02/03/2017 -

Sư phạm giáo dục

459
Ba loại cám dỗ trong lòng Hội Thánh

BA LOẠI CÁM DỖ TRONG LÒNG HỘI THÁNH


Trước khi bắt đầu cuộc đời Rao Giảng Tin Mừng, Đức Kitô đã được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đi vào Hoang Địa. Sau bốn mươi đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Ngài cảm thấy đói. Lợi dụng cơn đói đang hoành hành trong thân xác của Ngài, quỉ vương Xatan đã xuất hiện, mon men lại gần với ba chiêu bài (Mt 4, 1-11):

- Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy biến những viên đá sỏi nầy thành bánh mà ăn,

- Nếu Ông cần thuyết phục đoàn lũ quần chúng đông đảo đi theo và nghe lời Ông, hãy nhào lộn từ chóp đỉnh Đền Thờ…Mọi người lúc bấy giờ sẽ vỗ tay hoan hô, chúc tụng và ngưỡng mộ,
 

- Nếu Ông cần những phương tiện như vàng bạc, danh vọng và quyền lực, để mở mang bờ cõi và lấn chiếm các thuộc địa cho Nước Trời, hãy sụp lạy sát đất trước mặt tôi.

Từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người tín hữu, không trừ sót một ai, cũng đang ngày ngày được gọi mời đi lại con đường của Đức Kitô. Trong từng lời ăn, tiếng nói và hơi thở, phải chăng chúng ta cũng có thể can trường khẳng định như Thánh Phaolô:

- “Tôi sống, nhưng không phải là tôi. Chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 30),

- “Sống đối với tôi là Đức Kitô” (Pl 1, 21),

- “Tôi đang bổ túc những gì đang thiếu sót trong con người của Đức Kitô” (Cl 1, 24).

Một cách đặc biệt, giống như Ngài, chúng ta đang thực thi ba tác vụ “Vương đế, Ngôn sứ và Tư tế”, để nối dài và mở rộng sứ mệnh hay là công trình của Ngài, trong mọi hang cùng ngõ hẻm của nhân loại (Mt 28, 19): “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…”

Chính vì lý do này, ngày hôm nay, cũng như trải dài qua các thời đại, cùng với Hội Thánh, mỗi người trong chúng ta đang được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và hướng dẫn, để đi vào Hoang địa. Ở đó, giống như Đức Kitô, chúng ta sẽ bị quỉ vương Xatan cám dỗ, trong ba lãnh vực khác nhau:

THỨ NHẤT là những cám dỗ trong vai trò làm “Vương đế”.

Thay vì lắng nghe và thực hiện Lời Chúa: “Ai lớn nhất trong anh em, là người nhỏ nhất, Thầy đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ…”, phải chăng chúng ta đang ngày ngày đi lại lối mòn của Gioan và Giacôbê, muốn được “ngồi bên hữu và bên tả của Thầy, trên Nước Trời”?

Chúng ta đang bị cám dỗ “làm phép lạ hóa đá thành bánh”, để vinh thân phì gia hay là tiến cử bạn bè thiết cốt vào những vị trí quan trọng.


Thay vì sở hữu hóa thái độ của Đức Kitô: “Thầy không kết án ai cả”, chúng ta đang làm tất cả mọi điều trái ngược lại, là “thấy hạt bụi nho nhỏ trong con mắt của anh chị em hai bên cạnh, và không bao giờ nhận ra cái xà đang nằm chình inh giữa con mắt của bản thân mình”. Ngoài ra, khi người anh chị em có một vài lỗi lầm hoặc sơ sót, phản ứng tự động của chúng ta là phê phán, tố cáo, loại trừ, tẩy chay, cắt đứt mọi quan hệ…

Nói tóm lại, chúng ta nhập khẩu vào Nước Trời những thói tục “làm vương đế” của thế gian, của quỉ vương Xatan. Chúng ta đang tuyên xưng bằng mồm miệng Đức tin vào Đức Kitô, nhưng có bao giờ chúng ta can đảm soi bóng lòng mình vào tấm gương của đời Ngài, và hỏi Ngài: Con đang sử dụng đồng tiền của ai? Của các vì vua chúa trong thế gian, đang tranh giành nhau “ngồi trên ăn trước”, hay là của Đức Kitô đang bị đóng đinh và hấp hối trên Thánh Giá?

THỨ HAI là những cám dỗ, đang đe dọa vai trò làm “Ngôn Sứ”của chúng ta.

Trong lòng Hội Thánh, làm Ngôn sứ có nghĩa là gì, nếu không phải là đi lại con đường của Thánh Gioang Tiền Hô: “Ngài phải lớn lên, còn tôi càng ngày càng trở nên bé nhỏ”. Một cách cụ thể, làm Ngôn sứ là trùng tuyên Lời Chúa khắp mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, trước mặt mọi người, xuyên qua tất cả bốn lãnh vực sinh hoạt là hành động và tư duy, xúc động và quan hệ trao đổi qua lại.

Nếu cần, người Ngôn sứ luôn luôn sẵn sàng đưa tay cho địch thù trói lại và dẫn độ vào ngục tù tăm tối hay là bị đày ải đến tận những nơi rừng thiêng nước độc, như các Tiên tri Êlya, Giêrêmia, Đanien…

Ai làm Ngôn Sứ cho Tin Mừng Thứ Tha của Thiên Chúa Ngôi Cha, cho bằng Đức Kitô trên Thánh Giá: “Xin Cha tha cho họ, vì họ lầm, chẳng biết…”. Cũng vì đảm nhiệm vai trò làm Ngôn sứ, Thánh Gioang Tẩy giả đã bị mất đầu, khi lên tiếng vạch trần những hành vi lượn lẹo, thiếu cương thường đạo lý của vua Hêrođê.

Thay vì làm xướng ngôn viên cho Lời Chúa, trong những hoàn cảnh có lợi, cũng như bất lợi, chúng ta đua đòi những trò chơi ảo thuật như: “vinh thăng và háo thắng, chiêng trống rùm beng, áo quần lòe lẹt, chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13, 1). Trong mỗi đường đi nước bước, Quỉ vương Satan luôn luôn rình rập, khuyến khích mỗi người trong chúng ta thao tác những trò chơi ảo thuật, là nhào lộn từ đỉnh cao của Đền Thờ, để mọi người xa gần vỗ tay hoan hô, ngợi khen, chúc tụng, với những văn thư khen thưởng thuộc nhiều cấp bậc chính quyền lớn bé khác nhau.

THỨ BA là những cám dỗ đang ngày ngày tấn công vai trò làm tư tế của Hội Thánh và của mỗi đồ đệ đi theo Đức Kitô.

Phải chăng tất cả chúng ta chỉ là những cánh tay tiếp tục và nối dài sứ mệnh làm tư tế của Đức Kitô? Ở trên Bàn Thờ Thánh Giá, Ngài vừa là Người Dâng Lễ, vừa là Của Lễ Toàn Thiêu, trước mặt của Thiên Chúa Ngôi Cha. Ngài đang câu bàu Hồng Ân Thứ Tha cho toàn thể anh chị em của mình, trong lòng nhận loại. Vàng bạc, hương đèn, trâu bò, gà vịt và bao nhiêu ngôi đền nguy nga tráng lệ, làm bằng gạch đá hay là xi măng cốt sắt… có nghĩa là gì, trước Mình và Máu của Con Chiên Thiên Chúa?

Bao lâu tâm hồn chúng ta chưa phải là Cung Đền ngự trị của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta đang sụp lạy, trước con bò vàng, do chúng ta làm nên, với bao nhiêu đặc ân, đặc huệ, do quỉ vương Xatan ban phát.

Nói một cách vắn gọn, bao lâu chúng ta chưa ngày ngày chết và sống lại với Đức Kitô, những công trình hào nhoáng, lòe loẹt bên ngoài, do chúng ta xây dựng lên, với mồ hôi và xương máu của anh chị em đồng hương và đồng loại, chúng ta chỉ là những tên lý hình đang quất roi sắt vào lưng của Đức Kitô, trên những chặng đường vác Thánh Giá, leo lên ngọn đồi Gôngôtha.

***

Nhận diện ba loại cám dỗ trên đây đang ngày ngày rình rập và đe dọa Hội Thánh, cũng như mỗi người trong chúng ta, vẫn còn chưa đủ. Chúng ta còn phải đối diện vấn đề, một cách hiên ngang và can trường, trong cuộc sống Đức Tin hằng ngày của chúng ta.


Đối diện có nghĩa là lắng nghe và thực hiện Lời Chúa. Phải chăng đó là cách làm của Đức Kitô, mỗi lần phải đương đầu với quỉ vương Xatan, trong Hoang địa ( Mt 4, 1-11) ?


Lời thứ nhất: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ Lời miệng Thiên Chúa phán ra”.


Lời thứ hai: “Người chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.


Lời thứ ba: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của người, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.


Phải chăng ngày hôm nay, trong thời đại Nghìn Năm Thứ Ba, Lời Chúa vẫn còn là khuôn vàng thước ngọc, cho Hội Thánh và cho mỗi một người tín hữu trong chúng ta?


Nguyễn Văn Thành

114.864864865135.135135135250