08/04/2023 -

Cầu nguyện

327
Tình yêu thinh lặng

Sự tĩnh lặng, ảm đạm trước ngôi mộ khi bóng tối dần buông xuống, là cái thời khắc dễ làm cho tâm hồn con người xao động. Một chút gì đó mơ hồ của quá khứ trong sự nuối tiếc ăn năn, một chút gì đó của tương lai trong nỗi khắc khoải, trống vắng cứ thế bao phủ tâm hồn con người làm cho bầu khí càng thêm hắt hiu, cô quạnh.

Có lẽ trong phụng vụ của Giáo hội không có ngày nào cô quạnh và trống vắng như ngày thứ bảy tuần Thánh nhưng lại là lúc tình yêu đi vào cõi thinh lặng. Thinh lặng “vì Ðức Vua an giấc. Trái đất run rẩy rồi yên tĩnh lại, vì Thiên Chúa đang ngủ trong xác phàm” (trích bài đọc Kinh Sách thứ 7 tuần Thánh). Có lẽ đây là sự thinh lặng cần thiết nhất để con người khám phá ra những ý nghĩa đẹp nhất của thứ 7 Thánh.

Ngày của cảm thông

Một ngày lặng như tờ, vì tảng đá che mồ dường như đã lấp đi tất cả, chỉ còn lại âm thanh của tiếng gió xao xác trên trên đồi cao vọng xuống, tiếng bước chân đi lại của những người lính gác mồ Chúa, tiếng thở dài ngập tràn đau đớn, tuyệt vọng của những tâm hồn tin yêu theo Ngài mà nay tất cả mọi hy vọng họ đặt nơi Ngài đều tan thành mây khói… đó là những âm thanh của thời gian chầm chậm trôi đi, làm cho lòng người khắc khoải đến mỏi mòn. Nhưng chính trong sự tĩnh lặng này ta lại nghe được âm thanh của bước chân tìm kiếm, giải thoát và cảm thông. Chúa Giêsu không bị giam cầm bởi cái chết, Ngài đã xuống ngục tổ tông, xuống tận nơi sâu thẳm của lòng đất để “đánh thức những kẻ đang ngủ từ bao đời” (Bài đọc Kinh Sách thứ 7 tuần Thánh) và để “tìm kiếm nguyên tổ như tìm con chiên lạc. Người muốn tới viếng thăm tất cả những ai đang ngồi nơi tăm tối và trong bóng sự chết” (GLCG số 631;635) để công bố năm hồng ân của Thiên Chúa (x. Lc 4, 18-19). Ngài cũng vẫn tiếp tục đi xuống tất cả các hố sâu, ngục thất của thế gian là những nơi mà nhân loại chúng ta đang bị giam cầm bởi tội lỗi, để vực dậy và giải thoát, để cảm thông và phục hồi.

Ngày của chờ đợi

Trong cái ngày mọi âm thanh não nùng thê lương tưởng chừng như tống tiễn một kiếp người. Màu ảm đạm nủa sáng nửa tối của không gian làm cho tương lai trở nên mờ mịt. Chúa đã chết, còn gì để chờ đợi?  Không biết ánh sáng là gì, không còn những giọt nước mắt, nhưng còn một nỗi đau, một sự tủi hờn vẫn đeo bám nhân loại. Đó là cái bế tắc khi mất đi một điểm tựa là chính Chúa. Thế nhưng, ngày mà tưởng chừng chỉ có mất mát và đau thương lại là ngày niềm hy vọng đã hé mở cho chúng ta. Nhờ cái chết của Đức Giêsu Kitô mà Thiên Chúa đã hòa mình trong cái khổ đau, cái cô đơn, tuyệt vọng của con người để cho chúng ta nguồn sống mới. Thứ bảy tuần Thánh là lời nhắc nhở chúng ta rằng, những điều có vẻ như là bi kịch nhất không phải lúc nào cũng là điều tồi tệ nhất. Cái tăm tối nhất của đức tin lại trở thành dấu chỉ sáng chói của niềm hy vọng, cái chết nhục nhằn của Chúa lại làm cho tội của chúng ta trở thành tội hồng phúc.  Thế nên, hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta vừa chiêm ngắm Chúa Kitô nghỉ an trong mộ sau chiến thắng của thập giá, vừa tưởng nhớ Người xuống thế giới của kẻ chết để tìm kiếm, cảm thông và chữa lành, đồng thời Giáo hội còn mời gọi chúng ta chờ đợi lời hứa của Người thực hiện: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ đánh đòn và giết chết Người,  Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (x. Mc 10:33-34).

Chờ đợi trong cầu nguyện, chờ đợi trong sám hối, chờ đợi trong sự lắng nghe tiếng Chúa âm thầm nói với chúng ta: “Hạt giống rơi xuống đất phải chết đi, thối đi mới trổ sinh được nhiều bông hạt.”

Ngày của canh tân

Cái chết của đức Giêsu đã trở thành nỗi ám ảnh cho các môn đệ. Nhưng nhờ sự thất bại thảm hại của Chúa trên thập giá và sự thất vọng tràn trề của các môn đệ nơi nấm mồ, đã giúp họ khám phá ra một chân lý “Thiên Chúa phải chết cho họ thì Ngài mới sống thực trong họ” (Đức Bênêdictô XVI).

Đến đây, ta có thể thấy thông điệp rõ ràng của Thứ Bảy Tuần Thánh, đó là lời mời gọi canh tân, cách cụ thể; “Hãy bước ra, những người ngồi trong bóng tối, hãy thức dậy, những người còn đang ngủ, Hãy trỗi dậy từ cõi chết; Ta là sự sống của kẻ chết. Hãy trỗi dậy, hỡi con người, công trình của tay Ta, hãy trỗi dậy, ngươi đã được tạo thành theo hình ảnh Ta…Kẻ thù đã đưa ngươi ra khỏi vườn địa đàng; Ta sẽ phục hồi ngươi, không phải ở địa đàng nữa, nhưng ở ngai trên trời…Nước trời đã được chuẩn bị cho ngươi từ trước các thế hệ…” ( trích bài đọc Kinh Sách thứ bảy Tuần thánh).

Đã không còn những tiếng la hét, nhục mạ của đám đông, cũng không còn mùi của máu, của đau đớn và chết chóc…tất cả đã nín lặng để cho Lời Tình Yêu bừng lên nguồn sống mới, để cho lòng người được đánh động trong sự ăn năn sám hối, và nhất là…. Đây là sự thinh lặng đẹp nhất để cho trái tim con người chạm được vào Tình Yêu vô tận của Chúa.

Hãy đến bên mộ Chúa và dâng hiến chính mình cho sự thinh lặng và cảm thông, trong sự chờ đợi và canh tân, củng cố niềm hi vọng về cuộc gặp gỡ mới với Chúa trong ngày Người sống lại.Vì lời tung hô “Alleluia – Chúa đã Phục Sinh” chỉ thực sự có ý nghĩa khi tâm hồn chúng ta đổi mới, đời sống chúng ta được canh tân.

CatBui
114.864864865135.135135135250