13/08/2024 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1172
Ngày 12/8 - Thánh Gia cô bê Đỗ Mai Năm
Ngày 12/8
Thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm
Linh mục (1781-1838)

I. Tiểu sử

 
Anh em nghỉ lại, tôi về quê trước,
nhưng mà sau này ta sẽ lại được gặp nhau.

 
Giacôbê Đỗ Mai Năm có tên trong sổ bộ của làng đời Tây Sơn là Mai Ngũ, sinh năm 1781, người làng Đông Biên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Cha được chịu chức linh mục năm ba mươi hai tuổi.

Từ bé, Giacôbê Năm đã sống trong Nhà chung
[1], sau đó được vào Chủng viện Kẻ Vĩnh (Vĩnh Trị), thời Đức giám mục Jacques Benjamin Longer - Gia. Khi làm thầy giảng, thầy Năm được cử ở lại giúp Chủng viện Kẻ Vĩnh. Ban ngày thầy coi sóc kẻ liệt, buổi tối thầy đi dạy trẻ con làng Kẻ Vĩnh. Làm thầy giảng được mấy năm thì bề trên gọi thầy học đại chủng viện, truyền chức linh mục cho thầy, cùng sai đi giúp các xứ đạo lúc thầy mới đến ba mươi hai tuổi.

Linh mục Giacôbê Năm là người hiền hòa, dễ mến. Cha năng đọc kinh lần hạt. Đặc biệt, cha Giacôbê Năm có lòng thương kẻ khó khăn, hay giúp đỡ người nghèo về cơm áo, thuốc men.

Vào khoảng giữa thời Minh Mạng, bề trên đem cậu Năm về Nhà chung Kẻ Vĩnh được hai ba năm thì có chỉ cấm đạo, bắt các đạo trưởng, triệt hạ các nhà thờ, nhà xứ. Bấy giờ Nhà chung Kẻ Vĩnh phải tản đi. Linh mục Năm ẩn trốn ở nhà ông trùm Tốn, họ Kẻ Nguồi ba bốn năm. Khi cơn cấm đạo đã nguôi, Nhà chung đã hồi lại, cha Năm lại về Kẻ Vĩnh.

Chẳng được bao lâu, các quan lại bắt đạo ngặt quá, cha Năm phải ẩn trong nhà ông trùm Đích ở làng Kẻ Vĩnh. Lúc ấy có kẻ tên Tỉ quê Đông Mặc và tên Xuân quê Tiểu Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, tố giác cha Năm với quan tổng đốc Nam Định tên là Trịnh Quang Khanh.

Sáng ngày 11-5-1838, quan tổng đốc đi thuyền đến bến Kẻ Vĩnh, lên ngồi ở đình làng, đòi mọi người từ mười tám tuổi trở lên phải đến tại đình trình diện. Quan bắt lý trưởng làm tờ cam kết, hễ bắt được đạo trưởng, cùng đồ đạo quốc cấm trong làng thì mình chịu tội.

Lúc ấy, linh mục Năm thắt lưng, xắn quần xắn áo định đi làm cơm cho quan cùng với người dân. Lính đến gần nhà ông trùm Đích gặp linh mục Năm, thấy người trắng trẻo, lại râu ria đẹp đẽ thì hỏi người rằng: “Ông là ai, có phải là linh mục chăng?” Cha Năm thưa rằng: “Tôi là người nhà này”. Bây giờ hai kẻ Tỉ và Xuân liền kêu lên rằng: “Đó chính là linh mục đang trú ở nhà ông trùm Đích đấy”. Cha Năm nói: “Phải, tôi là linh mục đây”. Lính xông tới bắt và trói người cùng ông trùm Đích đem nộp cho quan đang ngồi tại đình làng.

Khi đến trước mặt quan, cha cũng xưng mình là linh mục. Quan bảo rằng: “Triều đình nghiêm cấm đạo Giatô, sao chẳng về nhà làm ăn còn giảng đạo làm gì?”. Quan lại hỏi cha rằng: “Linh mục có bước qua thập giá chăng?”. Cha thưa rằng: “Bẩm ông lớn, chúng tôi không bước qua thập giá”. Quan hỏi cho qua chuyện rồi truyền đóng gông cha Năm cùng ông trùm Đích và lý trưởng, là con rể ông ấy, và xuống thuyền chài ra Nam Định. Khi cha Năm vừa đến Nam Định thì bị giam ngay. Hôm sau, các quan đòi cha ra và bắt bước qua thập giá, nhưng cha cương quyết không chịu.

Ngày 12-8-1838, cha Năm, ông trùm Đích và ông lý Mỹ bị chém đầu ở Bảy Mẫu. Ngày sau, khi đã bình yên, Nhà Chung dựng nhà mồ có treo câu đối:

 
Hoành hoành nghĩa khí quần giam Cụ
Lẫm lẫm trung thành vạn cổ sư
[2]
.

Linh mục Giacôbê Ðỗ Mai Năm được nâng lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Giảng làm sao sống như vậy
 
Đọc hạnh thánh Giacôbê Ðỗ Mai Năm linh mục tử đạo, tôi bắt gặp câu nói của cha mà tôi rất thích và hãnh diện đó làkhi cha được quan khuyến dụ bỏ đạo, cha Năm khẳng khái thưa: "Tôi là đạo trưởng" làm sao dám bỏ đạo hay đạp ảnh tượng tôi tôn kính được. Tôi vốn khuyên dạy người ta phải giữ đạo vững vàng, thà chết không bỏ đạo, thì tôi phải giữ lời tôi đã khuyên dạy kẻ khác chứ. Nếu đạo trưởng mà không dám chịu chết vì đạo thì còn ai chịu chết vì đạo nữa". Câu nói của cha làm tôi suy nghĩ thật nhiều về những người đang trong vai trò giáo dục.

Mới cách đây ít ngày thôi, cộng đồng xã hội bàn tán về chuyện sửa điểm thi trong kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Trung học Quốc gia ở Hà Giang. Không ít người đã cảm thấy phẫn nộ vì những nhà giáo dục mất chất rất gian lận này. Tôi tự hỏi, những nhà giáo gian lận sửa điểm như vậy thì họ giáo dục được ai? Khi con em họ làm điều sai trái, họ sẽ dạy chúng thế nào?  Những kẻ được nâng điểm kia rồi sau sẽ sống thế nào hay rồi cũng lại rơi vào vòng gian lận. Rồi đây, những thế hệ con em của họ rồi cũng sẽ gian lận, không thực lực, rồi chúng sẽ trở thành những kẻ ăn bám, tham nhũng, tư túi… Tôi đau lòng, và giờ đây tôi muốn gởi đến mọi người gương lành thánh của cha Giacôbê Đỗ Mai Năm người đã sống làm chứng cho chính lời giảng của mình.

Cha Giacôbê Đỗ Văn Năm còn gọi là Mai Ngũ, sinh năm 1781, tại làng Đông Biên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Cậu Ngũ vào nhà Đức Chúa Trời từ nhỏ, sau đó học tiếng Latinh ở chủng viện Vĩnh Trị. Khi thành thầy giảng thầy được ở lại giúp chủng viện. Sau đó ít năm, thầy được đi học thêm thần học và thụ phong linh mục năm 32 tuổi. Cha Năm đi giúp các xứ đạo đây đó, sau lại được về giúp chủng viện Vĩnh Trị.

Từ khi vua Minh Mạng cấm đạo toàn quốc, chủng viện bị giải tán, cha Năm phải đi ẩn trốn ở nhà các tín hữu. Cha ở nhà ông Trùm Tôn - họ Kẻ Nguồi - ba năm. Lần khác, cha ở ẩn tại nhà ông Trùm Đích làng Vĩnh Trị. Trong thời gian ẩn trú như thế, cha Năm đã sống rất hòa mình vui vẻ với mọi người. Cha hay kể truyện cho trẻ em hoặc cùng với các chủng sinh giúp việc cho chủ nhà. Cha chẳng bao giờ thấy phiền hà khi phải làm các việc nhỏ mọn. Đặc biệt, cha yêu thương săn sóc những người nghèo. Tất cả những gì nhận được, cha thường dành dụm cho họ.

Có người báo cáo với quan, làng Vĩnh Trị chứa chấp đạo trưởng. Quan cho lính đến vây làng, bắt được cha Năm cùng với ông Trùm Đích – người đã cho cha ở ẩn trong nhà ông, và con rể ông là ông Lý Mỹ. Cả ba vị đều bị tống giam vào ngục Nam Định.

Sau nhiều lần khuyên dụ, biết không làm cha đổi ý được, các quan không tra khảo gì thêm nữa. Họ để cho cha được dễ dàng đi lại, gặp gỡ các bạn tù. Nhờ đó cha an ủi, khuyên nhủ được người trong tù và ban các bí tích cho họ. Nhất là động viên ông Trùm Đích bị bắt cùng với cha, ông đã luống tuổi và rất sợ hãi khổ hình. Cha nói: "Nhờ ơn Chúa giúp sức thì các khổ hình đau đớn thế nào, chúng ta cũng chịu được". Cha còn nhắc đến gương thánh Laurensô tử đạo - bị nung trên giường sắt, mà vẫn vững tin đến cùng.

Án xử được châu phê. Ngày 22/8 cha Giacôbê Năm cùng với ông trùm Antôn Đích, ông Micae Lý Mỹ được phúc tử đạo tại pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định. Lúc đó, cha Giacôbê Năm được 77 tuổi, thi hành tác vụ linh mục được 25 năm. Cha được Chúa đưa về mừng Ngân Khánh linh mục trên Thiên Quốc. Thi hài ba vị tử đạo được đưa về an táng tại Vĩnh Trị. Sau được đưa về nhà chung ở xứ Kẻ Sở.

Ước gì khi chiêm ngắm thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm, các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ ý thức sống điều tốt để truyền dạy con cháu nên người tốt.

Lạy Chúa, con đang là các cô giáo thầy giáo trong các nhà trường, con đang là cha là mẹ trong các gia đình, là các vị lãnh đạo trong các cộng đoàn, trong các công ty… Con không thể dạy điều tốt khi con cố tình sai phạm, con cũng chẳng nói và muốn người khác làm điều ngay thẳng còn con thì lại không làm. Xin cho con ghi nhớ lời cha Giacôbê Đỗ Mai Năm: “Tôi vốn khuyên dạy người ta… thì tôi phải giữ lời tôi đã khuyên dạy kẻ khác chứ” để lời con dạy đem lại hoa trái dồi dào. Amen

 
[1].  Nhà Đức Chúa Trời: Nhà Chung, Tòa Giám Mục,…
[2]. Dịch nghĩa: Nghĩa khí, hiên ngang trong giam cầm, đó là Cụ. Oai nghiêm, trung thành nhiều năm mới có, đó là Thầy.
114.864864865135.135135135250