05/11/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1494
Ngày 07/11 Thánh Gia-xin-tô Cát-ta-nê-đa Gia

Ngày 07/11

Thánh Gia-xin-tô Cát-ta-nê-đa Gia

 (JACINTO CASTANEDA - GIA)
Linh mục dòng Đa Minh (1743 - 1773)


I. Tiểu sử
 

Quan muốn tha thì tha chứ tôi không có tiền.
Tôi sẵn sàng chịu mọi gian khổ, kể cả cái chết.

 

Thánh Castaneda - Gia sinh năm 1743 tại Javita, Tây Ban Nha. Năm 1789, thầy Castaneda khấn trọn trong dòng Đa Minh và nhận tên dòng là Jacinto.

Thầy Jacinto mơ ước đi truyền giáo Viễn Đông nên tham gia hành trình đến Philippines, và tu học tại tu viện dòng Đa Minh ở Manila. Tại đây, thầy được truyền chức linh mục vào ngày 02-6-1765 và được sai  đi truyền giáo tại Trung Hoa.

Năm 1766, hai cha Jacinto Castaneda và Jose Lavilla đến Hán Khẩu. Trong 3 năm, hai nhà truyền giáo nhiệt thành mục vụ tại một xứ đạo đã được thiết lập trước khi hai cha tới.

Khi được mời đi xức dầu cho một bệnh nhân, do có người mật báo, hai cha bị bắt giải về Phúc Kiến, bị giam tại huyện Phú An và bị trục xuất sang Ma Cao. Từ Ma Cao, ngày 22-01-1770, cha Jacinto đến xứ Kẻ Bùi và được gửi học tiếng Việt tại Trung Linh, nhận tên Việt là Gia, rồi được bổ nhiệm làm việc tông đồ tại hạt Phú Thái.

Ngày 11-7-1773, khi đi từ từ Kẻ Non đến Lai Ổn để ban bí tích xức dầu cho một bệnh nhân, cha Gia và thầy Tân lọt vào vòng vây của quan phủ Thần Khê. Khi hai người cùng chạy trốn vào làng Gia Đạo thì bất ngờ chủ nhà đi báo quan để lãnh thưởng. Khi quan đòi 3000 tiền chuộc, cha đáp: “Quan muốn tha thì tha chứ tôi không có tiền. Tôi sẵn sàng chịu mọi gian khổ, kể cả cái chết”.

Quan phủ giải ngài về Phố Hiến rồi đến Kẻ Chợ (Hà Nội) để chúa Trịnh Sâm xét xử. Tại đây, cha tham dự cuộc tranh luận giữa 4 tôn giáo: Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo và Công giáo. Với kinh nghiệm giảng đạo và hiểu biết về tôn giáo tại Trung Hoa, những đối đáp của cha làm chúa khâm phục.

Ngày 07-11-1773, theo bản án của chúa Trịnh Sâm, cha bị xử trảm tại pháp trường Đồng Mơ. Thi hài cha được mai táng tại xứ Trung Linh.

Linh mục Jacinto Castaneda - Gia được nâng lên hàng chân phước ngày 20-5-1906 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.



Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện
 

Khát vọng và việc thực thi khát vọng

 

Khát vọng cao đẹp khi khát vọng hướng tới tha nhân và phục vụ vô vị lợi. Khát vọng cao đẹp khi khát vọng làm cho con người có thêm sức mạnh và nghị lực để thi hành lý tưởng. Khát vọng cao đẹp một khi được nuôi dưỡng, sẽ đến ngày lớn lên và trổ sinh hoa trái tốt lành. Thật vậy, thánh Gia Gia-xin-tô Cát-ta-nê-đa Gia là một mẫu gương nổi bật cho chúng ta về định hướng cuộc đời, một cuộc đời biết nuôi dưỡng khát vọng, tìm cách thực thi khát vọng và hoàn thành khát vọng.

Gia Gia-xin-tô Cát-ta-nê-đa sinh 01/10/1743 tại Gia-vi-ta, thuộc giáo phận Va-len-xi-a, Tây Ban Nha. Cậu được hấp thụ nền tảng đạo đức từ gia đình, cậu Gia chẳng màng đến danh lợi trần gian. Mặc dù trời đã phú cho cậu một khuôn mặt xinh đẹp, được ví như thiên thần trong các tranh của nhà danh họa Mu-ri-lơ - Tây Ban Nha; nhưng vẻ đẹp ấy đã không làm tiêu tan khát vọng truyền giáo ngay từ tấm bé của cậu. Thêm vào đó, chàng thanh niên tuấn tú ấy lại có một tâm hồn cao quý, đã sớm quyết tâm dâng hiến cuộc đời phục vụ Thiên Chúa, dấn thân truyền giảng Tin Mừng cho thế giới.

Đối với một Ki-tô hữu, cách thế được xem là trọn vẹn để thực thi khát vọng truyền giáo, là hiến mình cho Thiên Chúa qua đời sống tu trì. Vì mục đích đó, Gia-xin-tô Gia đã chọn vào dòng Anh Em Giảng Thuyết. Sống trong dòng, mọi người nhận ra Gia-xin-tô Gia tràn đầy nhân đức thánh thiện. Vì thế cậu được phép nhận lãnh tu phục của dòng khi mới tuổi 14. Năm 23 tuổi, Gia-xin-tô Gia đã được lãnh chức linh mục. Từ đây, Gia-xin-tô Gia trở thành khí cụ của Thiên Chúa, và việc thực thi khát vọng truyền giáo của ngài mau chóng đạt kết quả.

Gia-xin-tô Gia đã có khát vọng riêng của mình, ngài đã quyết tâm thực thi trọn vẹn khát vọng cho đến mức thành toàn. Còn bạn và tôi, chúng ta có nuôi dưỡng khát vọng thánh thiện nào không? Khát vọng đó có trải rộng và phục vụ mọi người không, hay nó chỉ bó hẹp trong khoảng trời ích kỷ của cá nhân?

Giữa những mối bận tâm về danh phận, việc làm, và tương lai… trong cuộc sống của người trẻ hôm nay, con đường của Gia-xin-tô Gia ắt hẳn sẽ là hấp lực tốt cho họ. Sẽ có những lúc ta mệt mỏi, sẽ có những ngày ta chán nản thất vọng… Nhưng ước gì khát vọng ban đầu ta xác định cho cuộc đời của mình sẽ thêm sức mạnh cho ta.

Đặt ra khát vọng, nuôi dưỡng khát vọng, nhưng phải hiểu khát vọng ấy có phù hợp khả năng của mình không. Ta đừng chỉ dừng lại ở đó mà phải tiến xa hơn trong việc thực thi khát vọng ấy. Gương sáng của Gia-xin-tô Gia khiến ta phải thực hiện khát vọng của mình bằng mọi giá.

Được sai đến vùng đất Trung Hoa trong giai đoạn mà đạo Công Giáo bị bách hại gay gắt, cha Gia-xin-tô Gia luôn vững tin vì khát vọng truyền giáo của ngài đang trở thành hiện thực. Dấn thân hăng say, chẳng bao lâu cha Gia-xin-tô Gia bị bắt rồi bị trục xuất. Không nản lòng, cha chờ đợi thời cơ. Chẳng bao lâu sau, cha gặp được hai vị thừa sai cũng thuộc dòng Đa Minh đang trong hành trình đến đất Việt truyền giáo. Cha tìm đến với các vị, nhập đoàn và lên đường.

Trong hành trình này, cha bị bắt và bị trảm quyết khi đang thực thi trọn vẹn khát vọng. Cha được rước về nơi vĩnh phúc ngày 07/11/1773 và được đứng vào hàng ngũ các thánh anh hùng tử đạo ngày 19/6/1988.

Ước gì khát vọng mở mang Nước Chúa và khát vọng xây dựng Giáo Hội hiện nay luôn được thực thi bằng sức mạnh của người trẻ. Ước gì tình yêu phục vụ sẽ giúp ta có nhiều sáng kiến mới làm cho ngọn lửa khát vọng bùng lên luôn mãi. Ước gì không một khó khăn nào có thể làm chúng ta bỏ cuộc, hoặc bỏ đi ước muốn thực thi khát vọng lành thánh của mình.

Lạy Chúa, con đã nhận lãnh được hồng phúc là được biết Chúa. Lúc này đây, ở trong con, không còn khát vọng nào lớn hơn khát vọng làm cho muôn người cũng được lãnh nhận hồng ân bao la ấy. Ôi lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con yêu mến Ngài, con ước ao cho mọi người cũng nhận biết và yêu mến Ngài. Xin thêm sức mạnh và ban ơn lành của Ngài cho con. Amen
114.864864865135.135135135250