17/09/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1493
Ngày 17/9 - Thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu
Ngày 17/9
Thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu
Linh mục (1756 – 1798)


I. Tiểu sử

 
Thưa không, tôi là đạo trưởng. Tôi thà chết chớ không bỏ việc giảng đạo.

Thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu sinh năm 1756 tại làng Kim Long, huyện Phú Xuân (nay là Thừa Thiên, Tổng Giáo phận Huế). Thân phụ cậu là ông Nguyễn Văn Lương, một võ quan Công giáo phò Chúa Nguyễn, đã tử trận trong cuộc chiến với anh em nhà Tây Sơn. Mồ côi cha từ nhỏ, cậu Triệu sống với mẹ ở Thợ Đúc và gia nhập quân đội lúc 15 tuổi. Năm 1786, quân đội Tây Sơn tấn công tái chiếm kinh thành Phú Xuân. Cậu Triệu theo đội quân Chúa Trịnh Khải rút về Thăng Long.

Ba mươi tuổi đời, mười lăm năm binh nghiệp với biết bao thăng trầm, cậu Triệu giã từ quân ngũ xin dâng mình trong đời sống tu trì. Đức cha Emmanuel Obelar - Khâm nhận cậu vào Chủng viện Trung Linh. Sau sáu năm tu học, thầy Triệu  được Đức cha Feliciano Alonso - Phê truyền chức linh mục.

Đời vua Cảnh Thịnh (1792-1802), tình hình chính trị phức tạp. Quân đội chúa Nguyễn Ánh hùng cứ đất Gia Định, hằng năm mang quân hùng mạnh tiến ra tấn công Huế, có một số ít binh sĩ người Pháp trợ lực do Đức cha Pigneau de Béhain tuyển mộ.
Cuối năm 1797, vua Cảnh Thịnh bắt được lá thư của chúa Nguyễn Ánh gởi cho Đức cha Labartette ở Phú Xuân. Nhà vua nghi ngờ người có đạo tiếp tay cho giặc.

Ngày 07-8-1798, nhà vua ban hành chiếu chỉ lùng bắt, truy nã các thừa sai và đạo trưởng. Khi lùng xét Nhà phước Mến Thánh Giá Thợ Đúc, họ bắt được cha Triệu. Khi bị quân lính giải đi, nhìn thấy mẹ già khóc thương, cha dừng lại từ giã: “Thiên Chúa đã cho con vinh dự làm chứng cho Ngài, xin mẹ đừng khóc nữa. Mẹ hãy vui lòng vâng theo thánh ý Chúa”.

Sáng 17-9-1798, quan tra hỏi cha Triệu lần cuối: “Thầy có muốn bỏ nghề đạo trưởng và trở về quê làm ăn sinh sống không? Nếu chấp thuận, ta sẽ xin nhà vua ân xá”. Cha Triệu trả lời: “Thưa không. Tôi là đạo trưởng. Tôi thà chết chớ không bỏ việc giảng đạo”.

Mười giờ sáng, cha Triệu bị điệu ra pháp trường Bãi Dâu. Trời đúng ngọ, cha Triệu qùy gối cho lính thi hành án xử trảm. Giáo hữu rước thi hài vị chứng nhân đức tin về an táng trong nhà thờ họ Dương Sơn.

Ngày 21-7-1996, Đức Tổng Giám mục Huế, Stêphanô Nguyễn Như Thể, cho đưa hài cốt thánh nhân đến giáo xứ Thợ Đúc (quê mẹ, nơi ngài chịu phép rửa tội). Phần xương đầu của Ngài vẫn được lưu giữ tại nhà thờ giáo xứ Dương Sơn, Tổng Giáo phận Huế. 

Linh mục Emmanuel Nguyễn Văn Triệu được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Cầu cho các chiến binh - những người đang chiến đấu trong những cuộc chiến chính nghĩa


Những khi lòng hăng say dấn thân cho tình yêu, công lý, hòa bình như động cơ và mục đích của mọi cố gắng; những khi nét đẹp của đời sống tâm linh tỏa lan, giá trị của đời sống vĩnh hằng ngự trị là những lúc con người có thể vượt qua mọi nỗi sợ hãi vẫn thường xuất hiện, kể cả cái chết để sẵn sàng tham gia vào những cuộc chiến chính nghĩa.

Giờ đây, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm mẫu gương sống động của thánh tử đạo Emmanuel Nguyễn Văn Triệu. Nơi ngài, chúng ta vừa nhận thấy rõ hình ảnh người chiến sĩ nơi trần gian đầy lòng can đảm, vừa thấy sự hiên ngang của người chiến sĩ nơi quê trời. Ngang qua cuộc đời của ngài, chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho các chiến binh trên các chiến trường, cùng tất cả những ai đang hăng say tham gia vào những cuộc chiến chính nghĩa.

Thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu sinh năm 1756 tại phường Thợ Đúc, huyện Phú Xuân, Huế. Lớn lên trong một gia đình chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, cậu được hấp thụ những đức tính cần thiết của người cha là võ quan, nên dù cho người cha tử trận khi cậu Triệu còn thơ bé, cậu cũng sớm đưa ra được những quyết định hợp lí cho cuộc đời của mình. Quả vậy, theo bước cha đã một đời chiến đấu anh dũng, cậu xin gia nhập quân đội từ lúc 15 tuổi. Rồi sinh hoạt với nghiệp binh đao 15 năm.

Khúc quanh cuộc đời mở ra những lối rẽ mới vào chính lúc thời thế nhiễu nhương thay ngôi đổi chúa, khiến người chiến binh ấy dù vẫn hết lòng với quê hương đất nước nhưng lại quyết định dứt khoát với chốn quân ngũ để trở nên chiến binh của nước Trời.

Tiến bước trên con đường hăng say tập luyện nhân đức và chuyên cần học hỏi, năm 37 tuổi, thầy Emmanuel Nguyễn Văn Triệu được thụ phong linh mục. Cuộc bách hại đạo, truy lùng, bắt bớ các linh mục, các tín hữu ngày càng được đẩy mạnh nên đến ngày 07/8/1798, cha Triệu bị bắt cùng với một số giáo hữu.

Nếu như trước kia, chiến binh Triệu hăng say chiến đấu vì lòng trung quân ái quốc thì nay ngài lại càng chiến đấu hăng say hơn, vui vẻ hơn vì lòng kính mến Vua Trời và niềm khát khao hưởng hạnh phúc nơi thiên quốc. Bốn mươi ngày trong chốn ngục tù với biết bao lời dụ dỗ, đánh đập, tra tấn, nhục hình cũng không làm cha Triệu nản lòng để chối bỏ thiên chức linh mục. Trái lại, cha càng đi sâu vào mầu nhiệm đức tin để tin tưởng mãnh liệt hơn và để cảm nếm hương vị ngọt ngào nơi tình yêu thập giá. Ngày 17/9/1798 quan quân đến hỏi cha lần cuối: "Thầy có muốn bỏ nghề đạo trưởng trở về quê quán sinh sống không? Nếu thầy đồng ý, ta sẽ xin vua tha cho." Cha Triệu khẳng khái trả lời: "Thưa không, tôi là đạo trưởng, tôi thà chết chứ không bỏ giảng đạo." Thế là, cha bị điệu ra pháp trường và bị tử hình.

Cha Emmanuel Nguyễn Văn Triệu được Đức Lêo XIII tôn phong chân phước ngày 27/5/1900 và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn hiển thánh ngày 19/6/1988.

 Không kể đến những cuộc bạo động hay những cuộc chiến vì mục đích chính trị, kinh tế thì mọi người vẫn thường có ánh nhìn ưu ái dành cho những con người ngày đêm chiến đấu để dành lấy công lý và bình yên cho nhân loại. Ước mong cho tất cả những ai đang tham gia vào những cuộc chiến như thế có thể minh định một cách rõ ràng để sẵn sàng quảng đại đón nhận người khác bởi đã không lẫn lộn giữa con người và việc làm của con người. Liên quan đến điều này, Lev Tolstoy đã đưa ra một lưu ý cần thiết: “Hãy đấu tranh chống lại tội lỗi, nhưng hãy hòa bình với kẻ phạm tội. Hãy ghét điều xấu một người đã làm, nhưng đừng ghét con người đó.”
[1]

Cha Triệu đã bước vào tận sâu bên trong của cuộc chiến đấu chính nghĩa. Nơi đó, cha dám đánh đổi cả mạng sống để giữ vững tinh thần, kiên trung với lý tưởng.

Con đường truy tìm chân lý và lẽ sống không phải chỉ dành cho một số ít người. Như thánh Emmmanuel Triệu, mỗi chúng ta hãy bước vào trong các cuộc chiến đấu chính nghĩa, với ước mong dựng xây một thế giới bình yên, một Giáo hội tăng trưởng trong đức tin và hiệp nhất.

Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện cho các chiến sĩ ngoài chiến trường, xin cho họ can đảm hy sinh để bảo vệ bình yên cho đất nước. Bên cạnh đó, chúng con cũng đặc biệt cầu nguyện cho các chiến sĩ trong các trận chiến chính nghĩa vì Nước Trời, xin Chúa thêm sức và độ trì cho chúng con. Amen

[1] Lev Tolstoy, Suy niệm mỗi ngày, tr.278.
 
114.864864865135.135135135250