21/12/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

2509
Ngày 21/12 - Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc
Ngày 21/12
Thánh Anrê Trần An Dũng (Lạc)
Linh mục (1795 - 1839)

I. Tiểu sử

 
Tôi bị bắt lần này là lần thứ ba,
thì quyết vâng ý Đức Chúa Trời định cho tôi làm vậy, đừng chuộc tôi làm gì.


Thánh Anrê Trần An Dũng sinh năm 1795 tại thị trấn Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Khi cha mẹ vào Kẻ Chợ[1], cậu Trần An Dũng cũng đi theo và xin vào đạo. Cậu ở nhà xứ với Cố[2] Chính Lan, bề trên Tiểu chủng viện Kẻ Vĩnh.

Anrê Trần An Dũng sáng dạ cách lạ lùng, xem từ gì hai lần liền thuộc. Người thông chữ Nho và tiếng Latinh. Tính người hòa nhã vui vẻ cùng lịch sự phần đời, cho nên các thông lại và những người chữ nghĩa cùng nể trọng. Người học chủng viện ba năm, rồi chịu chức linh mục vào ngày 15-3-1823.

Người được cử về giúp cha Khiết ở xứ Đồng Chuối bốn tháng, rồi giúp cha Thi ba năm, sau giúp cha Duyệt ở xứ Sơn Miêng. Đức cha Du sai cha Anrê Trần An Dũng làm chính xứ trong Thanh độ ba bốn tháng, rồi làm chính xứ Kẻ Đầm. Bấy giờ cha Anrê Trần An Dũng đã ngoài bốn mươi tuổi.
Cha Anrê Trần An Dũng giảng rất sốt sắng, việc phần đời phân xử rạch ròi. Cha cư xử nhẹ nhàng nên bổn đạo ai cũng vâng phục. Cha ăn mặc đơn sơ, giữ chay trọn mùa chay cùng các ngày quy định ăn chay trong năm.

Dù đang lúc bị bắt đạo, cha vẫn năng hỏi thăm và giúp đỡ những người nghèo. Khi được đón đi giúp kẻ liệt, cha không cho đầy tớ theo sợ họ bị quan lính bắt. Cha thường sai các thầy đi lại các họ đạo, giục người ta đến gặp cha để xưng tội.

Cha Anrê Trần An Dũng lập nhà xứ trong làng Kẻ Sui được bảy tám tháng thì bị bắt giải lên quan phủ. Bấy giờ, tổng Thìn đưa sáu nén bạc cho quan huyện Hào Khánh ở Đôn Thư, cùng cậy liệu việc với quan phủ cho cha khỏi bị án. Ông huyện ăn bốn nén, đút lót cho quan phủ hai nén mà thôi, cùng thưa rằng: “Cậu tôi về xem lễ ở Kẻ Sui và quan bắt thì xin tha cho cậu tôi”. Ông huyện nói với quan phủ rằng cha là cậu ông ấy, cho nên quan phủ tha cho cha về. Nhân vì sự ấy, cha Anrê Trần An Dũng phải cải tên là Lạc.

Về sau, cha Dũng Lạc bị lý Pháp cùng bốn đầy tớ bắt làm một với cha Thi khi hai cha đến xưng tội với nhau. Giáo hữu lo tiền để chuộc nhưng hai cha bị quan huyện bắt lại vào ngày 10-10-1839.

Có giáo hữu định cầm cố cả cơ nghiệp lấy tiền mà chuộc hai cha và viết thư cho cha Lạc rằng: “Lạy cha! Cha chịu tử vì đạo thì được một mình Cha lên Thiên Đàng, nhưng nếu Cha còn ở lại thì bổn đạo chúng con được nhờ, xin Cha nghĩ lại”. Người nhà quan cũng đã nói rằng: “Hễ khi có tiền, thì chúng tôi bỏ người vào võng mà võng ra”. Thế nhưng, cha Lạc cấm và nói: “Tôi bị bắt lần này là lần thứ ba, thì quyết vâng ý Đức Chúa Trời định cho tôi làm vậy, đừng chuộc tôi làm gì”.

Qua ba ngày, quan huyện giải hai cha lên Kẻ Chợ. Đến tỉnh, hai cha bị tra hỏi ba lần. Khi quan án bảo bước qua thập giá để quan tha, các cha cương quyết chẳng chịu. Hai cha biết chắc mình sẽ bị xử quyết, thì hằng đọc kinh cầu nguyện dọn mình. Cha Lạc yên ủi Cha Thi rằng: “Ta hãy chịu khó ít nữa để ta được gặp Cha Cả”.

Ngày 01-11-1839, ông tổng Thìn dẫn cha Trân đưa Mình Thánh vào cho hai cha. Ngày 21-12-1839, hai cha bị đưa ra bãi ngoài cửa ô Cầu Giấy. Cha Lạc thưa với quân lý hình: “Quan sai các ông thì các ông cứ việc, tôi xin các ông thong thả cho tôi một chốc”.

Cha Lạc chắp tay cầu nguyện một ít lâu rồi cùng chịu xử trảm với cha Thi. Các tín hữu rước thi hài hai đấng tử đạo về an táng tại nhà bà Lý Quý, gần Cầu Giấy, sau đó chuyển về nhà thờ Hà Nội và được lưu giữ cho đến ngày nay.

Linh mục Anrê Trần An Dũng Lạc được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 
[1]. Kẻ Chợ: thành phố lớn, nay là Hà Nội.
[2]. Cố: cách xưng hô với linh mục thừa sai.
 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Vinh phúc lớn lao
 
Kể từ sau ngày 19/6/1988, lịch phụng vụ Giáo hội hằng năm ghi ngày 24/11 lễ nhớ “thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo Việt Nam.[1]  Đã có lần, nhiều người trong chúng ta có lẽ cũng đã thắc mắc: tại sao thánh Anrê Dũng Lạc lại được đứng đầu danh sách các anh hùng tử đạo tại Việt Nam, được đại diện cho 117 vị tử đạo để ghi tên ngày lễ như vậy?

Một trong những lý do để ta có câu trả lời đó là:Trongcông thức tuyên thánh cho 117 vị ngày 19/6/1988
[2] Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, để phát huy đức tin Công giáo và củng cố đời sống Kitô hữu, với quyền lực của Chúa Giêsu Kitô - Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô - Phaolô và của riêng tôi[3], sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa, sau khi đã tham khảo ý kiến của nhiều chư huynh giám mục, tôi quyết định tuyên bố: Các chân phước Anrê Dũng Lạc, linh mục; Tôma Thiện và Emmanuel Lê Phụng, giáo dân; Girôlamô Hêrmosilla và Valentinô Bêrriô Ôchoa, hai Giám mục Dòng Đa Minh và 6 giám mục khác; Têôphan Vénard, linh mục Hội Thừa sai Paris và 105 bạn tử đạo Việt Nam, là những vị thánh và các ngài được liệt kê vào sổ các thánh. Tôi cũng quyết định rằng giáo hữu trong toàn thể Giáo hội sốt sắng mừng kính các ngài như các Thánh Tử Đạo. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.”

Tưởng cũng nên biết thêm rằng, trong những lần phong chân phước trước đây thứ tự danh sách luôn là giám mục (Tây ban nha hoặc Pháp), rồi đến các linh mục rồi đến giáo dân. Lần phong thánh này vì muốn làm nổi bật các thánh Việt Nam, cho nên đứng đầu danh sách là một linh mục, một chủng sinh và một giáo dân người Việt Nam.

Lý do thứ hai minh họa cho câu trả lời đó là: Trong bài giảng ngày lễ phong thánh,Đức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã lấy một mẫu gương cụ thể về các thánh tử đạo người Việt Nam, ngài nói: “Trong các vị Tử Đạo hôm nay, đi tiền phong có thánh Vinh Sơn Liêm, Dòng Đa Minh là người Việt tử đạo đầu tiên năm 1773, rồi tới linh mục Anrê Dũng Lạc.Anrê Dũng Lạc sinh trưởng trong một gia đình rất nghèo bên lương, từ nhỏ đã phải “bán” cho một thầy giảng dạy giáo lý, nhưng rồi Chúa cho tới chức linh mục năm 1823. Ngài được bổ nhiệm chính xứ và đương nhiên thành nhà truyền đạo trong nhiều địa hạt. Nhiều lần ngài đã bị lao tù, nhưng vẫn được giáo dân tốt lành đem tiền chuộc về, trong khi bản thân ngài mong được chết vì đức tin. Ngài nói: ‘Những người chếtvì đạo thì được lên Thiên đàng ngay. Tại sao chúng tôi cứ phải ẩn náu, phải tốn tiền đút lót cho quan quyền: thà để cho chúng tôi bị bắt và rồi tử đạo có hơn không?’Ngài, vẫn một ý chí hăng say và được ơn Chúa nâng đỡ, ngài đã anh dũng chịu trảm quyết tại Hà Nội ngày 21/12/1839.”

Lý do thứ ba minh họa cho câu trả lời đó là: cuộc đời thánh thiện tuyệt vời của thánh Anrê Trần An Dũng Lạc.Ngài sinh năm 1795, ở Bắc Ninh. Tên thật là Anrê Trần An Dũng. Sau lần bị bắt đầu tiên năm 1835, ngài được tha về và đổi tên thành Lạc để chuyển sang vùng khác tiếp tục giảng đạo. Ngài là một nhà truyền giáo kiên trì không biết mệt mỏi bằng lời nói và việc làm. Ngài sống rất mẫu mực trong đời tu, siêng năng ăn chay hãm mình. Ngài hết lòng yêu thương phục vụ người nghèo. Ngài nhiệt thành trong sứ vụ linh mục và được mọi người quý mến. Các lần bị bắt, giáo dân đều đem tiền để chuộc ngài về. Lần bị bắt sau cùng, thấy không thuyết phục được ngài bỏ đạo – chối Chúa, quan quân đưa ngài về giam tại nhà tù Hà Nội. Giáo dân đi theo tiễn đưa khóc lóc, cha Lạc nói: “Chúng tôi cám ơn anh chị em, anh chị em hãy về nhà và sốt sắng làm tôi thờ phượng Chúa cũng như là chúng tôi còn ở giữa anh chị em.”

Tại trại giam ở Hà Nội, quan bắt cha bước qua Thánh Giá. Cha từ chối, quan cho lính khiêng cha qua, cha đã co chân lên rất cao và nói với họ: “Hãy chặt bớt chân ta đi, ta rất bằng lòng chứ đừng hòng trông ta chối đạo.”Cha Anrê Trần An Dũng Lạc đã được Chúa ban ơn trợ lực, ngài trung thành đến hơi thở cuối cùng.

Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của thánh Anrê Trần An Dũng Lạc, xin Chúa cho chúng con hồng ân đức tin, để chúng con trung thành theo Chúa đến trọn đời. Amen

[1] Tiểu sử tham khảo vncatholic.org.
[2] Bản dịch tiếng Việt của  Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ.
[3] Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
114.864864865135.135135135250