21/05/2017 -

Sư phạm giáo dục

1856
Thói quen

THÓI QUEN

Huyền Trang

Cuộc sống là chuỗi những thói quen, đó là những việc làm thường xuyên, lặp đi lặp lại. Thói quen không chỉ thể hiện nếp sống mà còn thể hiện tính cách, đạo đức của con người. Tùy theo thói quen mà nó có thể giúp bạn nên người hoặc là hủy hoại bạn. Thói quen được hình thành từ sự tự ý thức của con người. Thói quen tốt, có chiều sâu nhân bản sẽ góp phần rèn luyện tính cách của bạn như nề nếp, gọn gàng, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát… Thói quen đẹp thì dễ phát triển, thói quen xấu lâu ngày thành tật, rất khó sửa chữa.

Có một câu chuyện nói về một chàng nông dân nghèo yêu một cô gái xinh đẹp. Vì muốn cho cô ấy có một cuộc sống hạnh phúc nên chàng trai này đi học nghề mua bán đồ sứ cổ. Sau hai năm thì anh chàng cũng học xong nhưng chưa có vốn làm ăn. Nghe người ta nói bên khu khai thác phía Tây người ta đào lên được nhiều thứ nên anh ta đến đó và chủ động xin đào đất mà không nhận tiền công. Ông chủ vui vẻ nhận lời. Hai tháng trôi qua, anh ta chưa tìm được bất cứ việc gì, nhưng nghĩ đến người anh yêu nên anh ta cố gắng hì hục đào để tìm được một thứ gì đó. Ngày tháng trôi qua chàng trai ngày càng khỏe mạnh nên tốc độ đào đất cũng nhanh hơn trước rất nhiều. Rồi một ngày ông chủ đưa đến cho anh một mảnh sứ đã vỡ và hỏi anh đào được từ bao giờ. Nhưng anh không biết rằng chính mình đã đào được nó. Anh đã tập trung đào đất và quên mục đích ban đầu của mình là tìm một món đồ cổ. Mảnh vỡ ông chủ đem đến đó là một phần của chiếc lò sứ thời nhà Tống. Ông chủ lấy các miếng còn lại và xếp chúng lại với nhau. Chàng trai đứng bên cạnh nhìn và tiếc mãi…

Thói quen là gì? Nó là quá trình lặp lại một cách máy móc. Nhà giáo dục người Anh Locke từng nói: “Sau khi thói quen hình thành, nó sẽ tự hoạt động mà không cần phải nhờ đến sự trợ giúp của trí nhớ. Sự thật đúng như vậy. Như chàng trai đó, mỗi ngày đều chăm chỉ làm việc vì muốn tìm được những đồ sứ cổ nhưng đến lúc tìm thấy anh lại bỏ qua nó. Nguyên nhân không phải vì anh không thích những món đồ đó mà chính vì đào đất đã trở thành thói quen khiến anh không nhận ra mình đã đào lên thứ gì”. (Trích sách Đạo lý sống đẹp, tr.55)

Đối với đời sống tu trì, cũng một khung giờ như thường lệ: Thức dậy, đi lễ, ăn sáng, làm việc… các hoạt động ngày nào cũng vậy, diễn ra đều đặn. Bạn có thường xuyên thực hiện được các hoạt động ấy đúng giờ không? Hay cứ quá giờ một tý cũng đâu có sao. Ví như bạn biết đến giờ đấy phải thức dậy để chúc tụng Chúa sau đó xuống tập thể dục, tại sao bạn vẫn còn ráng ngủ thêm vài phút nữa và bỏ tập thể dục? Biết giờ đó phải đi làm việc chung cớ sao bạn lại chậm chạp để cố gắng nói thêm vài câu chuyện hay làm thêm chút việc riêng?. . Có khi nào bạn đang tự tạo cho mình những thói quen xấu mà bạn lại không biết điều đó đang diễn ra. Những thói quen tưởng chừng như vô hại đó sẽ dần tạo nên tính cách của bạn, một con người lề mề, chậm chạp, lười nhác, không có tinh thần tập thể, ích kỉ… Mục đích ban đầu bạn làm tất cả các công việc ấy chỉ vì yêu mến Chúa và tha nhân, nhưng những thói quen đã khiến mục đích ấy bị lu mờ.

Bạn đã từng nghĩ bạn tham dự thánh lễ hay rước lễ hằng ngày như một thói quen không? Bạn đến với bí tích hòa giải như một công thức? Bạn lặp lại các lời kinh nguyện, những chuỗi mân côi một cách vô thức? Mỗi ngày đều lặp lại những gì của ngày hôm qua. Rồi một ngày trôi qua và ngày hôm sau bạn lại thực hiện những công việc ấy cũng theo quy trình cũ. Nếu bạn đang làm những việc đó như vậy thì sẽ có lúc bạn chợt nhận ra rằng mình chẳng khác gì một cái máy. Chỉ cần một thao tác nhấn nút AUTO là tự nó hoạt động với chương trình đã được cài đặt sẵn. Bạn lười nhác và chẳng thèm động não tới một vấn đề gì nữa. Trong mọi hoạt động thường ngày bạn cảm thấy chẳng có gì mới mẻ nữa.

Thời gian thì cứ âm thầm, lặng lẽ trôi vun vút, chớp mắt có khi đã quá nửa đời người mà bạn chẳng mảy may để ý. Chắc tại vì những thói quen kia đã góp phần giúp bạn quên mất rằng thời gian không chờ đợi một ai. Lúc đó muốn hối tiếc về tuổi trẻ ngủ quên thì cũng đã quá muộn màng.

Thế nên điều bạn cần làm bây giờ là hãy tự tạo cho mình những thói quen tốt như đúng giờ, nhanh nhẹn, biết tươi cười trong mọi chuyện… bạn cũng có thể đọc sách để lấy thêm chất liệu cho đời sống của mình; tìm hiểu thêm các bí tích, những lời kinh, các phần của thánh lễ vì chúng luôn luôn mang một ý nghĩa sâu xa nào đó mà bạn chưa biết. Như Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận có nói trong Đường Hi Vọng : “Mỗi ngày ‘Phúc Âm hóa’ lại trí óc và quả tim con, bằng cách đọc, suy ngắm, say sưa uống lấy lời hằng sống, để từ từ Phúc Âm thấm nhuần sâu xa vào mỗi tế bào, mỗi thớ thịt của con, đó là canh tân, cách mạng chắc chắn nhất”. Ngày nào bạn cũng khám phá một điều gì đó mới mẻ bằng cách tìm tòi, nghiên cứu thì có lẽ bạn sẽ có những thói quen tốt với một tinh thần ý thức cao.           

Bạn nên hình thành cho mình những thói quen, lối sống tốt để có thể tạo nên trong con người mình những tính cách đẹp, đáng quý. Phải cố gắng hoàn thiện bản thân mình như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

Và bất cứ lúc nào bạn cũng hoàn toàn có thể thay đổi một thói quen xấu bằng một thói quen khác tốt hơn nếu bạn muốn.

114.864864865135.135135135250