21/09/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1774
Ngày 21/9 - Thánh Tôma Trần Văn Thiện
Ngày 21/9
Thánh Tôma Trần Văn Thiện
Chủng sinh (1820 – 1838)


I. Tiểu sử

 
Tôi chỉ mong chức quyền trên trời,
chứ không màng đến chức quyền thế gian.

 
Thánh Tôma Trần Văn Thiện sinh năm 1820 tại làng Trung Quán, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình đạo hạnh. Lên chín tuổi, chú Thiện được học chữ Nho, học giáo lý và giúp lễ tại họ đạo Mỹ Hương. Chú Thiện tỏ ra rất thông minh, được gửi học Latinh với cha Chỉnh tại họ Kẻ Sen. Nhờ có tính tình tốt và trí thông minh, năm 18 tuổi (1838), chú Thiện được cha giám đốc Candalh Kim gọi về chủng viện Di Loan, Quảng Trị.

Chú Thiện và người chị cả hối hả lên đường, nhưng khi đến Di Loan thì gặp quan quân đang vây làng bắt tây dương đạo trưởng nhưng không tìm thấy. Quan hạ lệnh bắt một số giáo hữu, trong số đó có chú Thiện và điệu về công đường Quảng Trị. Quan tỉnh nghe nói chú là chủng sinh của cha Kim nên truyền tra hỏi cặn kẽ để biết cha trốn ở đâu, rồi khuyên chú bỏ đạo nếu không muốn chết.

Thấy chú còn trẻ lại khôi ngô, quan bảo nếu chú bỏ đạo thì chẳng những tha mà còn nhận làm con rể và ban cho địa vị. Nhưng chú từ chối: “Tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng đến chức quyền thế gian”.

Trong tù ngục, khi chứng kiến nhiều kẻ chối đạo, chú Thiện tăng cường ăn chay và cầu nguyện cho những kẻ chối đạo để họ sớm ăn năn thống hối. Đặc biệt, trong lao tù, nhờ bị đóng gông và giam chung với cha Jaccard - Phan, chú hân hoan đón nhận những lời dạy bảo và khuyên nhủ của cha nên lao tù trở thành chủng viện cho chú.

Ngày 17-9-1838, vua Minh Mạng châu phê bản án truyền xử giảo chủng sinh Thiện và thừa sai Jaccard - Phan. Án lệnh được thi hành ngày 21-9-1838 tại pháp trường Nhan Biều, bên dòng sông Thạch Hãn, ngoài cổ thành Quảng Trị.

Chú Thiện dọn mình và xin cha Jaccard - Phan giải tội lần cuối cùng. Hai chứng nhân đức tin âm thầm quỳ xuống cầu nguyện trên hai chiếc chiếu đã dọn sẵn. Binh lính đến tháo gông khỏi cổ, thay vào bằng sợi dây thật dài và thi hành án xử giảo.

Chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện đã dâng hiến trọn vẹn tuổi đời thanh xuân cho Thiên Chúa tình yêu. Thi hài của ngài được an táng tại chính đất pháp trường Nhan Biều. Năm 1847, toàn bộ hài cốt được đưa về trang trọng cung kính tại Nhà nguyện của Hội Thừa Sai Paris. Tại nơi xử các ngài, Nhan Biều, vào năm 2012, Giáo phận đã xây một đền thờ để tôn kính cha Jaccard Phan và thầy Tôma Thiện.

Chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện được suy tôn lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Cầu cho các ứng sinh vững tin trước những quyết định


Hiện nay, ơn gọi dâng hiến cuộc đời phụng sự Chúa trong nếp sống tu trì ngày càng hiếm. Các bạn trẻ đã chọn nhiều hướng đi khác của cuộc đời. Số ít còn lại dâng mình cho Chúa thì dễ bị rơi vào nhiều những cám dỗ ngọt ngào, dễ bỏ cuộc. Mẫu gương thánh Tôma Trần Văn Thiện kiên vững trong đức tin và trong ơn gọi giữa tuổi đời 18, đáng cho các ứng sinh đang tìm hiểu ơn gọi noi theo.

Tôma Trần Văn Thiện, sinh năm 1820 trong một gia đình đạo hạnh làng Trung Quán, tỉnh Quảng Bình. Vì cậu có người dì ruột là nữ tu nên ngay từ nhỏ cậu đã được khơi dậy ý hướng dâng mình cho Chúa. Lên tám lên chín tuổi, cậu bắt đầu học chữ Nho. Cậu rất thông minh bền chí nên tiến bộ rất nhanh. Cậu thường theo dì đi lễ, các cha thấy cậu khôi ngô thánh thiện nên đều gợi ý cho cậu chọn ơn gọi tu trì.

Nhờ tính tình tốt lành và trí thông minh, năm 18 tuổi (1838), Thiện được cha giám đốc Candalh Kim gọi vào chủng viện Di Loan, Quảng Trị. Nghe tin, cậu được người chị ruột tên là Sao tháp tùng cậu đi chủng viện; mặc dù người ta đã nói cho biết là cha bề trên Candalh Kim đã phải trốn vì quân lính đang lùng bắt. Tuy nhiên, cậu vẫn cương quyết đi.

Cậu vừa đến chủng viện thì hai ngày sau quân lính bao vây làng Di Loan lục soát từng nhà. Không tìm thấy cha Kim, nên chúng truyền tra hỏi cặn kẽ để biết cha Bề trên trốn ở đâu. Không tìm được cha bề trên quan quay qua khuyên cậu chối đạo, nếu không sẽ giết chết. Cậu trả lời: "Đạo dạy tôi thờ Thiên Chúa là đạo thật, tôi sẵn sàng chịu chết chứ không bỏ đạo."

Quan tỏ ra khoan nhượng khuyên dụ cậu Thiện nhiều lần: nào là tuổi cậu còn nhỏ, tương lai cậu còn nhiều triển vọng, nào là sẽ cho cậu thăng quan tiến chức nếu cậu bỏ đạo. Hơn thế nữa, quan còn muốn nhận cậu làm con rể của mình, và sẽ đứng ra lo liệu cưới xin. Nhưng, cậu Thiện đã từ chối: "Tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng đến quyền chức trần thế.”

Chàng trai Tôma Trần Văn Thiện có dáng vóc thư sinh nhưng chí khí thật kiên cường, khiến quan phải ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên đến tức giận, quan truyền đánh chàng 40 roi đòn, vị chứng nhân không lay chuyển, vẫn gan dạ mỉm cười nói: "Quan kìa, hãy nhìn xem máu tôi chảy ra."Thấy cậu cam đảm hơn người, quan truyền đóng gông xiềng giam cậu vào ngục. Trong ngục thất, quan dùng nhiều mưu kế để gây áp lực, nhưng Tôma Thiện trước sau vẫn một mực trung thành với đức tin.

Cậu Thiện tiếp tục bị thẩm vấn và bị đánh đòn hai lần nữa, nhưng cậu vẫn vui vẻ lãnh nhận. Mỗi lần roi quất xuống, vị anh hùng trẻ tuổi không sờn lòng lại cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin thêm sức cho con chịu đau khổ vì Chúa."

Bất lực trước ý trí sắt đá của Tôma Thiện, quan truyền giam cậu chung với cha Jaccard Phan. Hai cha con gặp nhau vui mừng hết sức. Cậu Thiện được cha an ủi, khích lệ và ban bí tích hòa giải; còn cha Phan thì sung sướng hãnh diện có một người con tinh thần dũng cảm trong đức tin. Hai cha con cùng nhau cầu nguyện, nâng đỡ trợ giúp lẫn nhau và quyết chí trung thành với Chúa đến cùng.

Trước tinh thần bất khuất của hai chứng nhân Chúa Kitô, vua quyết định ra án xử trảm cả hai. Sáng ngày 21/9/1838, cha Phan và cậu Thiện cùng được dẫn ra pháp trường ở làng Nhan Biều gần Quảng trị. Tới nơi xử, cậu Tôma Thiện quỳ xuống trước mặt cha, lính tháo gông, tròng dây vào cổ. Lệnh xử ban hành, họ kéo hai đầu dây thật mạnh, đầu vị tử đạo 18 xuân xanh gục xuống. Sau đó, đến lượt cha Phan cũng bị xử như vậy.

Khác với các tử đạo trước, cuộc hành quyết này không có giáo hữu đi theo để xin an táng. Những người ngoại đã chôn cất hai vị ngay ở pháp trường. Năm 1847 thi hài vị tử đạo được cải táng đem về chôn tại chủng viện Hội Thừa Sai Paris.

Lạy Chúa, ơn gọi đi theo Chúa là một ơn gọi cao quý. Trung thành bền chí vững tin nơi Chúa trong con đường ơn gọi là một ân lộc thiêng liêng. Suy gẫm về ơn gọi tu trì, con không thể không kinh ngạc về những điều Chúa dành cho họ. Chúa đã chọn họ từ giữa thế gian, Chúa đã thánh hiến họ và trao cho họ sứ mạng đi loan báo Tin Mừng nước Chúa. Xin thánh Tôma Trần Văn Thiện chuyển cầu cùng Chúa chúc lành cho các quyết định thánh thiện của họ. Amen
114.864864865135.135135135250