, nhưng thầy nhất mực từ chối. Một lần kia, sau nhiều ngày bị đánh đòn, bị bỏ đói, thầy bệnh rũ liệt gần chết. Quan nhờ người chữa cho thầy tỉnh lại, rồi lại đánh đòn và lại bắt thầy bước qua Thánh Giá. Thầy vẫn một mực cương quyết từ chối. Quan quát lên: “Chỉ một bước là sống, sao ông không chịu ?”… Thế rồi, quan truyền cho lính dùng sức mạnh lôi thầy bước qua Thánh Giá, nhưng thầy ngồi bệt xuống đất. Bốn người lính dùng sức mạnh khiêng thầy qua Thánh Giá, thầy co gập chân để khỏi chạm Thánh Giá cách bất xứng, và thầy cầu nguyện xin Chúa giúp sức.

Sau đó thầy bị bỏ đói, bị tra tấn và chết trong tù ngày mùng 4 tháng 7 năm 1838. Đức Thánh Cha Lêô XIII tôn phong thầy lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong Chân Phước Giuse Nguyễn Đình Uyển lên bậc hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Câu nói Chỉ một bước là sống, sao ông không chịu ?” của quan tòa nói với thánh Giuse Uyển đáng cho chúng ta suy nghĩ. Trong cuộc sống thường ngày ranh giới giữa sự sống và cái chết, ranh giới giữa thắng và bại, giữa tội lụy và chiến thắng tội lụy, giữa sự dữ và việc vượt qua sự dữ, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa được và mất đôi khi chỉ là một khoảng cách rất ngắn, “chỉ một bước” thôi. Nơi cái ranh giới ấy, có những lúc khoảnh khắc chỉ có một vài giây, một vài phút, khiến cho con người chúng ta không kịp chọn lựa, không kịp phân định và khó có thể sáng suốt.

Câu trả lời của thánh Giuse Uyển với quan tòa đã chứng minh tình trạng ân sủng và đức tin mạnh mẽ của Ngài. Và gương của thánh Giuse Uyển đã cho mỗi người trong chúng ta bài học. Để nhận diện ranh giới giữa thiện và ác, giữa bóng tối tội lỗi và sự sáng, chúng ta nhất định không chiều theo sự xấu. Hơn nữa, chúng ta cũng phải nhận định rõ ràng về giá trị đích thực của cuộc sống và đích nhắm cuối cùng của đời người. thánh Giuse Uyển đã thà hy sinh mạng sống chứ không làm ô danh Chúa.

Tưởng cũng nên nhắc lại lời Đức Thánh Cha Phanxico để cảm nghiệm và ca ngợi gương anh dũng của thánh Giuse Uyển: Tôi nhắc lại cho anh em chị em điều tôi đã nói... “Giá trị căn bản của Giáo Hội nằm ở chỗ sống Tin Mừng và làm chứng cho đức tin”.

Cùng với thánh Giuse Uyển chúng ta nhìn lại mình để sám hối. Đã có những lúc chúng ta yếu hèn không vượt thắng chính mình. Đã có những lúc chúng ta chiều theo điều ác và sự xấu vì chúng ta kém lòng tin. Đã có những lúc chúng ta tìm hư danh cho mình hơn là tìm vinh quang Thiên Chúa. Chúng ta cúi đầu xin Chúa thứ tha và cùng dâng lời cầu nguyện :

Lạy Chúa, Chúa đã ban sức mạnh của Chúa cho thánh Giuse Uyển để ngài làm chứng cho Chúa trong một hoàn cảnh rất khó khăn. Xin Chúa đỡ nâng phận người yếu hèn của chúng con, để chúng con dám sống cho Chúa và dám chết cho tình yêu của Ngài.

Xin thánh Giuse Uyển cầu cho chúng con biết can đảmt chọn lựa dứt khoát trước những đòi hỏi của đời sống chứng tá bằng một đời hiến thân phục vụ.

Ước gì ngọn lửa đức tin mà thánh Giuse Uyển đã thắp lên  bằng cuộc sống và cái chết, được bừng tỏa trên đất nước Việt Nam chúng con. Ước gì sự chọn lựa của thánh Giuse Uyển cũng hướng dẫn chúng con biết chọn lựa chính Chúa trước hết và trên hết. Amen

[1] Nay thuộc Giáo phận Thái Bình.

[2] Giáo phận Đông Đàng Ngoài

 

114.864864865135.135135135250