21/10/2019 -

HỌC HỎI

985
Giáo Hội, Một Cộng Đoàn Môn Đệ
                               
     GIÁO HỘI, MỘT CỘNG ĐOÀN MÔN ĐỆ

Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ bằng việc công bố sứ điệp Nước Thiên Chúa và sau đó Người thiết lập Vương Quốc của nơi trần gian này. Để thực hiện công trình này, Người đã chọn mười hai môn đệ làm nòng cốt và tương lai sẽ mang danh xưng là tông đồ. Đức Kitô tích cực giáo huấn họ theo thời gian hạn định, rồi trước khi về cùng Chúa Cha Người sai đi loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Khi gần kết thúc sứ mạng ở trần gian, Đức Kitô thiết lập Giáo hội bằng cuộc khổ nạn và Phục sinh của Người, và ban Thần Khí cho những ai Người tuyển chọn để thi hành sứ mạng thông qua một cộng đoàn mới gọi là Giáo hội.

1. Khái niệm “Giáo hội” và “Người môn đệ”

Trước hết, hạn từ “Giáo hội”: tiếng Latinh Ecclesia , tiếng Pháp Église, và tiếng Anh Church. Ecclesia bắt nguồn từ danh từ của Hylạp Ekklesia có nghĩa là sự triệu tập, tụ họp, hội nghị. Khi chuyển dịch từ tiếng Do thái từ Cựu ước ra tiếng Hylạp, thì người ta dùng tiếng Ecclesia để chuyển nghĩa của từ “qahal”, nghĩa là dân Israel đã dùng để ám chỉ cộng đoàn phụng vụ, gồm những người được tụ họp lại để nghe lời Chúa; dân Israel cũng tự coi mình là “qahal” bởi vì họ ý thức rằng họ được Chúa quy tụ, và kết lập giao ước. Sang thời Tân ước, các Kitô hữu lấy lại ý tưởng trên với từ“Ecclesia”. Như thế, Giáo hội là các Kitô hữu được quy tụ lại không phải do máu mủ hay là do hợp đồng ý chí, song là do ý định của Thiên Chúa, dựa trên Giao ước của vị thủ lãnh là Đức Kitô, Đấng đã quy tụ một đoàn chiên mới cho Thiên Chúa qua cái chết của mình.[1]

Như vậy, Giáo hội là một cộng đoàn được Đức Kitô quy tụ lại để lắng nghe và được họ đáp lại bằng hành vi tin. Một cộng đoàn được Thiên Chúa tuyển chọn, được hiến thánh, thương xót, một công đoàn có tính tư tế:Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương (1 Pr 2,9-10), để từ đây muôn dân nước được hưởng nhờ ân phúc mà Giáo hội cấp phát, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần để thi hành chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Giêsu.

Hạn từ “môn đệ”, tiếng Anh: disciple; Latinh: discipulus; tiếng Hilạp “μαθητής”: nghĩa là “học trò”, “đệ tử”, “người theo học”.[2] Mặc dầu không có một lời giải thích tóm lược nào về thuật ngữ “môn đệ”, nhưng động từ “đi theo - ἀκολουθέω” (Mc 1,17-18; 2,14-15; 8,34; 10.21.28; 15,41) cho thấy có hai ý nghĩa của thuật ngữ “môn đệ”. (1) đi theo bằng thể lý: người môn đệ có cùng hành trình với thầy. (2) đi theo bằng tinh thần: người môn đệ học cho biết và làm theo gương mẫu của thầy. Đây cũng là nghĩa chính của từ “môn đệ”, và ơn gọi làm môn đệ cũng bao hàm cả hai nghĩa của từ này.[3]

Vào thời Đức Giêsu, khi nói đến môn đệ theo Thầy, người ta nghĩ ngay đến các môn đệ đến dưới chân các Rabbi Dothái để học hỏi Lề Luật, chẳng hạn như Phaolô đến học với rabbi Gammalien ở Giêrusalem (Cv 22,3). Tuy nhiên, các môn đệ Đức Giêsu thì được Người kêu gọi (Mc 1,16-20). Trong gần 3 năm rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu kêu gọi nhiều người làm môn đệ trong tư cách cá nhân (x. Mt 9,9; Mc 2,13-14; Ga 1,40tt) hoặc mhóm mười hai (x. Mc 3,14-16), các Tông đồ (x. Mt 10,2), nhóm bảy hai môn đệ (x. Lc 10,1), đám đông dân chúng (x. Lc 6,17; 19,37; Ga 6,60), những người thu thuế và tội lỗi (x. Mc 2,15-16; Lc 5,29). Tất cả đều được Người dạy dỗ (x. Mc 3,34) và cho đồng bàn với Người. Họ trở thành người nhà Đức Giêsu, vì họ nghe, đón nhận Lời Người và đem ra thực hành (x. Lc 8,21).[4]

Như vậy, môn đệ trong các sách Tin Mừng trình bày là những ai lắng nghe lời mời gọi của Đức Giêsu và bước theo Người trong tự do, và nhận Người làm Thầy. Người chọn để họ đến ở lại với Người (x. Ga 1,39), huấn luyện họ sống yêu thương nhau (x. Ga 13,35), biết từ bỏ tất cả những gì mình có (x. Lc 14,26.33), vác thập giá mình mà theo Người (x. Mc 8,34; Lc 14,27) và cùng chết với Người (Mc 14,31), và để Người sai đi rao giảng Tin Mừng (x. Mc 3,14). Theo Tin mừng Gioan, những ai tin và ở lại trong Lời Đức Giêsu đều là người môn đệ (x. Ga 1,12; 5,24; 8,31). Do đó suy rộng ra, kẻ tin là những Kitô hữu đã được tháp nhập vào thân thể Chúa Kitô nhờ phép Thanh tẩy, đã trở nên Dân Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mạng của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình.[5]


2. Sứ mạng của người môn đệ trong Giáo hội

Khi thiết lập Giáo hội, Đức Giêsu trao sứ mạng cho Giáo hội là trở nên khí cụ đem ơn cứu độ đến cho mọi người trên trần gian, do đó, các môn đệ có nhiệm vụ đi tìm những con chiên lạc nhà Israel, nghĩa là rao giảng Tin mừng cho các dân tộc, quy tụ các dân tộc ấy thành một mối hiệp thông duy nhất dưới quyền thủ lãnh tối cao của Người. Mặt khác, người môn đệ của Đức Giêsu không nhằm tìm vinh quang, lợi lộc cho mình, nhưng nhằm tìm kiếm và vâng phục ý Chúa Cha (x. Mt 26,39; Mc 14,36; Lc 22,42) và thi hành thánh ý Chúa Cha (x. Ga 4,34; 17,4). Nói cách chung nhất, họ sống trong Giáo hội và thi hành chức vụ tư tế, ngôn sứ, vương giả của Đức Giêsu, Đấng là Đầu của Giáo hội. Mục đích của sứ mạng này là làm cho công trình tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa hoàn trọn trong Đức Kitô, được tiếp nối giữa dòng lịch sử nhân loại, cho đến ngày chung cuộc trong vinh quang của trời mới đất mới.

Tóm lại, người môn đệ tiên vàn là những “kẻ tin” vào Đức Giêsu và ở lại trong Lời Người; họ có một vị trí đặc biệt trong Giáo hội, hay họ là chính Giáo hội, là Thân Thể Mầu nhiệm Chúa Kitô, họ bình đẳng với mọi thành phần khác về vị trí và giá trị trong Giáo hội. Họ có sứ mạng loan báo Tin mừng cứu độ cho thế giới trong lòng Giáo hội, và quy tụ mọi dân nước về một mối dưới quyền thủ lãnh tối cao là Đức Giêsu Kitô.
Mộc Đơn

[1] Phan Tấn Thành, Bí tích tình yêu – Đời sống Tâm Linh, tập IX, HV Đa Minh 2011, tr. 207-208.
[2] Các môn đệ nhằm chỉ tất cả những người theo Đức Giêsu; trong số đó, có các tông đồ, tức nhóm mười hai, là những người được Đức Giêsu gọi riêng để luôn ở kề cận Đức Giêsu. Danh từ “ἀπόστολος: tông đồ” nhằm chỉ nhiệm vụ sứ giả, vì theo tiếng Hylạp “ἀπόστολος” có nghĩa là “người được sai phái đi, được gửi đi, được cử đi”.
[3] Ngô NGọc Khanh, Tin mừng theo thánh Máccô, Hv Phanxicô: 2015, tr 91-92.
[4] Phan Tấn Thành, Đời sống Tâm linh, tập 3, Roma: 2003, tr 69.
[5] x. Hiến chế Ánh sáng muôn dân, số 31.
114.864864865135.135135135250