03/10/2019 -

Phụng vụ

1040
Vị trí của Nến Phục Sinh và giếng Rửa tội.
Vị trí của Nến Phục Sinh và giếng Rửa tội.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Liệu Nến Phục Sinh nên luôn ở vị trí có thể nhìn thấy rõ trong các nhà thờ Công giáo chúng ta không? Như vậy, sau Lễ Thăng Thiên, nên đặt Nến Phục Sinh ở đâu? Trong nhà thờ của chúng congiếng Rửa tội là nhỏ và không thể được đặt ở lối vào; liệu Nến Phục Sinh nên được đặt ở một nơi có thể nhìn thấy trong khu vực cung thánh, gần bàn thờ, nơi nó sẽ luôn được nhìn thấy, hay nó nên được đặt sang một bên và chỉ được lấy ra khi có Rửa tội? - N. B., Alberta, Canada.

Đáp: Có một số tài liệu liên quan. Trong số đó là thư luân lưu năm 1988 của Thánh Bộ Phượng tự, Paschalis Sollemnitatis. Tài liệu này nêu rõ:

“[Số 82]… Để duy trì tính chân thật của dấu chỉ, Nến Phục Sinh phải được làm bằng sáp nguyên tuyền, tránh hình thức giả tạo, đủ lớn và được làm mới cho mỗi năm, chỉ một cây nến mà thôi; để nó diễn tả một sự thật rằng Chúa Kitô là Ánh Sáng soi chiếu thế gian. Nến Phục Sinh được làm phép theo cách thức được chỉ định trong Sách Lễ Rôma hoặc theo nghi thức do Hội Đồng Giám mục qui định.

“99. Nến Phục Sinh đặt một nơi thích hợp, hoặc gần giảng đài hoặc gần bàn thờ, và phải thắp sáng trong tất cả các giờ cử hành phụng vụ trọng thể hơn của mùa này, tức là thánh lễ, giờ Kinh Sáng và giờ Kinh Chiều, cho đến hết Chúa Nhật Hiện Xuống. Sau Mùa Phục Sinh, Nến Phục Sinh đặt ở vị trí trang trọng trong khu vực cử hành bí tích Thánh Tẩy, để mỗi khi cử hành bí tích Thánh Tẩy, thì đốt lên và châm nến cho người lãnh bí tích. Trong nghi thức an táng thì Nến Phục Sinh được đặt ở gần quan tài để nói lên rằng cái chết của người tín hữu là một cuộc Vượt Qua đích thực. Ngoài Mùa Phục Sinh, không được đặt và đốt Nến Phục Sinh trên cung thánh” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.)
Về vấn đề này, tài liệu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ bổ sung một số giải thích về ý nghĩa của Nến Phục sinh.

“Nến Phục Sinh

“§ 94. Nến Phục Sinh là biểu tượng của 'ánh sáng Chúa Kitô, trỗi dậy trong vinh quang,' xóa tan 'bóng tối của con tim và tâm trí của chúng ta.' Trên tất cả, Nến Phục Sinh phải là một ngọn nến chính hiệu, biểu tượng nổi bật của ánh sáng của Chúa Kitô. Lựa chọn về kích thước, thiết kế và màu sắc nên được thực hiện trong tương quan với cung thánh, nơi nó sẽ được đặt. Trong đêm Vọng Phục Sinh và trong suốt mùa Phục Sinh, Nến Phục Sinh đặt gần giảng đài, hoặc ở giữa cung thánh. Sau mùa Phục Sinh, nó được chuyển đến một nơi danh dự gần giếng Rửa tội, để sử dụng trong các dịp Rửa tội. Trong lễ tang, nến Phục Sinh được đặt gần quan tài, như một dấu hiệu của sự vượt qua của Kitô hữu từ sự chết đến cuộc sống.”

Trước tiên, trái với câu hỏi của bạn đọc, Nến Phục Sinh được cất sau lễ Hiện Xuống, chứ không phải sau lễ Thăng Thiên (như trường hợp của hình thức ngoại thường).
Thứ hai, các tài liệu đều kiên quyết rằng Nến Phục Sinh không được đặt trong khu vực cung thánh sau Lễ Phục sinh mà gần giếng Rửa tội. Điều này dẫn chúng ta đến câu hỏi về vị trí thích hợp của giếng Rửa tội.

‘Nghi thức khai tâm Kitô giáo của người lớn’ nói như sau:

"Số 25: Giếng Rửa tội hoặc khu vực đặt giếng Rửa tội nên được dành riêng cho bí tích Rửa tội, và xứng đáng là nơi mà các Kitô hữu được tái sinh trong nước và Chúa Thánh Thần. Giếng Rửa tội có thể được đặt trong một nhà nguyện, hoặc trong hoặc ngoài nhà thờ, hoặc trong một số phần khác của nhà thờ mà các tín hữu dễ dàng nhìn thấy; nó phải đủ lớn để có thể chứa được nhiều người. Sau mùa Phục sinh, Nến Phục Sinh nên được giữ một cách cung kính trong khu vực giếng Rửa tội, theo cách mà nó có thể được thắp sáng để cử hành lễ Rửa tội, và từ đó, các nến của người mới được Rửa tội có thể dễ dàng được thắp sáng.”

Tài liệu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng cung cấp các hướng dẫn có giá trị:

“Giếng Rửa tội

“§ 66. Nghi thức Rửa tội, bí tích đầu tiên của các Bí tích khai tâm, đòi hỏi một vị trí nổi bật để cử hành. Sự khai tâm đi vào Hôi Thánh là đi vào một cộng đoàn Thánh Thể hiệp nhất trong Chúa Giêsu Kitô. Bởi vì các nghi thức khai tâm của Hội Thánh bắt đầu bằng bí tích Rửa tội và được hoàn thành bằng việc Rước lễ, giếng Rửa tội và vị trí của nó phản ánh hành trình của Kitô hữu qua nước rửa tội đến bàn thờ. Mối quan hệ đầy đủ giữa giếng Rửa tội và bàn thờ có thể được chứng mịnh trong nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như đặt giếng Rửa tội và bàn thờ trên cùng một trục kiến ​​trúc, sử dụng ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo, sử dụng cùng một mẫu sàn, và sử dụng các vật liệu phổ biến hoặc tương tự, và các yếu tố của thiết kế.

“§67. Vị trí của giếng Rửa tội, sự thiết kế và vật liệu được sử dụng để xây dựng nó là các cân nhắc quan trọng trong quy hoạch và thiết kế của tòa nhà. Thông lệ là đặt giếng Rửa tội hoặc trong một khu vực đặc biệt trong phần chính của nhà thờ hoặc trong một giếng Rửa tội riêng biệt. Qua nước Rửa tội, các tín hữu bước vào đời sống của Chúa Kitô. Vì lý do này, giếng Rửa tội phải được nhìn thấy rõ ràng, và có thể được tiếp cận bởi tất cả người đi vào nhà thờ. Trong khi giếng Rửa tội được cân đối với chính tòa nhà và có thể chứa được nhiều người, kích thước thực tế của nó sẽ được xác định bởi các nhu cầu của cộng đoàn địa phương.

“§68. Nước là biểu tượng chính của bí tích Rửa tội và là tâm điểm của giếng Rửa tội. Trong nước này, các tín hữu chết cho tội và được tái sinh cho đời sống mới trong Chúa Kitô. Khi thiết kế giếng Rửa tội và biểu tượng trong khu vực Rửa tội, giáo xứ sẽ muốn xem xét biểu tượng truyền thống, vốn là nguồn cảm hứng cho thiết kế giếng Rửa tội trong suốt lịch sử. Giếng Rửa tội là một biểu tượng của cả ngôi mộ và tử cung; sức mạnh của nó là sức mạnh của thánh giá chiến thắng; và phép Rửa tội đặt người Kitô hữu trên đường đi đến với cuộc sống, vốn sẽ không bao giờ kết thúc, ngày ‘thứ tám’ của vĩnh cửu, mà ở đó sự hiển trị hòa bình và công lý của Chúa Kitô được cử hành.
“§69. Các tiêu chuẩn sau có thể là hữu ích khi chọn thiết kế giếng Rửa tội:

“1. Một giếng Rửa tội, vốn phù hợp với việc Rửa tội cho cà trẻ em và người lớn, tượng trưng cho một đức tin và một phép Rửa, mà các Kitô hữu chia sẻ. Kích thước và thiết kế của giếng Rửa tội có thể tạo điều kiện cho việc cử hành trang nghiêm cho tất cả các người được Rửa tội tại cùng giếng Rửa tội.

“2. Giếng Rửa tội phải đủ lớn để cung cấp lượng nước dồi dào cho lễ Rửa tội cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Vì phép Rửa tội trong các nhà thờ Công giáo có thể diễn ra bằng cách dìm vào trong nước, hoặc bằng cách đổ nước, các giếng Rửa tội vốn cho phép tất cả các hình thức thực hành Rửa tội là được khuyến khích.
“3. Bí tích Rửa tội là một bí tích của toàn Hội Thánh, và cách riêng của cộng đoàn giáo xứ địa phương. Do đó, khả năng của cộng đoàn tham dự lễ Rửa tội là một cân nhắc quan trọng.
"4. Vị trí của giếng Rửa rội sẽ quyết định cách thức và cách thức tích cực cho toàn cộng đoàn phụng vụ có thể tham dự vào nghi thức rửa tội.

“5. Vì mối quan hệ thiết yếu của bí tích Rửa tội với việc cử hành các bí tích và nghi lễ khác, giáo xứ sẽ muốn chọn một khu vực cho giếng Rửa tội tượng trưng trực quan cho mối quan hệ đó. Một số nhà thờ chọn đặt giếng Rửa tội gần lối vào nhà thờ. Phép Thêm sức và Bí tích Thánh Thể hoàn tất việc khai tâm được khởi đầu bằng phép Rửa tội; phép hôn phối và truyền chức thánh là các cách sống đời sống đức tin bắt đầu trong bí tích Rửa tội; lễ tang của một Kitô hữu là hành trình cuối cùng của một cuộc đời trong Chúa Kitô bắt đầu trong bí tích Rửa tội; và bí tích Hòa giải kêu gọi các tín hữu hoán cải và đổi mới lời cam kết Rửa tội của họ. Việc đặt giếng Rửa tội trong một khu vực gần lối vào hoặc không gian tụ tập, nơi mà các thành viên thường xuyên đi qua, và đặt nó trên một trục với bàn thờ, có thể tượng trưng cho mối quan hệ giữa các bí tích khác nhau, cũng như tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể trong cuộc sống và sự phát triển đức tin của các thành viên.

“6. Với sự phục hồi Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người lớn, mà đỉnh cao là việc Rửa tội trong đêm Vọng Phục Sinh, các nhà thờ cần có không gian riêng tư, nơi mà các người mới được rửa tội có thể đi ngay, sau khi Rửa tội, để được mặc quần áo trắng và chuẩn bị cho việc hoàn tất Khai tâm trong Bí tích Thánh Thể. Trong một số trường hợp, các phòng thánh gần đó có thể phục vụ mục đích này.”

Giờ đây, bạn đọc của chúng tôi dường như biết sự lựa chọn tốt nhất cho vị trí của giếng Rửa tội, nhưng nhà thờ thực tế dường như là quá nhỏ để chấp nhận một vị trí gần lối vào. Các tài liệu chúng tôi trích dẫn sẽ ngăn cản việc đặt giếng Rửa tội vĩnh viễn trong cung thánh, mặc dù giếng Rửa tội di động có thể được sử dụng trong cung thánh, đặc biệt là cho việc Rửa tội trong Thánh lễ.

Tài liệu cũng cho phép một số vị trí phù hợp khác trong nhà thờ, mà không đi sâu vào chi tiết.

Do đó, đề xuất của tôi sẽ là như sau:

Giả sử rằng nhà thờ của bạn đọc chúng tôi là nhà thờ giáo xứ, tốt nhất nên khám phá khả năng xây dựng một giếng Rửa tội dứt khoát, càng gần với mô hình được trình bày trong các tài liệu chính thức càng tốt, mặc dù đây có thể là một dự án dài hạn.

Một giải pháp tạm thời có thể là đặt giếng Rửa tội và Nến Phục Sinh trong mối quan hệ với giảng đài, mặc dù ngoài khu vực cung thánh. Trong một số nhà thờ, điều này đã trở thành một giải pháp lâu dài vì nó cung cấp tầm nhìn, trong khi vẫn ở ngoài cung thánh. Tuy nhiên, do sự gần gũi của hai khu vực, nó cũng có thể gây nhầm lẫn, vì vậy cần thận trọng, và xem xét tất cả các yếu tố.

Trong các nhà thờ và nhà nguyện không thuộc giáo xứ, mà ở đó việc rửa tội là đặc biệt, và không có giếng Rửa tội ổn định, Nến Phục Sinh có thể được giữ trong phòng thánh khi không sử dụng. (Zenit.org 1-10-2019)

Nguyễn Trọng Đa

 
114.864864865135.135135135250