06/05/2017 -

Cđ. Ialâu

968
SỢ - chia sẻ về sứ vụ truyền giáo


"SỢ" - chia sẻ về sứ vụ truyền giáo


Mùa Phục Sinh, ta kể cho nhau nghe chút trải  nghiệm “SỢ” trong sứ vụ “lang thang”.

Thời gian mỗi ngày mỗi dày thêm trên cuộc đời của Siu, năm tháng qua mau, từng ngày sống là từng giây trải nghiệm… nhớ mãi không quên hay qua nhanh theo từng nhịp kim đồng hồ. Điều này cũng tùy thuộc vào sức ảnh hưởng của từng trải nghiệm.

Là la la, lá là la… sung sướng quá đi mất, mấy mươi năm lão Phêrô làm ngư phủ chèo chống trên biển hồ, vượt qua bao nhiêu là sóng dữ…, nhưng chỉ có giây phút này là đẹp nhất, hạnh phúc nhất đây. Lão đi chân không trên mặt nước, hiên ngang để đến với Thầy như trong phim kiếp hiệp vậy, tuyệt lắm (Mt 14,29). Nhưng rồi, giữa sóng nước mênh mông, đêm tối mập mờ, gió thổi lồng lộng, lão “hoảng sợ” và bắt đầu chìm. Ớ!!! Thầy đâu rồi? cứu con với, con chết mất (Mt 14,30). Hi! Dân chài mà không biết bơi sao??? Đức Giêsu “liền” đưa tay nắm lấy lão: Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi? (Mt 14, 31). Cả hai Thầy trò dắt nhau lên thuyền. Anh cả Phêrô một phen hú vía.

Ngày ngày, Thầy Giêsu vẫn lang thang trên các nẻo về từ Galilê lên Giêrusalem cũng như trong các Đền Thờ để giảng dạy  về Nước trời cho dân và giữa dân. Nhưng chẳng có ai ra tay bắt bớ Ngài. Ấy vậy mà, hôm nay, người ta mang gươm giáo ập đến bắt Thầy như một tên cướp không hơn không kém (Mc 14, 48-49). Ối trời ơi!!! nửa đêm nửa hôm, giấc ngủ vật vờ, các môn đệ hồn bay phách lạc, tan tác chạy tán loạn, bỏ Thầy, bỏ luôn cả tấm vải duy nhất che người, chạy trốn trong sự trần truồng vì “sợ”: Trong đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng” (Mc 14,51-52).

Thầy làm phép lạ chữa lành bệnh tật (Lc 5,17-26; Mt 9,1-8; Mc 2,1-12), hóa bánh ra nhiều (Lc 9, 10-17; Ga 6, 1-13), làm cho kẻ chết sống lại (Lc 7,11-17; Ga 11,43-44)Vinh quang lắm chứ, danh thơm tiếng tốt các môn đệ hưởng từ Thầy thật không ít. Ngẩng cao đầu mà đi giữa muôn người, các ông hy vọng một ngày nào đó ta ngồi tả hữu của Thầy… oách ra phết (Mc 10,36-37; Mt 20,20-23).

Lang thang với Thầy “có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia” nhưng khi “anh hùng sa cơ lỡ vận” thì đường thằng nào đứa đó chạy. Linh hồn ai nấy giữ, tình Thầy trò bao năm biến tan theo nỗi “sợ”. Ở với Thầy, cùng ăn cùng uống với Thầy, Thầy có đó mỗi ngày nhưng các môn đệ lại không ít lần hèn nhát kém tin. Đó là kiếp người??? Hình ảnh này thật đáng thương cho thân phận người môn đệ  Thầy Giêsu “Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác” (Mc 14,27).

Bên cạnh những lần tuyên xưng đức tin mạnh mẽ (Mc 14,29) là những lần tụt dốc thảm hại. Thầy Giêsu có đắng lòng hay không? Vẫn yêu các đệ cho đến cùng “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,19).  Tất cả là vì “sợ”, sợ liên lụy đến bản thân, sợ chịu nhục giống Thầy, sợ chết,… sợ… sợ và sợ… Cái sợ làm cho các môn đệ quên Thầy, bỏ bạn, mất niềm tin. Đó là một trong những trải nghiệm “sợ” của người môn đệ, một đời theo Chúa.

Trong Thầy Giêsu, người môn đệ không được phép dừng lại than khóc sự yếu kém, hèn tin của mình mà là đứng lên nhận lãnh Thánh Thần, tiếp tục cuộc hành trình trong sự kiên cường, mạnh mẽ. Sau ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-13), cánh cửa lòng các môn đệ rộng mở để bao ích kỷ và bao nỗi “sợ” cuốn trôi theo Thánh Thần Chúa. Một sự sống mới bắt đầu trong con người cũ, giờ đây, các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng của Chúa cho muôn dân, lòng hân hoan trước những bắt bớ và khổ nhục (Cv 6,40-41).

 


 

Kể từ ngày hôm ấy, cái ngày mà hai anh em, người Jrai mới trở lại đạo Chúa, đến nói với Siu: con heo mình nuôi năm năm, mình hứa cúng thần (phai yang) và ăn lễ bỏ mả ([ong hua\ pơsat, pơthi). Giờ mình theo đạo, con heo đó làm sao? Siu lặng yên một lúc, bây giờ là cuối tháng mười, Siu chợt nhớ đến ngày hai tháng mười một, ngày ra nghĩa trang cầu nguyện và là tháng cầu nguyện cho các linh hồn. Thế là con heo đó được xắp xếp để ăn vào ngày ấy. Và rồi, cũng từ ngày đó, Siu rơi vào tâm trạng bất an, lo âu, mất ngủ. Siu cầu xin Chúa từng ngày dưới chân Thánh Giá nhưng lòng vẫn mãi trong tâm trạng  “sợ”. Bởi Siu sắp làm một việc mà trong văn hóa – nếp sống của anh chị em Jrai chưa theo đạo Chúa  không cho phép.

Dưới những nấm mộ kia là những người anh chị em Jrai khi chết chưa biết Chúa, chỉ có con cái họ bây giờ mới bắt đầu trở lại. Thịt, bánh, nước uống, bia, đồ dùng,… được trưng bày đầy trên các mồ. Một vài nhà mồ đã ăn lễ bỏ mả (pơthi) lún sụp đến nao lòng. Dọn bỏ những đồ cúng kia là cả một vấn đề, đó là  chưa nói đến việc làm lại những những nấm mồ đã bỏ hoang, đây là điều kiêng kị trong nếp sống của anh chị em Jrai. Còn con heo to tướng kia nữa, người ta hứa cúng thần rồi mà, làm thịt ăn… nếu có gì xảy ra cho gia chủ thì tính sao đây? Còn  nếu Siu “sợ” không dám làm thì sau này sẽ nói sao đây về niềm tin vào Chúa? Đầu óc Siu cứ rối tung lên. Dù thế nào đi nữa thì Thánh Giá Chúa vẫn phải được cắm trong nghĩa trang trước ngày hai tháng mười một.

Vào ngày lễ các thánh, Siu cùng với hai em người Jrai mang Thánh Giá Chúa cắm giữa nghĩa trang những người đã chết không biết Chúa. Siu cảm thấy lòng mình vui, nhưng niềm vui ấy vẫn không xua tan hết nổi “sợ” đang đeo bám mình. Siu sợ sự nổi giận của rất nhiều anh chị em Jrai trong làng chưa trở lại đạo, sợ sự dữ xảy ra trong làng, sợ một điềm xấu xuất hiện trong những anh chị em mới trở lại đạo Chúa,… Chúa ơi! Nếu điều ấy xảy ra thì niềm tin vào Chúa của một số anh chị em mới được đốt lên sẽ tắt hết.

Sáng nay, lòng dằn lòng đầy tâm trạng, Siu cầu xin Chúa nhưng Chúa ở đâu mất rồi??? Vì là cộng đoàn Kitô hữu sơ khai nên chưa có linh mục nào quan tâm, biết đến. Linh mục thì có năng quyền trên ma quỷ còn Siu chỉ là một tu sĩ nhỏ bé giữa dòng đời, len lõi trên cánh đồng truyền giáo bao la, Siu thật sự  rất “sợ”. Chỉ cần một điềm lạ không tốt xảy ra trong làng là nhóm người mới trở lại đạo Chúa sẽ gánh chịu và Siu không chừng sẽ bị đuổi ra khỏi làng như chơi. Siu lặng lẽ “vận dụng hết niềm tin còn lại của mình” để lên đường đến nghĩa trang sớm hơn giờ cầu nguyện. Thánh Giá, hôm qua, vẫn đứng đó hiên ngang mời gọi nhưng những ngôi mộ kia vẫn còn nguyên lễ cúng tế. Một chút u ám bao trùm, Siu gọi vài người cùng đi với mình dọn sạch những đồ cúng đó nhưng họ có vẻ rất ngại ngùng. Chợt đâu đó vang lên lời cầu nguyện từ đáy lòng của Siu: Lạy Chúa xin Ngài hãy bày tỏ vinh quang của Ngài nơi thân xác nhỏ bé của con, xin biểu lộ uy danh và tình thương của Ngài trong niềm tin yếu kém của con. Trong tâm hồn Siu như có một sức mạnh vô hình nào đó thôi thúc, Siu nói với anh chị em: hôm nay mình làm những việc này nếu con ma về bắt thì bắt mình, nếu có tai ương xảy ra trong làng thì mình chịu. Chỉ thế thôi, tất cả các nhà mồ đều được dọn sạch nhanh chóng. Giờ cầu nguyện cử hành tốt đẹp. Cả làng chia nhau con heo năm tuổi ăn một bữa thật vui. Không có sự khốn khó nào đến cả. Cảm ơn Chúa.



 

Chiều nay, Siu ngồi một mình dưới chân Thánh Giá, lòng nhẹ lòng, thở phào nhẹ nhỏm. Siu không nhớ mình đã làm gì nữa??? Nhìn lại đời sống đức tin, Siu thật quá tồi, là một tu sĩ sống sứ vụ giữa vùng truyền giáo lại “sợ” sệt một điều nếu không muốn nói là vô duyên. Nhưng đó là trải nghiệm rất thật để khi trở lại với các môn đệ, nhất là lão tướng Phêrô, Siu thấy mình cùng phe với người về sự hèn yếu, kém tin... hi…

Cảm ơn Chúa đã kéo con lên trong lúc sắp chìm nếu không con dật dờ vì “sợ” đến mất ăn, mất ngủ. Cũng may Siu vẫn còn quần áo mặc chứ không đến nổi như anh thanh niên trong Tin Mừng theo thánh Máccô nhưng chúng ta vẫn cùng phe là “sợ” đến chẳng thấy Chúa đâu. Cái “sợ” này Siu nhớ mãi không quên, bởi nó để lại trong đời sống đức tin, đời sứ vụ một trải nghiệm “hèn”. Một chút nhưng rất đẹp và rất người.

Chốn này, hôm nay đã hình thành một cộng đoàn Kitô hữu tương đối vững mạnh trong đức tin. Siu vẫn ở đây từng ngày sống và chia sẻ niềm tin với anh chị em Jrai trong nếp sống văn hóa và tiếng nói của họ. Siu thành lập thêm những điểm cầu nguyện mới nơi các làng. Biết đâu đó lại có những nổi “sợ” mới đang chờ, không chừng lần nữa sẽ vứt luôn cả áo lẫn quần mà chạy hihi….

Siu Khuk Ka (Anrê Phú Yên Trần hị Khúc Ca)


 

114.864864865135.135135135250