12/03/2023 -

Cầu nguyện

579
Cùng Thánh Giuse sống Mùa Chay trong ngưỡng vọng Năm Thánh

Không phải ngẫu nhiên hay tình cờ mà Giáo Hội đặt tháng kính Thánh Giuse trong Mùa Chay. Điều này hẳn có ý nghĩa của riêng nó. Hơn ai hết, Thánh Giuse là gương mẫu sống đời cầu nguyện và sám hối. Cầu nguyện, sám hối, không chỉ là sứ điệp của Mùa Chay mà còn là mục đích chính yếu của việc cử hành Năm Thánh.

Mục đích của việc cử hành Năm Thánh

Năm Thánh của Giáo hội được hiểu là “thời gian mà người tội lỗi hoán cải được ban ơn tha thứ các hình phạt do tội gây ra, con người phải thống hối và canh tân cũng như hòa giải với Thiên Chúa và anh chị em. Ðể được hưởng những ơn lành Thiên Chúa ban cho trong Năm Thánh này, Kitô hữu phải thánh hóa cuộc sống, củng cố đức tin, xây dựng tình liên đới và hiệp thông huynh…”
[1]

Năm Thánh của Hội dòng cũng cũng được cử hành với mục đích giúp chị em sám hối, canh tân đời sống thiêng liêng để phục vụ một cách hữu hiệu hơn. Như vậy, mục đích chính yếu của Năm Thánh vẫn là sám hối và canh tân, đây cũng là điều mà Giáo hội mời gọi mỗi người tín hữu thực hành ngay ngày đầu tiên bước vào mùa Chay Thánh.

Sám hối theo nghĩa thông thường là hối tiếc, ăn năn về những gì sai lầm trong quá khứ, điều này đúng nhưng chưa đủ. Một cuộc sám hối đích thực phải trải qua 3 giai đoạn; trước hết, chúng ta phải trở về chìm sâu trong lòng mình để nhận ra những yếu đuối, vấp ngã của bản thân, sau đó là hành trình đến với Chúa, cậy dựa vào lòng thương xót và đón nhận ơn tha thứ của Chúa. Hành trình quan trọng nhất cho sự sám hối vẫn là làm mới chính mình bằng việc biến đổi con tim, biến đổi nhận thức, biến đổi cái nhìn… Như vậy, việc sám hối luôn luôn khởi đi từ chính bản thân mình, vì chúng ta không thể cho người khác cái mà mình không có, không thể canh tân người khác khi mình không đổi thay.

Sống Mùa Chay Năm Thánh theo gương Thánh Giuse

Nhìn vào cuộc đời Thánh Giuse, ta thấy rất rõ lộ trình sám hối của Ngài. Nơi Thánh Giuse câu ngạn ngữ “hành động lớn hơn lời nói” được áp dụng cách hoàn hảo. Không có lời nào của Thánh Giuse được ghi lại trong các trình thuật Tin Mừng, tuy nhiên những hành động của Ngài, khi được xem xét và suy ngẫm, nói lên hành trình sám hối tận căn mà mỗi người có thể rút ra để canh tân đời sống thiêng liêng của mình. Khi Thánh Giuse thành hôn với Maria, Ngài cũng có những kế hoạch, những dự phóng cho gia đình nhỏ của mình, nhưng rồi Thiên Chúa lại “vẽ đường thẳng bằng những nét cong”. “Ttrước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” Có lẽ thánh Giuse đã rất “sốc” trước tin chẳng hay này. Cách phản ứng duy nhất lúc này của Giuse là “định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Nhưng khi được sứ thần báo mộng: “người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” Thánh Giuse đã lập tức “quay xe”, Ông thay đổi hoàn toàn hướng đi, từ bỏ những gì mình đang nghĩ để sống theo ý Chúa “ông Giuse liền trỗi dậy và đón vợ về nhà”. Hành động “trỗi dậy” cho thấy Ngài quyết định một cách rứt khoát, không một chút nghi ngờ, không một lời thắc mắc.

Để có được một nội tâm hoàn toàn không gợn sóng trước những giăng mắc của cuộc đời, Thánh Giuse phải là con người chìm đắm trong cầu nguyện gặp gỡ Thiên Chúa. Thành ra, để sám hối và canh tân đời sống, điều trước tiên vẫn là tin tưởng ở lòng thương xót của Thiên Chúa. Việc sám hối chỉ có hiệu quả nếu mỗi người có được mối tương quan cá nhân với Chúa Kitô, nói như thánh Phaolô: “Tôi biết tôi đã tin vào Đấng nào” (2Tm 1,12).

Sống mùa chay trong Năm Thánh mời gọi chúng ta học lấy tinh thần của thánh Giuse, thinh lặng khám phá nội tâm bất ổn của mình, để sám hối, canh tân và biến đổi . Như trong bài giảng lễ khai mạc Năm Thánh Dòng ngày 01/01/2023,  Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng chia sẻ; “việc quan trọng trong cử hành Năm Thánh không phải là nghi lễ với ơn toàn xá mà là việc sám hối, chấn chỉnh lại “tọa độ gốc” của mình. Ngài nhấn mạnh, thời gian Năm Thánh phải là thời gian nhìn lại, canh tân để bước tới”

Có sám hối mới có biến đổi, có canh tân mới có thăng tiến, và sự biến đổi tận căn phải được đặt trong chiều kích đức ái. Đức ái làm cho tâm hồn chúng ta rộng mở để đón nhận mọi chiều kích của cuộc sống. Đó là thước đo của đời tu.

Nhìn lại chặng đường 50 năm đã qua, Hội dòng có vui có buồn, có thành công có thất bại, có bình an có sóng gió, có lúc thánh và lúc chưa thánh. Một tâm hồn sám hối và được biến đổi, sẽ nhìn mọi biến cố với thái độ trân trọng, và sẽ thấy trách nhiệm của mình trong đó.

Một cha giáo đã ví von rất hay rằng “quá khứ là cung thánh, hiện tại là cơ may, tương lai là phó thác.”  Điều này muốn nói; đây là một dịp thuận lợi để chúng ta nhìn về quá khứ với thái độ trân trọng, biết ơn, sống giây phút hiện tại với quyết tâm sám hối, để cho luồng gió mới của Chúa Thánh thần thổi vào Hội Dòng, hầu có thể canh tân đời sống của Hội Dòng tốt đẹp hơn, và “ôm ấp tương với niềm hy vọng"
[2] Chúa sẽ làm điều gì đó tốt đẹp cho chúng ta, Người sẽ đổ đầy trái tim và linh hồn chúng ta bằng ân sủng Người.
CatBui
(Theo bài gợi ý tĩnh tâm tháng 3/2023 của Cha Tôma Aquinô Nguyễn Trường Tam, Giám tỉnh Dòng Đa Minh VN)
 
[1] https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-12/nam-thanh-trong-giao-hoi-cong-giao.html)
[2] Đức Phanxicô, Tông thư năm đời sống thánh hiến 2015, II, số 1-3
114.864864865135.135135135250