Thầy giảng (1764-1840)
I. Tiểu sử
Nếu ăn mà phải xuất giáo tôi không bao giờ ăn cả.
Thánh Tôma Vũ Quang Toán sinh năm 1764 tại làng Cần Phán, tỉnh Thái Bình. Trước kia, ngài vừa là hội viên dòng Ba Đa Minh vừa là thầy giảng có uy tín trong việc truyền giáo ở Trung Linh.
Ngày 16-12-1839, quan phủ Xuân Trường cho quân đến lục soát làng Trung Linh. Thầy Toán bị bắt và bị buộc bước qua thập giá. Thầy không chịu nên bị dẫn về phủ Xuân Trường. Tại đây, vì không chịu nổi tra trấn nên ngày 19-01-1840, thầy đã bước qua thập giá.
Tuy nhiên, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh không tin vì thái độ ngập ngừng, do dự của thầy. Quan ra lệnh cho hai người đã bỏ đạo tới khóc lóc thảm thiết, xin thầy Toán cứu giúp. Nếu thầy không chịu bỏ đạo thì họ sẽ bị chém đầu. Họ còn nói nhiều điều xúc phạm đến Chúa trời đất. Để họ khỏi nói những lời xúc phạm, thầy Toán lại bước qua Thập giá. Sau đó, thầy ăn năn khóc lóc vì hành vi dại dột của mình. Mười lăm ngày sau, cha Đaminh Trạch bị bắt và bị giam chung với thầy Toán. Cha đã an ủi và giải tội cho thầy.
Khi đối diện quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh, thầy Toán tuyên xưng đạo Chúa cách uy hùng. Quan ngỡ ngàng, truyền đánh đòn thầy rất nặng. Khi quân lính kéo lê thầy qua Thánh Giá, thầy vùng dậy quỳ phục hôn kính ảnh thánh và lớn tiếng đọc kinh ăn năn tội. Quan ra lệnh lột quần áo, tiếp tục đánh, buộc hai thánh Giá vào chân và bắt phơi nắng, không cho ăn uống, bị mọi người sỉ vả, chửi mắng. Thầy Toán im lặng chịu đựng không một lời ta thán.
Khi thầy Toán đói lả, quan cho bày mâm cơm thịt rượu ngon lành, mời ăn rồi bước qua Thánh Giá. Thầy cương quyết: “Nếu ăn mà phải xuất giáo tôi không bao giờ ăn cả”.
Ngày 27-6-1840, thầy đã chết trong nhà giam ở Nam Định, dưới thời vua Minh Mạng. Thi hài thầy được giáo hữu rước về mai táng tại xứ đạo Lục Thủy.
Thầy Tôma Vũ Quang Toán được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: Hội đồng Giám mục Việt Nam
II. Cầu nguyện
Giọt nước mắt của Phê-rô
Trong cuộc đời mỗi người, những lầm lỗi thiếu sót cách này cách khác là điều không thể tránh khỏi, vấn đề là mỗi lần yếu đuối ta có can đảm đứng lên, can đảm sửa lỗi không? Trên bức tranh của danh họa Mi-che-lan-ge-lo vẽ thánh Phê-rô, nếu nhìn kỹ người ta thấy khuôn mặt của thánh Phê-rô có những rãnh sâu. Có người hỏi Mi-che-lan-ge-lo: “Tại sao ông vẽ thánh Phê-rô với những rãnh sâu trên khuôn mặt?” Nhà danh họa trả lời: “Vì ngài khóc lóc thảm thiết sau khi chối Chúa ba lần, đến nỗi nước mắt tạo nên những rãnh sâu trên mặt ngài”. Gương mặt của Phê-rô chắc hẳn cũng chính là gương mặt của từng người chúng ta với những yếu đuối ngã sa và những giọt nước mắt ân phúc. Gương mặt ấy làm chúng ta nhớ lại gương mặt thánh Tô-ma Toán - tử đạo Việt Nam, mà Giáo Hội mừng kính ngày 27/6 hôm nay.
Thầy Tô-ma Toán sinh năm 1764, tại làng Cần Phán, tỉnh Thái Bình. Thầy vừa là hội viên Dòng Ba Đa Minh, vừa là thầy giảng có uy tín làm nhiệm vụ truyền giáo ở Trung Linh. Nhà Dòng giao cho thầy chức vụ phụ tá quản lý. Vài dòng tiểu sử ngắn ngủi của cuộc đời thầy Tô-ma Toán thế là hết. Người đời biết đến thầy nhiều hơn có lẽ qua hai lần thầy chối đạo.
Lần chối đạo thứ nhất là khi thầy Tô-ma Toán bị hành khổ tra tấn suốt một tháng trời, sau một tháng thầy trở nên nhát sợ, thầy chối đạo rồi bước qua Thánh Giá. Sau khi chối đạo, thầy được trả về. Sợ thầy Toán hối cải trở lại đạo, quan bắt hai người chối đạo khác đến xúi giục thầy Toán không được trở lại đạo, và dọa nếu hai người không thành công sẽ giết. Những người này năn nỉ khóc lóc xin thầy thương họ, kẻo họ phải chết. Cùng những lời năn nỉ, họ nói nhiều lời phạm đến Chúa và Đức Mẹ suốt hai ngày liền. Đau lòng trước lời lẽ của họ, thầy Toán một lần nữa lại bước qua Thánh Giá.
Sau lần chối đạo thứ hai, thầy ăn năn và khóc lóc thảm thiết nhiều ngày. Thấy thầy hối lỗi trở lại đạo, quan tiếp tục cho tra tấn đánh đập thầy. Sau một trận đòn tưởng chết, quân lính lôi thầy bước qua Thánh Giá. Lần này thầy vùng dậy, quỳ phục xuống, đọc kinh Ăn Năn Tội. Quan giận dữ tống giam thầy, bắt thầy nhịn đói, nhịn khát, và cho lính muốn bày trò hành khổ gì tùy ý.
Thế là lính lột trần thầy, đem thầy phơi nắng phơi sương, bứt tóc giựt râu, không cho ăn ròng rã 13 ngày... Tuy nhiên, thầy già 76 tuổi đã vững tin sau hai lần yếu đuối, thầy quyết tâm không chối Chúa nữa. Thấy không lay chuyển được thầy, quan tức tối tống giam thầy và bắt thầy nhịn đói thêm năm ngày nữa cho đến khi thầy chết rũ tù.
Qua mẫu gương của thánh Tô-ma Toán, nhìn lại cuộc sống của mình tôi tự hỏi: mỗi lần tôi phạm tội, tôi có khiêm tốn để chạy đến với Chúa và khóc dưới chân Người không? Tôi có biết rõ về lòng thương xót Chúa dành cho tôi, khi tôi yếu đuối không? Tôi có nhận ra ơn tha thứ Chúa dành cho tôi để quay về không? Tôi có can đảm vững tin khi chịu thử thách từ tháng này qua tháng kia không? Tôi có chịu đựng được nhục nhã đói mệt vì danh Chúa nhiều ngày không?
Có lẽ một nhát gươm để hy sinh tử đạo thì dễ hơn là ngày ngày bị lột trần phơi nắng phơi sương, bị bỏ đói cho đến chết... Cuộc sống với những hy sinh âm thầm hằng ngày vì danh Chúa, đó chính là ân phúc lớn lao cho mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa, con xin Chúa dắt dìu con, vì con đã yếu đuối đã có những ngày tội lỗi sa ngã và mắc phải nhiều sai lầm tệ hại. Con đã không đủ sức mạnh để chiến đấu với những cám dỗ. Tình yêu của con dành cho Chúa chưa đủ lớn để con có thể lướt thắng những cạm bẫy nhỏ nhen.
Nhưng lạy Chúa, cho dẫu con có nhiều khiếm khuyết, con vẫn biết rằng Chúa không bỏ rơi con. Con biết rằng, trong mắt Chúa con thật đặc biệt và quan trọng, vì Chúa đã hiến tế mạng sống để cứu độ và giải thoát con. Xin cho con biết thưa lên rằng: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa”. Amen