07/06/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

2020
Ngày 07/6 - Thánh Giuse Trần Văn Tuấn
Ngày 07/6
Thánh Giuse Trần Văn Tuấn
Nông dân (1824-1862)

I. Tiểu sử

 
Lạy Chúa! Con hết lòng cảm tạ trước tinh yêu bao la và lòng thương xót
hải hà của Chúa. Chúa là sức mạnh nâng đỡ con!

 
Thánh Giuse Trần Văn Tuấn sinh năm 1824, tại làng Nam Điền, xứ Phú Nhai, trong một gia đình nông dân đạo đức. Đời sống đạo của anh cũng như của bao người Công giáo khi ấy, gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ các chiếu chỉ cấm đạo của triều vua Tự Đức.

Anh Tuấn bị bắt, lúc 36 tuổi. Anh bị điệu về phủ Xuân Trường, rồi lại bị phân sáp về làng An Bái thuộc huyện Thụy Anh.

Thi hành sắc chỉ cấm đạo tháng 8 năm 1861, quân lính khắc vào một bên má của anh Tuấn hai chữ “tả đạo”, còn má bên kia tên làng xã. Những tháng ngày tù tội cơ cực, đói ăn, không một giọt nước thấm giọng, sức khỏe anh Tuấn suy sụp trầm trọng. Quan thượng nghĩ rằng, lúc này tội nhân dễ nản chí bỏ cuộc, chối bỏ đạo, để được yên thân sum họp cảnh gia đình. Nhưng quan lớn đã lầm, vị anh hùng đức tin vẫn bền gan, không khiếp sợ bản án tử hình.

Người nông dân tầm thường với nguồn trợ lực ân sủng phi thường, bền tâm tuyên xưng niềm tin sắt son vào Chúa Kitô. Anh không bước qua ảnh thánh, nhưng quỳ xuống cung kính và hôn ảnh Chúa chuộc tội.

Ngày 07-6-1862, trên bước đường tiến ra pháp trường Nam Định, người nông dân chất phác âm thầm quỳ trên mảnh chiếu hoa, miệng thì thào xưng tên cực trọng Chúa Giêsu trước khi lý hình thi hành án xử trảm. Hai năm sau, thi hài của anh được giáo dân rước về mai táng tại nhà thờ Nam Điền.

Vị chứng nhân đức tin Giuse Trần Văn Tuấn được nâng lên hàng Chân Phước ngày 29-4-1951 và được tôn phong Hiển Thánh ngày 19-6-1988.

 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Cầu cho các anh chị em nông dân
 
ĐTC Phanxicô đã nhận định về vai trò và trách nhiệm đáng trân quý của anh chị em nông dânnhư sau: “Không có nhân loại nếu không có sự canh tác đất đai; không có đời sống tốt đẹp nếu không có lương thực mà đất đai sản xuất cho con người thuộc mọi đại lục. Vì thế ngành nông nghiệp có một vai trò chủ yếu. Hoạt động của những người nông dân, sự quảng đại về  thời giờ và năng lực cho việc canh táclà một ơn gọi đích thực. Ơn gọi này đáng được nhìn nhận và đánh giá một cách thích hợp…”[1] “Mọi người nông dân đều có quyền trên một mảnh đất hợp lý, nơi mà họ có thể cư trú, có thể làm việc để nuôi sống gia đình và có thể bảo đảm được cuộc sống của mình. Quyền lợi này phải được bảo đảm…”[2]

Tại quê hương đất nước Việt Nam, phần lớn người dân làm nghề nông, cuộc sống của họ gắn với đất đai vườn tược. Trong danh sách 118 thánh Tử đạo Việt Nam đã có không ít những vị xuất thân từ gia đình nông dân, cuộc sống của họ thật thanh bạch – bình an. Trong phút cầu nguyện này, chúng ta cùng chiêm ngắm thánh Giuse Trần Văn Tuấn, một nông dân cần cù chất phác, để xin thánh nhân chuyển cầu cho các anh chị em nông dân Việt Nam, được lãnh nhận muôn phúc lành của Chúa trong cuộc sống thường ngày.

Thánh Giuse Trần Văn Tuấn sinh năm 1824 tại làng Nam Điền, một họ đạo xứ Phú Nhai, trong một gia đình sinh sống nghề ruộng nhiều đời trên vùng đồng bằng sông Hồng thuộc tỉnh Nam Định (nay là Hà Nam Ninh). Tiểu sử của ngài chẳng có chi để ghi lại dài dòng, chỉ vỏn vẹn có ít hàng ngắn ngủi. Anh là một nông dân chăm chỉ, cần cù, đạo đức. Anh tin tưởng trao vào trong bàn tay tình thương của Chúa mỗi vụ mùa với công sức và nỗ lực cố gắng của mình.

Cuộc đời tưởng chừng như bình dị ấy lại chao đảo, khi chiếu chỉ cấm đạo của vua được thi hành nghiêm ngặt trên toàn quốc. Có đạo, tin vào Chúa, hay sống đạo,… đều đồng nghĩa với lao tù, cùm gông, chết chóc,… Khó lòng có thể thoát khỏi để sống an bình nếu muốn dấn thân làm chứng cho Chúa.

Năm anh Tuấn 36 tuổi (1856), anh bị bắt và bị giải về Phủ Xuân Trường, rồi sau về làng An Bái. Anh Giuse Tuấn bị giam trong ngục chật hẹp, cổ mang gông, chân mang cùm xiềng xích. Theo chiếu chỉ phân sáp tháng 08/1861, quân lính nung đỏ thanh sắt, và khắc vào má của anh một bên chữ "Tả Đạo", một bên là nguyên quán làng xã. Nhìn vào anh Tuấn, người nông dân yếu thế, dường như người ta lo sợ anh sẽ mất đức tin. Nhưng không, anh chất phác hiền lành, nhưng anh trung thành và kiên cường, gan dạ. Không gì có thể mua chuộc hay dụ dỗ anh bỏ Chúa. Sau những ngày tháng tù tội cơ cực, các quan đã thất bại,vì đức tin vững mạnh củaanh.

Ngày 07/6/1862, trên đường tới nơi xử trảm, anh Giuse Tuấn bình thản đi sau đám lính, anh vừa đi vừa sốt sắng đọc kinh Cầu Các Thánh. Khi lý hình vung gươm chém đầu, anh qùy gối, miệng vẫn liên tục kêu tên cực trọng Chúa Giêsu. Cậy nhờ lời chuyển cầu của thánh Giuse Tuấn - nông dân, chúng ta cầu nguyện cho các anh chị em nông dân:

“Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì tất cả những gì tốt đẹp Chúa ban: cơn mưa tắm gội mặt đất, ánh mặt trời nuôi dưỡng thảo mộc, các mùa tô điểm địa cầu và cơn gió làm mát chúng con.

Lạy Chúa, hằng ngày chúng con phải ra đồng cày xới, xin cho mùa màng tăng trưởng, cho hoa màu được phong phú, cây cối phát triển tươi tốt, và sinh thật nhiều hoa trái.

Lạy Chúa, chúng con nguyện xin ơn Chúa cho những hạt gieo xuống sinh sôi gấp trăm. Xin hướng dẫn chúng con gieo trồng: để không nản chí khi hạt không mọc lên, để không phàn nàn khi thời tiết xấu, để không phiền muộn khi khi cỏ lùng chen vào lúa tốt, để không thất vọng khi hoa trái hóa chua.

Xin Chúa cho chúng con kiên nhẫn làm việc trong nắng cháy hay mưa lạnh. Xin cho chúng con lạc quan để hy vọng vào một vụ mùa bội thu. Xin cho tâm hồn chúng con hào phóng để có thể chia sẻ những gì chúng con gặt hái. Và xin cho chúng con biết dâng lên Chúa những gì tốt nhất trong vụ mùa này.”
[3]

Xin cho chúng con sống chứng tá đức tin bằng những việc làm chân chính trong nghề nghiệp của mình. Amen

 
[1] ĐTC Phanxicô đã nhận định trong buổi tiếp kiến, dành cho 200 đại diện của Liên đoàn Nông dân toàn quốc Italia, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Liên đoàn. SD 31-1-2015,Trần Đức Anh OP Radio Vaticana.
http://conggiao.info/duc-thanh-cha-de-cao-nong-nghiep-d-26734
[2] Trong thông điệp Laudato Sí số 94.
[3] Trích “40 lời kinh đổi mới cuộc đời, tập 1”, Nxb Tôn giáo, 2013, tr.102.
114.864864865135.135135135250