20/09/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

942
Ngày 20/9 - Thánh Gioan Charles Cornay Tân
Ngày 20/9
Thánh Gioan Charles Cornay-Tân
Linh mục thừa sai Pari (1809-1837)

I. Tiểu sử

 
Ví bằng không có thể lãnh nhận phép Giải tội được
thì tôi trông cậy rằng: Đức Bà sẽ liệu cho tôi được ăn năn tội cho trọn
còn phép Xức dầu thì sẽ được thay thế bằng lát gươm nơi pháp trường.

 

Thánh Jean Charles Cornay sinh ngày 28-02-1809 tại thành Loudun, tỉnh Vienne, nước Pháp. Cha mẹ là người giàu sang và có lòng đạo đức. Cậu Jean Cornay vào tiểu chủng viện ở Montmorillon, tỉnh Vienne trong vùng Nouvelle-Aquytaine, nước Pháp. Sau đó cậu vào Đại chủng viện Hội Thừa Sai Paris (MEP).

Khi thầy Jean Cornay chịu chức phó tế, bề trên sai người đi giảng đạo ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa. Nhưng quan quân tỉnh Tứ Xuyên canh giữ ngặt quá, không cho các thừa sai vào, nên bề trên đã bảo thầy Jean Cornay qua nước Đại Nam cho dễ đi qua Tứ Xuyên. Thầy Jean Cornay đến nước Đại Nam cùng lượt với Đức cha Liêu và hai linh mục thừa sai khác. Thế nhưng có sự cố khiến thầy Jean Cornay không đi Tứ Xuyên được. Thầy vào Nam có ý gặp Đức cha Du và chịu chức linh mục, sau đó giáo dân gọi người theo tên Việt là Cố
[1] Tân.

Linh mục Jean Cornay là người hiền lành thật thà, khiêm nhường, chẳng mất lòng người nào, ai ai cũng quý phục.

Trong làng Bầu Nọ, Nộ Lực có tướng cướp tên là Đúc
[2], bị giáo dân bắt nộp cho quan và bị giam ở Sơn Tây. Khi được tha, để trả thù, tên Đúc chôn súng gần nhà xứ rồi báo quan rằng có linh mục người Tây ở làng, có cả vũ khí và thường đi lại với giặc Pháp.

Quan liền đem 1.500 lính để bắt linh mục Cornay - Tân. Quan sai đóng gông cha Tân và bắt trói bốn mươi người có mặt ở đấy. Khi cha Tân vào công đường, có ba quan lớn ngồi tra hỏi. Khởi đầu, quan hỏi cha đã đến Đại Nam được mấy năm, lúc sang đi tàu Tây hay tàu khách, đã trú nhà ai, địa phận mình rộng bao nhiêu... Khi quan hỏi: “Sao thầy ở nước Tây sang chiếm lấy nước này?”, cha Tân thưa rằng: “Tôi chỉ sang giảng đạo mà thôi”.

Khi vua Minh Mạng nhận được án từ các quan tỉnh Sơn Tây thì đã khép cho linh mục Tân án xử lăng trì như là một tướng giặc Pháp, cho dù cha Tân không nhận thông gian với giặc Pháp.

Khi biết tin mình đã có án xử lăng trì, cha Tân viết thư cho cha Phan – linh mục thừa sai: “Tôi đã mừng rỡ vì những lời tôi đã được nghe thấy. Tôi sẽ được vào nhà Đức Chúa Trời… Tôi ao ước được xưng tội lắm, Cha có liệu cho tôi được ăn mày phép Giải tội không? Mà ví bằng không có thể được… thì tôi trông cậy rằng: Đức Bà sẽ liệu cho tôi được ăn năn tội cho trọn, còn phép Xức dầu thì sẽ được thay thế bằng lát gươm nơi pháp trường”.

Ngày 20-9-1837, cha Tân bị điệu ra pháp trường Năm Mẫu. Lính mang thẻ án viết như sau: “Tên Tân, tiếng Tây quen gọi là Jean Charles Cornay, là người ở thành Loudun, trong nước Pháp, bị tội vì là trưởng đạo và là tướng giặc. Vua ra án truyền cho nó phải xử lăng trì, bêu đầu ba ngày rồi bỏ xuống sông. Án này làm gương cho hết mọi người biết mà sợ”.

Về sau, thân thể thánh nhân được hợp lại với nhau và được chôn tại nhà dòng Mến Thánh Giá Chiếu Ứng.

Linh mục thừa sai Jean Cornay - Tân được nâng lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Cầu nguyện cho những thanh niên sống xa nhà

Xác định cho mình một mục tiêu sống đúng nghĩa, chọn lựa cho mình một lý tưởng sống cao đẹp, chắc hẳn đó là điều mà rất nhiều người trong chúng ta mong muốn và hướng đến. Có lẽ, những giá trị sống ấy sẽ bùng cháy một cách mãnh liệt hơn nơi những người trẻ - vốn là những người đang căng tràn sức sống và trào tuôn hy vọng. Dù vậy, những khát mong của người trẻ sẽ được chắp cánh nếu như ở đó, những người trẻ cảm nhận được sự đồng hành của mẹ cha và những người thân yêu.

Giờ đây, khi cùng nhau chiêm ngắm thánh linh mục tử đạo, thừa sai trẻ Gioan Charles Cornay Tân, chúng ta cầu nguyện cho các bạn trẻ đang ở xa gia đình, xa quê hương,… vừa luôn biết nuôi dưỡng, thao thức trăn trở với việc thực hiện ước mơ với sự dấn thân phục vụ nhân loại, vừa biết hướng về mẹ cha như nguồn nâng đỡ, nguồn động lực, như điểm tựa thân thương cho những quyết định và mục đích của cuộc đời.

Thánh Gioan Charles Cornay Tân sinh năm 1809 (tại Loudun (Poitiers),) quốc tịch Pháp. Ngài tìm đến với ơn gọi và tiến bước theo Chúa cách đặc biệt khi còn rất trẻ. Khi lãnh chức phó tế, thầy xin đi giảng đạo ở vùng Viễn Đông và đến Việt Nam. Năm 27 tuổi (20/4/1836), thầy Tân được lãnh nhận thiên chức linh mục và xin phép được ở lại Việt Nam, dù lúc ấy cha bị bệnh dịch tả rất nặng. Đất khách quê người nay trở thành quê hương thứ hai, dù bệnh nặng và dù phải chết, cha Tân cũng nhất mực gắn bó với vùng đất này. Người mục tử ngoại quốc cứ mãi hăng say truyền giảng đạo lý chân thật nhưng lại bị vu oan tội cất giấu vũ khí và nổi loạn chống lại nhà vua. Bị bắt, bị tống giam, bị hành hạ với đủ loại nhục hình tàn bạo để ép buộc cha nhận tội phản loạn, để ép buộc cha đạp lên Thánh Giá chối bỏ niềm tin.Nhưng, vị thừa sai trẻ tuổi không một lời kêu trách mà luôn vui tươi hát lên những khúc thánh ca và ôm hôn Thánh Giá với lòng cung kính.

Bản án lăng trì ngày 20/9/1837 là hậu kết của vị linh mục trẻ dám hy sinh quên mình, dám đón nhận cái chết để giữ vững lý tưởng và niềm tin vào Thiên Chúa. Những ngày trước khi bị hành hình, với lòng hiếu thảo, người con xa xứ hướng về mẹ cha và nhắn gửi những lời thân thương: "Cha mẹ yêu quý, đừng buồn về cái chết của con. Đó không phải là ngày than khóc, mà là ngày vui mừng. Xin hãy nghĩ rằng sau những đau khổ ngắn ngủi con chịu thì con sẽ luôn nhớ đến cha mẹ trên Trời cao. Xin nhận nơi đây tấm lòng thảo hiếu của con. Cornay".

Đứng trước những chọn lựa cho tương lai của chính mình, nhất là khi không ở gần gia đình; có lẽ cả bạn và tôi - chúng ta đều cần đến những lời khuyên, những lời góp ý, động viên, khích lệ từ người thân. Thế nhưng, những điều ta muốn và ta cần vẫn có thể được giải đáp bằng sự im lặng, hoặc có thể là sự phản đối, hoặc ta nhận được những điều không như mong đợi của ta. Chính vì thế mà Lev Tolstoy đã nhận định: “Nhiều người, nhất là những người trẻ, thích nói rằng họ hoàn toàn cô độc và không ai yêu họ.” Tuy nhiên, triết gia này đã không dừng lại ở đó mà lại thêm: “Ngay khi họ có thể hiểu rằng, giữa chúng ta và kẻ khác có một tính nhất thể tâm linh, thì họ sẽ có một cảm nhận về niềm vui không ngớt.”
[3]

Đôi khi tình thương của cha mẹ dành cho chúng ta không được tỏ lộ, không được diễn tả một cách minh nhiên, rõ ràng và khéo léo. Vì vậy, hãy ý thức niềm hạnh phúc này từ nơi thâm sâu cõi lòng. Hãy luôn ghi nhớ không phải hết mọi người trên trần thế đều có được những phút giây và những trải nghiệm riêng thật tuyệt vời bên mẹ cha. Là con cái, chúng ta hãy lấy lòng kính trọng, biết ơn để cảm thông yêu thương, để không điều gì có thể phá vỡ sự hài hòa giữa các thế hệ trong cuộc sống.

Lạy Chúa, nếu như thánh tử đạo Gioan Charles Cornay Tân đã hoàn trọn con đường theo sát vị Mục Tử Tối Cao nhờ nguồn động lực từ phía mẹ cha, thì ước gì chúng con và các bạn trẻ cũng biết tìm đến với nguồn nâng đỡ ấy dù chúng con đang ở bất cứ nơi đâu. Nhờ đó, chúng con luôn ý thức vai trò chứng tá Phúc Âm giữa lòng thế giới. Xin đừng để cho sự xa cách về không gian địa lý tạo ra những khoảng cách khiến chúng con và cha mẹ như trở nên xa lạ với nhau. Amen.
 
[1]. Cố: từ xưng hô với linh mục thừa sai.
[2]. Một số tài liệu ghi tên là Đức, nhưng trong tài liệu bản Nôm thì tên đúng là Đúc (𨯹).
[3] Lev Tolstoy, Suy niệm mỗi ngày, tr.199.
 
114.864864865135.135135135250