10/07/2024 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1168
Ngày 12/7 - Thánh Clê-men-tê I-nha-xi-ô Y

Ngày 12/7

Thánh Clê-men-tê I-nha-xi-ô Y
(Ignacio DELGADO  - Y)

Linh mục dòng Đaminh (1762-1838)


I. Tiểu sử
 

Nếu các ngài biết đạo Chúa Giêsu, hẳn các ngài sẽ theo.
 

Thánh Ignacio Delgado - Y sinh ngày 23-11-1762 tại làng Villafeliche, tỉnh Saragozza, miền Aragon, nước Tây Ban Nha.

Lúc đầu anh gia nhập dòng Đa Minh, tỉnh dòng Aragon và tuyên khấn năm 1781. Nhưng những lá thư của cha Alonsô - Phê về sứ vụ tại Việt Nam đã thắp lên nơi thầy Delgado ước vọng truyền giáo. Thầy liền xin chuyển qua tỉnh dòng Mân Côi, tiếp tục học thần học tại Manila và thụ phong linh mục tại đây năm 1787. Sau hai năm hành trình, năm 1790 cha Delgado cùng với ba anh em khác đến Việt Nam.

Cha Delgado được cử coi sóc chủng viện hai năm, rồi làm cha chính giáo phận, kiêm đại diện giám tỉnh hai năm. Và theo sự giới thiệu của Đức cha Alonsô - Phê, cha Delgado được bổ nhiệm làm giám mục phó ngày 11-02-1794 và được tấn phong vào tháng 9 năm sau.

Năm 1799, Đức cha Phê qua đời, Đức cha Delgado - Y phải đảm đương giáo phận. Bốn năm sau, công tác này được san sẻ với vị tân Giám mục phó Henares - Minh. Dù đường xá khó khăn, hai vị giám mục đã không ngại đi hàng ngàn cây số đường mòn bờ đê, xuyên rừng leo núi đến thăm từng giáo xứ và các họ đạo.

Tận dụng giai đoạn bình an, Đức cha Delgado lo củng cố lại giáo phận. Ngài tái lập các chủng viện Ninh Cường, Lục Thủy, Tiên Chu và Ngọc Đồng. Tín hữu được tham dự kinh lễ mỗi ngày, học giáo lý kỹ lưỡng hơn và sống đạo tốt hơn. Nhờ những nghi lễ long trọng tại các giáo xứ, trong mười năm, hơn 10.000 người lớn xin rửa tội.

Năm 1838, vì những lá thư của cha Viên gửi các thừa sai bị phát hiện, dưới áp lực của triều đình và sự nhiệt tình của tổng đốc Trịnh Quang Khanh, các chủng viện, nhà thờ phải tự tháo dỡ, chủng sinh và nữ tu phải về gia đình. Các thừa sai tạm lánh qua làng Kiên Lao. Nhưng do sự chỉ điểm của thầy đồ Hy, cả hai vị giám mục lần lượt bị bắt.

Đức cha Delgado bị giam trong cũi gỗ với chấn song phủ kín bốn phía, chỉ chừa một lỗ nhỏ bên trên để đưa cơm nước cho tù nhân. Một viên quan xúi Đức cha: “Ông đã bị bắt, ông có thể tự vẫn như những người dũng cảm khác thường làm”. Đức cha trả lời: “Chúng tôi không được tự vẫn, vì đó là trọng tội. Nhưng nếu vì đạo, quan truyền giết tôi thì tôi hết sức vui mừng”.

Trưa ngày 30 tháng 5, cũi của Đức cha được áp giải từ phủ Xuân Trường về Nam Định gặp tuần phủ Trịnh Quang Khanh
[1] trong bầu khí lễ hội, với gần 2000 binh lính, cờ xí rợp trời và chiêng trống vang dội.

Ngày 14 tháng 6, Trịnh Quang Khanh gửi bản án về triều đình nhưng vua Minh Mạng chần chừ vì muốn ép vị thừa sai nhận tội “mật thám”. Dĩ nhiên ngài không thể nhận điều vu cáo ấy. Ngài nói: “Tôi ở An Nam đã 48 năm, tôi có giấy tờ của Tiên Đế (Gia Long) cho phép giảng đạo”. Thỉnh thoảng Đức cha lại nói: “Các ngài chưa biết về đạo Chúa Giêsu, nếu biết, hẳn các ngài sẽ theo đạo”.

Kể sao cho xiết những khốn cực Đức cha phải chịu suốt 43 ngày trong cũi. Cũi nhốt Đức cha được đặt ngoài cửa thành, khiến cha ban ngày thì nhễ nhại mồ hôi dưới sức nóng mặt trời, ban đêm thì lạnh cóng vì sương gió.

Án xử lần thứ hai gửi vào kinh được vua châu phê ngay, nhưng bản án chưa kịp về đến Nam Định thì Đức cha đáng kính đã từ trần. Với tuổi già 76, cộng với bệnh tật, một tháng rưỡi trong cũi đã làm Đức cha kiệt lực và an nghỉ ngày 12-7-1838.

Tuy nhiên quan vẫn quyết: “Cứ thi hành mọi sự như án đã đề ra, để mọi người biết tội y nặng nề dường nào”. Quân lính liền khiêng cũi có xác Đức cha ra pháp trường Bảy Mẫu, đưa thi thể ra ngoài rồi xử trảm.

Thi hài vị tử đạo được các tín hữu an táng tại một nhà thờ đã bị tàn phá ở Bùi Chu. Thủ cấp bị treo nơi công cộng ba ngày rồi bị ném xuống sông Vị Hoàng. Ba tháng sau một người đánh cá vớt được, đưa về an táng chung với thi hài của ngài.

Vị giám mục dòng thuyết giáo Ignacio Y được suy tôn lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

 

Cầu nguyện cho sứ vụ truyền giáo

 

Nếu trong giai đoạn chiến tranh, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cảm nghiệm nhiều về hình ảnh “người chết hai lần thịt da nát tan”; thì trong giai đoạn đạo Công Giáo bị bách hại gay gắt ở Việt Nam, cũng đã có những anh hùng tử đạo chết hai lần. Đức cha Clê-men-tê I-nha-xi-ô Y (Ignatius delgado) là một trong các trường hợp ấy. Với tuổi già 76, sau khi bị bắt, đức cha bị nhốt trong cũi một tháng rưỡi, ngài kiệt sức và chết rũ tù. Quân lính nghi ngờ lấy vải thấm dầu đốt vào các đầu ngón chân xem đức cha đã chết thật chưa. Rồi họ báo cho các quan biết đức cha đã chết, nhưng các quan vẫn cứ ra lệnh “thi hành án như đã đề ra”. Quân lính khiêng thi thể đức cha ra pháp trường rồi chém đầu, sau đó đầu của đức cha được treo nơi công cộng ba ngày, rồi bị ném xuống sông Vị Hoàng.

Đã có những vị tử đạo từ lúc bị bắt cho đến lúc bị chém đầu chỉ trong vòng một ngày. Đã có những vị tử đạo có hành trình truyền giáo gian khó kéo dài trong vài năm. Riêng đức cha Clê-men-tê I-nha-xi-ô Y, ngài đã có gần nửa thế kỷ hăng say truyền giáo tại Việt Nam và 43 năm giám mục. Cuộc đời thánh I-nha-xi-ô Y, gắn liền với giáo phận Đông Đàng Ngoài, nay là năm giáo phận Hải Phòng, Bùi Chu, Bắc Ninh, Lạng Sơn và Thái Bình. Hoạt động của ngài trải dài trên ba triều đại: thời Cảnh Thịnh, thời Gia Long và thời Minh Mạng.

I-nha-xi-ô Y Đê-ga-đô sinh ngày 23/11/1762 tại làng Villafeliche, tỉnh Saragozza, miền Aragon, Tây Ban Nha. Ngày kia, một người bạn rủ cậu đi tu Dòng Đa Minh, I-nha-xi-ô Y liền nhận lời. Cậu được vào nhà tập khi 18 tuổi và khấn năm 1781. Đang khi theo học tại Đại học Orihuela, Đê-ga-đô được biết việc truyền giáo của Dòng tại Đông Nam Á. Đê-ga-đô thấy lòng mình sôi sục ý muốn truyền giáo. Năm 1787, thầy Đê-ga-đô được thụ phong linh mục. Và năm 1790 cha mới đến được đất truyền giáo cùng với ba thừa sai khác.

Tuy mới tới Việt Nam, nhưng mọi người đã nghe đồn về tài năng và nhân đức của cha Del-ga-do. Các sử gia ghi nhận đức cha I-nha-xi-ô Y đã thích ứng được với miền truyền giáo ngay từ những ngày đầu, từ khí hậu, ngôn ngữ đến phong tục và những món ăn địa phương. Chỉ trong 10 năm, đã có hơn 10.000 người lớn xin rửa tội. Con số 114.000 tín hữu khi đức cha Y nhận quyền giáo phận, đã tăng lên 160.000 vào năm 1815, với gần 800 họ đạo.

Thời Minh Mạng, chiếu chỉ cấm đạo được thực hiện gắt gao. Đức cha Y đã 76 tuổi, được anh em tín hữu khiêng đi trốn đã bị lính nhận ra, đuổi theo và bắt tại chỗ. Họ trói đức cha nằm trong võng và cáng về đình làng.

Đức cha được đưa về phủ Xuân Trường, quan Lê Văn Thế truyền nhốt đức cha vào cũi gỗ. Không thể kể cho xiết những nỗi khốn cực đức cha phải chịu suốt 43 ngày bị giam trong cũi. Ăn uống thì thiếu thốn, rồi những buổi tra hỏi, những lời sỉ nhục chửi bới, có người còn nhổ nước miếng vào mặt. Sau những buổi hỏi cung, quân lính khiêng cũi ra bỏ ở cửa tây của thành. Mình ngài lúc nào cũng nhễ nhãi mồ hôi dưới sức nóng mặt trời, hoặc rét cóng vì sương đêm lạnh lẽo. Ngày 12/07/1838 đức cha đáng kính đã từ trần, sau 43 năm làm giám mục.

Hành trình truyền giáo của đức cha Del-ga-do Y đã cho chúng ta thêm sức mạnh dấn thân, và cho chúng ta tấm lòng biết lưu tâm đến bản chất truyền giáo của Hội Thánh. Công cuộc truyền giáo của Hội Thánh còn bao la, khó khăn còn đầy ắp, chúng ta cùng hiệp dâng lời nguyện xin:

Lạy Chúa Giê-su, con dâng lên Chúa bản thân và công việc của con. Những cố gắng của con và của bao nhà truyền giáo khác. Xin cho con hăng say truyền rao chân lý Chúa, xin cho con không bỏ cuộc, không co rúm trong sợ hãi nhưng biết mạo hiểm dấn thân.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho có nhiều bạn trẻ biết khát khao dâng hiến đời mình phục vụ cho việc mở mang nước Chúa. Xin cho các nhà truyền giáo, khi đứng trước những khó khăn, đối diện với thử thách, các ngài có được ơn sức mạnh để vượt qua gian nan bão tố trong cuộc đời; biết vui lòng đón nhận tất cả, luôn nỗ lực không mệt mỏi cho danh Chúa được loan truyền khắp nơi. Amen
 

[1]. Ngày 25-5-1838, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh bị giáng xuống làm tuần phủ và được phục hồi chức tổng đốc ngày 13-10-1838.


114.864864865135.135135135250