Chân phước An-giê-li-cô (Gio-an Phi-ê-xô-la)
B. Ioannes de Fiesole
(c1387-1455)
Phải nói rằng, có lẽ cả thế giới đã biết đến chân phước An-giê-li-cô một tu sĩ dòng Đa Minh, một họa sĩ nổi bật của Châu Âu trong thời kỳ đầu của giai đoạn Phục hưng. An-giê-li-cô tên thật là Giudolino Di Pietro sinh tại một làng nhỏ thuộc thành phố Florence, khoảng năm 1387[1]. An-giê-li-cô có đam mê và năng khiếu hội họa từ nhỏ. Vốn đạo đức thánh thiện và muốn được kết hiệp sâu xa hơn với Thiên Chúa, (khoảng năm 20 tuổi (1418-1422) An-giê-li-cô xin gia nhập dòng Đa Minh. Với lòng yêu mến Lời Chúa cùng đời sống chiêm niệm, An-giê-li-cô đã trở thành linh mục với biệt tài họa sĩ, cha đã cộng tác với Chúa làm nên những điều kỳ diệu.
An-giê-li-cô phải được kể là người đi tiên phong trong nhiều xu hướng phong cách mới, của nền hội họa thời Phục hưng. Cha đã kết hợp hài hòa giữa không gian và cách pha trộn sáng tối trong các họa ảnh của mình. Khi vào Dòng, An-giê-li-cô đã dùng tài năng của mình để hỗ trợ cho công việc giảng thuyết. Các bức họa phải kể đến đó là bức họa Đức Mẹ bế Hài Nhi Giêsu có các thiên thần vây quanh, bức họa mô tả Chúa bị đóng đinh, bức họa mô tả thánh Stê-pha-nô, thánh Lau-ren-sô và nhiều bức họa khác được vẽ trong một số nhà nguyện của cung điện Va-ti-can… Các bức họa của An-giê-li-cô với các chi tiết tỉ mỉ sống động, đã thể hiện niềm tin và đã chuyển tải được nhiều thông điệp như những bài thuyết giảng hùng hồn. Đây là cách chân phước An-giê-li-cô đã đem Chúa đến cho đời, cho người. Danh họa Mi-ken-lăng (Michael Angelo) đã nói về tu sĩ An-giê-li-cô rằng: “Những hình ảnh ngài đã vẽ ắt hẳn phải được mặc khải từ trời cao và ngài phải có khả năng cảm nhận được tất cả mọi vẻ đẹp ngài đã ngắm nhìn trên mặt đất này”.
Đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tuyên bố tu sĩ An-giê-li-cô là bậc thầy của các danh họa vào ngày 18/02/1984 đã khẳng định: “Cảm hứng của danh họa vẫn thích ứng cho những hoàn cảnh luôn mới mẻ với tất cả sự phong phú đa dạng của phong cách và những trường phái nghệ thuật, trong văn chương, hội họa, điêu khắc, âm nhạc và kịch nghệ”.
Vì vậy, chúng ta cần xác nhận rằng, Thiên Chúa là mẫu số chung cho An-giê-li-cô, cho các nghệ sĩ và cho chúng ta, mỗi người mỗi nghề. Chỉ khi khởi đi từ một xuất phát điểm, chúng ta mới sẵn sàng làm việc với lương tâm ngay chính, đồng thời khám phá ra gương mặt của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy thay thế sự vô tâm, dửng dưng, ích kỷ, bằng lối sống tốt và đạo đức nghề nghiệp. Hãy vượt lên tính thế tục, chủ nghĩa vô thần đang chen ngang vào mọi lĩnh vực của cuộc sống. Với bất cứ ngành nghề nào, nếu bạn tôi, chúng ta chỉ quan tâm đến việc tìm miếng cơm manh áo, tìm danh lợi… thì thiếu sót là điều tất yếu xảy ra. Trượt dài trên những ước mơ vật chất, có ai dám khẳng định sẽ không đánh mất bản thân.
Tạm dừng lại trước những lo toan bộn bề, chúng ta đi tìm và lấp đầy những khoảng trống bằng việc nhận ra những ân ban của Chúa dành cho qua nghề nghiệp của mình khi chiêm ngắm chân phước An-giê-li-cô. Mỗi ngành nghề có những nét đặc thù riêng: có những nghề cần năng khiếu và sự khéo léo, có những nghề cần sức khỏe dẻo dai, có những nghề cần phải chăm chỉ học tập rèn luyện, lại có những nghề cần tất cả các yếu tố trên... Chính vì thế, cuộc sống luôn phong phú, hấp dẫn. Hãy cùng tôn trọng nghề nghiệp của nhau để chúng ta có được trải nghiệm như danh họa Mi-ken-lăng (Michael Angelo): “Thiên Chúa đã sinh ra con người trong hình hài đẹp đẽ giống Ngài”.
Lạy Chúa, như chân phước An-giê-li-cô chúng con ước mong là nhịp cầu giúp mọi người đến gần Chúa, đồng thời đem niềm vui, sự hứng thú để ai nấy hăng say làm việc. Chúng con không biếng lười nhưng sự nhàm chán vất vả lại xuất hiện vì những công việc cứ lặp đi lặp lại như một chuỗi dài vô tận. Thế nên, mong ước thánh thiện thường bị lãng quên. Xin dừng để chúng con mãi đứng yên trong những thất vọng, mệt mỏi; nhưng giúp chúng con tìm ra sự mới mẻ nơi người khác, nơi công việc để chúng con tiến đức ngay từ đời này. Xin đừng để chúng con chỉ làm việc bằng thói quen nghề nghiệp mà chưa đi sâu vào ý nghĩa và giá trị, nhưng cho chúng con chu toàn công việc của giờ này, hôm nay, ngày mai và ngày sau bằng tình yêu và sự gắn kết với Chúa. Amen
[1] Một số tài liệu về hội họa ghi năm sinh của ngài là 1395.