13/03/2020 -

Sư phạm giáo dục

881
Đừng

Cao Nguyên bắt đầu bước vào mùa mưa. Không biết từ lúc nào, tôi lại có thói quen thích ngồi ngắm mưa đến thế, và cũng không biết tự lúc nào mỗi lần mưa tôi lại muốn thả hồn qua khung cửa sổ bên ly trà nóng và cuốn sách mình yêu thích để vừa có thể ngắm mưa, vừa có thể suy tư những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Cầm cuốn sách “Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can” của tác giả Đặng Hoàng Giang trên tay, nhìn những hạt mưa bay trắng xóa trên đỉnh núi cao tới bám vào bức tường nhà nguyện của Tu viện, tôi lại suy nghĩ về cuộc đời, về bản thân và những sự kiện nóng hổi đang diễn ra trong xã hội. 

Trong khi cả thế giới vẫn đang gồng mình đối phó với dịch bệnh, thì tại Việt Nam những ngày vừa qua xuất hiện một “hiện tượng Covid mới” mà dân mạng gọi với cái tên rất “hot”: “Nhung Covid”  hay “Cô gái vàng trong làng lây nhiễm” để nói về cô gái mang tên NHN 26 tuổi, được xác định là ca dương tính thứ 17 của Covid-19 và đã trở thành bệnh nhân “siêu lây nhiễm” khi Việt Nam ghi nhận thêm nhiều ca mắc Covid-19 đều liên quan đến cô.

Tìm trong Google những tiêu đề này trong thời gian 0,36 giây, chúng ta có kết quả là 273.000.000 bài viết có liên quan mà chủ yếu là các status chửi rủa và hàng loạt các comment miệt thị. Điều này cho thấy sự “bức xúc và phẫn nộ” của xã hội dành cho cô gái này là “không hề nhẹ”, và đương nhiên nó cũng đang quẩn quanh trong dòng suy nghĩ của tôi. Chắc mọi người cũng như tôi đặt ra nhiều vấn nạn: “Tại sao người ta lại dành những lời miệt thị, chửi rủa, mỉa mai đầy cay độc với cô gái, trong khi còn nhiều cái cần thiết hơn phải làm cho nhau trong cơn gian nan khốn khó này? Tại sao chúng ta lại dành hết mọi sự ưu tiên cho những tin tiêu cực và cuốn hút vào nó, thay vì hướng tới những điều tốt đẹp hơn, tích cực hơn và có ích hơn cho bản thân và cộng đồng? Sao chúng ta không nghĩ về trách nhiệm với cộng đồng thay vì “té nước theo mưa”?

Chưa bao giờ tôi ngắm nhìn mưa rơi một cách đầy tâm trạng như vậy. Mưa càng lớn càng khiến tôi rối bời hơn với những câu hỏi trên. Cái lạnh của chiều mưa Cao nguyên làm tôi chợt nhớ đến bài viết “ Bức xúc không làm ta vô can” của tác giả Đặng Hoàng Giang mà tôi đã đọc trước đó. Ông cho rằng: “ Hội chứng bức xúc mới nghe tưởng chừng vô lý, nhưng nó có những lý do tâm lý đằng sau. Vì khi ta lên tiến phê bình, trách móc, miệt thị ai là chúng ta chứng tỏ cho người khác thấy là ta ưu việt hơn họ về mặt đạo đức, và tự hài lòng vì thấy mình tốt đẹp hơn. Một điểm quan trọng nữa là khi bức xúc, chúng ta phát ra tín hiệu là chúng ta vô can, vô tội, không liên quan, không chịu trách nhiệm…

Có lẽ đây là câu trả lời cho những vấn nạn tôi và những người khác đang thắc mắc về sự tồn tại của đại dịch COVID-19. Với cá nhân tôi, cô gái đó dĩ nhiên là có lỗi vì ý thức kém, ích kỷ, thiếu trách nhiệm trước bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Tôi không bênh vực nhưng cũng sẽ không “té nước theo mưa” vào hùa để chửi rủa cô gái này. Điều tôi muốn nói, đây là dịp để chúng ta hãy suy nghĩ nghiêm túc về ý thức cộng đồng và tinh thần trách nhiệm của chúng ta, hầu có cách sống văn minh hơn, ứng xứ nhân bản hơn và hành động tình người hơn.

Chúng ta không vô can, cuộc sống chúng ta đang sống liên lụy đến rất nhiều người. 
Hãy nghĩ tới những người làm công tác phòng chống dịch, hiện tại đang phải tìm cách xác định, khoanh vùng, tiếp cận, cách ly những người đã tiếp xúc với cô gái nhiễm COVID-19 kia. Đó là một công việc không hề dễ dàng, nó tiêu tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian, và cả sự nguy hiểm đến tính mạng. Hãy nghĩ tới những người lao động nghèo đang sống trong những khu nhà trọ, cuộc sống của họ đã bị xáo trộn như thế nào từ khi dịch bệnh bùng phát. Hãy nghĩ tới đội ngũ y bác sĩ đã phải lao khổ như thế nào trong việc nghiên cứu những phác đồ chữa trị cho những người nhiễm bệnh. Hãy nghị đến hàng ngàn công nhân sẽ mất việc hoặc cho nghỉ việc kéo dài không có lương để trang trải cho cuộc sống nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.Và cũng đừng quên những gia đình đang phải phân tán vì có những thành viên đang phải cách ly…Hãy nghĩ tới họ để làm những việc có ích hơn thay vì lăn xả vào những conment đầy sự phẫn nộ, hoặc gật đầu tán thành trước những lời mỉa mai, cay nghiệt.

Hãy chia sẻ cho nhau những hình ảnh đẹp, những câu chuyện vui, những tấm gương hy sinh, quả cảm trong việc phòng chống dịch bệnh để chúng ta có thêm nghị lực, thêm niềm tin, thêm sự kiên vững giữa sóng gió của cơn bạo bệnh, thay vì chia sẻ những đường link cập nhật về những thông tin gây hoang mang cho cộng đồng hoặc lên tiếng tức giận để chứng tỏ mình là người quan tâm và hiểu biết nhưng không làm gì để đóng góp vào sự an toàn của xã hội thời dịch bệnh.

Đừng để xã hội dạy ta cách sống, hãy để lương tâm dạy ta biết phải sống thế nào. Đừng để phương tiện truyền thông hướng dẫn chúng ta phải làm những gì, nhưng hãy để trái tim mình truyền thông niềm tin và tình yêu đến mọi người.

Hãy để tình yêu, công lý, sự hy sinh, quan tâm, công bằng được thể hiện trong từng lời nói, tư tưởng và việc làm của bản thân, đó cũng là cách chúng ta giúp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trong việc chống dịch. Như vậy, nếu nói về ý thức xã hội, chúng đang làm tốt trách nhiệm của một công dân. Nếu nói về đức tin và tâm linh, chúng ta đang sống “mầu nhiệm cánh chung” trong tỉnh thức và sẵn sàng. Bởi đó là điều Chúa  muốn chúng ta thực hành để được ơn cứu độ của Ngài.

 
Maria Ng Thắm



 
114.864864865135.135135135250