18/12/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1448
Ngày 18/12 - Thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ
Ngày 18/12
Thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ
Thầy giảng (1798-1838)


I. Tiểu sử

Nếu chúng ta đã cùng chết với Ðức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người.
(Rm 6, 8)

 
Thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ sinh năm 1798 tại làng Kẻ Non, còn gọi là Sơn Nga, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Cha mẹ cậu là những người ngoan đạo. Khi còn bé, Phaolô Mỹ có tên sổ bộ là Nguyễn Văn Hựu, tên gọi ở nhà là Hào.

Khi lên mười lăm tuổi cậu Mỹ được vào ở trong nhà xứ và được Đức cha đặt tên là Mỹ. Hai năm sau, cha Luật từ xứ Kẻ Đầm xin đem chú Mỹ về với mình để tập tành làm các việc trong nhà xứ. Cậu ở với cha Luật độ bốn năm thì vào tiểu chủng viện Vĩnh Trị học tiếng Latinh. Sau đó, cậu về giúp cha Nghiêm, linh mục thừa sai, rồi làm việc trong nhà chung cho đến khi Đức cha sai người lên xứ Bầu Nọ giúp cha Phan và cha Tân – hai linh mục thừa sai.

Những người đã quen biết thầy Mỹ đều khen ngợi và nể trọng thầy. Vì thầy chịu khó làm việc theo bậc của mình, giúp giáo hữu đón nhận các bí tích, khuyên bảo kẻ có tội ăn năn trở lại, mở lối cho những kẻ ngoại đạo được biết và theo đạo Thánh Đức Chúa Trời.

Khi quan vây làng Bầu Nọ có ý bắt cha Tân, họ bắt được thầy Mỹ, thầy Đường và chú Truật. Đến ngày 18-12-1838, các quan đưa thầy Mỹ đi xử giảo. Sau khi xử giảo, quan giao xác cho các giáo hữu chôn, rồi đi về tỉnh. Khi quân kéo về, các tín hữu lấy xác ra bỏ vào chiếu đem về làng Kẻ Máy, Cao Mại. Vài năm sau, người ta đem hài cốt thầy Phaolô Mỹ về quê nhà Kẻ Non.

Thầy giảng Phao lô Nguyễn Văn Mỹ được suy tôn chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Cầu cho các anh chị em giáo lý viên
 
Ngày 27/10/2018, Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ đã kết thúc. Một trong ba điểm mà văn kiện cuối cùng của Thượng Hội đồng nhấn mạnh đólà: vai trò của những người trong công tác đồng hành, giáo dục người trẻ nơi trường học hay giáo xứ - vai trò của những giáo lý viên làm công tác giáo dục đức tin. Thượng Hội đồng thực sự nhìn nhận rằng, anh chị em giáo lý viên đã hỗ trợ các giám mục và linh mục rất nhiều trong công tác mục vụ.

Điều mà tưởng chừng như là một điều rất mới và thức thời, thì đó lại là điều mà Giáo hội Việt Nam chúng ta ngay từ những ngày đầu lãnh nhận hồng ân đức tin đã có. Điều ấy còn rất đẹp và rất đáng tự hào vì những thầy giảng – như những giáo lý viên của buổi ban sơ đã truyền một đức tin đầy lửa yêu mến bằng chính đời sống và bằng máu tử đạo kiêu hùng của mình. Cuộc đời thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ là một minh chứng cụ thể về điều này.

Thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ chào đời năm 1798 ở làng Kẻ Non, huyệnThanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Tên thật của ngài là Nguyễn Văn Hữu. Ngài đã được phúc tử đạo ngày 18/12/1838 tại Sơn Tây dưới đời vua Minh Mạng. Dường như ơn gọi mà Chúa trao riêng cho ngài là đó là phụ giúp các giám mục và linh mục trong việc dạy giáo lý truyền giảng đức tin. Cuộc cấm đạo càng gắt gao thì con đường phục vụ của ngài càng sinh động và lửa nhiệt thành của ngài càng rực sáng.

Chợt dừng lại để nhận ra hình ảnh của thầy Mỹ hiện lên thật đẹp trong một xứ đạo ở cả thời bình cũng như thời bắt bớ. Vai trò của thầy Mỹ đã không chỉ là thầy giảng về giáo lý bằng lời, nhưng còn là chứng nhân bằng đời sống đạo đức tốt lành và hơn thế nữa là bằng máu tử đạo cho niềm tin yêu vào Đức Kitô. Thiết nghĩ, tên của thầy sẽ vẫn còn lưu truyền cho thế hệ con cháu nước Việt muôn đời về chứng nhân đức tin, và có lẽ, mẫu gương thầy giảng ấy sẽ luôn mới và luôn hợp thời cho tất cả những anh chị em trong công tác mục vụ nơi các giáo xứ, trong thời đại chúng ta hôm nay. Bởi lẽ, ngày hôm nay sự bắt bớ đạo không phải đã chấm dứt mà còn bị mặc lấy bởi rất nhiều hình thức và phương diện khác nhau.Niềm tin của người Kitô vẫn bị đặt trong những thách đố, gian truân. Và ngày hôm nay, những người trẻ đang bị chìm ngập trong một thế giới của chủ nghĩa vô thần, của lối sống hưởng thụ vật chất, của sự nhập nhằng không ranh giới giữa sự thật và sự giả dối. Một cái nhìn về đời sống thực ấy dẫn chúng ta đi đến sự nhìn nhận rằng: Trong cánh đồng đức tin, dưới muôn ngàn cạm bẫy và thử thách của thời đại, các vị chủ chăn rất cần đến những người hỗ trợ các ngài trong sứ mệnh bảo vệ, dẫn dắt đoàn chiên Chúa; và chính những chiên con non trẻ, hơn bao giờ hết cần đến lời giảng chân thật, đời sống chứng tá và lòng nhiệt tâm truyền lửa tin yêu của những người Giáo lý viên những người đang cùng chung chia niềm tin với họ.

Đọc lại mẫu gương Thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ- thầy giảng được phúc tử vì đạo, chúng ta không chỉ tự hào về máu chứng niềm tin kiêu hùng của ngài; mà hơn thế nữa, trong suy tư, trăn trở về việc sống đức tin trong chính thời đại mình, chúng ta như được mời gọi để cùng với thánh nhân tha thiết dâng lên Chúa lời cầu nguyện cho từng anh chị em Kitô chúng ta và cách riêng là cho các anh chị em đang trong sứ vụ giáo dục giáo lý đức tin.

Lạy Chúa, chúng con dâng lên Chúa lời tạ ơn vì hồng ân đức tin chúng con được lãnh nhận. Chúng con cảm tạ Chúa vì bàn tay yêu thương của Chúa vẫn đang tiếp tục nuôi dưỡng, vun trồng và chăm sóc cho hạt giống đức tin nơi tâm hồn chúng con được lớn lên mỗi ngày, qua các vị chủ chăn và đặc biệt là qua sự hỗ trợ âm thầm nhiệt tâm của những giáo lý viên luôn quảng đại phục vụ.

Xin Chúa qua lời chuyển cầu của thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, ban cho những người tôi tớ nhiệt thành của Chúa luôn cháy lên lửa mến tin yêu, để không ngại dấn thân phục vụ Lời; và nguyện xin Chúa cho những biến cố và thách đố của thời đại trở nên chất xúc tác giúp người tôi tớ Chúa can đảm làm chứng tá và mạnh dạn rao giảng bằng chính đời sống đạo đức, thánh thiện và chân thực. Amen
114.864864865135.135135135250