25/02/2021 -

Cầu nguyện

455
Tĩnh tâm Mùa Chay 2021 - Ở với Chúa để được canh tân

Ngày  thứ nhất
Ở VỚI CHÚA ĐỂ ĐƯỢC YÊU THƯƠNG
                                                  (Ga13,1-15)

1. Bầu khí của nghi thức rửa chân
 
 “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (Ga 13,1)

“Giờ” mà thánh Gioan muốn nói ở đây là giờ của cuộc chia ly.

Đây không phải là cuộc chia ly thấm đẫm nước mắt, nhưng là cuộc chia ly ngập tràn hạnh phúc, vì biết rằng“Đức Giêsu vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13,1)

Yêu đến cùng là yêu hết mình, yêu cho đến chết và làm tất cả những gì có thể cho người mình yêu

Đặt mình trong bầu khí này để cảm nghiệm: Chúa luôn yêu thương chúng ta. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tình yêu ấy vẫn nguyên vẹn và tín trung.

 
2. Ý nghĩa của việc rửa chân

Đức Giêsu thể hiện tình yêu đến cùng bằng việc rửa chân cho các môn đệ 

- Về điểm này, thánh Gioan kể rất rõ ràng, chi tiết và cụ thể bằng 7 động từ: “…Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng, đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” (Ga 13,4-5)

- Trỗi dậy: chuyển sang một trạng thái mới
- Rời bàn ăn: Diễn tả việc Chúa bước vào cuộc thương khó)
- Cởi áo ngoài: diễn tả hành động sau đó trong cuộc khổ nạn
- Thắt lưng: diễn tả việc Chúa bị trói và bị bắt
- Đổ nước: Biểu tượng cho việc Cháu bị đổ máu
- Rửa chân: sự phục vụ, hy sinh
- Lấy khăn lau: Đức Giêsu bị táng xác

Vì Đức Giêsu là Thầy và là Chúa nên việc rửa chân cho các môn đệ là một hành động mang đầy ý nghĩa.

- Đức Giê su sẵn sàng chịu chết để cho chúng ta được sống
- Rửa chân từng người một, nghĩa là Ngài chết từng lần một. Mỗi lần rửa chân là một lần chết
 
Gợi ý suy niệm
Có khi nào tôi thấy mệt mỏi khi phải hy sinh không? Hay tôi không muốn hy sinh, không muốn dấn thân vì sự ươn lườn của mình?

3. Bài học từ việc rửa chân

- Bài học về sự khiêm nhườngNếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (C14)

- Bài học về việc làm gương sáng: Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (C15)

- Được thông phần: Đây là nền tảng của hành vi rửa chân: Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.”(C8)
Khác với các Tin mừng Nhất Lãm, thánh Gioan ít đề cập đến việc Chúa GiêSu lập Bí Tích Thánh Thể mà chỉ đề cấp đến hành vi rửa chân. Lý do: để các tông đồ cùng chung số phận với Chúa. Như thánh Phaolô đã nói điều này rất rõ trong thư gửi tín hữu Rôma: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người”(Rm6,8)
 
Gợi ý Suy niệm
Tôi có đang cùng thao thức với chị em và với Hội dòng không?Nếu có thao thức thì tôi thao thức về Hội dòng hay về chính bản thân tôi?

 
Ở VỚI CHÚA
ĐỂ TRÁNH NGUY CƠ PHẢN BỘI
(Ga 13,1-2,21-30)

1. Quỷ dữ gieo ý định phản bội vào tâm trí Giuđa

Thường khi bị phản bội người ta hay nghĩ mình không được yêu thương, hoặc có khi vẫn được yêu thương nhưng lại có ý phản bội, hay khi bản thân không còn yêu thương đối phương nữa…

Tin Mừng Ga kể: “ Người yêu họ đến cùng…” nghĩa là Giuđa vẫn được Chúa yêu thương. Vậy tại sao Giuda phản bội? “Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa ý định nộp Đức Giê-su” Lúc này Giu-đa vẫn được Đức Giê-su yêu thương, nhưng có thể ông không nhận ra mình được yêu thương, hoặc có thể ông yêu bản thân hơn Thầy của mình nên ông đã phản bội.

Chúng ta phải luôn xác tín: Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta và Ngài yêu đến cùng. Vấn đề là tôi đang yêu thương ai? Thiên Chúa hay chính bản thân tôi? Và tình yêu ấy có đến cùng không?

Câu trả lời rằng: Nếu tình yêu của tôi dành cho Chúa là tình yêu đến cùng thì tôi mới có sự hy sinh và quảng đại dấn thân. Ngược lại, nếu tôi chỉ yêu bản thân mình đến cùng thì trong tôi chỉ có sự toan tính, vụ lợi và ích kỷ.

 
2. Quỷ điều khiển Giu-đa khi nhập vào ông
 
“Đức Giê-su chấm miếng bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy”(Ga 13,26). Tin Mừng kể tiếp: Giu-đa nhận miếng bánh và ăn.

“Nhận miếng bánh” mang ý nghĩa
- Bên ngoài: biểu tượng của tình bạn
- Bên trong: mở cửa cho quỷ dữ vào

Giu-đa chấp nhận ăn chung với Đức Giê-su, hành vi này chỉ có được khi cả hai đều coi nhau như bạn bè. Điều này cho thấy, có thể Giu-đa vẫn muốn giữ tương quan tình bạn với Chúa Giê-su, nhưng lúc này, tác động của Satan vào tâm trí ông quá mạnh khiến ông không cưỡng lại được.
 
Gợi ý suy niệm
Điều gì nơi tôi gần như đang bị Satan khống chế? Khó nghèo? Vâng phục hay Khiết tịnh?

3. Quỷ đã là Giu-đa khi ông đi vào đêm tối: (Ga 13,30)

Sau khi ăn xong miếng bánh của tình bạn, lập tức ông ra đi. Thánh Gioan kể: “lúc đó, trời đã tối”

Trời đã tối” mang ý nghĩa:

 
- Xác định chi tiết một mốc thời gian cụ thể
- Giu-đa rời bỏ Đức Giê-su là Ánh Sáng[1] thì chỉ có một con đường duy nhất để đi, đó là đi vào bóng tối.

Nếu hiểu theo đúng bản văn Hy Lạp: không phải “trời đã tối” mà là “nó đã tối” (Nó ngôi thứ 3 số ít, ý nói Giu-đa) thì quả thật Giu-đa chính là bóng tối của Satan)
 
Gợi ý suy niệm
Mỗi khi gặp thử thách trong đời tu tôi thường nghĩ đến điều gì? Tôi có ý định phản bội hoặc nuôi dưỡng ý định phản bội không? Hay tôi đang là kẻ phản bội rồi nhưng lại trong hình hài của kẻ tín trung?

 
Ngày thứ hai
Ở VỚI CHÚA
ĐỂ HIỂU ĐƯỢC Ý NGHĨA CỦA SỰ PHẢN BỘI

(Ga 13,31-38)

1. Đức Giê-su cảm nhận gì khi bị phản bội?

Con người khi bị phản bội thường mang tâm trạng: Nhẹ: buồn, chán nản, thất vọng. Nặng: giận, hận, thù, giết… 

Đức Giê-su khi bị phản bội; Tin Mừng viết: “
Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.” (Ga 13,31-32)

Vào thời điểm bị phản bội, Đức Giê-su xác tín mình được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh.

Tại sao giờ phản bội lại là giờ được tôn vinh?

Thứ nhất: Chúa Giê-su hiểu rằng, Thiên Chúa có thể dùng chính sự phản bội của con người để thực hiện công trình tốt đẹp cho chính con người đã phản bội lại Thiên Chúa

Thứ hai: Chúa Giê-su ý thức mình được tôn vinh không phải vì đã bị phản bội, nhưng vì xác tín rằng: Thánh ý Chúa Cha đang được thể hiện nơi chính sự tự do vâng phục của Ngài.

Gợi ý suy niệm
- Tôi có đang vâng phục không?
- Tôi có vâng phục trong tự do không?
- Sự vâng phục có dẫn tôi đến xác tín được tôn vinh không?

2. Đức Giê-su thao thức gì khi bị phản bội?
 
       Con người khi bị phản bội thường có thao thức
 
- Cắt đứt tương quan
- Nuôi dưỡng sự thù hận
- Tìm cách trả thù

Đức Giê-su khi bị phản bội mang một thao thức

 
- Muốn yêu thương nhiều hơn
- Ra lệnh cho các môn đệ yêu thương nhiều hơn
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34)
Động từ Latinh: AGAPAÔ, phiên âm từ tiếng Hy lạp = YÊU. Yêu ở đây không dựa trên cảm xúc thích hay không thích, nhưng dựa trên lý trí, đúng hoặc sai và trên ý chí, muốn được yêu.

Như vậy, Đức Giê-su muốn yêu thương nhiều hơn, không phải vì Ngài thích hay không thích, nhưng Ngài yêu vì muốn yêu bởi Đức Giê-su xác tín điều đó là đúng.


3. Sự lệch pha của các môn đệ trong tương quan với Thầy Giê-su
 
Trước khi từ giã các môn đệ để đi vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các ông 2 điều:
- Nơi Thầy đi anh em không thề đến (Ga 13,33)
- Thầy ban cho anh em một điều răn mới là hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 13,34)

Giữa 2 điều này, Đức Giê-su muốn các môn đệ ưu tư điều thứ 2. Tuy nhiên ông Phê-rô lại chỉ quan tâm đến điều thứ nhất: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?”
Đối với Phê-rô: ông là một người đầy gan dạ với Chúa, nhưng với Chúa ông chỉ là “anh hùng rơm”. Ông ưu tư đến việc Thầy đi đâu và đến đâu chỉ để tỏ ra ông là người gan dạ đối với Chúa, tuy nhiên Chúa biết ông rõ hơn ông biết ông: “Thầy bảo thật cho anh biết, gà chưa gáy, anh đã chối Thầy 3 lần” (Ga 13,38)

Chúng ta cũng là những người lệch pha với Chúa, khi không cùng một suy nghĩ, một ưu tư, một thao thức với Chúa. Nhiều khi chúng ta chỉ dừng lại một tâm tình: “Chúa muốn điều gì, con muốn điều ấy”, điều này tốt nhưng chưa đủ, chúng ta phải đi đến tận căn trong mối tương quan mật thiết với Chúa, nghĩa là suy nghĩ của tôi, hành vi của tôi, lời nói của tôi cũng là của suy nghĩ, hành vi và lời nói của Chúa, như Thánh Phao-lô đã quả quyết: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20)

Ở VỚI CHÚA ĐỂ BIẾT TÍN THÁC
(Ga 14,1-10,22-26)

 
1. Xao xuyến của các Tông đồ
 
Đức Giêsu giải thích cho các môn đệ rằng, Người không bao giờ rời xa họ, nhưng Người ra đi là để thiết lập một liên hệ còn bền chặt hơn. Tuy nhiên, các môn đệ càng cảm thấy xao xuyến vì không hiểu được những điều Đức Giê-su nói với các ông

- Xao xuyến của Tôma: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (14, 5)
- Xao xuyến của Philiphê: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14,8).
- Xao xuyến của ông Giu-đa (Không phải Giu-đa Iscarios): “Sao Thầy không tỏ mình cho chúng con mà lại tỏ cho thế gian?”

3 vấn nạn mà 3 ông đặt ra cho Chúa đều quy hướng về điều Đức Giê-su muốn nói, cũng chính là thái độ căn bản mà các môn đệ phải có để đương đầu được với tình trạng khi Người không còn hiện diện hữu hình bên cạnh họ nữa: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1).

2. Đức tin – điều kiện duy nhất để đi trên con đường của Chúa

Đức Giê-su nói:“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Để có thể đi trên con đường này, điều kiện duy nhất là phải có đức tin.

Đức tin là gì?

Trước tiên cần xác định: Tin khác với lời tuyên xưng

- Lời tuyên xưng thì rõ ràng, cụ thể
- Tin, như lời giải thích của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp Mùa Chay 2021, là đón nhận Chân lý và trở nên chứng nhân cho Chân lý. Chân lý ở đây là chính Đức Giê-su. Do đó, Tin là đón nhận Đức Giê-su và làm chứng cho Ngài.

Muốn làm chứng cho Chúa, không gì khác hơn là việc chúng ta phải thay đổi đời sống để phù hợp với sứ mạng này.

Làm thế nào đề biết mình cần phải thay đổi những gì? Chúng ta nên làm 2 việc này cách thành tâm và kiên nhẫn

- Tự xét mình mỗi ngày
- Khiêm tốn lắng nghe những điều người khác nói về mình
 
Ngày thứ 3
Ở VỚI CHÚA ĐỂ ĐƯỢC CẮT TỈA
(Ga 15,1-17)

1. Tương quan cho sự hiện hữu của người môn đệ
 
Câu đầu tiên chủa chương 15 thánh Gioan nói rất rõ về mối tương quan nền tảng và chính yếu này: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho…anh em là cành” (Ga 15,1.5)

Khi nói: “anh em là cành” Chúa Giê-su nói đến 2 tình trạng:

- Cành nho không sinh trái: “thì Người chặt đi”

+ Động từ: “chặt” diễn tả thái độ vứt bỏ, loại trừ
+ Động từ: “bị chặt” nói lên sự đau đớn và nỗi xót xa

Tuy nhiên, việc chặt bỏ này không phải vì ông chủ vườn nho ghét bỏ, nhưng ông thấy sự hiện hữu của cành nho không còn giá trị. Bởi, bản chất của cành nho là để sinh trái. Khi cành ko sinh trái đồng nghĩa với việc cành sẽ không còn lý do để hiện hữu, nên ông chủ quyết định chặt đi vì lợi ích của cả cây nho và các cành khác.

- Cành sinh trái: “Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn”

Động từ: “Tỉa” cũng giống như “chặt” đều mang cảm giác đau đớn, mất mát, nhưng cả 2 đầu cần thiết cho sự tăng trưởng và mang lại lợi ích cho cây.
Nếu chặt cành là sự khôn ngoan của ông chủ, thì tỉa cành cũng là một việc làm cần thiết để cây sinh nhiều trái hơn.

Điều đáng chú ý là, cành nho tự nó không thể tỉa nó được nên hàng năm người trồng phải tỉa để nhựa của cành tụ lại mà sinh hoa trái. Thế nên, ông chủ mới là người tỉa cành, kéo chỉ là phương tiện để thực hiện việc cắt tỉa đạt kết quả.


2. Nền tảng cho sự hiện hữu của người môn đệ.

Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (Ga 15,3)


Chính lời của Chúa cắt tỉa chúng ta mỗi ngày.

Khác với cành nho, khi muốn tỉa hay cần phải tỉa là ông chủ sẽ tỉa, còn chúng ta, chỉ được tỉa khi chúng ta muốn, nếu chúng ta ko muốn thì Lời Chúa không thể cắt tỉa được. Mà cành nho không được cắt tỉa thì không thể sinh hoa trái được.

Cần xác tín rằng: Nếu ta không chấp nhận được tỉa, thì giống như cành nho chỉ có lá, mà lá thì không làm nên sự hiện hữu của cành. Chính Chúa đã quả quyết: “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.” (Ga 15,4)

Việc ở lại hay không ở lại trong Thầy, đó là tự co của người môn đệ. Cũng vậy, người môn đệ có tự do để chấp nhận được cắt tỉa hay không? Vì, tự do chấp nhận được cắt tỉa để sinh hoa trái, chính là ý nghĩa sự hiện hữu của người môn đệ.

 
“Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5)

Diễn tả tương quan mật thiết giữa người môn đệ với Đức Ki-tô. Chỉ có mối tương quan mật thiết này mới làm cho người môn đệ gặt hái được những thành quả tốt đẹp trong sứ vụ.

Nói cách khác: hoa trái nơi sứ vụ không chỉ bởi công khó, tài năng của người môn đệ, nhưng là dấu chỉ cho thấy, người môn đệ đang rất ở lại trong Thầy và có một mối tương quan mật thiết với Thầy.

Cần ghi nhận thêm rằng: Nhựa sống của cây nho mới làm phát sinh ra cành, và chính nhựa sống qua cành được cắt tỉa mới cho ra những trái nho, đó là nguyên tắc vận hành của câu nho, nên không có lý do gì để người môn đệ tự mãn về thành quả nơi sứ vụ của mình. Thành quả đó chỉ là kinh nghiệm thúc đẩy người môn đệ ở lại hơn nữa với Thầy và chấp nhận được tỉa để trổ sinh hoa trái nhiều hơn.

 
 
Ở VỚI CHÚA
 ĐỂ DÁM ĐỐI DIỆN VỚI THẾ GIAN
(Ga 15,18 – 16,4a)

 
1. Thế gian là gì?
 
Trong chương 17 câu 15, Đức Giê-su cầu nguyện rằng: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian. Thế gian ở đây được hiểu là thế giới chúng ta đang sống.

Chỗ khác Người lại khẳng định: “họ không thuộc về thế gian”, Thế gian này mang ý nghĩa khác, đó là sự dữ là ác thần.

Câu hỏi đặt ra: Nếu thế gian là ác thần, thì ác thần ở đâu?

Ga 17,14, Chúa Giê-su cầu nguyện xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ khỏi ác thần “xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần”. Như vậy, ác thần ở trong thế gian, người môn đệ cũng đang ở trong thế gian nên cũng bị ảnh hưởng bởi ác thần, như:

- Hành xử theo thói thế gian, dù không hẳn lúc nào cách hành xử của thế gian cũng luôn luôn xấu.
- Bắt chước thế gian

Không những vậy, ác thần còn ở trong lòng ta. Đó là những thói hư, nết xấu, đam mê, suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực. Khi suy nghĩ tiêu cực sẽ dẫn đến lời nói tiêu cực và hành vi sai trái…

Cứ như vậy, ác thần len lỏi vào mọi ngõ ngách của tâm hồn làm cho ta trở nên con người ác tâm (tâm không còn thiện nữa).


2. Tại sao thế gian thù ghét người môn đệ?

Thế gian thù ghét người môn đệ vì “thế gian ghét Thầy trước”, bởi “Thầy không thuộc về thế gian”.

Theo lăng kính của Tin Mừng Gioan: Đức Giê-su là Ánh Sáng, thế gian là bóng tối, mà ánh sáng thì luôn đối nghịch với bóng tối. Thế gian “chỉ yêu thích những cái thuộc về nó”

Làm sao ta biết thế gian đang yêu hay ghét ta?

Nếu thế gian thù ghét ai thì nó sẽ bách hại người ấy. Dấu hiệu của việc bị bách hại là: mệt mỏi, bức rứt, đau khổ, khó chịu…Ngược lại, thế gian không còn bách hại ta khi và chỉ khi ta thuộc về thế gian.

Cần lưu ý rằng: Nếu thế gian không bách hại ta, ta sẽ không bị thất bại, nhưng lúc đó ta lại bị cám dỗ về sức mạnh của bản thân, hoặc ta đang thỏa hiệp điều gì đó, hoặc chính ta đã thuộc về nó. Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục nói rằng: “không có thứ Ki-tô giáo mà không có đổ máu”


3. Thế nào là đối diện với thế gian?

Cả anh em nữa, anh em hảy làm chứng về Thầy…” (Ga 15,27)

Chúng ta đối diện với thế gian trong tư cách là người làm chứng về Đức Giê-su. Để làm chứng về ĐKT, người môn đệ có một lựa chọn, hoặc là thỏa hiệp với thế gian, hoặc là sẵn sáng chết cho thế gian.

Như vậy, để làm chứng cho Chúa, người môn đệ luôn ở trong tâm thế nguy hiểm rình rập, vì “ thế gian sẽ khai trừ anh em

 
Ngày thứ tư
Ở VỚI CHÚA ĐỂ BUÔNG MÌNH THEO THÁNH THẦN

(Ga 16,4b-15)

1. Thánh Thần – Đấng Bảo Trợ

Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7)
Thánh Thần được Chúa Giê-su nói với các môn đệ, như là Đấng Bảo Trợ.

Đấng Bảo Trợ là ai? Có nguồn gốc từ động từ “Paraclet” trong tiếng Hy lạp, nghĩa là:

 
- Người ở bên cạnh khi ta gọi thì lập tức đến giúp đỡ. Người cố vấn giúp ta giải quyết mọi vấn đề khi ta cầu khẩn
- Người chỉ cho ta thấy sự sai lầm của thế gian và “chứng minh thế gian sai lầm về tội, về sự công chính và về sự xét xử” (Ga 16, 8)

Thế gian có tội vì không tin vào Đức Giê-su, (16,9). “Sự công chính” hay “không công chính” song song với “vô tội” hay “có tội”. Sự công chính thuộc về Đức Giê-su, Người đến để làm chứng cho sự thật nên không tin vào Đức Giê-su là sai lầm.

 Công việc “chứng minh thế gian sai lầm” của Đấng Bảo Trợ (Pa-rác-lê) vừa ở bên ngoài, vừa ở bên trong các môn đệ. Bên ngoài, vì Đấng Bảo Trợ xác định thế gian có tội (16,9) và thế gian đã bị xét xử. Bên trong các môn đệ, vì Thánh Thần sẽ mặc khải cho các môn đệ những điều đó để họ xác tín và giữ vững niềm tin trong hoàn cảnh bị khủng hoảng.

Hãy đến với Thánh Thần mỗi khi gặp khó khăn thử thách, để Người cố vấn và chỉ cho ta biết phân định đúng, sai hầu có thể bước đi trong Sự thật như Chúa muốn.


2. Thánh Thần là Thần Khí Sự Thật
 
“ Khi Thần Khí sự thật đến, Người sẻ dẫn anh em đến Sự Thật toàn vẹn”

Con người khi muốn biết sự thật phải cần đến nhân chứng, vật chứng. Người môn đệ muốn biết sự thật chỉ cần ở nơi Thần Khí là Sự Thật.

Thế gian sai lầm, tội lỗi nên Đức Giê-su đến để chỉ cho thế gian biết: “chỉ sự thật mới giải thoát chúng ta” (18,37)

Đối với thành sử Gioan: sự thật không phải là những điều nghe xong là có thể hiểu ngay, sự thật cũng không chỉ dựa trên nhân chứng, vật chứng nhưng sự thật là chính Đức Giê-su và chỉ khi đối diện ta mới hiểu được.

Như vậy, sự thật không còn được hiểu theo nghĩa; sự việc xảy ra đúng như thế nào, nhưng là hiểu và xử lý điều xảy ra như Chúa muốn.
Muốn theo sự thật củaThần khí cần phải bỏ qua hoặc không cần thiết phải có sự thật của con người, như nhân chứng, vật chứng…vì đó là sự thật của Thế gian.

 
Gợi ý suy tư
Tôi quen sống sự thật nào? Sự thật của thế gian, của bằng chứng hay sự thật của Thần Khí?
 
Ở VỚI CHÚA ĐỂ LÒNG KHÔNG NAO NÚNG
(Ga 16,16-22)

 “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.”(Ga 16,16)

“Một ít nữa”

      - Theo nghĩa không gian:
+ Chúa Giêsu muốn nói; cuộc đời người môn đệ được đan dệt bởi những biến cố, những câu chuyện, những sự kiện mang tính thời sự (chết chóc, dịch bệnh, thiên tai lũ lụt, tai nạn…)
+ Có những biến cố ta hiểu được nhưng có những biến cố không có câu trả lời, mặc dù ta đã dtim2 hiểu và suy nghĩ.
+ Nhiều khi, sự dữ có vẻ thắng thế vì không thấy Chúa đâu. Trong đạo hay ngoài đời, giáo dân hay tu sĩ… đều có và bị sự dữ lất lướt. Ngay cả trong môi trường thánh thiêng cũng đầy dẫy sự toan tính của con người.
 
- Theo nghĩa thời gian
Anh em sẽ khóc lóc và than van” (c20)
Khóc lóc và than van là lúc ta gặp rắc rối, bấn loạn, áp lực. cô đơn trong cuộc sống nhưng lại không thấy Chúa đâu.
Có 2 nguyên nhân dẫn đến những rắc rối:
- Khách quan: do tác động từ bên ngoài, môi trường, hoàn cảnh sống. Hướng giải quyết cho rắc rối này là cầu nguyện, xin ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần (Đấng Bảo trợ) và giải quyết trong khả năng của mình
- Chủ quan: Nếu do sự vụng về của ta thì chỉ cần rút kinh nghiệm và tập sự cẩn trọng. Do cái tôi gây ra thì cần phải hoán cải, ý thức lầm lỗi của mình và sửa đổi
Câu hỏi đặt ra là: Rắc rối có phải là nguyên nhân chính yếu để ta khóc lóc và than van không? Câu trả lời có được thật thỏa đáng trong Ga 16,21-22, khi Chúa Giê-su dùng hình ảnh người phụ nữ lâm bồn, đau đớn, thao thức, lo lắng cho giờ vượt cạn của mình, để nói với chúng ta: Chỉ có một điều khiến các môn đệ phải khóc lóc than van khi thao thức, ưu tư cho sứ vụ của mình.

Như người phụ nữ đau đớn, lo lắng bồn chồn cho sự sinh nở của mình được mẹ tròn con vuông thế nào, thì người môn đệ cũng phải thao thức, ưu tư cho sứ vụ của mình như thế.

Cái kết tất yếu của cơn đau là niềm vui khi thấy hoa trái của sự vụ mình thực hiện, giống người phụ nữ vui mừng khi thấy đứa con mình đã sinh ra.
Có bao giờ chúng ta khóc lóc than van vì sứ vụ của mình? Hãy tập khóc lóc, thao thức ưu phiền cho sứ vụ, thay vì ưu phiền vì những rắc rối xảy ra trong đời thường.

 
Ngày thứ năm
Ở VỚI CHÚA ĐỂ BIẾT SỨ VỤ
(Ga 17,1-11a)
 
1. "Giờ đã đến”

“Giờ” đã được thánh sử Gioan nói tới trong Ga 12,23 -24: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh…hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi mớ sinh nhiều bông hạt…”

Đức Giê-su đã tự ví mình như hạt lúa, và “giờ” được nói tới trong câu này là giờ của hạt lúa rơi xuống đất và chết đi.

Khi “giờ” đã đến Đức Giê-su ý thức xin Chúa Cha điều gì?
- Trong Tin Mừng Nhất Lãm, CGS xin Chúa Cha “cất chén đắng”
- Trong Ga, Chúa GS xin được tôn vinh. Đức Giêsu ước ao được tôn vinh, nghĩa là Ngài ước ao được Cha ban thưởng, vì công trình Chúa Cha trao phó cho Người đã được hoàn tất “phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm” (Ga 17,4

Như vậy, “giờ” được nói đến trong câu đầu tiên của chương 17 là: giờ của sứ vụ. Đức Giê-su không sợ chết, nhưng Người coi cái chết như một sứ vụ được ủy thác.

Nơi Đức Giê-su, mỗi người cần xác tín rằng: Mục đích nền tảng của sứ vụ nơi người môn đệ, không phải chỉ thánh hóa bản thân, phát triển cộng đoàn, nhưng là để công trình của Chúa Cha được hoàn tất, nên mỗi sứ vụ lớn hay nhỏ được ủy thác đều là sứ vụ của hạt lúa gieo xuống và chết đi.


2. Đâu là sứ vụ từ Chúa Cha cho Chúa Giê-su?
 
- Đối tượng của sứ vụ: “những người Cha đã chọn từ giữa thế gian và ban cho con” (Ga 17,6)
- Công việc của sứ vụ:
+ Cho họ biết về Danh Cha. Chỉ có thể cho họ biết về Danh Cha khi con biết Cha.
+ Cần phân biệt: hiểu Cha và biết Cha
Hiểu nghĩa là dùng trí khôn để khám phá  và nắm bắt
Biết: nhấn mạnh đến kinh nghiệm về Chúa khi đã đụng chạm đến Chúa
Tỏ cho môn đệ thấy tất cả những gì Chúa Con có đều bởi Chúa Cha và phát xuất từ Chúa Cha (c7)
+ Chuyển lời của Chúa Cha cho họcon đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con” (c8), nghĩa là Chúa Giê-su không nói lời của mình và không làm công trình cuả mình, nhưng nói và làm điều Chúa Cha trao phó.

Hoa trái của những công việc sứ vụ Đức Giê-su đã thực hiện đều cho các môn đệ biết:
- Chúa Con đến từ Chúa Cha, nghĩa là giống Chúa Cha
- Chúa Cha sai Chúa Con đến, nghĩa là Chúa Giêsu nói và làm công trình của Chúa Cha

Gợi ý suy niệm
- Tôi, trong tư cách là con có giống Thiên Chúa là Cha không?
- Công việc tôi đang làm có là công việc của Thiên Cháu là Cha ko?

3. Tính logic giữa “của” và “thuộc về”

Hai giới từ “của” và “thuộc về” được lặp lại nhiều lần trong lời nguyện của Chúa Giê-su, điều này muốn nói:
- Mọi người là của Cha “Cha đã chọn họ từ giữa thế gian, họ thuộc về Cha và của Cha, Cha đã ban họ cho con”
- Mọi sự Chúa Con có đều thuộc về Chúa Cha
- Mọi sự Cha có đều thuộc về con, nghĩa là Cha với con là một.

Câu hỏi đặt ra: Tôi trong tư cách là người con của Cha, tôi có điều gì?
- Thứ nhất, tôi sẽ không có gì nếu điều ấy không thuộc về Cha
- Thứ hai, nếu tôi thuộc về Cha thì tôi là con, vì là con nên tôi có mọi sự Cha ban, mà tất cả những gì Cha ban cho con chỉ là những con người được Cha ủy thác cho, để tôi làm cho họ trở nên con của Cha.

Gợi ý suy niệm
- Tôi có đang là con của Thiên Chúa là Cha không?
- Cái có của tôi trong tư cách là con Cha là những thứ gì?
- Tôi được mời gọi để luôn sống cảm thức thuộc về, là nền tảng cho mọi tương quan trong cuộc đời tôi.

Ở VỚI CHÚA
ĐỂ NGƯỜI MÔN ĐỆ BIẾT MÌNH LÀ AI

(Ga 17,11-26)

1. Người môn đệ - người được gìn giữ
 
Người môn đệ được Chúa Giê-su xin Chúa Cha gìn giữ “trong Danh Cha” (c11b) và “khỏi ác thần” (c15).

Sự dữ và ác thần luôn bủa vây cuộc sống người môn đệ cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên ngoài là những xúi giục, gương mù, gương xấu. bên trong là những đam mê, tật xấu, thế nên Chúa Giê-su cầu nguyện xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ của người khỏ ác thần là hợp lý, và hợp lý hơn khi Chúa Giê-su xin Chúa Cha gìn giữ họ trong Danh Cha.

Vì Danh Cha chính là hàng rào bảo vệ. Hành rào có đặc tính, ngăn cản ác thần xâm nhập vào người môn đệ, nhưng lại không cản ngăn được người môn đệ bước ra khỏi hàng rào. Điều này muốn nói: sự dễ dãi, thoải mái với bản thân là bước liền trước đó của sự dữ, thế nên, phải biết dừng lại trước giới hạn cuối cùng, vì chúng ta luôn luôn bị cám dỗ vượt rào.

(Hàng rào bảo vệ mà Chúa dùng để gìn giữ chúng ta là luật, là nội quy…)


2. Người môn đệ là người được thánh hiến
 
Chúa Giê-su cầu nguyện rằng: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ…vì họ, con xin thánh hiến chính mình con…” (Ga 17,17 -19). Lời nguyện trên cho thấy: Chúa Cha thánh hiến và Chúa Con hỗ trợ các môn đệ được thánh hiến bằng việc tự thánh hiến chính mình
.
Việc Chúa Cha thánh hiến ta và việc Chúa con tự thánh hiến chính mình, không đương nhiên làm cho ta được thánh hiến.

Mức độ ta được thánh hiến tỉ lệ thuận với mức độ ta chấp nhận để cho Chúa thánh hiến, và mức độ ta cộng tác của ta vào công trình thánh hiến của
Thiên Chúa nơi ta bằng việc tự thánh hiến chính mình.

Vậy, thánh hiến là gì?

Trước hết, đó là việc tách ra khỏi môi trường ô uế, nhơ bẩn, thứ hai là tẩy uế, làm cho sạch, sau cùng là đặt vào môi trường thánh thiện là Thiên Chúa. Đây phải là công việc của 2 tác nhân: Thiên Chúa thánh hiến tôi và tôi tự thánh hiến chính mình.


3. Người môn đệ là người biết nên một với nhau.

xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21)

Điều này xem ra không thể là một thực tế, vì thường thì “chín người mười ý” sao có thể nên một được? Vậy thì tại sao Chúa Giê-su lại cầu nguyện cho sự nên một này?

Ý nghĩa sâu xa nằm ở chỗ: sự nên một này không xuất phát từ nơi con người mà là đến từ Thiên Chúa, nền tảng của sự nên một này là nên một với Chúa, chỉ khi ta nên một với Chúa thì mới nên một với nhau.

Để nên một với nhau cần:
- Bỏ ý riêng, tìm ý Chúa
- Tập dễ sống với người khác
- Không thỏa hiệp, không bè phái, nhưng nỗ lực thay đổi bản thân để có thể thích nghi với anh chị em.
Đó là những dấu chỉ cho thấy chúng ta đã nên một với nhau.
 
Ngày thứ sáu
Ở VỚI CHÚA
ĐỂ CẢM NẾM THẾ NÀO LÀ YÊU ĐẾN CÙNG

(Ga 19,25-30)
 
1. Yêu đến cùng là cho đi điều quý nhất lúc cần nhất.
 
Bản văn Kinh Thánh Ga 19,25-30, đặt chúng ta trong bối cảnh Chúa Giê-su đang hấp hối trên Thập giá.

Thân xác đau đớn, tình thần yếu đuối, vậy Chúa Giê-su cần gì lúc này?

Trên Thập giá lúc ấy, Chúa Giê-su trông thấy Đức Maria và người môn đệ Chúa yêu “đứng cạnh thập giá có thân mẫu và môn đệ người thương mến” (c26). Chắc hẳn Ngài rất cần sự nâng đỡ tinh thần từ họ, những người thân tín nhất. Nhưng Chúa Giê-su không để cảm xúc chi phối giây phút yếu đuối cùng cực ấy, Ngài chỉ nói với Mẹ mình “này là con Bà” và nói với người môn đê “này là mẹ của con”. Hai câu nói này đều diễn tả sự cho đi đến cùng, Ngài chấp nhận cho đi người mẹ và người môn đệ mình yêu thương nhất vào lúc Ngài cần họ nhất. “Từ lúc ấy người môn đệ rước Bà về nhà mình” (c27). Ngài chấp nhận mất họ khi ngài đang rất cần họ, điều này muốn diễn tả: cho đi là chấp nhận mất mát, mất mát là cô đơn, cô đơn trong lúc không hề muốn cô đơn thì đó là nỗi cô đơn tột cùng. Đây cũng chính là nghịch lý của tình yêu đến cùng.  


2. Yêu đến cùng là đã cho đi tất cả nhưng vẫn khao khát được cho đi.
 
Thánh Ga kể; sau khi đã cho đi tất cả. Hai người Chúa yêu thương nhất cũng đã rời bỏ mình trong lúc mình cần họ nhất, nghĩa là lúc này Chúa Giê-su đã cảm nghiệm tột cùng sự khủng khiếp của nỗi cô đơn, và Ngài không thể làm gì hơn được nữa “mọi sự đã đến cùng”. Tuy nhiên, chính lúc cảm thấy đã đến cùng thì cơn khát của tình yêu cho đi vẫn cháy bỏng đến nỗi Ngài phải thốt lên rằng “Ta khát”. 

“Khát” ở đây là khát khao sự cho đi, dù không thể cho đi hơn được nữa, dù tình yêu cho đi vẫn cháy bỏng nguyên vẹn.

Như vậy, với Thánh Gioan, Yêu đến cùng không phải cho đi đến cùng, mà là ước muốn cháy bỏng cho đi không bao giờ cùng.

3. Yêu đến cùng là một tình yêu không cùng và chấp nhận sự phản bội.

“Để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Đức Giê-su nói: “Ta khát”, người ta đã lấy miếng bọt biển thấm đầy giấm rồi đưa lên cho Người” (c18)

Giấm là một chất dùng để hành hình và tra khảo tội nhân và trong ngữ cảnh này, giấm chính là hình ảnh của sự phản bội.

Chúa Giê-su chấp nhận nếm giấm chua nghĩa là chấp nhận sự phản bội. Miệng thấy chua, lòng tẹ tái vì cái cho đi là tình yêu ngọt ngào bao la trời bể, cái nhận lại chỉ là một miếng chua chát đắng cay.

Chỉ khi nếm được mùi vị chua chát của miếng phản bội giữa một biển trời ngọt ngào của tình yêu cho đi đến cùng, Đức Giê-su mới cảm được để thốt lên những lời cuối cùng “thế mới là đến cùng”.

Như thế, ý nghĩa của miếng giấm chua mà Chúa Giê-su chấp nhận nếm mang một ý nghĩa sâu sắc: miếng giấm không làm méo mó, biến chất độ ngọt ngào của tình yêu cho đi đến cùng, nó chỉ có thể làm cho độ ngọt ngào ấy thêm đậm đà, sâu sắc.
 

[1] Mạc khải lớn nhất trong Tin Mừng Ga mà Đức Giê-su mạc khải về chính mình: Ngài chính là Ánh Sáng
114.864864865135.135135135250