16/06/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1188
Ngày 16/6 - Các Thánh: Đa Minh Nguyên - Đa Minh Nhi - Đa Minh Ng. Đức Mạo - Vincentê Tương - Anrê Tường
Ngày 16/6
Thánh Đa Minh Nguyên
Chánh trương- Lang Y (1800 – 1862)

I. Tiểu sử
Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất;
còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.

(Mt 16, 25)

Thánh Đaminh Nguyễn Huy Nguyên sinh năm 1800 tại giáo xứ Ngọc Cục, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Ngọc Tiên, Giáo phận Bùi Chu).

Ông Nguyên sống đời Công giáo đạo hạnh gương mẫu, gia thất khá giả, làm việc phúc đức, nâng đỡ người nghèo nên được dân làng kính yêu mộ mến. Là một thầy thuốc nên ông Nguyên có nhiều cơ hội thực thi bác ái khi tiếp xúc với đủ hạng người, cả Công giáo lẫn không Công giáo.

Ngày 14-9-1861, ông Nguyên bị bắt lúc đang giữ chức chánh trương xứ đạo Lục Thủy. Quan phủ Xuân Trường hạ lệnh cho ông lang Nguyên phải đạp lên Thánh Giá, nhưng ông cương quyết không xúc phạm đến Chúa. Quan phủ giận dữ, đày ông Nguyên sang làng Bạch Cốc, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Trong hơn 7 tháng, ông Nguyên bị giam cầm, cổ mang gông cùm, chân tay bị xiềng xích, bị đánh đòn nhiều lần, bị khắc hai chữ “tả đạo” vào má. Tuy nhiên, vị anh hùng đức tin vẫn kiên trì, đặt trọn niềm tin vào Chúa. Để nâng cao tinh thần trung kiên, ông Nguyên và các bạn tù khác siêng năng đọc kinh Mân Côi, cầu nguyện và hy sinh. Ngoài ra, các ông còn giúp nhau sám hối và ăn chay mỗi tuần 3 ngày để chuẩn bị đón nhận hồng phúc tử đạo. Nhờ đó, các ông tìm được sức mạnh thiêng liêng, nghị lực và can đảm, khắc phục mọi đau khổ và thử thách.

Cùng với ông Anrê Nguyễn Mạnh Tường, Vinhsơn Nguyễn Mạnh Tương, Đaminh Nguyễn Đức Mạo, Đaminh Nguyễn Đức Nhi, vị chứng nhân đức tin chánh trương và lang y Nguyễn Huy Nguyên lãnh án xử trảm vào ngày 16-6-1862 tại pháp trường Bạch Cốc, tỉnh Nam Định, triều vua Tự Đức. Thi hài các vị được chôn ngay tại nơi tử đạo, sau được cải táng về quê nhà.

Ông chánh trương Ðaminh Nguyễn Huy Nguyên được nâng lên hàng chân phước ngày 29-4-1951 được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Thánh Đa Minh Nguyễn Đức Mạo
Hương quản hay Phó lý (1818-1862)

I. Tiểu sử

 
Sao quan lại dụ dỗ chúng tôi như vậy? Nếu chà đạp Thánh Giá để khỏi bị bắt, bị đánh đập,
thì chúng tôi đã làm ngay ở làng quê chúng tôi rồi, dại gì phải trải qua biết bao cực khổ nơi đây.
Bây giờ quan cứ làm theo ý quan, chúng tôi không bao giờ bỏ đạo đâu.

 
Thánh Đaminh Nguyễn Đức Mạo sinh năm 1818 tại thôn Phú Yên, làng Ngọc Cục, phủ Xuân Trường, Nam Định (nay thuộc giáo xứ Ngọc Tiên, Giáo phận Bùi Chu). Ông giữ chức phó lý (hương quản), có trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự trong làng xã. Ông lập gia đình và có một gia đình nề nếp, đạo hạnh.

Ngày 14-9-1861, quan phủ Xuân Trường ra lệnh ép ông phải đạp lên Thánh Giá. Ông khẳng khái từ chối nên bị đày sang làng Bạch Cốc, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Trong nhiều tháng bị giam cầm, cổ mang gông, tay chân bị xích xiềng, nhiều lần chịu đánh đòn dã man tại công đường, nhưng ông vẫn kiên trung với Đạo Thánh Chúa. Khi vua thi hành chiếu chỉ phân sáp, quân lính dùng dùi sắt nung đỏ khắc chữ trên mặt chứng nhân: một bên má chữ “tả đạo”, má bên kia là tên làng “Ngọc Cục”, làm cho ông nhức nhối đau đớn khủng khiếp. Ông Mạo nhẫn nhục chịu đựng, trung kiên với đức tin chân chính.

Hàng ngày, ông đọc Kinh Mân Côi cùng với các bạn tù đức tin. Nhờ những kinh nguyện sốt sắng, họ có sức mạnh lướt thắng mọi gian nan thử thách. Họ còn giúp nhau sám hối và hy sinh giữ chay ba ngày trong tuần để chờ đợi đón nhận hồng phúc tử đạo.

Ngày 15-6-1862, một lần nữa quan yêu cầu ông Mạo đạp lên Thánh Giá, ông quyết liệt từ chối. Quan sai binh lính trói chặt ông mang ra phơi nắng trọn ngày, không cho ăn uống.

Ngày hôm sau, quan thay đổi thái độ, dùng lời ngon ngọt dụ dỗ, nhưng ông Mạo bình tĩnh trả lời: “Sao quan lại dụ dỗ chúng tôi như vậy? Nếu chà đạp Thánh Giá để khỏi bị bắt, bị đánh đập, thì chúng tôi đã làm ngay ở làng quê chúng tôi rồi, dại gì phải trải qua biết bao cực khổ nơi đây. Bây giờ quan cứ làm theo ý quan, chúng tôi không bao giờ bỏ đạo đâu”.

Chứng nhân đức tin Nguyễn Đức Mạo bị xử trảm ngày 16-6-1862 tại pháp trường Bạch Cốc. Thi hài ngài được rước về an táng trong nhà thờ Phú Yên.

Ông Hương quản Ðaminh Nguyễn Ðức Mạo được nâng lên hàng chân phước ngày 29-4-1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Thánh Vincentê Nguyễn Mạnh Tương
Chánh tổng (1814 – 1862)

I. Tiểu sử
Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ đã biến nên tảng đá góc tường.
(Tv 117,22)

 
Thánh Vinhsơn Nguyễn Mạnh Tương sinh năm 1814 tại họ Phú Yên, làng Ngọc Cục, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Ngọc Tiên, Giáo phận Bùi Chu). Ông bà song thân là Đaminh Tiên (chánh trương) và Maria Gương.

Ông Tương lập gia đình và sống đời Công giáo gương mẫu đạo hạnh. Khi bị bắt, ông Tương đang giữ chức chánh tổng, được dân làng mến mộ trọng vọng.

Chỉ một tháng sau ngày ban hành lệnh phân sáp của vua Tự Đức, ngày 14-9-1861, quan phủ Xuân Trường đã áp dụng quy định của chiếu chỉ, đòi buộc các anh hùng đức tin: Nguyễn Mạnh Tương, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Đức Mạo, Nguyễn Huy Nguyên và Nguyễn Đức Nhì phải chà đạp ảnh thánh và tuyên bố bỏ đạo.

Tuy nhiên, tất cả các tù nhân kiên trì chấp nhận roi đòn, nhục hình, đói khát, gông cùm, xích xiềng,... để tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô. Quan phủ giận dữ đày năm tù nhân đức tin sang làng Bạch Cốc, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Lần cuối cùng, ngày 15-6-1862 quan truyền lệnh cho ông Tương chà đạp Thánh Giá, nhưng ông cựu chánh tổng nhất tâm trung kiên với Chúa. Ông Tương lãnh bản án xử trảm ngày 16-6-1862 tại pháp trường Bạch Cốc, dưới thời vua Tự Đức.

Ông Chánh tổng Vinhsơn Nguyễn Mạnh Tương được phong chân phước ngày 29-4-1951 và tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Thánh Anrê Nguyễn Mạnh Tường
Giáo dân (1812-1862)

I. Tiểu sử

 
Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục,
nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.

(Gl 5, 22)

 
Thánh Anrê Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1812 tại họ Phú Yên, làng Ngọc Cục, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Ngọc Tiên, Giáo phận Bùi Chu). Ngài lập gia đình và sống đời Công giáo gương mẫu đạo hạnh.

Theo chiếu chỉ cấm đạo của vua Tự Đức ban hành năm 1861, một số quan quân đã thi hành cách hết sức tàn bạo. Giáo sĩ Estevez - Nam thuật lại những vụ sát hại tập thể ở Nam Định và Hưng Yên: “Ở các nơi khác, khi giáo hữu đi phân sáp, quan còn cho phép bán nhà cửa để lấy tiền chi tiêu, nhưng trong tỉnh Nam Định, quan tổng đốc Nguyễn Đình Tân (Hưng) quyết định: Phải đuổi người Công giáo ra khỏi nhà, trói từng lớp năm người, chỉ được đem theo mấy nắm gạo đủ ăn chừng hai ngày”.

Chính trong bối cảnh tang thương này, ông Tường bị bắt cùng với nhiều giáo hữu làng Ngọc Cục, bị giao thẳng về ngục thất Nam Định. Ông phải mang gông nặng trên cổ, tay chân bị xích xiềng và chịu nhiều trận đòn, bị khắc hai chữ “tả đạo” lên má… Dầu vậy, anh hùng đức tin vẫn kiên tâm chịu đựng, chấp nhận tất cả mọi nhục hình vì danh Đức Kitô.

Ngày 15-6-1862, quan án truyền lệnh cho ông Tường chà đạp Thánh Giá để giữ mạng sống, được tha về đoàn tụ với gia đình vợ con, nhưng ông một lòng trung kiên với Chúa. Các anh hùng đức tin: Nguyễn Mạnh Tương (em ông Tường), Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Đức Mạo, Nguyễn Huy Nguyên và Nguyễn Đức Nhi đã tìm được ơn bình an, tăng cường được nghị lực và can đảm lướt thắng mọi gian nan thử thách nhờ việc cùng giúp nhau sám hối, tự nguyện chay tịnh mỗi tuần ba ngày trong khát vọng chuẩn bị tinh thần đón nhận hồng ân tử đạo.

Ông Nguyễn Mạnh Tường chịu xử trảm ngày 16-6-1862 tại pháp trường Làng Cốc, dưới triều vua Tự Đức. Thi hài của ngài được rước về mai táng trong khuôn viên nhà thờ quê hương Ngọc Cục.

Chứng nhân đức tin Anrê Nguyễn Mạnh Tường được nâng lên hàng chân phước ngày 29-4-1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện
 
Hồng ân sự sống
 
Ngày lễ các thánh Anh Hài mời gọi chúng ta suy niệm về “hồng ân sự sống.” Chúa Giáng sinh làm người ban tặng mầm sống bất diệt cho con người. Tuy nhiên, con người lại coi thường hồng ân ấy và muốn cướp lấy quyền của Chúa trên sự sống của anh chị em đồng loại chỉ với một lý do thật đơn giản: họ muốn loại Chúa là Đức Vua hòa bình – Đức Vua tình yêu ra khỏi trần gian vì những lợi ích nhỏ nhoi của họ.

Lịch sử ghi lại, ngày ấy tiếng khóc của các trẻ thơ vô tội đã vang lên. Bởi vì, “vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống…”
[1] Lịch sử cũng đã ghi lại, ngày ấy (ngày 16/6/1862) năm giáo dân làng Ngọc Cục, thuộc Phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định đã bị án xử trảm. Lý do là vì các quan thi hành “Chiếu chỉ phân sáp” rất tích cực đến nỗi “Hòa ước Nhâm Tuất” cho tự do tôn giáo đã được ký được hơn một tuần, nhưng thực tế ở các địa phương các quan vẫn thi hành các án tử hình.[2] Năm vị thánh này là những vị tử đạo cuối cùng của thời bách hại.

Năm vị thánh tử đạo Việt Nam bị xử trảm trong cùng một ngày mà chúng ta chiêm ngắm hôm nay gồm:  Anrê Tường sinh năm 1812 và Vinh Sơn Tương sinh năm 1814 là hai anh em ruột. Đa Minh Mạo sinh năm 1818, Đa Minh Nhi sinh năm 1822 và Đa Minh Nguyên sinh năm 1800, cả ba người thuộc họ Phú Yên. Năm người này có số phận gắn bó với nhau một cách lạ lùng như một huyền nhiệm của ân sủng. Các ông đều đã lập gia đình và là những tín hữu nhiệt thành đạo đức, là những nông gia khá giả - tốt bụng, chuyên chăm thực thi bác ái bằng cách giúp đỡ mọi người trong vùng. Vì thế, các ông đã là những đối tượng đầu tiên được lưu ý khi “chiếu chỉ phân sáp” được áp dụng tại làng Ngọc Cục.

Tưởng cũng phải nói thêm về năm điểm của “chiếu chỉ phân sáp” đó là: -Phân tán những người Công giáo, không cho chung sống quy tụ với nhau. -Sáp nhập các gia đình Công giáo vào các làng lương dân. -Tịch thu hết tài sản, ruộng vườn của họ. -Lấy dùi sắt nung đỏ rồi khắc hai chữ tả đạo” trên má. -Rồi giao những người Kitô hữu này cho lương dân quản thúc. Đây là chiếu chỉ cấm đạo tàn ác nhất dưới triều vua Tự Đức.

Năm tín hữu tại làng Ngọc Cục bị bắt chung trong cùng một thời điểm nên đã bị giam cầm chung, cổ mang gông, chân tay bị xiềng xích, bị đánh đòn nhiều lần dã man, bị trói rồi đem phơi giữa mùa hè nắng nóng như thiêu,… Chưa hết, quân lính còn dùng dùi sắt nung đỏ khắc trên mặt chữ “tả đạo.” Dù rất đau đớn nhưng các ông đã khuyến khích nhau can đảm chịu đau khổ vì Chúa. Các ông đã cùng nhau cầu nguyện và đọc kinh chung, cùng nhau sám hối những lỗi lầm và tự nguyện hãm mình bằng chay tịnh mỗi tuần ba ngày để đón chờ hồng phúc tử đạo. Thiên Chúa đã đón nhận của lễ tuyệt vời của các ông như lễ dâng tinh khiết của các thánh Anh Hài hôm nay. Hôm đó là ngày 16/6/1862.

Mỗi Kitô hữu chúng ta, khi chiêm ngắm và đi vào mầu nhiệm của cuộc bách hại, chúng ta tìm được trong niềm hy vọng của mình sức mạnh để nâng đỡ niềm tin với niềm vui. Chúng ta nghiệm ra rằng: không có sự bách hại nào có thể tiêu diệt được hồng ân sự sống mà Thiên Chúa đã ban. Chúa Giêsu xuống trần đem ơn Cứu độ, đem sự sống vĩnh cửu cho con người; nhưng ơn cứu độ và sự sống ấy không phải chờ đợi cho đến ngày tận cùng của thế giới, mà là ngay hôm nay, trong từng ngày sống của mỗi chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, con không thể hiểu hết sự kỳ diệu của hồng ân sự sống trong mỗi cuộc đời và của mầu nhiệm Chúa sinh xuống làm người vì yêu. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết sống theo gương Chúa, quý trọng hồng ân sự sống của mình và của đồng loại, cho dù chúng con có gặp phải bách hại và khổ đau như các thánh tử đạo, vì chúng con tin rằng chúng con đang nắm giữ sự sống vĩnh hằng.

 
Bêlem – Chúa đã xuống đời,
Bao nhiêu trẻ nhỏ cùng thời Chúa sinh.
Chết thay cho Đấng Cứu Tinh
Dưới tay bạo chúa vô tình – ngu si

Theo Chúa nào có tội gì!
Sao đành sát hại chỉ vì mưu toan
Ước mong tín hữu bình an
Được tin yêu Chúa vẹn toàn ước mong.
Amen
 
[1] Mt 2,16.
[2] Lm Bùi Đức Sinh OP, “Các thánh tử đạo Việt Nam trong lịch sử Giáo hội Công giáo”, San Jose – California – USA. 2010.
114.864864865135.135135135250