Linh mục dòng Đaminh (1764-1838)
I. Tiểu sử
Tôi sẵn lòng chịu chết, chứ không nói dối để được sống.
Thánh Vinhsơn Đỗ Yến sinh năm 1764 tại Trà Lũ, xứ Phú Nhai, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Phú Nhai, Giáo phận Bùi Chu). Năm 1798, cha được Đức cha Delgado - Y phong chức linh mục. Sau đó cha từng bị bắt nhưng được tín hữu dùng tiền chuộc về.
Ngày 22-7-1807, cha Vinhsơn Đỗ Yến lãnh áo dòng Đa Minh. Nhiệt tâm với sứ vụ, cha Vinhsơn không nề quản mệt nhọc hiểm nguy, luôn vui tươi, khôn ngoan, bình tĩnh và dịu hiền. Cha từng đảm trách xứ Kẻ Mốt trước khi về Kẻ Sặt, Hải Dương.
Năm 1838, chiếu chỉ cấm đạo của vua Minh Mạng được thi hành triệt để. Cha xứ Kẻ Sặt Vinhsơn Đỗ Yến đau lòng chứng kiến cảnh giáo dân bị cưỡng ép hạ ngôi thánh đường do bao công sức vất vả xây dựng nên. Vì thương đoàn chiên, ngài ở lại giữa họ, nay nhà này mai nhà khác, ban đêm lo cử hành phụng vụ, ban ngày đi thăm giáo dân.
Khi hay tin cha Đỗ Yến vẫn ở Kẻ Sặt, quan quân liền tăng cường việc lùng bắt và đe dọa tàn phá bình địa làng Sặt. Để đoàn chiên được yên ổn, vị chủ chăn âm thầm ra đi, hoàn toàn tín thác vào bàn tay Chúa quan phòng. Tại họ Lực Điền, Hưng Yên, cha Yến bị ông cai Phan cho người bắt và giải về Hải Dương.
Tuần phủ Hải Dương vốn có lòng nhân hậu, đề nghị cha khai mình là lang y để có thể tha. Nhưng cha trả lời: “Không, tôi không phải là thầy lang. Tôi là thầy cả chuyên giảng đạo và tế lễ Thiên Chúa. Tôi sẵn lòng chịu chết vì lẽ đó, chứ không nói dối để được sống”.
Quan tìm cách khác để cứu cha. Ông cho vẽ vòng tròn chỗ cha đứng, bảo ngài bước qua đó như bước qua Thánh Giá vậy. Một lần nữa cha lại cương quyết từ chối: “Làm như thế không khác nào tôi chối đạo”. Quan tuần phủ thấy không thể làm lay chuyển đức tin vị linh mục lão thành, liền làm sớ gửi về kinh. Để khỏi phải đích thân xử án người vô tội, quan xin triều đình cho giải cha về nguyên quán là tỉnh Nam Định, nhưng vua Minh Mạng không chấp thuận và kết án tử hình tại chỗ.
Bản án ký ngày 20-6-1838.Trong ba tuần lễ bị giam, nhờ sự can thiệp của ông lang Hàn, cha Đỗ Yến không phải mang gông xiềng và được giáo hữu đến thăm.
Ngày 30-6-1838, quan tuần phủ thi hành bản án. Cha Vinhsơn hiên ngang tiến ra pháp trường ở gần họ Bình Lao, cách thành Hải Dương một cây số về phía Tây. Gương mặt hiền từ của vị linh mục lão thành đáng kính với dáng điệu thanh cao khiến nhiều người xúc động.
Tới nơi ngài quỳ gối cầu nguyện thật sốt sắng, rồi lý hình thi hành phận sự. Quan tặng một tấm vải để tẩm liệm, truyền khâu đầu vị tử đạo vào cổ, và cho phép tín hữu họ Bình Lao đưa về an táng. Tám tháng sau, tín hữu cải táng thi hài vào nhà thờ Thọ Ninh.
Linh mục Vinhsơn Ðỗ Yến được suy tôn chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: Hội đồng Giám mục Việt Nam
II. Cầu nguyện
Bạn thân mến,
Chẳng phải ai trong chúng ta cũng muốn được nghe sự thật, biết sự thật và được đối xử chân thật sao? Thế mà xã hội ngày hôm nay lại ngập tràn những điều giả dối và chuyện lừa đảo. Vậy những điều dối trá kia từ đâu mà tới, có phải người khác làm ta chịu hoặc người khác chịu do ta làm không?
Sống sự thật là sống như Đức Ki-tô, lối sống mà chẳng mấy ai chọn, nhưng đó lại là lựa chọn mà thánh Vinh Sơn Đỗ Yến khi xưa đã minh chứng bằng máu đức tin và tình yêu kiên trung của mình với Thiên Chúa:“Tôi là thầy cả chuyên giảng đạo và tế lễ Thiên Chúa. Tôi sẵn sàng chịu chết vì lẽ đó chứ không nói dối để được sống.”
Cha Vinh Sơn Đỗ Yến sống vào thời hậu Lê, thời kì bắt đạo gay gắt. Chào đời năm 1764 tại Trà Lũ, xứ Phú Nhai, tỉnh Nam Định. Ngay từ thời niên thiếu, ngài đã đáp lời Chúa gọi, sống đời tu trì theo linh đạo Đa Minh. Đời tu đã giúp ngài sống kết hợp mật thiết với Chúa, trở nên người tông đồ truyền giáo nhiệt thành, trở nên chứng nhân sáng ngời về đời sống thánh thiện, nhân đức. Dưới triều Gia Long (1802- 1820) vào đầu thời Minh Mạng, cha Vinh Sơn Đỗ Yến thi hành sứ mệnh tông đồ trong bầu khí xã hội rất bất an. Sau nhiều năm ẩn trốn cuối cùng cha cũng bị bắt. Vị quan tuần phủ có lòng nhân hậu, muốn tỏ ra khoan hồng, khuyên cha tự nhận là lang y để được phóng thích, nhưng cha cương quyết: “Tôi không phải là thầy lang. Tôi là thầy cả chuyên giảng đạo và tế lễ Thiên Chúa. Tôi sẵn sàng chịu chết vì lẽ đó chứ không nói dối để được sống.”
Câu nói của cha đáng cho chúng ta suy nghĩ. Chúng ta đang ở giữa một thế giới mà ai cũng muốn được sống trong sự thật, nhưng thế giới ấy lại đầy dẫy sự giả dối, man trá. Nào là bằng giả, thức ăn giả, thuốc giả, từ thiện giả, ngay cả người khoác áo tu cũng có khi có người giả,… Giả để được lợi nhuận, được vinh quang, được lợi cho riêng mình. Người ta lao mình vào trong thế giới ấy, và bị chính cái giả dối ấy làm cho cuộc sống thêm cay đắng hơn, nào là bệnh tật, nào là bất tín - bất trung, nào là lừa đảo,…
Mẫu gương sống của cha Vinh Sơn Đỗ Yến đã trở nên một nghịch lý với người thời nay. Vì một chút lợi ích riêng người ta có thể nói dối. Việc sống giả dối như một thói quen, một cách thế xem ra là “phải như thế”. Cha Vinh Sơn Đỗ Yến đã chấp nhận hy sinh mạng sống để bảo vệ sự thật, để môi miệng không thốt ra dù chỉ một lời nói dối. Ngày 30/6/1838, cha Vinh Sơn Đỗ Yến đã can trường lãnh bản án trảm quyết như một chứng nhân anh dũng bảo vệ sự thật, bảo vệ lối sống thật, phản đối những con người nói dối để được sống, được lợi nhuận.
Quả vậy, sống trung thực rất quan trọng, bởi vì sống sự thật làm cho đời sống trở nên cao trọng và có ý nghĩa hơn, đẹp hơn. Nếu khi xưa thánh Vinh Sơn Đỗ Yến đã đỗ máu để làm chứng cho sự thật rằng ngài là Ki-tô hữu; thì có lẽ ngày hôm nay mỗi người chúng ta cũng được mời gọi can đảm nói lên căn tính là môn đệ Chúa Ki-tô bằng cách nói thật, sống thật và bảo vệ sự thật.
Lạy Chúa, chọn sống nghịch lý giữa những nghịch lý của cuộc đời quả là điều thách đố. Đã bao lần chúng con vì một chút lợi lộc, vì sự ích kỉ cho riêng mình mà bắt tay với sự giả dối hoặc nói những điều trái với sự thật. Lạy Chúa, Chúa biết rõ nếu không có ơn Chúa giúp chúng con sẽ không thể xa tránh được những cám dỗ của cuộc đời và cũng không thể thắng vượt được chính mình. Nhờ lời chuyển cầu của thánh Vinh Sơn Đỗ Yến, xin cho chúng con được luôn bước đi dưới ánh sáng của Lời Chúa trên con đường Chân Lý. Và mỗi ngày, xin Chúa ban ơn trợ giúp, để trong từng biến cố, từng hoàn cảnh, chúng con luôn can đảm từ bỏ những lợi ích chóng qua mà sống đúng với căn tính của người Ki-tô hữu, là sống cho Sự Thật. Amen